Bản tin thời sự sáng 23/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn bán đấu giá gần 5 triệu tấn carbon; cả nước có 10 trường hợp trên 50% phiếu tín nhiệm thấp; chốt lịch thi tốt nghiệp THPT 2024; thêm khu công nghiệp 1.000 ha vào quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn bán đấu giá gần 5 triệu tấn carbon

Trong số 5,9 triệu tấn carbon giảm phát thải còn dư, Bộ Nông nghiệp muốn chuyển nhượng 1 triệu tấn cho Ngân hàng Thế giới, số còn lại đấu giá thông qua sàn giao dịch quốc tế.

Quảng Bình có diện tích che phủ rừng lên tới 68%

Quảng Bình có diện tích che phủ rừng lên tới 68%

Thông tin trên vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ và đề̀ xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư giai đoạn 2018 - 2019.

Cụ thể, tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) có thư gửi Bộ xác nhận kết quả giảm phát thải tạo ra từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn carbon (CO2). Kết quả này đã đủ để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo thoả thuận ký trước đó. Mỗi tấn CO2 có giá chuyển nhượng 5 USD, số tiền thu về tương đương 1.250 tỷ đồng.

Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 này, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 giai đoạn 2018 - 2019. Bộ đề xuất chuyển thêm 1 triệu tấn CO2 cho WB. Số còn lại, Bộ muốn Thủ tướng đề xuất WB giới thiệu đối tác tiềm năng mua theo phương thức đã thực hiện tại ERPA, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Bởi thời điểm này, Việt Nam khó tìm đối tác để trao đổi thương mại khi mảng này còn khá mới.

Nếu được chấp thuận thí điểm đấu giá, Thủ tướng cần giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan xây dựng phương án.

Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện của thế́ giới dao động từ 2 - 4 USD/tấn, trong đó mức giá carbon của lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất năm 2021 đạt 3,07 USD/tấn. Theo trang carboncredits.com cập nhật, mức giá carbon của hệ sinh thái tự nhiên ngày 5/3 đạt 1,57 USD/tấn.

Liên quan đến việc bán tín chỉ carbon, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh từ WB do hạn chế được mất rừng, suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc WB với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Cả nước có 10 trường hợp trên 50% phiếu tín nhiệm thấp

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp ở 63 tỉnh, thành đã lấy phiếu tín nhiệm hơn 13.000 cán bộ, trong đó, 10 người có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp.

Ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Báo cáo tổng kết tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ở cấp tỉnh có 1.700 người được lấy phiếu tín nhiệm.

Trong đó, 1.546/1.700 trường hợp có trên 50% phiếu "tín nhiệm cao", chiếm 90,94%. Chỉ có 1 trường hợp từ 50% đến dưới 2/3 phiếu "tín nhiệm thấp". Đó là ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Vào đợt lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cuối năm 2023, ông Thành nhận 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp, nhiều nhất trong số 28 chức danh được lấy phiếu. Ngày 7/3, ông Thành bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ trong vụ án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn.

Ở HĐND cấp huyện, hơn 12.000 người được lấy phiếu tín nhiệm. Người có trên 50% phiếu "tín nhiệm cao" đạt 91,19%. Có 8 trường hợp trên 50% "tín nhiệm thấp" tại các tỉnh, thành: Bình Phước, Hậu Giang, Nghệ An, Hải Phòng, Hòa Bình, Kiên Giang. Một trường hợp có trên 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" tại tỉnh Quảng Nam.

Thường vụ Quốc hội cho biết, trường hợp tại Bình Phước đã xin từ chức và được chấp thuận. Trường hợp tại Hậu Giang, HĐND cấp huyện đã họp bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ. Tại Nghệ An, hai trường hợp cũng được HĐND cấp huyện tổ chức kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm và đã miễn nhiệm cả hai. Tại Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy có quyết định bố trí, luân chuyển công tác với cán bộ này.

Tại Hòa Bình, HĐND đã tổ chức họp bỏ phiếu tín nhiệm nhưng kết quả không quá 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" nên cán bộ này vẫn được giữ nguyên chức vụ.

Hiện tại còn hai trường hợp tại tỉnh Kiên Giang và một trường hợp tại tỉnh Quảng Nam, các cơ quan đang tiến hành thủ tục để sớm trình HĐND xem xét, quyết định.

Theo Nghị quyết số 96/2023 của Quốc hội, cán bộ có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp phải xin từ chức. Nếu cán bộ không xin từ chức thì thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm (với hai mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm). Người được bỏ phiếu tín nhiệm nhận được hơn 50% đánh giá "không tín nhiệm" thì sẽ bị xem xét miễn nhiệm.

Chốt lịch thi tốt nghiệp THPT 2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra vào ngày 27 - 28/6, công bố điểm thi vào ngày 17/7, sớm hơn năm ngoái một ngày.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Hà Nội

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Hà Nội

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo đó, học sinh lớp 12 đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5. Thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 26/6, làm bài thi Toán và Ngữ văn ngày 27/6. Ngày 28/6, thí sinh thi Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên). Dự kiến khoảng 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi này.

Bộ sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ 8h sáng ngày 17/7. Nếu có thắc mắc về kết quả, thí sinh có 10 ngày để làm đơn phúc khảo. Thời gian xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh chậm nhất là ngày 19/7.

Trước đó, tại Hội nghị tuyển sinh hôm 15/3, Bộ cho biết có hai phương án về lịch thi tốt nghiệp THPT, vào ngày 21 - 22/6 hoặc 27 - 28/6. Với lịch thi như trên, dự kiến lịch xét tuyển đại học tương tự năm ngoái.

Năm 2023, khoảng 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 98,88%, cao nhất kể từ năm 2015. Ngoài ra, hơn 546.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, đạt tỷ lệ hơn 53%, tăng gần 2% so với năm 2022.

Thêm khu công nghiệp 1.000 ha vào quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai

Sau khi được điều chỉnh, Khu Kim Thành - Bản Vược - Cốc Mỳ - Trịnh Tường sẽ là hạt nhân phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

UBND tỉnh Lào Cai bổ sung Khu công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường vào quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Lào Cai bổ sung Khu công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường vào quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Lào Cai đang tổ chức lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2045 theo hướng bổ sung thêm Khu công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường với diện tích 1.000 ha.

Nội dung đồ án quy hoạch hiện đã được HĐND tỉnh Lào Cai thông qua tại Nghị quyết số 53 ngày 8/12/2023 và dự kiến hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024.

Sau khi được điều chỉnh, khu Kim Thành - Bản Vược - Cốc Mỳ - Trịnh Tường sẽ là hạt nhân phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu. Đây cũng là cơ sở kêu gọi, thu hút các dự án hạ tầng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng như quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự trong khu vực.

Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1627 ngày 23/11/2018 với tổng diện tích 15.929,8 ha, thuộc địa giới hành chính của TP. Lào Cai và 4 huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai.

Khu kinh tế cửa khẩu hiện có 21 khu chức năng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 2.132 ha. Trong đó, khu Kim Thành - Bản Vược thuộc khu vực trọng tâm phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu, tổng diện tích 2.500 ha, kéo dài từ khu cửa khẩu Kim Thành đến khu cửa khẩu phụ Bản Vược (chiều dài khoảng 12 km).

Trong khu Kim Thành - Bản Vược có 6 khu chức năng chính đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, gồm: khu cửa khẩu Kim Thành 194 ha; khu logistics 332 ha; khu sân golf - vui chơi giải trí huyện Bát Xát 308,8 ha; khu cửa khẩu phụ Bản Vược (343 ha); khu công nghiệp gia công chế biến và xuất - nhập khẩu hàng hóa 228 ha; khu tổ hợp công viên, cảnh quan, văn hóa, tâm linh 66,8 ha…

Dự án nhà ở xã hội 450 tỷ đồng tại Thanh Hóa bị bỏ hoang

Ba khối nhà cao 15 tầng dự kiến đáp ứng chỗ ở cho hơn 900 hộ gia đình thu nhập thấp, song hiện mới chỉ xây dựng 1 khối nhà, phần diện tích còn lại bị bỏ hoang thành nơi chăn thả trâu bò.

Dự án nhà ở xã hội Quảng Thành, TP. Thanh Hóa

Dự án nhà ở xã hội Quảng Thành, TP. Thanh Hóa

Tháng 3/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư xây dựng cụm nhà ở sinh viên ở phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa. Dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, gồm 3 khối nhà 15 tầng, có thể tiếp nhận khoảng 4.000 sinh viên, người lao động. Ban đầu, Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 480 tỷ đồng, 2 tháng sau, tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh lên 590 tỷ đồng.

Công trình do Sở Xây dựng Thanh Hóa làm Chủ đầu tư, thời gian thực hiện không quá 5 năm. Dự kiến đến năm 2015, khu nhà sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 60% sinh viên trên địa bàn TP. Thanh Hóa.

Tuy nhiên, 2 năm sau khởi công, nhà thầu dừng thi công với lý do hết vốn. Chỉ có 1 khu nhà được đổ bê tông, khung dầm đến tầng 9, còn lại để cỏ dại, lau sậy mọc um tùm. Một số hộ dân địa phương thấy khu đất bỏ hoang nên tận dụng làm nơi chăn nuôi...

Đến năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chuyển đổi Dự án thành nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Hợp Lực. Sau điều chỉnh, Dự án gồm 960 căn hộ, trong đó 900 căn là nhà ở xã hội và 60 căn nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ. Tổng mức đầu tư giảm còn hơn 450 tỷ đồng.

Nhà đầu tư mới sau đó tiếp tục thi công công trình nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn thì tạm dừng.

Ngày 22/3, đại diện Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết, Dự án chậm triển khai do công tác giải phóng mặt bằng chưa xác định chính xác ranh giới, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, do bên trong mặt bằng có đường điện cao thế chưa di chuyển khiến Dự án bị chậm hồ sơ, thủ tục thẩm định để bàn giao đất...

Sở Xây dựng Thanh Hóa đang phối hợp với các sở, ngành liên quan đốc thúc Chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục, khẩn trương thi công trở lại.

Đồng bằng sông Cửu Long còn 4 đợt xâm nhập mặn

Hai tháng tới, Đồng bằng sông Cửu Long còn đối diện với 4 đợt xâm nhập mặn, nồng độ mặn 4 phần nghìn có thể lấn sâu vào cửa sông Vàm Cỏ tới 80 - 95 km.

Cánh đồng lúa ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng không có nước do sông ngòi bị nhiễm mặn năm 2020

Cánh đồng lúa ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng không có nước do sông ngòi bị nhiễm mặn năm 2020

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến hết mùa mặn 2024, Đồng bằng sông Cửu Long còn chịu ảnh hưởng của 4 đợt mặn vào các ngày: 23 - 28/3, 8 - 14/4, 23 - 28/4 và 6 - 12/5.

Trong đó, đợt xâm nhập mặn cao nhất sẽ diễn vào ngày 8 - 14/4, nồng độ mặn 4 phần nghìn lấn sâu cửa sông Vàm Cỏ 80 - 95 km, sông Cửu Long 50 - 65 km, sông Cái Lớn 45 - 55 km. Nước sông nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm nghìn hộ dân.

Do tác động của El Nino và biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua mùa khô khốc liệt, từ nửa cuối tháng 12/2023 đến nay gần như không có mưa. Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết, tổng lượng mưa ở tất cả các trạm đo đều thấp hơn trung bình nhiều năm.

Từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn bắt đầu xâm nhập vào các sông. Đợt sâu nhất là ngày 8 - 13/3 với ranh mặn 4 phần nghìn vào sâu đất liền 40 - 66 km. Mức độ xâm nhập mặn ở Bến Tre, Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang, Cà Mau xấp xỉ năm 2016 - năm hạn mặn lịch sử, 100 năm mới có một lần.

Tỉnh Bến Tre đã đề xuất dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh miền Tây để khắc phục tình trạng thiếu nước mùa hạn mặn. Tỉnh Cà Mau đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về thông qua hệ thống thủy lợi để hạn chế khô hạn, sụt lún, thiếu nước.

Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trên 13 tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Năm 2020, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Nâng cao năng lực thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị và Hữu Nghị Quan

Từ ngày 14/3 mở lại hầm Tả Phủ Sơn (Trung Quốc) để cho phương tiện không có hàng của hai bên di chuyển qua khu vực mốc 1116 - 1117 trở về nước nhằm giảm tải cho đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa.

Năng lực thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) được duy trì, nâng cao

Năng lực thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) được duy trì, nâng cao

Ngày 22/3, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, bằng việc chủ động trao đổi, hội đàm, thống nhất với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) của lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn về thực hiện các biện pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu, gỡ vướng mắc phát sinh…, đến nay, năng lực thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) được duy trì, nâng cao.

Cụ thể, hai bên đã thống nhất từ ngày 14/3 mở lại hầm Tả Phủ Sơn (Trung Quốc) để cho phương tiện không có hàng của hai bên di chuyển qua khu vực mốc 1116 - 1117 trở về nước nhằm giảm tải cho đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa. Còn tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120, các phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu được di chuyển. Hai bên thống nhất kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục xuất nhập khẩu đến 20 giờ hàng ngày để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao thương của doanh nghiệp.

Sau khi thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, mỗi ngày tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan thông quan thêm khoảng 150 phương tiện chở hàng nhập khẩu so với trước đây. Từ ngày 15 - 21/3, có trên 825 xe có hàng và 4.212 xe không hàng từ nội địa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; lượng xe đã xuất khẩu đạt 832 xe. Số xe bên phía Trung Quốc nhập cảnh là 3.872 xe có hàng, 15 xe không hàng (số lượng xe đã nhập khẩu tăng 16% so với 7 ngày trước đó). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt gần 40 triệu USD.

Tạm hoãn xuất cảnh 5 giám đốc doanh nghiệp ở Nghệ An

Do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, 5 giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn vừa bị Cục Thuế tỉnh Nghệ An đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.

5 giám đốc doanh nghiệp tại Nghệ An bị tạm hoãn xuất cảnh đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế

5 giám đốc doanh nghiệp tại Nghệ An bị tạm hoãn xuất cảnh đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế

Ngày 22/3, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc "tạm hoãn xuất cảnh" đối với nhiều giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, các cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: ông Nguyễn A.B, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ địa ốc Vân Hưng Phát, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu; ông Trần V.P. Giám đốc Công ty TNHH Hỏa Phong, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn; ông Lê V.Đ. Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bất động sản LT, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu.

Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết, các cá nhân nêu trên bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Thời gian tạm hoãn xuất cảnh đối với 3 giám đốc kể từ ngày 20/3 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

Trước đó, ngày 19/3, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn C.D, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Quỳnh, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai và bà Nguyễn T.Q.L, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vinh Hưng, phường Bến Thủy, TP. Vinh, cũng vì lý do doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tin cùng chuyên mục