Kiến nghị tạm tác động vào rừng để thi công đường dây 500 kV mạch 3
Để kịp tiến độ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất được tạm sử dụng rừng để thi công đường dây 500 kV mạch 3.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 là dự án trọng điểm, cấp bách |
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 phải hoàn thành vào tháng 6/2024 nhưng nguy cơ chậm tiến độ do vướng quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và thủ tục tác động vào rừng để mở đường thi công tạm. Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), diện tích rừng phần đường tạm của đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa là gần 3,5 ha, đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu là hơn 6 ha.
Để gỡ vướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định cho phép tác động vào rừng để thi công các tuyến đường tạm và bãi tạm tập kết vật liệu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nhu cầu sử dụng tạm thời diện tích đất rừng là "rất cần thiết và cấp bách" do tính chất đặc thù của đường dây lưới điện. Phần lớn tuyến đường dây lưới điện đi vượt rừng, núi địa hình phức tạp nên các vị trí móng, cột điện nằm xa các tuyến đường giao thông hiện hữu. Để thi công, nhà thầu và chủ đầu tư cần phải làm các hạng mục tạm, gồm các tuyến đường tạm, bãi tạm tập kết vật tư, máy móc, thiết bị.
"Nếu không có các hạng mục tạm sẽ không thể thi công móng, cột, hệ thống dây truyền tải điện", cơ quan này cho hay.
Trước đó, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, EVN, các địa phương có dự án lưới điện đi qua đã có nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất cho tạm sử dụng rừng để thực hiện các dự án lưới điện.
Tại Chỉ thị 02/CT-TTg ngay sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, trong đó tập trung bổ sung quy định về việc tạm sử dụng rừng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Mở tuyến vận tải container đường biển kết nối nhanh từ Hạ Long đi Mỹ
Sáng 23/2, chuyến tàu container đầu tiên của hãng Zim - một trong những hãng vận tải container bằng đường biển lớn nhất thế giới - đã cập cảng container quốc tế Cái Lân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Việc hình thành tuyến này cho phép kết nối hàng hóa nhanh nhất với thị trường, từ miền Bắc Việt Nam đến bờ Tây nước Mỹ chỉ khoảng 16 ngày.
Tàu SEASPAN KOBE cập cảng container quốc tế Cái Lân, TP. Hạ Long |
Con tàu mang tên SEASPAN KOBE, dài 269,8 mét, trọng tải 5.9523 DWT (năng lực chở khoảng 5.000 container), cập cảng cảng container quốc tế Cái Lân vào 5h sáng 23/2 đem theo khoảng 800 container rỗng để chuẩn bị đón hàng trong những chuyến trở lại tiếp theo và chất lên tàu khoảng 100 container hàng hóa, gồm: đồ may mặc, giầy da, máy móc…
Đây là chuyến khởi đầu của tuyến dịch vụ ZIM Ecommerce Xpress (ZEX) của hãng Zim (Israel) đến Hạ Long với lịch trình kết nối: cảng container quốc tế Cái Lân - Diêm Điền, Thẩm Quyến (Trung Quốc) - Los Angeles (Mỹ) - cảng container quốc tế Cái Lân.
Theo kế hoạch, trước mắt, mỗi tuần, cảng container quốc tế Cái Lân sẽ đón một chuyến tàu container của hãng ZIM vào thứ 6.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Chi nhánh của ZIM tại khu vực miền Bắc Việt Nam, hiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa với các dịch vụ cao cấp và nhanh từ các tỉnh, thành phía Bắc đi bờ Tây nước Mỹ khá lớn.
Bình thường, từ các cảng ở miền Bắc Việt Nam đi bờ Đông của nước Mỹ mất khoảng 34 - 36 ngày; vận chuyển hàng hóa từ miền Bắc Việt Nam đi bờ Tây nước Mỹ bằng đường không thì khoảng 1 tuần những chi phí rất đắt.
Với tuyến mới và dịch vụ cao cấp của Zim, từ Hạ Long đi bờ Tây của nước Mỹ chỉ mất khoảng 16 ngày với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với đường không.
Người trúng đấu giá đất hơn 4 tỷ đồng/m2 sẽ được trả tiền cọc
Huyện Mê Linh (Hà Nội) đồng ý hủy kết quả đấu giá, trả lại hơn 600 triệu đồng tiền cọc cho anh Nguyễn Thanh Tùng, người trả hơn 4 tỷ đồng/m2 đất tại phiên đấu giá cuối năm 2023.
Màn hình của phiên đấu giá hiển thị thông tin anh Nguyễn Thanh Tùng trả giá 4,28 tỷ đồng/m2 đất |
Theo báo cáo ngày 22/2 của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, đơn vị đang phối hợp cùng các bên liên quan hoàn thiện hồ sơ trả lại tiền cọc theo đơn đề nghị của anh Nguyễn Thanh Tùng, trú xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh.
