Bản tin thời sự sáng 2/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 800.000 liều vaccine AstraZaneca do Covax tài trợ đã về đến Việt Nam; sáng 1/4, ngày đầu xa lộ Hà Nội thu phí; đề xuất giảm quy mô đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; CEO Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện tiếp tục bị truy tố lừa đảo 4.000 người…

Hơn 800.000 liều vaccine AstraZaneca do Covax tài trợ đã về đến Việt Nam

Sáng ngày 1/4, Bộ Y tế cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã đón nhận 811.200 liều vaccine Covid-19 tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, do Covax tài trợ.

Hơn 800.000 liều vaccine AstraZaneca do Covax tài trợ đã về đến Việt Nam

Hơn 800.000 liều vaccine AstraZaneca do Covax tài trợ đã về đến Việt Nam

Covax Facility là một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia trên thế giới được tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19. Covax sẽ đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vaccine với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021. Đây là chuyến vaccine Astrazeneca thứ 2 đã về tới Việt Nam. Lô vaccine này do Covax tài trợ. Đây cũng là vaccine Covid-19 đầu tiên được phê duyệt lưu hành tại Việt Nam.

Đến nay, nước ta đã có 49.743 người được tiêm vaccine này. Đây là những cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Trước đó, lô vaccine đầu tiên này được đưa về Việt Nam từ ngày 24/2 theo hợp đồng đặt mua giữa Công ty CP Vaccine Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca.

Sáng 1/4, ngày đầu xa lộ Hà Nội thu phí

Lượng xe tăng cao, nhiều tài xế chưa quen khiến việc thu phí ở trạm BOT xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức (TP.HCM) trong ngày đầu đã xảy ra ùn tắc.

Tài xế trả tiền vé khi qua trạm BOT xa lộ Hà Nội

Tài xế trả tiền vé khi qua trạm BOT xa lộ Hà Nội

Từ 0h ngày 1/4, xa lộ Hà Nội thu phí ôtô sau 3 ngày thử nghiệm. Hai trạm thu phí đặt ở mỗi chiều ở xa lộ đoạn gần cầu Rạch Chiếc. Trong đó, 8 trên tổng số 16 làn xe lắp hệ thống thu phí tự động không dừng ETC. 8 làn còn lại gồm 6 làn thu phí thủ công, 2 làn hỗn hợp cho xe máy và thu phí ôtô quá khổ.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (nhà đầu tư) cho biết khi bắt đầu thu phí từ khuya qua trạm không xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, lượng xe tăng đột biến vào giờ cao điểm sáng, gây dồn ứ cục bộ.

BOT xa lộ Hà Nội hoạt động nhằm hoàn vốn cho dự án mở rộng tuyến đường này từ chân cầu Sài Gòn (TP. Thủ Đức) tới nút giao Tân Vạn dài 15,7 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng.

Đề xuất giảm quy mô đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Quy mô đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được đề xuất chuyển từ 4 làn xe xuống 2 làn để giảm tổng mức đầu tư.

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện nay

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện nay

Đây là tuyến cao tốc đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dài khoảng 85 km, đi qua tỉnh Hòa Bình và Sơn La; giai đoạn một xây dựng quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, giai đoạn hai triển khai khi lưu lượng giao thông tăng cao.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một là 22.294 tỷ đồng, gồm 17.294 tỷ đồng vốn huy động xã hội hóa và 5.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia là quỹ đất của địa phương, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu quy mô lớn, nếu thực hiện bằng hình thức BOT sẽ không khả khi về phương án tài chính, nhà đầu tư không thể hoàn vốn qua thu phí.

Nếu chuyển Dự án sang đầu tư công sẽ phải làm lại hồ sơ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, không kịp thời gian để ghi vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới và chưa biết khi nào Dự án mới có thể triển khai.

