Bản tin thời sự sáng 24/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận làHà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7; TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8; hai trạm BOT ở Phú Yên tạm dừng thu phí từ 0h ngày 23/7; tổ chức thi Đánh giá năng lực cho thí sinh không thi tốt nghiệp đợt 1 và 2; đường sắt lập tàu chuyên biệt đưa 700 công dân Hà Tĩnh từ các tỉnh phía Nam về quê…

Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7

Trước việc số ca nhiễm mới tăng nhanh những ngày qua, Chính quyền Hà Nội quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6h ngày 24/7.

Hà Nội quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7

Hà Nội quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7

Theo quyết định của Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh, Hà Nội sẽ cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Chỉ thị nêu rõ, toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến…

Người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Theo Chỉ thị, Hà Nội yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây….

Các dịch vụ khác được phép hoạt động là cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa…

TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8

Sau 5 lần kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8.

TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8

TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, dù đã áp dụng nhiều biện pháp, thực tế tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các ca bệnh vẫn tăng cao, nên TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8, với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Đức cho biết, thời gian tới khi thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, thành phố sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch. Mục tiêu đặt ra là giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao nhằm hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Theo đó ngân hàng, chứng khoán vẫn bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết. Riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.

Thành phố sẽ tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách. Cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan, chi nhánh các ngân hàng sẽ chuyển sang hoạt động luân phiên.

Chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Hai trạm BOT ở Phú Yên tạm dừng thu phí từ 0h ngày 23/7

Từ 0h ngày 23/7, hai trạm BOT An Dân và hầm Đèo Cả (Phú Yên) nằm trong vùng giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị 16 phải tạm dừng thu phí.

Trạm BOT hầm đường bộ Đèo Cả (Phú Yên) tạm dừng thu phí từ 0h ngày 23/7

Trạm BOT hầm đường bộ Đèo Cả (Phú Yên) tạm dừng thu phí từ 0h ngày 23/7

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 3.3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tạ Thanh Tình cho biết, từ 0h ngày 23/7, hai trạm BOT Phú Yên tạm dừng thu phí để phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Cục Quản lý đường bộ 3 đã yêu cầu Công ty CP đầu tư Đèo Cả - chủ đầu tư các trạm thu phí An Dân (Km1298+150 quốc lộ 1) và hầm Đèo Cả dừng thu phí cho đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội.

Nhà đầu tư dán thông báo tại cabin thu phí và treo băng rôn trước trạm để tài xế biết. Trạm vẫn phải bố trí nhân lực bảo vệ tài sản, có phương án thu phí trở lại ngay sau khi hết thời hạn giãn cách.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT tạm dừng thu phí tại địa bàn giãn cách xã hội cho đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách để hỗ trợ phòng chống Covid -19.

Tổ chức thi Đánh giá năng lực cho thí sinh không thi tốt nghiệp đợt 1 và 2

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2021 trong tình hình dịch Covid-19 cho thí sinh không thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và đợt 2.

Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo điều chỉnh đề án tuyển sinh để xét tuyển đối tượng thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp đợt 1 và đợt 2 vì dịch.

Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo điều chỉnh đề án tuyển sinh để xét tuyển đối tượng thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp đợt 1 và đợt 2 vì dịch.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số địa phương, căn cứ vào điều kiện thực tế, GD&ĐT đã tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 trong các ngày 07-08/7/2021, đợt 2 sẽ tổ chức trong các ngày 06-07/8/2021.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh thuộc diện F0 hoặc diện phải cách ly theo dõi, thí sinh ở một số địa phương phải thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 không thể tham dự Kỳ thi đợt 1, đợt 2.

Để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các Đại học quốc gia chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) theo một số nguyên tắc, cụ thể:

Thông báo, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh có nguyện vọng tham gia dự kì thi ĐGNL; Thời gian tổ chức thi ĐGNL phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và tuân thủ quy định phòng, chống dịch tại các địa phương; Quy mô kỳ thi ĐGNL phù hợp, đáp ứng số thí sinh dự thi;

Đặc biệt, bài thi tương quan với điều kiện chung để thí sinh sử dụng kết quả xét tuyển vào các trường thuộc đại học quốc gia hoặc các cơ sở đào tạo khác có nhu cầu xét tuyển.

Bộ GD&ĐT đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án tổ chức triển khai.