Ngày 16/1, UBND huyện Mê Linh đã giao các bên liên quan thực hiện thủ tục hủy kết quả đấu giá đất. Trung tâm Phát triển quỹ đất Huyện đã làm việc với anh Tùng cùng Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam để thống nhất phương án giải quyết. Ngày 7/2, Trung tâm làm việc với Kho bạc Nhà nước huyện Mê Linh, nhưng do thiếu một số giấy tờ nên chưa trả lại được tiền.
Trước đó, chiều 30/12/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 47 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh. Anh Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng/m2 cho thửa đất 102 m2, trong khi giá khởi điểm là 30 triệu đồng/m2 và trở thành người trúng đấu giá.
Kết thúc phiên đấu giá, anh Tùng cho biết, đây là lần đầu đi đấu giá quyền sử dụng đất nên "tâm lý hơi căng thẳng và cuống nên ghi nhầm". Anh đã làm đơn đề nghị UBND Huyện xem xét trả tiền cọc thửa đất do nhầm lẫn khi trả giá. "Tôi tính hơn 4,28 tỷ đồng cho cả thửa đất chứ không nghĩ quy định cuộc đấu giá là tính trên m2 nên thành ra nhầm lẫn", anh Tùng nói.
Sẽ thu hồi gần 19 triệu tấn khoáng sản cát trắng khi làm cảng biển tại Quảng Trị
Khi thực hiện Dự án cảng biển Mỹ Thủy giai đoạn 1 ở tỉnh Quảng Trị, sẽ thu hồi gần 19 triệu tấn khoáng sản, trong đó có 1 đến 2 triệu tấn cát trắng silic.
Vị trí khởi công Dự án cảng biển Mỹ Thủy vào năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng |
UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, đơn vị này đã đề nghị Cục Khoáng sản Việt Nam hướng dẫn, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc thu hồi khoáng sản tại Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2019 với tổng diện tích 685 ha, gồm 10 bến tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn. Dự án này phát triển theo 3 giai đoạn, từ năm 2018 - 2025 đầu tư 4 bến, từ năm 2026 - 2031 đầu tư 3 bến và giai đoạn từ 2032 - 2036 đầu tư thêm 3 bến.
Ở giai đoạn 1, tổng diện tích thực hiện Dự án là 496,9 ha, trong đó diện tích triển khai có nhu cầu chiếm dụng đất trên cạn là 133,67 ha và 363,23 ha phần mặt biển.
Trong diện tích 133,67 ha khảo sát, có 18,75 triệu tấn khoáng sản cần thu hồi, trong đó có 1 đến 2 triệu tấn là cát trắng silic đủ tiêu chuẩn làm kính thủy tinh và dùng trong lĩnh vực sản xuất khuôn đúc; khối lượng 16,75 triệu tấn còn lại dùng làm vật liệu san lấp.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, cát trắng silic đủ tiêu chuẩn làm kính thủy tinh và dùng trong lĩnh vực sản xuất khuôn đúc sẽ được sử dụng để làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu trên địa bàn và các địa phương trong nước. Còn sản phẩm cát làm vật liệu san lấp có khả năng đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp đang rất cần cho các công trình trọng điểm hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có giải học sinh giỏi, chứng chỉ IELTS và tương đương vào lớp 10 công lập.
Các tỉnh, thành cần thực hiện đúng quy chế tuyển sinh THCS, THPT được ban hành năm 2019 |
Trong thông báo tối 23/2, Bộ này cho biết, một số địa phương đã đưa nội dung "không đúng quy định" vào kế hoạch tuyển sinh lớp 10 công lập. Cụ thể là tuyển thẳng, cộng điểm cho thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, có chứng chỉ ngoại ngữ.
Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành thực hiện đúng quy chế tuyển sinh THCS, THPT được ban hành năm 2019.
"Với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên thì phải điều chỉnh và thông báo công khai", công văn của Bộ nêu. Bộ cho biết sẽ kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh lớp 10 tại một số địa phương.
Nhóm thí sinh có giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố hay có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không được hưởng bất kỳ ưu tiên nào. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, nhiều địa phương cộng 1 - 2 điểm ưu tiên, miễn thi, tuyển thẳng thí sinh có 4.0 IELTS trở lên hoặc đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Bình Thuận sẽ có siêu dự án nghỉ dưỡng 50.000 tỷ đồng
Chủ đầu tư "siêu" tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng 50.000 tỷ đồng sắp được UBND tỉnh Bình Thuận trao bản ghi nhớ đăng ký đầu tư.
Tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khu đô thị mới tại Bình Thuận có diện tích khoảng 5.000 ha, tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng |
Theo Cổng thông tin tỉnh Bình Thuận, UBND Tỉnh sẽ tổ chức Lễ công bố Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại TP. Phan Thiết vào sáng 28/2. Tỉnh sẽ trao bản ghi nhớ và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 doanh nghiệp.
