Bản tin thời sự sáng 25/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vốn đầu tư vào khu công nghiệp TP.HCM cao kỷ lục; áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp tết Nguyên đán 2024; bắt đầu triển khai gói thiết bị hơn 210 tỷ thu phí không dừng sân bay; đề xuất dùng ngân sách làm đường, kè ở Nha Trang sau khi WB hủy tài trợ…

Vốn đầu tư vào khu công nghiệp TP.HCM cao kỷ lục

Tổng vốn đầu tư vào các khu chế xuất, công nghiệp TP.HCM năm 2023 đạt trên một tỷ USD, cao nhất trong hơn 30 năm qua.

Công nhân làm việc trong nhà máy điện tử ở Khu chế xuất Tân Thuận

Công nhân làm việc trong nhà máy điện tử ở Khu chế xuất Tân Thuận

Thông tin được ông Trần Việt Hà, Phó Ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết. Cụ thể, trừ năm 2011 có một dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với số vốn tròn một tỷ USD và chiếm toàn bộ vốn đầu tư trong năm; còn lại hơn 30 năm thành lập, các khu công nghiệp của Thành phố thu hút vốn dao động 480 - 500 triệu USD, có năm cao nhất là 800 triệu USD.

Năm 2023, tổng vốn đầu tư bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh vào các khu công nghiệp đạt 1,012 tỷ USD, tăng 84% so cùng kỳ 2022. Trong đó, vốn FDI gần 223 triệu USD với 16 dự án mới và 34 dự án điều chỉnh vốn. Các nhà đầu tư trong nước cũng rót hơn 789 triệu USD vào các khu công nghiệp, trong đó có 46 dự án mới và 20 dự án tăng vốn.

Các dự án này triển khai trên diện tích đất rất nhỏ. Ví dụ có dự án chỉ cần 4 ha đất nhưng lại tập trung vốn đầu tư rất lớn. Điều này giúp cho mỗi ha đất công nghiệp của TP.HCM bình quân thu hút 8,1 triệu USD vốn đầu tư, cao nhất trong các năm qua so với bình quân 6,32 triệu USD.

Theo lãnh đạo Hepza, vốn đầu tư vào các khu công nghiệp TP.HCM năm 2023 tăng đột biến do các doanh nghiệp hiện hữu điều chỉnh tăng vốn, tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao, cơ khí chế tạo, viễn thông... Đây là các ngành thâm dụng vốn, công nghệ và tiệm cận với mong muốn thu hút đầu tư của thành phố. Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư vào cải tiến công nghệ, tối ưu hóa dây chuyền, máy móc để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của Thành phố.

TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, công nghiệp đang hoạt động thu hút gần 1.700 dự án, sử dụng trên 252.000 lao động. Các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách trên 23.000 tỷ đồng, chiếm 5,25% tổng thu ngân sách của Thành phố.

Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp Tết Nguyên đán 2024

Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp Tết Nguyên đán 2024

Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp Tết Nguyên đán 2024

Theo đó, từ ngày 6/2 đến hết ngày 16/2, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tại các cảng hàng không, sân bay, các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1.

Còn trong các ngày từ 10/2 đến hết ngày 12/2, Cục không yêu cầu tăng cường quân số, nhưng các biện pháp khác của cấp độ 1 áp dụng theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị căn cứ quy định để triển khai các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường phù hợp.

Các cảng vụ hàng không được yêu cầu thông báo nội dung này đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không, hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.

Theo Nghị định 92/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không, kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 được áp dụng trong các trường hợp: có sự kiện chính trị, xã hội trọng đại của đất nước; có tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội phức tạp.

Theo quy định, các sân bay triển khai biện pháp kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 sẽ thực hiện các biện pháp sau:

Tăng cường số lượng nhân viên an ninh hàng không, bảo vệ làm nhiệm vụ tại khu vực hạn chế; kiểm tra người bằng thiết bị phát hiện kim loại cầm tay và kiểm tra trực quan 7% với người, đồ vật, phương tiện vào khu vực hạn chế của sân bay.

Tăng cường phỏng vấn, đối chiếu giấy tờ nhân thân khi hành khách làm thủ tục hàng không, khi kiểm tra an ninh hàng không; kiểm tra trực quan ngẫu nhiên 15% hành khách đã qua cổng từ mà không có báo động; kiểm tra trực quan 15% hành lý xách tay, ký gửi qua máy soi tia X mà không có hình ảnh khả nghi; hạn chế người và phương tiện hoạt động tại khu vực công cộng của nhà ga hành khách...

Tại khu vực công cộng, tăng cường tần suất tuần tra khu vực, tăng cường tần suất phát thanh trên hệ thống phát thanh yêu cầu hành khách không được rời xa hành lý; giám sát khu vực công cộng của nhà ga bằng camera và tăng cường nhân viên kiểm soát an ninh hàng không giám sát.

