Bản tin thời sự sáng 24/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dự kiến khởi công cầu Ngọc Hồi gần 12.000 tỷ đồng nối Hà Nội với Hưng Yên vào tháng 9/2025; TP.HCM cấm xe tải vào nội đô một số khung giờ dịp Lễ 30/4; bổ sung ngân sách mua thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức 2…

Dự kiến khởi công cầu Ngọc Hồi gần 12.000 tỷ đồng nối Hà Nội với Hưng Yên vào tháng 9/2025

Dự án cầu Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng nối Hà Nội và Hưng Yên có tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, dự kiến được khởi công vào tháng 9/2025.

Phối cảnh cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng nối Hà Nội với Hưng Yên

Phối cảnh cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng nối Hà Nội với Hưng Yên

Dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 7,5 km. Trong đó, chiều dài cầu chính và cầu dẫn 7,2 km, rộng 33 m, gồm 6 làn xe cơ giới và các làn hỗn hợp. Đường đầu cầu phía Hưng Yên dài khoảng 300 m, rộng 60 m.

Điểm đầu Dự án tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, kết nối với điểm cuối Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cách cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khoảng 360 m về phía đê Hữu Hồng.

Điểm cuối tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (Km7+500), kết nối với đường Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cách đê Tả Hồng 700 m về phía cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tổng mức đầu tư Dự án là 11.844 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Ngọc Hồi thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội triển khai công tác thi tuyển phương án kiến trúc công trình theo đúng quy định tại Luật Kiến trúc, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Ngọc Hồi. Theo đó, giải Nhất là phương án "Cổng mặt trời" có mã số NH-02 (CT0203) do Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm thiết kế.

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố quyết tâm khởi công cầu Tứ Liên vào dịp 19/5.

TP.HCM cấm xe tải vào nội đô một số khung giờ dịp Lễ 30/4

Việc cấm xe tải ô tô tải lưu thông vào khu vực nội đô TP.HCM nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tổ chức các chương trình, sự kiện sắp tới.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Ngày 23/4, Sở Giao thông công chánh TP.HCM có thông báo khẩn về hạn chế xe ô tô tải lưu thông vào khu vực nội đô TP.HCM trong thời gian tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc cấm xe tải ô tô tải lưu thông vào khu vực nội đô TP.HCM nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tổ chức các chương trình, sự kiện phục vụ Lễ kỷ niệm.

Khu vực cấm xe tải lưu thông nằm bên trong được giới hạn bởi các tuyển đường: đường Đỗ Mười - đường Lê Đức Anh - đường Lê Khả Phiêu - đường Nguyễn Văn Linh - đường dẫn cầu Phú Mỹ (cầu cạn) - cầu Phú Mỹ - đường Võ Chí Công - đường Nguyễn Thị Định - đường Đồng Văn Cống - đường Mai Chí Thọ - đường Võ Nguyên Giáp - Xa lộ Hà Nội - đường Đỗ Mười.

Theo đó, ngày 25/4, cấm xe ô tô tải lưu thông vào khu vực nội đô từ 16 giờ đến 23 giờ. Ngày 27/4, cấm xe ô tô tải lưu thông vào khu vực nội đô từ 6 giờ đến 11 giờ 30 phút. Ngày 30/4, cấm xe ô tô tải lưu thông vào khu vực nội đô TP.HCM từ 4 giờ đến 11 giờ 30 phút.

Sở Giao thông công chánh TP.HCM lưu ý, người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông, điều tiết giao thông hoặc theo hướng dẫn của hệ thống báo hiệu giao thông trên đường.

Trước đó, Phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM (PC08) có thông báo cấm đường, hạn chế lưu thông trên một số tuyến đường trung tâm Thành phố. Việc cấm người và xe nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ các hoạt động Tổng hợp luyện, Sơ duyệt, Tổng duyệt cấp nhà nước và tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Bổ sung ngân sách mua thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức 2

Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất bổ sung vốn ngân sách để mua sắm thiết bị y tế, công nghệ thông tin tại dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 ở Hà Nam.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 bỏ không

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 bỏ không

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận nêu trên của Phó Thủ tướng Lê Thành Long sau chuyến kiểm tra dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2.