Trong 8 đơn vị được trao biên bản ghi nhớ, có 3 doanh nghiệp bất động sản với loạt dự án hơn chục nghìn tỷ đồng. Dự án có quy mô lớn nhất là Tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khu đô thị mới của Công ty TNHH Mặt trời Bình Thuận. Diện tích sử dụng đất khoảng 5.000 ha, tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng.
Becamex IDC cũng xúc tiến đầu tư ở Bình Thuận với Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Hàm Tân - La Gi quy mô 5.000 ha, tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư bất động sản Kiến Phát đầu tư Khu đô thị du lịch, nghệ thuật, văn hóa và thể thao với diện tích 45 ha, tổng vốn gần tư gần 1.900 tỷ đồng.
Tỉnh cũng trao biên bản ghi nhớ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, năng lượng như Dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất bột giấy, giấy và bìa 5.000 tỷ đồng, Tổ hợp nhà máy sản xuất kết cấu thép công nghệ cao gần 4.900 tỷ đồng...
Trong danh sách trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 3 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, khu công nghiệp gồm Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 giai đoạn 1, Nhà máy sản xuất nhựa Khải Doanh và Nhà máy sản xuất giày dép ARCS tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm II - Bita's.
Bình Thuận là một trong những thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới nổi tại khu vực Nam Trung Bộ. Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận cho biết, Tỉnh đã chấp thuận đầu tư 56 dự án du lịch ven biển giai đoạn 2011 - 2023.
Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh ở nhiều thị trường
Xuất khẩu thủy sản tháng 1 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EU đều tăng mạnh.
Giá trị xuất khẩu nhóm ngành tôm, cá tra, cá ngừ, mực và thủy sản khác đồng loạt tăng 45 - 100% so với cùng kỳ 2023 |
Số liệu trên vừa được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin. Mức tăng trưởng này cho thấy tín hiệu lạc quan với xuất khẩu thủy sản trong quý đầu năm nay.
Các thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU đều tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cao gấp 3 lần, các thị trường còn lại tăng 34 - 63%.
Nhóm ngành tôm, cá tra, cá ngừ, mực và thủy sản khác cũng đồng loạt tăng 45 - 100% so với cùng kỳ 2023.
Xuất khẩu khả quan trong tháng đầu năm, theo các doanh nghiệp, là nhờ sức mua của các thị trường truyền thống như Trung Quốc tăng cao dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, bức tranh chung thị trường năm nay vẫn nhiều thách thức. Điều này làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Đại diện các đơn vị sản xuất tôm cho hay, đơn hàng đầu năm chưa có dấu hiệu cải thiện, vì sức mua vẫn yếu. Việt Nam cũng gặp phải vấn đề về tồn kho, giá khó cạnh tranh với hàng Ấn Độ, Ecuador...
Một số doanh nghiệp có tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, lại lo lắng nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.
Với nhóm cá tra, đơn hàng trong tháng 1 và 2 bắt đầu khởi sắc nhưng khá dè dặt do tâm lý thận trọng của nhà mua hàng, nên nhóm này kỳ vọng có thể đạt 2 tỷ USD năm nay.
Nếu xuất khẩu khởi sắc trong nửa cuối năm, VASEP kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
TP.HCM kiểm tra việc quản lý tiền công đức ở các di tích
Thành phố sẽ kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ năm 2023 tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn để bảo đảm sự minh bạch, tạo niềm tin cho cộng đồng.
Người dân đi chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.HCM), di tích lịch sử cấp quốc gia, để cầu an |
Trong kế hoạch vừa được ban hành, chính quyền TP.HCM cho biết, việc kiểm tra giúp chủ sở hữu hoặc phía được giao quản lý di tích minh bạch tiền công đức, tài trợ; tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.
Nội dung kiểm tra bao gồm tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội năm 2023; xem xét mở tài khoản, sổ sách thu chi, sử dụng tiền công đức... Các di tích được kiểm tra lần này đã được Nhà nước xếp hạng hoặc có trong danh sách kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Sở Tài chính được giao chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện, hoàn thành trước ngày 31/3 để báo cáo về Bộ Tài chính. Thành phố cũng giao UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quản lý.
Hiện, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ của tổ chức tôn giáo. Chủ sở hữu hoặc bên được giao quản lý di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Cuối tháng 10 năm ngoái, sau khi thí điểm kiểm tra quản lý, sử dụng tiền công đức tại Quảng Ninh, Bộ Tài chính hướng dẫn các tỉnh, thành kiểm tra tiền công đức tại các di tích. Kinh phí chi cho công tác kiểm tra trích từ nguồn dự toán ngân sách chi thường xuyên năm 2024.