Bản tin thời sự sáng 24/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM không bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch; hàng không Việt Nam sẵn sàng mở lại đường bay đến Nhật Bản, Mỹ; đề xuất đi ngầm tuyến metro Đông Anh - Vĩnh Tuy qua Vành đai 2,5; đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây cầu qua sông Cổ Chiên; người dân TP.HCM sẽ tiêm xong mũi 3 trước Tết Nguyên đán 2022…

TP.HCM không bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch

Đêm 31/12 năm nay, TP.HCM không bắn pháo hoa như mọi năm, việc tổ chức các sự kiện mừng năm mới phụ thuộc vào cấp độ dịch.

Bắn pháo hoa giao thừa Tết Dương lịch 2021 ở hầm Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức

Bắn pháo hoa giao thừa Tết Dương lịch 2021 ở hầm Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức

Thông tin được Phó Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, khi đề cập đến kế hoạch mừng năm mới của Thành phố.

Bắn pháo hoa là hoạt động thường xuyên vào dịp lễ lớn (30/4 và 2/9), Tết Dương lịch và Nguyên đán tại TP.HCM phục vụ người dân và du khách. Đây là lần thứ hai sau nhiều năm đô thị lớn nhất nước không bắn pháo hoa mừng năm mới Dương lịch. Năm 2017, Thành phố không bắn pháo hoa dịp Tết để dành kinh phí chăm lo người nghèo.

Về các sự kiện mừng năm mới khác, ông Hải cho biết, trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động đón chào năm mới dương lịch. Trong đó, có các sự kiện countdown (đếm ngược) chào năm mới 2022 tại công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ (Quận 1).

Ngoài ra, Thành phố tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tại 8 quận huyện: 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ. Thành đoàn tổ chức hoạt động mừng năm mới tại Nhà văn hóa Thanh niên, các trường đại học, cao đẳng. Khu chế xuất, khu công nghiệp tổ chức các chương trình văn nghệ mừng năm mới cho công nhân, người lao động.

Về thể dục thể thao, Thành phố tổ chức giải Marathon TP.HCM lần 9 tại Quận 7 và giải đua xe đạp phong trào chào năm mới trên đường Mai Chí Thọ...

Ông Hải cho biết thêm, căn cứ vào kế hoạch này, các đơn vị sẽ quyết định giảm quy mô hoặc dừng để phù hợp tình hình dịch. Kế hoạch đã lên nhưng đến lúc đó, dịch tăng cấp độ 3 hoặc 4 thì phải hoãn hoặc tạm dừng để bảo đảm an toàn.

Hàng không Việt Nam sẵn sàng mở lại đường bay đến Nhật Bản, Mỹ

Cục Hàng không Việt Nam đã cho phép các hãng mở bán vé chuyến bay quốc tế thường lệ đến Nhật Bản và Mỹ.

Các hàng không Việt Nam sẵn sàng mở lại đường bay đến Nhật Bản, Mỹ

Các hàng không Việt Nam sẵn sàng mở lại đường bay đến Nhật Bản, Mỹ

Theo Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, Cục đã đàm phán với nhà chức trách hàng không của các nước về kế hoạch mở đường bay quốc tế thường lệ theo tiến độ của Chính phủ, từ 1/1/2022.

Đến nay, có nhà chức trách hàng không Nhật Bản đồng thuận với kế hoạch bay của Việt Nam, cùng với đó, phía Mỹ cũng chấp nhận cho phép Vietnam Airlines mở đường bay thẳng thường lệ đến nước này. Cơ quan quản lý hàng không các nước/vùng lãnh thổ khác chưa có ý kiến chính thức.

Trước đó, Chính phủ đồng ý kế hoạch khôi phục chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước hết là Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles.

Theo ông Thắng, với đường bay đến Nhật Bản, trước dịch từ Hà Nội và TP.HCM đi Tokyo chỉ có Vietnam Airlines và Vietjet bay, nên Cục đã thống nhất chỉ phân bổ cho cho hai hãng này. Số lượng chuyến bay của mỗi hãng được quyết định theo tỷ lệ các chuyến bay trước đây họ đã có. Phía Nhật cũng đã thông báo cho Cục Hàng không Việt Nam sẽ chỉ định hai hãng bay là Japan Airlines và ANA nối lại đường bay với Việt Nam.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sau khi nhà chức trách cho phép mở bán, hãng sẽ công bố giá và số chuyến trên website để hành khách có thể đặt mua vé trực tiếp. Hãng này đã chuẩn bị máy bay, con người, hệ thống bán và chăm sóc khách hàng để sẵn sàng đón đầu việc nối lại bay quốc tế.