Phó Thủ tướng đánh giá, dù có cố gắng triển khai dự án, song "nhiều nhiệm vụ chậm tiến độ so với kế hoạch". Nhiều khó khăn, vướng mắc chưa có giải pháp kịp thời. Tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách của 2 dự án.

Để thúc đẩy tiến độ và sớm đưa 2 bệnh viện vào sử dụng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Y tế chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ, kiểm soát tiến độ. Các đơn vị tăng cường nhân lực và huy động tối đa nguồn lực để thi công, nhất là gói thầu thiết bị y tế, công nghệ thông tin.

Chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu phải lập bảng tiến độ chi tiết hàng ngày, báo cáo Bộ Y tế tiến độ hàng tuần. Nội dung cần nêu cụ thể số nhân lực, chi tiết nội dung thi công, vấn đề phát sinh và giải pháp.

Việc nghiệm thu phòng cháy chữa cháy ở các công tơ điện, lắp đặt thiết bị cần thực hiện ngay trong quá trình thi công. Hai bệnh viện cần tuyển dụng, đào tạo nhân lực để sẵn sàng điều kiện vận hành ngay sau khi dự án hoàn thành.

Hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 khởi công từ năm 2014, mỗi bệnh viện quy mô 1.000 giường với mục đích giảm tải cho cơ sở 1 ở Hà Nội đã quá tải bệnh nhân. Hai cơ sở đều đặt tại tỉnh Hà Nam và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm.

Bệnh viện Bạch Mai từng vận hành một phần cơ sở 2 vào năm 2019, nhưng phải dừng hoạt động từ tháng 3/2020. Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Hiện tại, khuôn viên hai bệnh viện bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục dang dở và phần lớn chưa được bố trí thiết bị y tế.

Đầu tháng 4, Thanh tra Chính phủ đánh giá, 2 dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2 bỏ không dẫn đến lãng phí, có dấu hiệu thiệt hại ngân sách nhà nước khoảng 1.250 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ đến Bộ Công an để xem xét điều tra do nghi có dấu hiệu phạm tội.

Hà Nội tổng rà soát, thu hồi trụ sở bỏ hoang, sử dụng sai mục đích

Thành phố Hà Nội sẽ chấn chỉnh, xử lý kịp thời những cơ quan, tổ chức sử dụng trụ sở làm việc kém hiệu quả, không sử dụng để hoang hóa.

Trụ sở công bỏ hoang ở Hà Nội

Trụ sở công bỏ hoang ở Hà Nội

Ngày 23/4, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký ban hành kế hoạch về việc xử lý và tổ chức xử lý tài sản công là nhà, đất (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp) không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.

Kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ rà soát, quyết định và tổ chức xử lý tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Thành phố không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích theo quy định. Nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Thành phố, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo nguồn tài chính phục vụ nhiệm vụ chi quan trọng, thiết yếu của Thủ đô.

Qua đó, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp kém hiệu quả, không đúng mục đích hoặc để trống, không sử dụng để hoang hóa. Khắc phục triệt để tình trạng nhà, đất không được theo dõi, quản lý.

Theo đó, các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị, UBND các cấp chỉ đạo rà soát toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi, quản lý và tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các cơ sở nhà, đất thuộc trường hợp thu hồi: Thu hồi để xử lý đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm dẫn tới chậm xử lý nhà, đất công, gây lãng phí, thất thoát.

Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp đã có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền: Tổ chức thực hiện xử lý hoặc tiếp nhận để lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án xử lý tài sản theo đúng thời hạn quy định. Trường hợp chưa hoàn thành việc xử lý, cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao tiếp nhận, xử lý có trách nhiệm rà soát, xác định rõ nguyên nhân để kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật liên quan.

Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp chưa có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền: Khẩn trương rà soát, các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị, UBND các cấp chỉ đạo lập phương án xử lý đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tập trung vào các trường hợp dôi dư không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý theo quy định, thời hạn tối đa là 1 tháng…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu bồi thường cho dân có lúa chết cạnh cao tốc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Xây dựng sớm khắc phục nước nhiễm mặn rò rỉ từ cao tốc ảnh hưởng tới lúa, nhà thầu bồi thường thiệt hại cho người dân.

Đồng lúa của người dân xã Lương Nghĩa cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau bị chết

Đồng lúa của người dân xã Lương Nghĩa cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau bị chết

Đề nghị của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra sau khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường có báo cáo về tình hình lúa của người dân xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang, trồng cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau bị chết, hư hỏng.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Xây dựng triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn rò rỉ từ cao tốc và từ việc sử dụng cát nhiễm mặn để thi công các cao tốc gây ảnh hưởng tới lúa và cây trồng của người dân. Cơ quan này cần chỉ đạo các nhà thầu phối hợp địa phương khẩn trương rà soát, thống kê và bồi thường thiệt hại cho người dân theo quy định.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp rửa mặn, bảo đảm diện tích bị thiệt hại sớm canh tác trở lại. UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát thống kê diện tích lúa, cây trồng ảnh hưởng, thiệt hại và phối hợp liên danh nhà thầu khẩn trương bồi thường thiệt hại cho người dân.

Hồi tháng 2 - 3, hơn 21 ha lúa Đông Xuân trồng hai bên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đang thi công) đoạn qua xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ thối rễ, chết cháy và hư hỏng, nhiều diện tích mất trắng.

Người dân phản ánh tình trạng lúa chết xảy ra sau khi công trình cao tốc bơm cát đắp nền. Do hai bên cao tốc không có mương thoát nước, phèn và nước mặn tràn, thấm xuống ruộng. UBND xã Lương Nghĩa ghi nhận hơn 21 ha lúa của 49 hộ dân ở ba ấp bị thiệt hại 20 - 100%, do ảnh hưởng nước phèn, mặn từ bơm cát tuyến cao tốc đi qua địa bàn.

Ngành chức năng địa phương kiểm tra, đo đạt độ mặn trên ruộng lúa trồng hai bên cao tốc. Kết quả độ mặn ở khu vực này là 7 - 11 phần nghìn, trong khi lúa chỉ sống khi đất có độ mặn từ 2 phần nghìn trở xuống.

Sáng 23/4, ông Hồ Minh Đường, Giám đốc Ban điều hành Công ty Trung Nam (đơn vị thi công gói thầu cao tốc qua địa bàn huyện Long Mỹ) cho biết đang phối hợp các bên liên quan tổ chức bồi thường cho người dân bị thiệt hại, dự kiến hoàn tất trong tuần tới.

Metro Bến Thành - Suối Tiên chạy đến 23h chở khách dịp lễ 30/4

Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ tăng chuyến và thời gian chạy mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu đi lại, vui chơi của người dân dịp lễ 50 năm thống nhất đất nước.

Khách đi tàu điện Bến Thành - Suối Tiên

Khách đi tàu điện Bến Thành - Suối Tiên

Theo phương án Trung tâm Quản lý giao thông công cộng vừa gửi Sở Giao thông công chánh, việc điều chỉnh lịch trình metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ áp dụng từ ngày 25/4 đến hết 4/5. Trong đó, ngày 25, 28 và 29/4, tàu điện sẽ chạy từ 5h đến 23h với 210 chuyến mỗi ngày, tăng 10 chuyến so với bình thường. Giãn cách giữa mỗi chuyến là 8-12 phút.