Để tháo gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị hai địa phương Sơn La và Hòa Bình rà soát, điều chỉnh giảm quy mô dự án từ 4 làn xe xuống 2 làn xe để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm chi phí xây dựng, từ đó kéo giảm tổng mức đầu tư dự án.

Dự án cần giảm tổng mức đầu tư còn khoảng 16.000 - 17.000 tỷ đồng để đảm bảo khả thi.

CEO Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện tiếp tục bị truy tố lừa đảo 4000 người

Sau gần 1 tháng điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM đã có kết luận điều tra bổ sung, đồng thời giữ nguyên quan điểm truy tố Nguyễn Thái Luyện - CEO Công ty Địa ốc Alibaba, cùng 22 đồng phạm khác về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Nguyễn Thái Luyện - CEO Công ty Địa ốc Alibaba. Ảnh CA

Nguyễn Thái Luyện - CEO Công ty Địa ốc Alibaba. Ảnh CA

Ngày 1/4, Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và giữ nguyên đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện - CEO Công ty Địa ốc Alibaba, cùng 22 bị can khác là cấp dưới về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT đã làm rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thực hiện. Đồng thời giữ nguyên quan điểm truy tố các bị can trong vụ án này.

Cụ thể, Luyện và đồng phạm dùng tiền (phần lớn chiếm đoạt từ khách hàng) chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Địa ốc Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau đó, các cá nhân này lập hợp đồng uỷ quyền cho các pháp nhân khác do Nguyễn Thái Luyện tổ chức thành lập (chủ yếu là các công ty) để vẽ các dự án ma phân lô tách thửa trái quy định. Sau khi vẽ ra các dự án ma, Luyện và đồng phạm tổ chức quảng cáo để câu khách hàng. Dù các dự án này không thực hiện theo đúng các thủ tục quy định về việc lập dự án, không đăng ký với cơ quan quản lý đất để để chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc tách thửa.

Kết quả điều tra, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lập ra 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản ma tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Từ các dự án ma này, các đối tượng phạm tội đã tự ý phân lô, tách thửa trái phép bán cho gần 4.000 bị hại, chiếm đoạt hơn 2.300 tỷ đồng.

Đề nghị truy tố Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma

Kết quả điều tra xác định, một đường dây buôn lậu đã thực hiện hành vi buôn lậu gần 5.000 tấn thuốc bắc từ Trung Quốc cho gần 300 khách hàng trên cả nước, từ tháng 5 - 12/2019.

Hai bị can Chu Bá Toàn (trái) và Hoàng Thanh Sơn. Nguồn: Công an cung cấp

Hai bị can Chu Bá Toàn (trái) và Hoàng Thanh Sơn. Nguồn: Công an cung cấp

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ban hành kết luận điều tra vụ án "Buôn lậu", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, tại Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can trong vụ án. Trong đó có Lâm Đình Hưng (Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Bắc với vai trò cầm đầu đường dây buôn lậu) và 18 người khác về tội buôn lậu.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đề nghị truy tố bị can Chu Bá Toàn (Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma) và Hoàng Thanh Sơn (thuộc đội nghiệp vụ hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2014, Lâm Đình Hưng cùng với anh trai là Lâm Đình Hoài sử dụng giấy tờ của nhiều người thân thành lập nhiều công ty để vận chuyển thuê hàng hóa từ cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) về Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho các chủ hàng.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 5 đến tháng 12/2019, các bị can đã thực hiện hành vi buôn lậu gần 5.000 tấn thuốc bắc từ Trung Quốc cho gần 300 khách hàng trên cả nước.

Theo kết luận, bị can Chu Bá Toàn được giao phụ trách công tác chống buôn lậu, chỉ đạo thực hiện quy trình thủ tục hải quan đối với các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu Chi Ma…

Kết quả điều tra xác định, Chu Bá Toàn đã buông lỏng quản lý, không tổ chức triển khai việc giám sát trực tiếp và bằng camera đối với hàng hóa, phương tiện trong khu vực giám sát hải quan…