Đề xuất dùng ngân sách làm đường, kè ở Nha Trang sau khi WB hủy tài trợ

Tỉnh Khánh Hòa đề xuất dùng ngân sách làm dự án đường, kè sông Cái Nha Trang, bồi thường cho dân sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) hủy tài trợ.

Khu vực kè bắc sông Cái (TP Nha Trang) chậm tiến độ

Khu vực kè bắc sông Cái (TP Nha Trang) chậm tiến độ

Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP Nha Trang) gồm 4 hợp phần với tổng mức đầu tư hơn 1.380 tỷ đồng (60 triệu USD). Trong đó, tổng vốn ODA do WB tài trợ và cho vay hơn 48 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh 11,4 triệu USD (hơn 250 tỷ đồng).

Toàn Dự án triển khai từ năm 2019, dự kiến về đích trước tháng 6/2024, giúp kết nối đô thị, cải thiện môi trường, song chậm tiến độ nhiều năm do vướng mặt bằng. Trong đó, đáng chú ý hợp phần 2 của Dự án gồm kè và đường nam, bắc sông Cái, đường Chử Đổng Tử, tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, mới đạt 5%.

Do tiến độ quá chậm, Giám đốc WB đã có ý kiến rút toàn bộ số tiền 250 tỷ đồng tài trợ cho dự án hợp phần 2, tiến tới thu hồi Dự án.

Mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất sử dụng nguồn vốn đối ứng của địa phương để thực hiện Dự án. Một phương án nữa là Tỉnh cắt toàn bộ các hạng mục còn lại của hợp phần 2 ra khỏi CCSEP Nha Trang, rồi lập dự án mới đưa vào kế hoạch đầu tư công của Tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phương án đầu do "tính kế thừa", ít tốn thời gian vì không phải lập dự án mới.

Chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Tỉnh đã tính toán để thực hiện các hạng mục còn lại của hợp phần 2 Dự án.

Bắt đầu triển khai gói thiết bị hơn 210 tỷ thu phí không dừng sân bay

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc Dự án thu phí không dừng tại 5 cảng hàng không quốc tế bao gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cát Bi và Tân Sơn Nhất.

Xe ô tô nối đuôi nhau qua trạm thu phí ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Xe ô tô nối đuôi nhau qua trạm thu phí ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Theo đó, Công ty CP Công nghệ kỹ thuật số (HiTD) là đơn vị duy nhất tham gia dự thầu và trúng thầu. Công ty HiTD bỏ giá dự thầu gần 213 tỷ đồng. Các thiết bị thuộc gói thầu mà HiTD cung cấp nhằm áp dụng thu phí bằng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification), tương tự phương thức tại các trạm thu phí cao tốc.

Kế hoạch triển khai thu phí không không dừng sân bay áp dụng tại các cảng Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cát Bi và Tân Sơn Nhất đã được thúc đẩy trong suốt những năm qua nhằm giải quyết hiện trạng ùn ứ ô tô vào khung giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết.

Chuẩn bị có băng tải vận chuyển than xuyên biên giới dài 5,5 km tại Quảng Trị

Để thuận lợi trong việc vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng kho bãi và băng tải vận chuyển than xuyên biên giới dài 5,5 km.

Mỏ than lộ thiên ở Lào cách Cửa khẩu Quốc tế La Lay khoảng 120 km đang được khai thác, vận chuyển về Việt Nam

Mỏ than lộ thiên ở Lào cách Cửa khẩu Quốc tế La Lay khoảng 120 km đang được khai thác, vận chuyển về Việt Nam

Ngày 24/1, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án xây dựng kho bãi và hệ thống băng tải vận chuyển than đá xuất nhập khẩu giữa Lào và Việt Nam qua cặp cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La - Lay (Salavan, Lào).

Trước đó, vào ngày 5/1, Chính phủ đồng ý về việc triển khai đoạn băng tải thuộc Dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua biên giới Việt Nam - Lào.

Dự án này được đầu tư xây dựng trên 2 tỉnh giữa Việt Nam và Lào. Trong đó, có kho bãi hàng hóa tại Việt Nam thuộc xã A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cách cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) khoảng 4,4 km; kho bãi hàng hóa (phía Việt Nam) dự kiến xây dựng trên diện tích 15 ha gồm các công trình nhà kho kín chứa than, kho bãi ngoài trời, các công trình phục vụ như nhà xưởng sửa chữa, nhà văn phòng làm việc, nhà ở công nhân, nhà ăn, sân đường...

Đặc biệt, tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 5,5 km đi qua đường biên giới với điểm đầu tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Lào, phần băng tải nằm trên lãnh thổ Lào khoảng 200 m. Điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam, phần băng tải nằm trên lãnh thổ Việt Nam có chiều dài khoảng 5,5 km.

Được biết, băng tải than cắt qua đường biên giới tại cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La Lay (Salavan, Lào) là dự án chưa có tiền lệ. Khi đưa vào khai thác, công suất dự kiến 6.000 tấn/giờ. Băng tải sẽ giúp rút ngắn thời gian, tăng lưu lượng than được thông quan, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại khu vực cửa khẩu.

Dự kiến thời gian thi công khoảng 6 tháng đến 1 năm sau khi hoàn tất các thủ tục. Theo chủ đầu tư, tổng vốn khoảng 1.840 tỷ đồng, xây dựng giữa năm 2024 và khai thác trong năm 2025.

Khu công nghiệp TP.HCM cần tuyển hơn 10.000 lao động

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.500 lao động.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM có nhu cầu tuyển hơn 10.500 lao động

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM có nhu cầu tuyển hơn 10.500 lao động

Đây là thông tin vừa được Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) đưa ra.

Theo đó, đơn vị này dự báo, do tình hình kinh tế khó khăn kéo dài từ sau dịch Covid-19 nên số lượng người lao động về quê đón Tết Nguyên đán sẽ giảm so với năm ngoái. Do đó, số lượng người lao động làm việc lại sau Tết sẽ ít biến động.

Qua khảo sát tình hình lao động, một số doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đang có ý định cắt giảm lao động trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng, với tổng lao động dự kiến cần tuyển hơn 10.500 người. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên gần 1.000 người, lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp là hơn 550 người và gần 8.800 lao động phổ thông.

Tính đến tháng 12/2023, TP.HCM có 17 trong tổng số 19 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy gần 80% với hơn 252.000 lao động. Theo định hướng, các khu chưa cho thuê đất sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư theo định hướng mới. Ở những khu đang hoạt động, Thành phố sẽ có phương án tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hoặc di dời để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.

UBCKNN xử phạt nhiều cá nhân và tổ chức bán chui, thao túng chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành một loạt quyết định về việc xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm trên thị trường chứng khoán. Đáng chú ý, có cá nhân bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng.

Nhiều tổ chức, cá nhân bị UBCKNN xử phạt vì bán chui cổ phiếu

Nhiều tổ chức, cá nhân bị UBCKNN xử phạt vì bán chui cổ phiếu

Theo đó, UBCKNN đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, số 79/9B, Đường 12, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, TP.HCM.

Bà Hạnh bị phạt tiền 1.014.160.000 đồng đối với hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là người có liên quan đến ông Đặng Quang Hạnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) đã thực hiện giao dịch 5.795.200 cổ phiếu (mua 1.104.700 cổ phiếu và bán 4.690.500 cổ phiếu ITA) trong tháng 6/2022 (tương ứng với 57.952.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu ITA); giao dịch bán 520.000 cổ phiếu ITA (tương ứng với 5.200.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu ITA) trong tháng 7/2022 và giao dịch bán 88.000 cổ phiếu ITA (tương ứng với 880.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu ITA) trong tháng 9/2022 nhưng không báo cáo trước khi giao dịch.

Ngoài bị phạt tiền, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 3,5 tháng theo quy định.

Dịp này, UBCKNN cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 tổ chức, cá nhân cho ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Louis Holdings mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Đề nghị khai trừ Đảng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã thống nhất biểu quyết đề nghị xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng với ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Hà Giang.

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình đang bị bắt giam để điều tra về các hành vi sai phạm

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình đang bị bắt giam để điều tra về các hành vi sai phạm

Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã họp xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Thế Bình - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang.

Theo đó, ông Nguyễn Thế Bình với cương vị là Phó Giám đốc và Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang trong quá trình tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của Chính phủ trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đã có vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí số tiền lớn.

Cá nhân ông Bình và nhiều đảng viên nguyên là cán bộ, công chức tại Sở GDĐT tỉnh Hà Giang có liên quan đến sai phạm bị khởi tố, bắt giam để điều tra, xử lý.

BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã thống nhất biểu quyết đề nghị xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng với ông Nguyễn Thế Bình để báo cáo UBKT Trung ương, trình Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.

Trước đó ngày 17/1, Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí để điều tra theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, trong quá trình tổ chức mua sắm, trang thiết bị cho các trường năm 2019 và 2020, ông Nguyễn Thế Bình đã có những hành vi sai phạm khi cấp trang thiết bị không đúng nhu cầu của các trường, cấp cho các trường không thuộc đối tượng thụ hưởng, mua sắm và cấp trang thiết bị không theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hà Giang.

Hành vi sai phạm của ông Bình gây thiệt hại và lãng phí cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.