Cũng theo đại diện Vietjet Air, Hãng đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế thường lệ đến Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Phnom Penh.

Đề xuất đi ngầm tuyến metro Đông Anh - Vĩnh Tuy qua Vành đai 2,5

Với mục tiêu sớm tổ chức thực hiện hạng mục hầm chui tại Dự án đường Vành đai 2,5 giao với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1), giải quyết ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đề xuất UBND Thành phố điều chỉnh cục bộ quy hoạch tuyến đường sắt đô thị (metro) số 4 đoạn Đông Anh - Vĩnh Tuy (Hoàng Mai) từ đi trên cao sang đi ngầm.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi qua đoạn giao với đường Vành đai 2.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi qua đoạn giao với đường Vành đai 2.

Văn bản Sở GTVT Hà Nội cho biết, do tính chất quan trọng của Dự án Xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, cần sớm tổ chức triển khai thực hiện, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực này, thời gian qua Sở GTVT đã phối hợp, đề xuất góp ý từ Sở QH&KT; Viện Quy hoạch xây dựng; Ban Quản lý đường sắt đô thị; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nút giao Vành đai 2,5 - Quốc lộ 1.

Để thực hiện được việc trên, Sở GTVT báo cáo UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ GTVT thống nhất chủ trương điều chỉnh cục bộ dọc tuyến đường sắt đô thị số 4 từ đi trên cao sang đi ngầm tại khu vực nút giao giữa đường Vành đai 2,5 và đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A). Việc này để làm cơ sở triển khai Dự án Xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng.

Cùng với đó, để sớm thông được tuyến đường Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng ra đường Giải Phóng, Sở GTVT cũng đề nghị UBND Thành phố đề xuất HĐND xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 và đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai làm cơ sở để chủ đầu tư lập, trình phê duyệt dự án điều chỉnh.

Đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây cầu qua sông Cổ Chiên

Dự án cầu thay thế phà Đình Khao, bắc qua sông Cổ Chiên, nối Vĩnh Long - Bến Tre có 3 phương án, tổng kinh phí 2.000 - 3.000 tỷ đồng.

Dự án cầu qua sông Cổ Chiên sẽ giúp kết nối giao thông Vĩnh Long - Bến Tre.

Dự án cầu qua sông Cổ Chiên sẽ giúp kết nối giao thông Vĩnh Long - Bến Tre.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bến Tre Cao Minh Đức cho biết, tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long vừa họp bàn, thống nhất chủ trương xây dựng cầu Đình Khao nằm trên Quốc lộ 57 với 3 phương án.

Phương án 1, toàn bộ Dự án dài 6 km, trong đó cầu chính dài 1,8 km, rộng 12 m, 2 làn xe, tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng, cách phà Đình Khao 1,2 km.

Phương án 2, Dự án dài hơn 11 km, cầu chính và cầu phụ dài 1,5 km, rộng 14 m, 4 làn xe, tổng vốn 2.407 tỷ đồng, cách phà 5,5 km.

Phương án còn lại, toàn Dự án dài 17 km, cầu dài 1,6 km, tổng đầu tư khoảng 3.170 tỷ đồng, cách phà 11 km.

Công trình dự kiến thời gian khởi công và hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Dự án khi hoàn thành giúp thông suốt Quốc lộ 57, nối tỉnh Vĩnh Long - Bến Tre và một số tỉnh trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Sông Cổ Chiên dài hơn 80 km, là một nhánh của sông Tiền, làm thành ranh giới tự nhiên giữa Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.

Bình Dương đầu tư 1.400 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 13 lên 8 làn xe

Quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú đến nút giao Lê Hồng Phong dài 15 km, được mở rộng với kinh phí 1.400 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm sau, hoàn thành năm 2023.

