Bản tin thời sự sáng 24/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đấu giá 19 bức tranh phong cảnh của Vua Hàm Nghi tại Pháp; Đồng Nai gia hạn xây dựng dự án khu dân cư cho Tập đoàn Bitexco; phê bình 7 sở giao thông vận tải vì chậm giải ngân vốn bảo trì đường bộ; Novaland sẽ mua lại hơn 2.300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn…

Đấu giá 19 bức tranh phong cảnh của Vua Hàm Nghi tại Pháp

Trong số 19 bức tranh do Vua Hàm Nghi vẽ được đưa ra đấu giá, bức tranh "Bụi rậm dưới bóng hoàng hôn" được bán với giá cao nhất là 38.000 euro.

Bức ''Cánh đồng lúa mỳ'' được bán với giá 32.000 euro

Bức ''Cánh đồng lúa mỳ'' được bán với giá 32.000 euro

Khoảng 250 tác phẩm mỹ thuật Đông Dương đã được nhà Lynda Trouvé đưa ra bán đấu giá tại Khách sạn Drouot ở thủ đô Paris (Pháp). Đặc biệt, trong số này có 19 bức tranh do Vua Hàm Nghi vẽ được bán đấu giá với tổng số tiền 330.000 euro (hơn 8,5 tỷ đồng).

"Dòng sông trong chiều hè," "Mặt hồ khi chạng vạng", "Cánh đồng lúa mỳ" hay "Bụi rậm dưới bóng hoàng hôn"… là những tác phẩm nằm trong bộ sưu tập 19 bức tranh phong cảnh do Vua Hàm Nghi vẽ được mang ra đấu giá.

Trong số này, bức tranh "Bụi rậm dưới bóng hoàng hôn" được bán với giá cao nhất là 38.000 euro.

Nhà bán đấu giá Lynda Trouvé cho biết, đây là bộ sưu tập duy nhất của Vua Hàm Nghi được tìm thấy tại Pháp.

19 bức tranh do một nhà sưu tập tư nhân sở hữu. Chúng từng nằm trong một chiếc cặp cũ, được phát hiện trước khi bị bỏ vào thùng rác bởi không ai biết những chữ ký tượng hình trên tranh. Nhờ tấm bưu thiếp đi kèm tựa đề ''Trung tá bộ binh thuộc địa Henri Aubé, Cục trưởng Cục Địa lý Đông Dương ở Hà Nội", cùng chữ ký Vua Hàm Nghi, các bức tranh đã tìm được xuất xứ. Henri Aubé là lính Pháp đóng quân tại Hà Nội từ năm 1907 đến 1909.

Vua Hàm Nghi (1871 - 1944) có tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, khi mới 13 tuổi. Ông là hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn. Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết rời khỏi kinh thành và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Năm 1888, Vua bị bắt và bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô Algérie). Ông qua đời vào năm 1944 vì bệnh ung thư dạ dày.

Tài năng hội họa của Vua được khai phá trong thời gian bị lưu đày. Suốt sự nghiệp mỹ thuật, Vua Hàm Nghi từng thực hiện ba triển lãm: tại Musée Guimet (tháng 6/1904), Galerie Mantelet (tháng 11/1911), Galerie Mantelet - Colette Weil (tháng 11/1926).

Đồng Nai gia hạn xây dựng dự án khu dân cư cho Tập đoàn Bitexco

Tỉnh Đồng Nai gia hạn thêm 482 ngày cho Tập đoàn Bitexco để xây dựng Dự án Khu dân cư thương mại tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch. Nếu doanh nghiệp thực hiện không đúng thời hạn, tỉnh Đồng Nai sẽ thu hồi đất Dự án.

Nhiều khu dân cư tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai dù đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chậm xây dựng. Ảnh minh họa

Nhiều khu dân cư tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai dù đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chậm xây dựng. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định kéo dài thời gian sử dụng đất thêm 482 ngày (kể từ ngày 22/9) đối với Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để triển trai xây dựng Dự án Khu dân cư thương mại với diện tích 66.549 m2 tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch.

Sở dĩ tỉnh Đồng Nai gia hạn cho Tập đoàn Bitexco vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tiến độ thực hiện Dự án bị chậm.