Những ngày còn lại (26, 27/4 và từ ngày 1 đến 4/5), metro Bến Thành - Suối Tiên vẫn chạy từ 5h đến 23h. Tuy nhiên, tần suất giãn cách giữa các chuyến sẽ dày hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan của người dân khi Thành phố tổ chức nhiều chương trình, sự kiện dịp lễ. Riêng hôm 30/4, metro cũng sẽ tăng thời gian chạy từ 4h30 và tăng số chuyến.

Metro Bến Thành - Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, dài gần 20 km, kết nối trung tâm Thành phố về cửa ngõ phía đông. Sau khi đưa vào khai thác cuối năm 2024, lượng khách đi metro rất lớn, ngày cao điểm hơn 200.000 lượt.

Hiện tuyến metro mỗi ngày vận hành 9 đoàn tàu. Theo lịch trình bình thường, tàu điện mỗi ngày chạy 200 chuyến, từ 5h đến 22h. Hành trình từ ga cuối Suối Tiên (gần Bến xe Miền Đông mới, Thủ Đức) tới Bến Thành, Quận 1, khoảng 30 phút. Số lượt tàu và giãn cách mỗi chuyến được điều chỉnh linh hoạt phục vụ nhu cầu thực tế, nhất là cuối tuần hoặc lễ, Tết.

Tạm dừng cho ôtô sang đảo Cát Bà vào giờ cao điểm

Để giảm ùn tắc trong dịp nghỉ lễ 30/4, ôtô con, ôtô tải sẽ không được xuống phà sang đảo Cát Bà (Hải Phòng) từ 9h đến 13h mỗi ngày.

Bến phà Đồng Bài, huyện Cát Hải, Hải Phòng

Bến phà Đồng Bài, huyện Cát Hải, Hải Phòng

Quy định trên được UBND thành phố Hải Phòng áp dụng từ ngày 26/4 - 4/5, trùng với cao điểm du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và duy trì vào các ngày nghỉ cuối tuần từ 10/5 đến 30/7. Để di chuyển từ Cát Hải sang Cát Bà trong thời gian cấm, du khách có thể lựa chọn tàu cao tốc, cáp treo hoặc phà Tuần Châu ở Quảng Ninh.

Trước đó ngày 18/4, Tập đoàn Sun Group vận hành thử nghiệm hệ thống xe điện công cộng để đón du khách từ ga đi cáp treo Phù Long đến trung tâm đảo Cát Bà. Hệ thống này bao gồm 10 xe điện 45 chỗ ngồi và sẽ phục vụ khách miễn phí từ nay đến 15/5. Từ ngày 16/5, hệ thống dự kiến mở rộng lên 20 xe mỗi loại, tần suất 150 chuyến/ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu cao điểm.

Hai tuyến tàu cao tốc mới cũng được thành phố khai trương là tuyến Cát Hải - Cát Bà (25 phút) bắt đầu vận hành từ ngày 18/4, đưa khách từ bến du thuyền Cát Hải (cạnh bến phà Đồng Bài) đến bến du thuyền Cát Bà (vịnh Đồng Hồ) và tuyến Hạ Long - Cát Bà (50 phút) vận hành từ 17/5, xuất phát từ cảng Hạ Long đến bến du thuyền Cát Bà (vịnh Đồng Hồ).

Trong 2 tháng đầu năm nay, Cát Bà đã đón hơn 280.000 lượt khách. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là tình trạng ùn tắc tại bến phà Đồng Bài. Đã có thời điểm lượng khách xếp hàng chờ phà kéo dài tới vài km, trong nhiều giờ, gây phiền toái cho cả du khách và người dân địa phương. Trong khi đó, trên đảo Cát Bà, sự gia tăng đột biến của xe cá nhân và xe khách đang làm giảm chất lượng trải nghiệm và tạo áp lực lên môi trường.

Đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái, bến phà Đồng Bài - Cái Viềng ghi nhận 16.664 lượt phương tiện, dự kiến tăng gấp đôi trong năm nay.

Tin cùng chuyên mục