Đường sắt lập tàu chuyên biệt đưa 700 công dân Hà Tĩnh từ các tỉnh phía Nam về quê

Đường sắt lập tàu chuyên biệt đầu tiên đưa người dân Hà Tĩnh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam phía Nam về quê...

Đường sắt lập tàu chuyên biệt đầu tiên đưa người dân Hà Tĩnh sống tại các tỉnh phía Nam phía Nam về quê

Đường sắt lập tàu chuyên biệt đầu tiên đưa người dân Hà Tĩnh sống tại các tỉnh phía Nam phía Nam về quê

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, ngày 24/7, VNR sẽ tổ chức chạy chuyến tàu chuyên biệt đầu tiên đưa 700 hành khách là công dân Hà Tĩnh đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê, nhằm giảm tải áp lực cách ly cho các tỉnh phía Nam trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Đoàn tàu đầu tiên với mác tàu SE14 sẽ xuất phát tại ga Sài Gòn vào lúc 20h45 phút ngày 24/7 và dự kiến đến ga Yên Trung (Hà Tĩnh) lúc 5h sáng ngày 26/7.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, tàu SE14 chỉ đón hành khách tại một ga lên là ga Sài Gòn và trả khách tại một ga đến là ga Yên Trung, không thực hiện việc đón, trả khách tại các ga dọc đường.

Cũng tại ga Sài Gòn và ga Yên Trung, hành khách được bố trí lối đi riêng để ra, vào ga, lên tàu… Đặc biệt, 100% nhân viên phục vụ trên tàu dưới ga tham gia đón tiếp và vận chuyển hành khách đều đã được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19.

Sau chuyến tàu đầu tiên này, Đường sắt Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND TP.HCM và chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức thêm các chuyến tàu khác để đưa 2.300 hành khách là công dân Hà Tĩnh đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê.

TP.HCM Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ 100% tiền vé và kinh phí test Covid-19 hai lần tại khu cách ly cho người dân và xem xét hỗ trợ chi phí cách ly đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đà Nẵng dừng tiếp nhận thủ tục hành chính trực tiếp

Chính quyền thành phố Đà Nẵng khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc qua bưu chính để hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc.

Đà Nẵng dừng tiếp nhận thủ tục hành chính trực tiếp, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc qua bưu chính

Đà Nẵng dừng tiếp nhận thủ tục hành chính trực tiếp, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc qua bưu chính

Theo Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho biết, tất cả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại Trung tâm hành chính thành phố; các quận, huyện, phường, xã đã dừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bố trí công chức, viên chức thường xuyên theo dõi, giải quyết hồ sơ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Các đơn vị ưu tiên tập trung giải quyết thủ tục hành chính mang tính cấp thiết, tuyệt đối không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định pháp luật.

Hiện các cơ quan hành chính ở Đà Nẵng đã thực hiện tập trung tối đa không quá 50% cán bộ, công chức, viên chức tại nơi làm việc. Thành phố đã quy định giãn cách từ 12h ngày 22/7, người ra đường không không cần thiết có thể bị xử phạt.

Nguyên quyền Cục trưởng quản lý thị trường tỉnh Hải Dương bị bắt

Nguyên quyền Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương Nguyễn Thanh Hải, bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh sát đọc quyết định khởi tố ông Hải

Cảnh sát đọc quyết định khởi tố ông Hải

Ngày 23/7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hải để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra ban đầu, khoảng tháng 3/2015, ông Hải có quen biết và nhận lời giúp đỡ anh Đề ở tỉnh Nam Định để anh này được tuyển vào làm công chức tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh. Từ tháng 3/2015 đến 8/2019, ông Hải hai lần nhận 300 triệu đồng của anh Đề song không giúp xin việc như cam kết.

Sau một thời gian chờ đợi, nạn nhân làm đơn tố cáo ông Hải đến cơ quan chức năng. Ngoài trường hợp trên, phòng Cảnh sát kinh tế cũng nhận được đơn thư của một số người dân tố cáo ông Hải lừa tiền chạy biên chế.

Ông Hải giữ chức Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương từ năm 2009 đến 2018. Từ tháng 8/2018, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương được thành lập trực thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, ông Hải giữ chức quyền Cục trưởng. Cùng thời gian này, ông kiêm nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Công Thương.

Tin cùng chuyên mục