Sẽ có thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng
Ngoài những cây cầu đã xây dựng, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu nữa.
Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo |
10 cầu sẽ được xây dựng mới gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
"Việc xây dựng các cây cầu giúp kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông Hồng", Bộ Giao thông vận tải đánh giá trong văn bản trả lời cử tri TP. Hà Nội, ngày 23/12.
Trong số 10 cây cầu được quy hoạch, cử tri Hà Nội đề nghị thay đổi thiết kế và tên gọi cầu Mễ Sở kết nối huyện Thường Tín (Hà Nội) với huyện Văn Giang (Hưng Yên) thành cầu Đại Bình hoặc Chí Nghĩa; kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu thêm cầu dây văng vượt qua sông Hồng để giảm tải cầu Mễ Sở.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng, cầu Mễ Sở thuộc vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội. Toàn tuyến vành đai 4 đã được Chính phủ đã giao Bộ nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Hiện nay, Hà Nội có 8 cầu gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì. Các cây cầu đều đang phục vụ đắc lực cho nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.
TP.HCM: Đề xuất đường Lê Lợi làm phố đi bộ trong năm tới
Đường Lê Lợi được đề xuất làm phố đi bộ trong năm tới, sau đó mới đến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách.
Đường Lê Lợi được đề xuất làm phố đi bộ |
Đây là ý kiến của TS. Vũ Anh Tuấn (Công ty TNHH Tư vấn giao thông vận tải và đô thị - đơn vị tư vấn), Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu 5 phố đi bộ.
Lý do nhóm nghiên cứu chọn đường Lê Lợi (và khu vực chợ Bến Thành) làm phố đi bộ đầu tiên trong 5 tuyến đường bởi khu vực này ít áp lực ùn tắc giao thông, ít rủi ro và phản ứng của người dân khi tổ chức. Trong giai đoạn thử nghiệm, đơn vị tư vấn sẽ thu thập số liệu để phân tích các ưu thế, lợi ích của việc tổ chức đi bộ, làm bước đệm cho giai đoạn sau.
Ở giai đoạn tiếp theo (2022 - 2023), đường Đồng Khởi sẽ được thay đổi thành hai chiều làm phố đi bộ. Giai đoạn cuối cùng (2024 - 2025), các đường Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách cũng được điều chỉnh thành đi bộ.
Chiều dài toàn bộ 5 tuyến phố đi bộ khoảng 10 km, tổng diện tích toàn khu vực khoảng 300 ha. Mỗi giai đoạn, đơn vị tư vấn sẽ có kế hoạch chi tiết về tổ chức giao thông, kết nối các địa điểm tham quan, hệ thống xe đạp công cộng và bãi giữ xe... Tổng chi phí thực hiện đề án khoảng 74 tỷ đồng.
Theo nhóm nghiên cứu, lợi ích kinh tế phố đi bộ đem lại rất lớn. Cụ thể, phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) mà nhóm khảo sát năm 2019, ngày thường có hơn 3.300 người đến, tiêu khoảng 2,3 tỷ đồng; cuối tuần 6.600 người, mua sắm gần 12 tỷ đồng. Phố đi bộ giúp các hộ kinh doanh ở đây tăng 50 - 70% thu nhập so với trước. Giá đất và cho thuê mặt bằng tăng 20% sau hai tuần phố đi bộ hoạt động.
Thi tuyển phương án kiến trúc cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Ngày 24/12, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với 5 đơn vị tư vấn, thiết kế tham gia.
Phương án kiến trúc một cây cầu trên tuyến cao tốc đạt giải A |
Phương án A005 được Hội đồng chấm thi trao giải A nhờ đạt được nhiều tiêu chí như: sáng tạo, độc đáo, hiện đại và có bản sắc. Đơn vị tư vấn đưa hình ảnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), tượng đài chiến thắng Đông Khê (Cao Bằng), núi non thác Bản Giốc tại nhiều cửa hầm để tạo điểm nhấn cảnh quan.
Những cầu cạn bắc qua thung lũng được thiết kế hình chiếc nỏ, đàn tính đậm bản sắc dân tộc vùng núi Cao Bằng. Các nút giao cửa ngõ vào thành phố được đặt nhiều tượng đài vua Quang Trung, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hình tượng hoa sen, đàn tính.
Theo chủ trương đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt ngày 10/8, cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 115 km, tổng vốn 20.930 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự án đang được lập báo cáo tiền khả thi, dự kiến khởi công cuối năm 2021.
Tuyến đường có 52 km đi qua hai huyện Văn Lãng, Tràng Định của Lạng Sơn. Đoạn thuộc Cao Bằng dài 63 km, qua các huyện Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hòa An và thành phố Cao Bằng.
Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh kết nối với cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng.
Ông Nguyễn Thành Tài hầu tòa cùng hàng loạt lãnh đạo sở
Theo dự kiến, ngày 18/1/2021, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Thành Tài lại hầu tòa |
Cùng ra tòa về tội danh trên có 8 đồng phạm, gồm: ông Vi Nhật Tảo (cựu Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM), ông Trần Nam Trang (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM), ông Nguyễn Thành Rum (cựu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM), ông Lê Tôn Thanh (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch TP.HCM), ông Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM), ông Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM), ông Huỳnh Kim Phát và Lê Văn Thanh (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM).
Liên quan tới vụ án, bà Dương Thị Bạch Diệp cũng ra tòa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị can Dương Thị Bạch Diệp đã có hành vi gian dối khi sử dụng nhà đất số 57 Cao Thắng là tài sản đã thế chấp để hoán đổi với nhà đất số 185 Hai Bà Trưng và có nhiều hành vi gian dối khác nhằm che giấu việc đã thế chấp nhà số 57 Cao Thắng vay vốn tại Agribank chi nhánh TP.HCM. Bị can Diệp đã có hành vi không thông báo hoặc cung cấp thông tin về việc đã thế chấp nhà đất số 57 Cao Thắng.
Việc ông Tài và đồng phạm chấp thuận cho hoán đổi 2 tài sản dẫn tới việc không có đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý của nhà đất số 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà đất số 57 Cao Thắng đã bị thế chấp, bị bà Dương Thị Bạch Diệp lừa dẫn đến thiệt hại tài sản Nhà nước.
Viện Kiểm sát xác định ông Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm đã phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hà Nội mở rộng không gian đi bộ phố cổ
Tám tuyến phố và ba ngõ ở phía nam phố cổ Hà Nội sẽ trở thành không gian đi bộ kết nối với khu vực Hồ Gươm.
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thu hút đông người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần |
Chiều 24/12, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc triển khai mở rộng không gian đi bộ sẽ được thử nghiệm từ cuối tuần này (tối 25/12) và chính thức triển khai từ 1/1/2021.
Phạm vi mở rộng gồm các tuyến phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng; ba ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc. Hiện các tuyến phố này nằm ngoài không gian đi bộ Hồ Gươm và ôtô, xe máy lưu thông bình thường. Khi trở thành phố đi bộ, các phương tiện cơ giới sẽ bị cấm từ tối thứ sáu đến hết 24h ngày chủ nhật hàng tuần.
Quận Hoàn Kiếm lên phương án ngành hàng chủ yếu phục vụ người dân, du khách đi bộ ở phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ là nhà hàng ăn uống cao cấp; phố Hàng Bè về đồ mỹ nghệ, du lịch; phố Đào Duy Từ, Cầu Gỗ là tạp hóa, ẩm thực; phố Đinh Liệt, Hàng Dầu bán tạp hóa, quần áo, giầy dép; phố Hàng Bạc chuyên kinh doanh kim hoàn và một số loại hình khác sẵn có...