Quốc lộ 13 đi qua TP. Thuận An

Quốc lộ 13 đi qua TP. Thuận An

Dự án nâng cấp có điểm đầu từ cổng chào Vĩnh Phú (TP. Thuận An) đến nút giao đường Lê Hồng Phong (TP. Thủ Dầu Một). Tuyến đường sẽ mở rộng về bên phải 2 làn xe lên 64 m (nâng từ 6 làn xe lên 8 làn xe), đồng thời làm thêm vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước.

Dự án còn có hai cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị với 4 làn xe, các nút giao khác cũng được mở rộng tạo sự thông thoáng. Ngoài ra, Bình Dương còn đầu tư hệ thống thoát nước, chiếu sáng hai bên đường từ thị xã Bến Cát đến đoạn giáp ranh tỉnh Bình Phước.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tổng vốn đầu tư nâng cấp gần 1.400 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng sẽ được ngân sách tỉnh chi trả, không tính vào mức đầu tư. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư gồm 20% vốn doanh nghiệp và 80% vốn vay ngân hàng.

Người dân TP.HCM sẽ tiêm xong mũi 3 trước Tết Nguyên đán 2022

Sở Y tế TP.HCM dự kiến hoàn tất việc tiêm các mũi vaccine nhắc lại, mũi bổ sung cho người dân, F0 khỏi bệnh trong tháng 1/2022 - trước Tết Nguyên đán.

Nhân viên y tế tiêm mũi vaccine bổ sung cho người dân tại quận Gò Vấp

Nhân viên y tế tiêm mũi vaccine bổ sung cho người dân tại quận Gò Vấp

Theo Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, từ đầu tháng 12, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, dự kiến hoàn tất đợt tiêm vào quý I/2022. Tuy nhiên, gần đây Bộ Y tế đã điều chỉnh lại hướng dẫn tiêm chủng. Cụ thể, người đã tiêm đủ hai mũi sẽ được tiêm nhắc lại sau 3 tháng, thay vì chờ 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi hai). Người đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh được tiêm ngay sau khi hoàn thành cách ly y tế theo quy định, thay vì phải chờ đủ 6 tháng như trước. Những người nguy cơ cao, bị suy giảm miễn dịch sẽ được tiêm bổ sung sau 28 ngày, kể từ mũi thứ hai.

Do hướng dẫn của Bộ Y tế có nhiều thay đổi, UBND TP.HCM và Sở Y tế đã có hướng dẫn mới cho các địa phương, đơn vị để phù hợp với tình hình.

Các đơn vị, sở, ngành đóng ở địa phương nào thì gửi danh sách về địa phương đó để được hỗ trợ tiêm chủng các mũi phù hợp. Nhóm được ưu tiên số một trong đợt tiêm chủng này vẫn là người nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 65 tuổi). Y tế địa phương sẽ đến tận nhà rà soát những trường hợp chưa tiêm, tìm hiểu nguyên nhân, vận động tiêm và tiêm sớm. Hiện một số quận, huyện đã tổ chức tiêm bổ sung cho người suy giảm miễn dịch; tiêm nhắc cho người nguy cơ cao đã tiêm mũi hai đủ ba tháng.

Thời gian tới, ngành y tế cũng sẽ điều phối nhân sự, tập trung cho chiến dịch tiêm chủng, hồi sức cấp cứu cho các điểm tiêm. Thành phố cố gắng tiêm xong trước Tết Nguyên đán 2022.

Đề xuất miễn cách ly người nhập cảnh

Đại sứ quán một số nước đề nghị Việt Nam miễn cách ly người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, có xét nghiệm PCR âm tính.

Người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất

Người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao một số nước như Singapore, Nhật Bản..., để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy triển khai kế hoạch khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Đại diện Sứ quán các nước cho biết, hiện các nước này đều đã thực hiện chính sách mở cửa, khôi phục chuyến bay quốc tế. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam cần xem xét tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực như trước khi dịch Covid-19 bùng phát; sớm miễn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh và có xét nghiệm RT-PCR âm tính.

Theo quy định hiện hành, người nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi); trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh thì tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày đầu, kể từ ngày nhập cảnh, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.