Bản tin thời sự sáng 25/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bệnh viện Việt Đức hạn chế phẫu thuật từ ngày 1/3; FLC tiếp tục bị đình chỉ giao dịch khi lên sàn UPCoM; Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị đình chỉ sinh hoạt đảng; Giá vàng trong nước thấp nhất một tháng; Đề nghị Nhà nước nắm 100% vốn tại đề án tái cơ cấu EVN…

Bệnh viện Việt Đức hạn chế phẫu thuật từ ngày 1/3

Từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên cấp cứu, chỉ chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết, do thiếu vật tư, hóa chất.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh minh họa

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh minh họa

Thông báo được Bệnh viện đưa ra sáng 24/2, trong bối cảnh cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất mà không thể đấu thầu mua sắm bởi có nhiều vướng mắc về thủ tục.

Hiện tại, Bệnh viện còn hóa chất khí máu đủ dùng trong một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho hai tuần.

Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, tình hình thiếu hóa chất, vật tư y tế là việc "cấp cứu của cấp cứu", cần được tháo gỡ ngay, nếu không Bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động.

Một trong những nguyên nhân là đa số hóa chất do các doanh nghiệp cung cấp kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn. Như vậy, Bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, điểm mới trong Nghị quyết 144/NQ-CP về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, Bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt máy theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt. Đặc biệt, những hóa chất quan trọng và ảnh hưởng đến cấp cứu, khám, điều trị bệnh nhân như công thức máu, đông máu... đã hết.

Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn, nên không thể mua sắm.

Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt, đầu ngành ngoại khoa. Năm 2022, Bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám.

FLC tiếp tục bị đình chỉ giao dịch khi lên sàn UPCoM

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo đình chỉ giao dịch với cổ phiếu FLC ngay khi lên sàn UPCoM và doanh nghiệp này có 15 ngày để giải trình việc vi phạm công bố thông tin.

Ngày 3/3 tới, FLC sẽ xuất hiện trên thị trường UPCoM theo kế hoạch nhưng nhà đầu tư không thể thực hiện giao dịch

Ngày 3/3 tới, FLC sẽ xuất hiện trên thị trường UPCoM theo kế hoạch nhưng nhà đầu tư không thể thực hiện giao dịch

Cuối giờ chiều 24/2, HNX cùng lúc ra hai quyết định liên quan tới cổ phiếu của Tập đoàn FLC.

Trong đó, HNX thông báo chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu FLC trên thị trường UPCoM từ ngày 3/3. Tuy nhiên, HNX cũng đồng thời đình chỉ giao dịch với FLC cùng ngày này.

Tức là, ngày 3/3 tới, FLC sẽ xuất hiện trên thị trường UPCoM theo kế hoạch nhưng nhà đầu tư không thể thực hiện giao dịch.

Theo HNX, FLC vẫn đáp ứng điều kiện của công ty đại chúng, nên cổ phiếu của doanh nghiệp này được đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM theo quy định. Nhưng theo quy chế đăng ký và quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, FLC tiếp tục rơi vào trường hợp "cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch" do trước đó đã bị hủy niêm yết vì vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, FLC phải giải trình với HNX nguyên nhân, đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị đình chỉ giao dịch.

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị đình chỉ sinh hoạt đảng

Ngày 24/2, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hải An đình chỉ sinh hoạt đảng thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an TP. Hải Phòng.

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca khi còn là Giám đốc Công an TP. Hải Phòng

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca khi còn là Giám đốc Công an TP. Hải Phòng

Trước đó, ông Ca sinh hoạt đảng ở Chi bộ tổ dân phố Kiều Sơn, Đảng bộ phường Đằng Lâm. Hôm 22/2, ông Ca bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau ba ngày bị tạm giữ. Ông Ca bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 35 tỷ đồng khi nhận "chạy án" cho một chủ doanh nghiệp.

Việc bắt ông Ca nằm trong diễn biến mở rộng điều tra vụ án Trốn thuế và mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước do Trương Xuân Đước, ngụ phường Đằng Hải, quận Hải An cầm đầu. Công an tỉnh Quảng Ninh xác định, Đước đã thành lập 17 công ty "ma" để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép với số tiền giao dịch khoảng 7.500 tỷ đồng.

Giá vàng trong nước thấp nhất một tháng

Thủng mốc 67 triệu đồng mỗi lượng sau hai phiên giảm liên tiếp, giá vàng miếng SJC sáng 24/2 xác lập vùng đáy trong một tháng trở lại đây.

Vàng miếng SJC mất mốc 67 triệu đồng mỗi lượng

Vàng miếng SJC mất mốc 67 triệu đồng mỗi lượng

Bất chấp thị trường kim loại quý thế giới có dấu hiệu hồi phục, nhiều hệ thống kim hoàn trong nước sáng 24/2 đồng loạt giảm 50.000 đồng mỗi lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lúc 11h mua vào 66,25 triệu đồng và bán ra 66,95 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng. Đây là vùng giá thấp nhất kể từ giữa tháng 1 đến nay. Trong trường hợp nhà đầu tư mua vàng tại vùng giá cao nhất trong một tháng qua và bán ra ngày 24/2 thì lỗ khoảng 2,5 triệu đồng mỗi lượng.

Đối với vàng nhẫn trơn, biên độ điều chỉnh giá những phiên gần đây còn lớn hơn. SJC đang niêm yết giá mua 53,3 triệu đồng và bán ra 54,2 triệu đồng một lượng, giảm 100.000 đồng so với phiên trước đó và giảm khoảng 3,5 triệu đồng so với giai đoạn thị trường sôi động trước ngày vía Thần Tài.

Quy đổi theo tỷ giá hiện tại, mỗi lượng vàng miếng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 14 triệu đồng, còn vàng nhẫn cao hơn khoảng 1,4 triệu đồng.

Đề nghị Nhà nước nắm 100% vốn tại đề án tái cơ cấu EVN

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) đề nghị để Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị để Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị để Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

UBQLV vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Đề án, UBQLV đề nghị để Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Còn doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức.

Với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Đề án đưa ra lộ trình tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết để thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia, chấm dứt hoạt động của A0.

Tại Đề án, UBQLV cho rằng, việc EVN đề xuất thành lập công ty TNHH MTV giai đoạn này là để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng.

Với Công ty Nhiệt điện Thái Bình, sẽ thành lập Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thái Bình, chấm dứt hoạt động của Công ty Nhiệt điện Thái Bình. Với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, sẽ thành lập Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, chấm dứt hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Trong khi đó, doanh nghiệp do EVN nắm trên 50% vốn điều lệ gồm các công ty CP tư vấn xây dựng điện 1, 2, 4. Đề án đưa ra kế hoạch thực hiện cổ phần hóa tại Tổng công ty Phát điện 1, EVN sẽ nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ; giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại Tổng công ty Phát điện 2 và Tổng công ty Phát điện 3, EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ.

Còn doanh nghiệp do EVN nắm dưới 50% vốn điều lệ gồm: Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh; Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3.

Hơn 5.400 lao động bị nợ 56 tỷ đồng tiền lương chưa được giải quyết

Số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ lương đều giảm so với năm 2021 nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn. Bình quân mỗi người lao động bị nợ lương hơn 12 triệu đồng.

Đến nay, vẫn còn 56,45 tỷ đồng tiền lương của 5.493 người lao động chưa được giải quyết.

Đến nay, vẫn còn 56,45 tỷ đồng tiền lương của 5.493 người lao động chưa được giải quyết.

Theo khảo sát của tổ chức công đoàn từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023, có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh/thành phố nợ 74,29 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người. Đến nay, các công ty đã giải quyết 17,83 tỷ đồng tiền lương của 486 người lao động, vẫn còn 56,45 tỷ đồng tiền lương của 5.493 người lao động chưa được giải quyết.

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), so với khảo sát năm 2021 của tổ chức công đoàn, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn (năm 2021 là 62 doanh nghiệp nợ 79,39 tỷ đồng tiền lương của 8.300 người lao động, bình quân nợ 9,56 triệu đồng/người).

Cùng với đó, tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2023 cũng ít hơn so với Tết năm 2022.

Bên cạnh tình hình nợ lương, tranh chấp lao động, khảo sát của tổ chức công đoàn cũng cho thấy, có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023.

Số lao động bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%; chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.

Sạt lở làm mất hơn 5.200 ha rừng ở Cà Mau

Trong 10 năm từ 2011 - 2021, sạt lở làm mất 5.251 ha rừng ven biển, tỉnh Cà Mau kiến nghị hỗ trợ 970 tỷ đồng xây dựng công trình phòng chống.

Sóng biển làm mất đai rừng phòng hộ ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau

Sóng biển làm mất đai rừng phòng hộ ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau

Thông tin nêu trong tờ trình của UBND tỉnh Cà Mau vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị hỗ trợ kinh phí làm các dự án đầu tư phòng, chống sạt lở bờ biển.

Theo chính quyền tỉnh Cà Mau, sạt lở trên địa bàn là mối đe dọa rất lớn đến dân sinh, kinh tế, xã hội và ngày càng gia tăng. Giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở làm mất khoảng 5.251 ha rừng ven biển, tương đương diện tích một xã của Tỉnh.

Nhiều năm qua, Tỉnh đã xây dựng gần 58,5 km kè bảo vệ với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, công trình chống sạt lở ở bờ biển Tây dài gần 42 km, kinh phí 1.057 tỷ đồng; ở bờ biển Đông gần 13 km, vốn đầu tư 745 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tốc độ sạt lở ngày càng tăng, Cà Mau cần xây dựng thêm công trình bảo vệ bờ biển với chiều dài hơn 132 km.

Số kinh phí 970 tỷ đồng được Tỉnh đề xuất lấy từ ngân sách trung ương (nguồn vượt thu). Nếu được thông qua, địa phương sẽ xây các công trình chống sạt lở dài gần 18 km ở khu vực cửa biển Hốc Năng (huyện Ngọc Hiển), bờ biển đoạn từ kênh Năm đến kênh Chùm Gọng (huyện Ngọc Hiển)...

Chuyên viên Sở Xây dựng Hải Phòng chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng lệ phí chứng chỉ

Bà Hoàng Thị Thúy Liên, chuyên viên một cửa Sở Xây dựng Hải Phòng, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng lệ phí chứng chỉ hành nghề xây dựng từ hơn 10.000 người, tổ chức.

Chuyên viên một cửa Sở Xây dựng Hải Phòng bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng lệ phí chứng chỉ hành nghề xây dựng

Chuyên viên một cửa Sở Xây dựng Hải Phòng bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng lệ phí chứng chỉ hành nghề xây dựng

Bà Liên bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP. Hải Phòng thông tin ngày 24/2.

Năm 2018 - 2021, bà Liên là chuyên viên bộ phận một cửa tại Sở Xây dựng Hải Phòng, được giao nhiệm vụ tiếp nhận - trả kết quả các thủ tục hành chính. Nhà chức trách cho rằng, bà Liên tự ý thu lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của 6.074 tổ chức và 5.443 cá nhân, nhưng không nộp thủ quỹ. Tổng số tiền chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục