Bản tin thời sự sáng 24/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là quán phường "vùng cam" trong quận "vùng vàng" tại Hà Nội được phục vụ tại chỗ; hơn 60 triệu tấn hàng hóa qua cảng biển Việt Nam trong tháng 1; đường sắt tiếp tục chạy thêm nhiều tàu khách Tết Nhâm Dần; hơn 1.300 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 qua Nghệ An…

Quán phường "vùng cam" trong quận "vùng vàng" tại Hà Nội được phục vụ tại chỗ

Sau khi có thông báo đánh giá cấp độ dịch, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng để phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch cho xã, phường "vùng cam" trên địa bàn.

Quán "vùng cam" trong quận "vùng vàng" ở Hà Nội được hoạt động. Ảnh minh họa

Quán "vùng cam" trong quận "vùng vàng" ở Hà Nội được hoạt động. Ảnh minh họa

Theo thông báo mới nhất của UBND TP. Hà Nội, các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên chuyển màu từ "cam" xuống "vàng"; nhiều hoạt động dịch vụ đã được nới lỏng.

Số quận, huyện ở cấp độ 2 tăng lần lượt là 26 quận, huyện và 377 xã, phường. Toàn Thành phố không có địa bàn nào ở cấp 4 (nguy cơ rất cao, màu đỏ).

Tương ứng với diễn biến dịch, từ việc có 7 quận, huyện ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) tuần trước, tuần này chỉ còn 4 địa bàn ở cấp độ 3 là Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Chương Mỹ. Trong đó, Chương Mỹ là huyện duy nhất tăng cấp độ từ 2 lên 3.

Như vậy, toàn bộ các quận trung tâm Thủ đô (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) ở cấp độ 2.

Tại quận Hoàn Kiếm, địa phương này ở cấp độ 2 trong phòng chống dịch Covid-19. Trên địa bàn có 5 phường vùng cam (Chương Dương, Đồng Xuân, Hàng Bông, Hàng Buồm, Phúc Tân) và 13 phường vùng vàng gồm: Cửa Đông, Cửa Nam, Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bồ, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền.

Hơn 60 triệu tấn hàng hóa qua cảng biển Việt Nam trong tháng 1

Khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam trong tháng đầu năm ước đạt hơn 60 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm trước.

Tàu container tại Cảng Hải Phòng.

Tàu container tại Cảng Hải Phòng.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng 1/2022, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 60 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng hàng container ước đạt 2 triệu TEUs.

Nhận định về cơ hội đối với cảng biển Việt Nam năm 2022, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng cho biết, từ giữa năm 2020 đến nay, nền kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ, thị trường vận tải đường biển cũng trở nên sôi động.

Nếu đầu năm 2020, đơn đặt đóng mới tàu container chỉ chiếm 8,5% sức chở đội tàu hiện có thì hiện con số này chiếm đến 23 - 24%.

Theo thống kê của Alphaliner (công ty phân tích vận tải biển), số lượng tàu đóng mới sức chở 8.000 - 24.000 TEU chiếm tới gần 22%, nghĩa là 1/4 số tàu đóng mới đều từ 8.000 TEU trở lên.

Theo dự báo, sự phấn khích trong thị trường vận tải container sẽ kéo dài đến hết năm 2022. Đội tàu container phát triển và xu thế tăng trọng tải tàu sẽ là cơ hội lớn cho cảng biển Việt Nam, trọng tâm là các cảng cửa ngõ Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện (Hải Phòng).

Đường sắt tiếp tục chạy thêm nhiều tàu khách Tết Nhâm Dần

Đường sắt tiếp tục chạy thêm nhiều tàu khách dịp Tết Nhâm Dần, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Ngành Đường sắt tăng thêm nhiều tàu khách Bắc Nam dịp Tết Nhâm Dần

Ngành Đường sắt tăng thêm nhiều tàu khách Bắc Nam dịp Tết Nhâm Dần

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết sẽ tiếp tục tổ chức chạy thêm nhiều tàu khách giữa Hà Nội - TP.HCM dịp Tết Nhâm Dần nhằm đáp ứng nhu cầu khách tăng dần những ngày giáp tết.

Cụ thể, tăng 2 đôi tàu SE11/12 và SE23/24. Chiều Hà Nội - TP.HCM, tàu SE23 xuất phát ga Hà Nội lúc 14h55 các ngày 4, 5/2/2022 và đến ga Sài Gòn lúc 8h05.

Tàu SE11 xuất phát ga Hà Nội lúc 8h00 các ngày 5, 6/2/2022 và đến ga Sài Gòn lúc 20h30.

Chiều TP.HCM - Hà Nội, tàu SE24 xuất phát ga Sài Gòn lúc 15h25 các ngày 27, 28/1/2022 và đến ga Hà Nội lúc 4h17.

Tàu SE12 xuất phát ga Sài Gòn lúc 7h45 các ngày 3, 4/2/2022 và đến ga Hà Nội lúc 21h11.

Như vậy, trong dịp Tết Nhâm Dần, ngành Đường sắt tổ chức chạy 7 đôi tàu khách Thống nhất giữa Hà Nội - TP.HCM. Ngoài các đôi tàu SE11/12, SE23/24 trên, còn có các đôi tàu: SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, SE9/10.

Các tàu SE1, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 chạy các ngày từ 20/1 đến 13/2. Tàu SE2 chạy các ngày từ 21/1 đến 14/2. Tàu SE9/SE10 chạy các ngày từ 22/1 đến 29/1 và từ 4/2 đến 7/2/2022.

Cùng đó, trên tuyến Bắc - Nam còn có các tàu khu đoạn Tết từ TP.HCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và ngược lại; từ Hà Nội đi Vinh và ngược lại.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy 3 đôi tàu Tết: LP5/6, LP7/8 và LP3/HP2.

Các tuyến khác như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên hiện vẫn không chạy tàu khách.

Chưa khôi phục đường bay quốc tế thường lệ đến Trung Quốc

Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc chưa được giao thẩm quyền trao đổi với các nước về việc khôi phục vận chuyển hành khách quốc tế.

Chưa khôi phục đường bay quốc tế thường lệ đến Trung Quốc

Chưa khôi phục đường bay quốc tế thường lệ đến Trung Quốc

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, thực hiện chủ trương của Bộ GTVT về việc khai thác các chuyến bay thường lệ chở khách quốc tế, trong các ngày 17 và 24/12/2021, cơ quan này đã có thư gửi một số đối tác, trong đó có Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc đề nghị khôi phục vận chuyển hành khách thường lệ giữa hai nước.

Đến ngày 17/1/2022, Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc có thư phản hồi đối với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam. Theo đó, cơ quan này chia sẻ quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam về tầm quan trọng của việc khôi phục các chuyến bay chở khách thường lệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức cao trên thế giới cũng như ở Trung Quốc, nước này đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh thông qua cơ chế "Ủy ban Nhà nước về ngăn ngừa và kiểm soát Covid-19".

Đáng nói, Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cũng chưa được giao thẩm quyền trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước về việc khôi phục vận chuyển hành khách quốc tế. Do đó, Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc chưa thể đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam.

Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết sẽ cập nhật thông tin cho Cục Hàng không Việt Nam ngay khi phía Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát.

Hơn 1.300 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 qua Nghệ An

Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ GTVT phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 qua tỉnh Nghệ An với mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.

Một đoạn QL7 qua tỉnh Nghệ An

Một đoạn QL7 qua tỉnh Nghệ An

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có tờ trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo khả thi và phê duyệt Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An.

Theo đó, điểm đầu của Dự án tại Km0 (giao với Quốc lộ 1), thị trấn Diễn Châu; điểm cuối tại Km35+225 (đầu cầu Đô Lương), thị trấn Đô Lương, Nghệ An. Phạm vi của Dự án không bao gồm các đoạn Km9+600 - Km10+64, Km15+953 - Km16+640 và Km27 - Km33 đã được đầu tư hoàn thành trong Dự án Quốc lộ 7 cũ.

Đối với xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn sẽ ưu tiên thực hiện trước các đoạn từ Km170+191 - Km170+796 đảm bảo ổn định lâu dài.

Về quy mô, sẽ cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Riêng các đoạn qua đô thị là đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60 km/h. Bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m, các đoạn qua đô thị rộng từ 20 - 25m.

Tổng mức đầu tư của Dự án hơn 1.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, mức vốn dự kiến khoảng hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó tập trung hoàn thành đoạn Km0 - Km36, chỉ đầu tư xử lý các vị trí sụt trượt khắc phục hậu quả bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn khi cân đối được nguồn vốn.

Dự án do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Nghệ An thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành Dự án trong 2024.

Hải Phòng hủy bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2022

TP. Hải Phòng sẽ không tổ chức bắn pháo hoa và tạm dừng các lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhằm đảm bảo thực hiện các công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hải Phòng hủy bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2022

Hải Phòng hủy bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2022

Theo lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng, địa phương sẽ không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 như dự kiến trước đó. Gần đây tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, số ca dương tính tại địa phương giảm, toàn Thành phố chuyển cấp độ dịch bệnh từ vùng nguy cơ cao (vùng cam) sang vùng nguy cơ (vùng vàng).

Tuy nhiên, tại địa phương đã xuất hiện một số ca dương tính SARS-CoV-2 biến chủng Omicron. Đồng thời, Chính phủ cũng có hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội dịp Tết căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế.

Do đó, Thành phố quyết định không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Còn đại diện Sở Văn hóa thể thao vào Du lịch Hải Phòng cho biết, trước đó địa phương dự kiến bắn pháo hoa tại 3 điểm gồm: Nhà hát lớn, Khu công nghiệp Vsip (huyện Thủy Nguyên) và huyện Vĩnh Bảo. Sau đó, Thành phố dự kiến sẽ chỉ bắn pháo hoa tại một điểm và không tập trung đông người.

Chuẩn bị công bố kết quả thi tuyển kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

Dự kiến trong tuần, Hà Nội công bố kết quả thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng.

Một trong 20 phương án thi tuyển kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được Hội đồng thi tuyển lựa chọn

Một trong 20 phương án thi tuyển kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được Hội đồng thi tuyển lựa chọn

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông TP. Hà Nội (Ban Giao thông) cho biết, Hội đồng thi tuyển đã xác định được phương án kiến trúc đạt giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và dự kiến trong tuần sẽ công bố rộng rãi.

Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, các phương án được lựa chọn đều đáp ứng các tiêu chí về tính bền vững, thẩm mỹ, sáng tạo, phù hợp với văn hoá, môi trường cảnh quan xung quanh và kinh phí đầu tư xây dựng.

Cầu Trần Hưng Đạo là công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội và là một trong những cầu đường bộ vượt sông Hồng (đoạn qua địa phận Hà Nội) đã được xác định vị trí trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục