Bản tin thời sự sáng 23/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 23/9, ngày thứ 21 Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng; ba phương án xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; TP.HCM lấy ý kiến cử tri việc sáp nhập quận, phường; hơn 48 tỷ đồng xử lý bãi rác Cam Ly…

Sáng 23/9, ngày thứ 21 Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng

Sáng ngày 23/9, Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới Covid-19. Đến nay cũng đã 21 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng và đã chữa khỏi 980 bệnh nhân.

Sáng 23/9, ngày thứ 21 Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng

Sáng 23/9, ngày thứ 21 Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng

Tính đến 6h ngày 23/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 22/9 đến 6h ngày 23/9 không có ca mắc mới.

Đây là ngày thứ 21 liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam vẫn ghi nhận 1.068 trường hợp mắc Covid-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 20.872 người. Trong đó, 355 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 12.932 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 7.585 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 980 bệnh nhân Covid-19/1.068 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 11 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 12 ca. Đến nay Việt Nam số ca tử vong là 35 ca.

Ba phương án xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Ba phương án xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025, lần lượt có chiều dài 141, 138, 125 km với vốn đầu tư 46.200, 61.000 và 57.000 tỷ đồng.

Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đường đỏ)

Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đường đỏ)

Bộ Giao thông Vận tải vừa họp với đơn vị tư vấn, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cùng lãnh đạo các tỉnh thành Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) đưa ra ba phương án về hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Cụ thể, phương án một, sau khi đấu nối vào cầu Cần Thơ 2, qua quận Cái Răng (TP. Cần Thơ), cao tốc sẽ vào tỉnh Hậu Giạng tận dụng toàn bộ tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu, tổng chiều dài khoảng 141 km, làm một chiều từ Cần Thơ - Cà Mau; chiều ngược lại sẽ xây dựng mới song song.

Tuyến cao tốc theo phương án một có 13 nút giao, tổng mức đầu tư khoảng 46.200 tỷ đồng.

Phương án hai, cao tốc sẽ xây mới hoàn toàn. Sau khi đấu nối đoạn qua TP. Cần Thơ 2 như phương án một, cao tốc sẽ đi song song tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tổng chiều dài toàn tuyến 138 km, giải phóng mặt bằng 900 ha, tổng mức đầu tư lớn nhất với 61.000 tỉ đồng.

Phương án ba, sau khi kết nối với tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng như phương án một, cao tốc đi song song với Quốc lộ 61C (cách khoảng 10 km) đến nút giao với Quốc lộ 61B (vào thành phố Vị Thanh), đi thẳng qua Bạc Liêu, tới điểm cuối tại nút giao với đường vành đai 3, TP. Cà Mau. Tuyến này dài 125 km, có 11 nút giao, giải phóng mặt bằng 800 ha, tổng mức đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng.

TP.HCM lấy ý kiến cử tri việc sáp nhập quận, phường

Cử tri ba Quận 2, 9, Thủ Đức và 19 phường thuộc Quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận được lấy ý kiến về sáp nhập các đơn vị hành chính nơi mình cư trú.

Quận 2 với trung tâm là Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là một phần của thành phố Thủ Đức, theo kế hoạch của TP.HCM

Quận 2 với trung tâm là Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là một phần của thành phố Thủ Đức, theo kế hoạch của TP.HCM

Theo kế hoạch do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong vừa ký, chính quyền địa phương phát phiếu lấy ý kiến phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đến từng gia đình. Thời gian lấy ý kiến vào ngày 3/10, từ 7h đến 19h.

Phiếu lấy ý kiến gồm 2 nội dung: đồng ý và không đồng ý với phương án sắp xếp; tại 3 Quận 2, 9 và Thủ Đức có thêm nội dung lấy ý kiến tên đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức.

Các phường sẽ họp HĐND ngày 9/10; một ngày sau, HĐND quận tổ chức họp; ngày 12/10, HĐND thành phố sẽ họp. Sau đó, Thành phố hoàn thiện đề án trình Bộ Nội vụ trước ngày 25/10.

Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã do Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất, ba Quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ sáp nhập, hình thành đơn vị hành chính thành phố trực thuộc TP.HCM (thành phố Thủ Đức).