Trường hợp hết thời gian được gia hạn mà Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco chưa xây dựng công trình theo quy hoạch được duyệt thì Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ lập thủ tục thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Phê bình 7 sở giao thông vận tải vì chậm giải ngân vốn bảo trì đường bộ

Cục Đường bộ Việt Nam phê bình 7 Sở Giao thông vận tải (GTVT) vì chậm giải ngân vốn bảo trì đường bộ và yêu cầu cần có giải pháp khắc phục ngay.

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án bảo trì đường bộ. Ảnh minh họa

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án bảo trì đường bộ. Ảnh minh họa

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các khu quản lý đường bộ, các sở GTVT quản lý ủy thác quốc lộ, các ban quản lý dự án trực thuộc yêu cầu đẩy nhanh giải ngân kinh phí quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2023.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến ngày 15/9/2023, cơ bản các cơ quan, đơn vị đã thực hiện giải ngân trên 60% dự toán chi nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ được giao.

Tuy nhiên, số liệu cập nhật trên phần mềm còn một số sở GTVT có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo hoàn thành giải ngân vốn được giao.

Điển hình, Sở GTVT Hòa Bình mới đạt tỷ lệ giải ngân hơn 39%, Sở GTVT Thái Nguyên đạt hơn 46%, Sở GTVT Hà Giang đạt hơn 47%, Sở GTVT Vĩnh Phúc đạt hơn 47%, Sở GTVT Bắc Ninh đạt hơn 48%, Sở GTVT Nam Định đạt hơn 47%, Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 49%.

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở này kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục. Báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý trước ngày 30/9/2023.

Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã tập trung đôn đốc tiến độ giải ngân, yêu cầu các chủ đầu tư đảm bảo kết quả giải ngân đến ngày 15/9/2023 phải đạt 80% kế hoạch vốn giao. Tuy nhiên, đến nay, các sở GTVT còn chậm so với yêu cầu.

Năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam được Bộ GTVT giao gần 12.000 tỷ đồng vốn bảo trì đường bộ, dự kiến đến 15/10/2023 giải ngân đạt 85% dự toán giao và đến 31/12/2023 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch.

Novaland sẽ mua lại hơn 2.300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Công ty Novaland sẽ bắt đầu mua lại trước hạn với trị giá hơn 2.300 tỷ đồng của 2 lô trái phiếu đang lưu hành.

Từ ngày 22/9, Novaland mua lại trước hạn hơn 2.300 tỷ đồng trái phiếu

Từ ngày 22/9, Novaland mua lại trước hạn hơn 2.300 tỷ đồng trái phiếu

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn. Theo đó, số lượng trái phiếu dự kiến mua lại trị giá 2.252 tỷ đồng có mã NVLH2232001. Lô trái phiếu này có khối lượng trái phiếu đang lưu hành trị giá 5.543 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Novaland sẽ mua lại trái phiếu trước hạn 94 tỷ đồng trong số 231 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã NVLH2232002. Như vậy tổng cộng, Novaland sẽ mua lại trái phiếu trước hạn theo mệnh giá là 2.346 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện kể từ ngày 22/9.

Cả 2 lô trái phiếu cùng được phát hành ngày 19/5/2022 với thời hạn 10 năm. Trong đó, lô NVL2232001 là trái phiếu chuyển đổi, lô NVL2232002 là trái phiếu kèm chứng quyền. Mức lãi suất công bố 10%/năm.

Mới đây, vào ngày 20/9, Novaland cũng công bố dùng bất động sản để thanh toán các khoản gốc, lãi cho hai lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, Novaland đã gia hạn thành công thời gian thanh toán cho 2 lô trái phiếu có mã NVLB2123012 và NVLH2123010, tổng giá trị 2.300 tỷ đồng.

Khánh Hòa muốn mở chợ đêm ở hai công viên và chợ Đầm

Công viên Yến Phi và Thiếu Nhi cùng chợ Đầm ở Nha Trang được chọn mở chợ đêm, với 26 gian hàng, hoạt động từ 15h - 23h mỗi ngày để phục vụ người dân, du khách.

Chợ Đầm ở Nha Trang - nơi được chọn mở chợ đêm

Chợ Đầm ở Nha Trang - nơi được chọn mở chợ đêm

Ngày 23/9, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đã có kế hoạch tổ chức các phiên chợ đêm ở TP. Nha Trang nhằm phục vụ cộng đồng, phát triển du lịch, kinh tế địa phương.

Với kế hoạch trên, công viên Yến Phi và công viên Thiếu Nhi cùng chợ Đầm, đều ở TP. Nha Trang, được chọn làm địa điểm tổ chức chợ đêm. Vị trí này được đánh giá phù hợp, thu hút khách du lịch tới tham quan, mua sắm.

Thời gian tới, địa phương này sẽ cải thiện cảnh quan khu vực trước chợ Đầm để thực hiện lộ trình mở chợ đêm. Qua đó khai thác, tận dụng được lợi thế cảnh quan, tầm nhìn trước chợ, hướng ra đường Hai Bà Trưng.

Phía đường Hai Bà Trưng, trước khu vực chợ Đầm được bố trí, sắp xếp theo hướng linh động nhằm tổ chức, sử dụng các gian hàng trưng bày theo hình thức lắp ráp, di động. Mục đích không gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các tiểu thương trong chợ.

Thời gian diễn ra chợ đêm 15h - 23h mỗi ngày, bắt đầu thực hiện từ quý III năm nay, với 26 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP cùng các sản phẩm tiêu biểu, ẩm thực mang đậm bản sắc của địa phương.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc tổ chức chợ đêm phải phù hợp với mục tiêu của Đề án Phát triển kinh tế đêm tại tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030. Song song đó, mô hình chợ đêm còn là hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm của địa phương đến với du khách và người tiêu dùng…

Sạt lở bờ Sông Mã hàng trăm mét

Hơn 12.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp của 29 hộ dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã bị dòng sông Mã nuốt gọn.

Tháng 8 - 9/2023 là giai đoạn bờ tả sông Mã ở xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc , Thanh Hóa) sạt lở mạnh nhất trong 5 năm qua

Tháng 8 - 9/2023 là giai đoạn bờ tả sông Mã ở xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc , Thanh Hóa) sạt lở mạnh nhất trong 5 năm qua

Lãnh đạo xã Vĩnh Hòa cho biết, bờ sông Mã bắt đầu sạt lở từ năm 2017 đến nay, kéo dài 600 m qua hai thôn Nghĩa Kỳ và Đông Giang, làm mất 12.000 m2 đất nông nghiệp. Thời kỳ đầu, mỗi năm sông Mã lấn vào đất liền 7 - 10 m. Từ đầu tháng 8 đến nay, sạt lở diễn biến nhanh do mưa lớn và thủy điện xả lũ.

Hiện dọc bãi bồi thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông có nhiều vết rạn nứt, các mép lở dựng đứng cao 5 - 7 m so với mặt nước, nguy cơ sạt lở tiếp.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân chính gây sạt lở do xã Vĩnh Hòa là điểm hợp lưu của sông Mã và sông Bưởi, dòng chảy tương đối phức tạp, cấu trúc nền địa chất yếu vì được hình thành từ cát và đất phù sa.

Còn theo người dân, tình trạng khai thác cát dọc sông là nguyên nhân gây sạt. Báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc cho thấy, trong 600 m sạt lở bờ sông Mã qua xã Vĩnh Hòa có 200 m đi qua mỏ cát số 18 của một doanh nghiệp. Tại mốc số 5, chiều rộng sạt lở lớn nhất 25 m, cách khu dân cư thôn Nghĩa Kỳ 150 m.

Ngoài ra, có hai điểm sạt lở hạ lưu mỏ cát số 18. Điểm một chiều dài cung sạt lở khoảng 100 m, rộng 35 m, cách khu dân cư 90 m. Điểm còn lại chiều dài cung sạt lở 80 m, rộng 35 m, cách khu dân khoảng 120 m.

UBND huyện Vĩnh Lộc đang đề nghị tỉnh Thanh Hóa lập đoàn kiểm tra, đánh giá nguyên nhân sạt lở. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đề xuất sớm khắc phục triệt để sự cố bằng giải pháp thi công kè chống sạt, ngăn chặn thiệt hại đất đai, hoa màu và tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Vi phạm quy định khai thác khoáng sản, một doanh nghiệp bị phạt 667 triệu đồng

Với 6 hành vi vi phạm ở mỏ đá Mèo Gù (xã Phúc Khánh, Yên Lập, Phú Thọ), Công ty TNHH Thắng Lợi vừa bị UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định xử phạt với số tiền 667 triệu đồng.

Cảnh ô nhiễm bụi nghiêm trọng gần mỏ đá Mèo Gù

Cảnh ô nhiễm bụi nghiêm trọng gần mỏ đá Mèo Gù

Ngày 23/9, UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty TNHH Thắng Lợi với 6 hành vi.

Thứ 1, Công ty không xác định được vị trí mốc giao, không cung cấp được biên bản giao mốc và hồ sơ mốc giới (số tiền phạt 7 triệu đồng).

Thứ 2, Công ty khai thác không đúng theo hồ sơ thiết kế mỏ đã được Sở Xây dựng, Sở Công Thương thẩm định (số tiền phạt 80 triệu đồng).

Thứ 3, không lập bản đồ hiện trạng khu vực khai thác, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác (số tiền phạt 120 triệu đồng).

Thứ 4, không lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản khu vực được phép khai thác gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường; không lập danh sách, chứng từ, văn bản có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm (số tiền phạt 120 triệu đồng).

Thứ 5, khai thác vượt công suất được phép khai thác 122.574,5 m3 (số tiền phạt 170 triệu đồng).

Thứ 6, khai thác vượt ranh giới khu vực được phép khai thác (số tiền phạt 170 triệu đồng).

Ngoài số tiền phạt trên, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Công ty TNHH Thắng Lợi thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Thời gian khắc phục hậu quả là 45 ngày kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.

Buộc Công ty TNHH Thắng Lợi phải nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được từ việc khai thác 259.005 m3 đá làm vật liệu xây dựng (UBND Tỉnh giao cơ quan có liên quan tiến hành xác định số lợi bất hợp pháp để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả)…

Hoán cải tàu cá để vận chuyển hàng chục nghìn lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Ngày 23/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới và tàu tuần tra Biên phòng Kiên Giang vừa bắt 2 tàu cá vận chuyển khoảng 120.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới đo khối lượng dầu trên 2 tàu vận chuyển trái phép

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới đo khối lượng dầu trên 2 tàu vận chuyển trái phép

Trước đó, từ nguồn tin nắm được có ít nhất 2 phương tiện vận chuyển lượng lớn dầu lậu từ ngoài khơi vùng biển Kiên Giang vào địa bàn TP. Phú Quốc tiêu thụ, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới đã báo cáo về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; đồng thời thành lập tổ công tác chủ động phối hợp với tàu tuần tra BP 20-19-01 của Đồn Biên phòng Thổ Châu, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang triển khai phương án mật phục chặn bắt.

Đến 1 giờ ngày 22/9, tổ công tác phát hiện tàu đánh cá biển số KG-91054T-ST đang từ ngoài khơi chạy vào vùng biển do Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới quản lý nên cho dừng tàu kiểm tra.

Qua kiểm tra, tàu do ông Nguyễn Văn Ngọc (ngụ phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng có 4 thuyền viên. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu của ông Ngọc đang chứa khoảng 50.000 lít dầu DO, nhưng không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc số dầu nêu trên.

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, tổ công tác tiếp tục chặn tàu KG-94533-TS để kiểm tra. Trên tàu có 5 người, do ông Lê Tấn Nhựt (47 tuổi, ngụ phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Qua kiểm tra, trên tàu ông Nhựt có chứa khoảng 60.000 lít dầu DO đều không có chứng từ hợp pháp.

Qua đấu tranh bước đầu, các thành viên trên 2 tàu khai nhận, do dầu trôi nổi ngoài khơi rẻ nên mua về bán lại cho các tàu cá để kiếm lời.

Tối cùng ngày, lực lượng chức năng áp giải 2 chiếc tàu đánh cá đã được chủ cải hoán thành tàu vận chuyển dầu về đến cảng Vịnh Đầm, phường An Thới, TP. Phú Quốc để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Tin cùng chuyên mục