Bản tin thời sự sáng 25/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vốn đầu tư buýt nhanh Số 1 TP.HCM còn 143 triệu USD; Đại học Đông Đô cấp hơn 190 bằng cử nhân giả, không qua tuyển sinh; xếp hàng xin visa đi Nhật; đường sắt bán thêm 30.000 vé tàu Tết…

Vốn đầu tư buýt nhanh Số 1 TP.HCM còn 143 triệu USD

Tổng vốn đầu tư tuyến buýt nhanh (BRT) đầu tiên của TP.HCM được điều chỉnh từ gần 156 triệu USD xuống 143,6 triệu USD.

Phối cảnh trạm BRT Số 1

Phối cảnh trạm BRT Số 1

Nội dung này được đề cập trong Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM (Dự án tuyến xe buýt nhanh BRT Số 1) từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ký.

Theo đó, Chính phủ cho phép chuyển đổi nguồn vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) sang nguồn vốn Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). Trong đó, vốn vay IDA hơn 123 triệu USD, vốn đối ứng hơn 20 triệu USD.

Động thái này cùng với việc tăng phần vốn đối ứng từ ngân sách thành phố thêm gần 6,5 triệu USD (từ 13,6 triệu USD thành hơn 20 triệu USD) là lý do khiến tổng mức đầu tư Dự án giảm so với trước.

Chính phủ cũng đồng ý gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến tháng 12/2023, đồng thời giao TP.HCM làm thủ tục điều chỉnh quyết định đầu tư Dự án theo nội dung được duyệt.

BRT Số 1 dài 23 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (đi qua các quận huyện: Bình Chánh, Bình Tân, 6, 5, 1, 2) là tuyến đầu tiên trong mạng lưới 6 tuyến BRT được quy hoạch của TP.HCM.

Điểm đầu tuyến tại Bến xe miền Tây và điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (Quận 2) gồm các hạng mục: 1 depot ở Thủ Thiêm, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến và 30 xe buýt (sử dụng khí nén thiên nhiên - CNG). Tuyến sẽ giao cắt với các Metro Số 1, 2, 3A và 5 trong tương lai.

Đại học Đông Đô cấp hơn 190 bằng cử nhân giả, không qua tuyển sinh

Kết luận điều tra cho biết, Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.

Đại học Đông Đô cấp hơn 190 bằng cử nhân giả, không qua tuyển sinh...

Đại học Đông Đô cấp hơn 190 bằng cử nhân giả, không qua tuyển sinh...

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can là cán bộ Trường Đại học Đông Đô về hành vi “Giả mạo trong công tác”.

Các bị can gồm Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng); Trần Kim Oanh (nguyên Phó hiệu trưởng kiêm Phó viện trưởng, Viện đào tạo liên tục); Lê Ngọc Hà (Phó hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang; Phạm Vân Thùy; Lê Thị Thanh Tâm; Nguyễn Thị Huệ; Nguyễn Thị Ngọc Thái; Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương.

Kết luận điều tra xác định, vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.

Trong vụ án này, Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển công nghệ 4.0) và đồng phạm đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT xác định, Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Trần Khắc Hùng, khi bắt được sẽ xử lý sau…

Hà Nội: Xếp hàng xin visa đi Nhật

Hàng trăm người xếp hàng nộp hồ sơ trước Đại sứ quán Nhật Bản, khi cơ quan này thông báo cấp mới visa, sáng 24/11.

Dòng người trật tự xếp hàng trên vỉa hè phố Liễu Giai, sáng 24/11

Dòng người trật tự xếp hàng trên vỉa hè phố Liễu Giai, sáng 24/11

Đại sứ quán Nhật Bản vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ xin cấp mới visa cho người có mục đích thương mại ngắn hạn, như: liên hệ công việc, đàm phán, ký kết hợp đồng; lao động đi làm việc; lưu trú dài hạn. Động thái nằm trong lộ trình mở cửa sau thời gian "đóng băng" vì Covid-19. Đầu tháng 10, cơ quan này giải quyết visa cho những trường hợp có tư cách lưu trú từ ngày 27/3 trở về trước.

Theo quy định của Nhật Bản, người nhập cảnh sẽ phải cách ly 14 ngày tại nhà, không sử dụng các phương tiện công cộng và khuyến khích lưu lại thông tin, vị trí trong thời gian trên.

Nhật Bản dẫn đầu thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam với hơn 80.000 người, mỗi năm mang về cho đất nước 3 tỷ USD. Khoảng 200.000 thực tập sinh và 30.000 lao động kỹ thuật đang làm việc tại đất nước này.

Hồi tháng 4, Chính phủ Nhật Bản phải mở rộng tình trạng khẩn cấp toàn quốc, khi ghi nhận 8.600 ca nhiễm và 180 người tử vong do Covid-19. Cùng với việc Việt Nam tạm ngưng đường bay quốc tế, thị trường Nhật Bản ách tắc từ tháng 3.

Đường sắt bán thêm 30.000 vé tàu Tết

Sáng ngày 25/11, ngành đường sắt mở bán đợt 2 với khoảng 30.000 chỗ tàu Tết trên tất cả kênh bán vé.

Hành khách mua vé tàu tại ga Sài Gòn

Hành khách mua vé tàu tại ga Sài Gòn

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, số chỗ được bán đi vào các ngày cao điểm từ 3 - 10/2/2021 (22 - 29/1 âm lịch) và sau Tết từ 15 - 21/2/2021 (4 - 11/1 âm lịch). Trong đó, tàu tăng cường tập trung cho tuyến TP.HCM đi Hà Nội và Vinh.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, ngoài mở bán đợt 2, hiện vé tàu Tết đợt trước còn khoảng 82.000 chỗ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Năm nay, vé tàu Tết giảm từ 10 - 20% so với năm ngoái; hành khách mua vé khứ hồi giảm thêm 5%; sinh viên được giảm 10%. Ngoài ra, để khuyến khích đi lại sớm trước Tết, hành khách còn được giảm thêm 30% nếu mua vé từ 28/1 - 3/2/2021 (tàu từ Nam ra Bắc) và từ 22 - 28/2/2021 (tàu từ Bắc vào Nam).

Hà Nội: Đề nghị ưu tiên xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đề nghị cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý I/2020 và điều chỉnh sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau dịch Covid-19.

Xe buýt bị các phương tiện cá nhân bủa vây khiến không thể đi nhanh và đảm bảo đúng giờ

Xe buýt bị các phương tiện cá nhân bủa vây khiến không thể đi nhanh và đảm bảo đúng giờ

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội vừa kiến nghị hàng loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp buýt nhằm thúc đẩy vận tải công cộng Thủ đô.

Theo đó, Hiệp hội này đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội ưu tiên xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhằm cải thiện điều kiện vận hành xe buýt, tăng lợi thế về vận tốc, về độ an toàn để thu hút hành khách sử dụng xe buýt, giảm phương tiện cá nhân, giảm rối loạn và tắc nghẽn giao thông.

Hiệp hội cũng đề nghị cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý I/2020 đồng thời điều chỉnh sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Liên quan đến đề nghị cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý I/2020, thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, 68 tuyến buýt Hà Nội đang thực hiện đặt hàng năm 2019 phải chuyển sang hình thức đấu thầu trong năm 2020.

Do phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lựa chọn và dự thầu với nhiều bước, tiến độ gấp, khối lượng công việc lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, để đảm bảo dịch vụ vận tải hành khách công cộng được liên tục, UBND thành phố Hà Nội cho phép 68 tuyến buýt tiếp tục hoạt động ổn định, bình thường từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2020 (đến khi lựa chọn được nhà thầu theo quy định).

Rừng bạch tùng ở Lâm Đồng bị cưa hạ

Nhiều cây bạch tùng đường kính rộng một mét, cao hơn 20 mét ở tiểu khu 249, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, bị lâm tặc đốn hạ, đưa ra khỏi rừng.

Nhiều thớ gỗ bị xẻ chưa kịp đưa ra khỏi rừng

Nhiều thớ gỗ bị xẻ chưa kịp đưa ra khỏi rừng

Ngày 24/11, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp lực lượng kiểm lâm điều tra, xác minh vụ phá rừng bạch tùng quy mô lớn xảy ra tại huyện Lâm Hà.

Theo điều tra, gần đây một số "lâm tặc" đột nhập vào lô B, khoảnh 2, tiểu khu 249 lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý, để cưa trộm bạch tùng lấy gỗ. Tại hiện trường, nhiều vỏ cây bạch tùng có kích thước lớn nằm lại, phần lõi bị xẻ mang ra khỏi rừng. Một số thớ gỗ chưa kịp xẻ còn ngổn ngang.

Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cho biết, có 11 cây bạch tùng khối lượng gần 20,5 m3 bị cưa hạ, trong đó hơn 17,6 m3 đã đưa ra khỏi rừng.

Bạch tùng có nguồn gốc từ cây thông ba lá (thông nang), trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Gỗ có chất lượng tốt, thường làm trang trí nội thất, xây dựng nhà nuôi chim yến nên có giá thành khá cao.