Thành phố Thủ Đức sau khi được sáp nhập có quy mô dân số hơn một triệu người, diện tích gần 212 km2.

Với phương án tổng thể này, dự kiến sau khi sáp nhập, TP.HCM giảm từ 24 quận huyện xuống còn 22 (16 quận, một thành phố và 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).

Lâm Đồng: Hơn 48 tỷ đồng xử lý bãi rác Cam Ly

UBND Lâm Đồng đã phê duyệt Dự án Đóng cửa bãi rác Cam Ly (TP. Đà Lạt) với tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2022.

Bãi rác Cam Ly đổ xuống vườn rau của người dân năm 2019

Bãi rác Cam Ly đổ xuống vườn rau của người dân năm 2019

Dự án sẽ san gạt, phủ nylon bề mặt hơn 13 ha (năm 2019 đã phủ nylon 1,5 ha). Toàn bộ bãi rác sau khi được lấp đất sẽ được trồng cỏ tạo cảnh quan.

Nhằm đảm bảo môi trường xung quanh, Dự án sẽ xây kè chắn dài 1.450 m, trạm xử lý nước rỉ (công suất 50 m3 một ngày đêm), bể trữ nước 360 m3...

Hiện mỗi ngày TP. Đà Lạt thu gom, xử lý hơn 200 tấn rác. Số lượng chất thải này sẽ được đưa về xử lý tại nhà máy Xuân Trường, cách đó khoảng 20 km.

Bãi rác Cam Ly cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 5 km, hoạt động từ năm 1976 đến nay theo hình thức chôn lấp. Năm 2003, nơi đây nằm trong danh mục gây ô nhiễm nghiêm trọng, quá tải cần cải tạo, xử lý.

Tuy nhiên, việc đóng cửa bãi rác vẫn chưa thực hiện được do nhà máy Xuân Trường không đảm bảo điều kiện xử lý, dù đi vào hoạt động từ năm 2015.

TP.HCM: 24 tuyến hoạt động ở Bến xe Miền Đông mới

24 tuyến xe đi 16 tỉnh, thành từ Quảng Trị trở ra Bắc sẽ dời trước qua Bến xe Miền Đông mới, Quận 9, từ 0h ngày 10/10.

Bến xe Miền Đông mới hồi tháng 7

Bến xe Miền Đông mới hồi tháng 7

Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông vừa công bố kế hoạch di dời các tuyến xe phục vụ khai thác. Giai đoạn một dự kiến có 71 tuyến qua bến xe mới.

Để chủ động việc di dời, Bến xe Miền Đông đã thông tin đến doanh nghiệp làm thủ tục, ký hợp đồng với bến mới. Các đơn vị vận tải cũng được đề nghị hướng dẫn cho khách qua các kênh thông tin, treo băng rôn.

Thời gian đầu, 24 tuyến nằm trong kế hoạch di dời được đậu xe ở bến xe hiện hữu (quận Bình Thạnh) đón trả khách, sau đó qua bến mới làm thủ tục xuất bến. Việc này không quá ba tháng kể từ ngày 10/10, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thói quen đi lại của người dân. Bến xe hiện hữu chỉ thu phí lưu đậu, không thu phí dịch vụ xe ra vào.

Các tuyến xe không thuộc diện di dời nhưng có hành trình qua bến xe mới được trung chuyển khách tại đây nhưng nhà xe cần đăng ký làm điểm trung chuyển.

Bến xe Miền Đông mới khởi công tháng 4/2017 trên diện tích 16 ha, vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Bến xe đưa vào khai thác từ 10/10, sau 5 lần trễ hẹn.

7 tháng, xử lý được 63,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Từ năm 2012 đến cuối tháng 7 vừa qua, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu; riêng 7 tháng năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.

7 tháng, hệ thống ngân hàng xử lý được 63,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh minh họa

7 tháng, hệ thống ngân hàng xử lý được 63,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong quý III, đơn vị này đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường. Thanh khoản hệ thống của tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt. Tính đến ngày 15/9, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019.

Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019, đến ngày 16/9, tín dụng chỉ tăng 4,81% so với cuối năm ngoái.

Về xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở dưới mức 2%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7 vừa qua, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu; riêng 7 tháng năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục