Bản tin thời sự sáng 25/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lô kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 đầu tiên về Việt Nam; bắt tạm giam Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam Nguyễn Phương Hằng; cưỡng chế khu đất 'vàng' trong vụ án Phan Văn Anh Vũ; Thường vụ Quốc hội yêu cầu tính lại thuế, phí trong giá xăng; Bộ Y tế chấn chỉnh nhà thuốc bán molnupiravir không kê toa…

Lô kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 đầu tiên về Việt Nam

Lô kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 đầu tiên được Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh tiếp nhận và triển khai tiêm cho nhóm người yếu thế ngay sau khi về đến Việt Nam.

Lô kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 của AstraZeneca đã về Việt Nam vào ngày 24/3/2022

Lô kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 của AstraZeneca đã về Việt Nam vào ngày 24/3/2022

Hệ thống BVĐK Tâm Anh vừa nhận bàn giao lô kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 đầu tiên về đến Việt Nam từ Hệ thống tiêm chủng VNVC và AstraZeneca Việt Nam. Bắt đầu từ ngày 26/3, BVĐK Tâm Anh Hà Nội và BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ triển khai tiêm kháng thể đơn dòng này cho những người thuộc nhóm có chỉ định sử dụng.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 được chỉ định sử dụng cho nhóm người lớn và trẻ em từ 12 tuổi, nặng trên 40 kg, không nhiễm SARS-CoV-2, không tiếp xúc nguồn lây song bị suy giảm miễn dịch ở mức độ vừa và nặng, đang sử dụng thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch, không đáp ứng miễn dịch khi tiêm vaccine Covid-19. Cụ thể, các trường hợp này bao gồm: người đang điều trị khối u, bệnh huyết học ác tính, ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu, bị suy giảm miễn dịch nguyên phát, mắc HIV chưa được điều trị hoặc bệnh đang tiến triển, điều trị tích cực bằng thuốc kháng viêm corticosteroid liều cao; những người không thể tiêm vaccine Covid-19 vì dị ứng với thành phần vaccine.

Cục Quản lý Dược khuyến cáo không sử dụng kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 cho F0 đang điều trị, sau phơi nhiễm SARS-CoV-2 ở người có thể tiêm vaccine.

Theo PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn BVĐK Tâm Anh TP.HCM, đây là loại kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 được sản xuất theo công nghệ sinh học, có hai tác dụng. Thứ nhất là giảm thiểu những phản ứng bất lợi, do đó không gây ra phản ứng khi tiêm. Thứ hai là kéo dài thời gian bán hủy của thuốc, giúp kéo dài tác dụng của thuốc, ít nhất 6 tháng.

Bắt tạm giam Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam Nguyễn Phương Hằng

Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra.

Tối 24/3, bà Hằng, bị Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP.HCM bắt về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình Sự.

Theo cơ quan điều tra, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, bà Hằng sử dụng những ngôn từ "mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm" của những người liên quan.

Quá trình điều tra, bà Hằng bị cho là không hợp tác, "coi thường pháp luật", nhiều lần tổ chức tập trung người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại TP.HCM và các địa phương khác.

Hồi tháng trước, PC01 đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đến cuối tháng 4 đối với bà Hằng.

Động thái này được đưa ra sau thời gian dài cơ quan điều tra tiếp nhận đơn tố cáo của nhiều cá nhân, cho rằng bà Hằng có các dấu hiệu của tội Làm nhục người khác; Vu khống; Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cưỡng chế khu đất 'vàng' trong vụ án Phan Văn Anh Vũ

Sau 6 năm bị Phan Văn Anh Vũ bán cho tư nhân trái phép, khu nhà đất gần 3.800 m2 tại Quận 3 được cơ quan thi hành án cưỡng chế, bàn giao lại cho Bộ Công an.

Tổ thi hành án công bố quyết định cưỡng chế thi hành án tại 129 Pasteur ngày 24/3

Tổ thi hành án công bố quyết định cưỡng chế thi hành án tại 129 Pasteur ngày 24/3

Ngày 24/3, các lực lượng chức năng đã cưỡng chế thi hành án, buộc Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty CP Nova (của Phan Văn Anh Vũ), Công ty CP Đầu tư Peak View, phải bàn giao khu nhà đất tại 129 Pasteur cho Bộ Công an.

Tài sản này gồm hơn 1.490 m2 nhà và 2.264 m2 đất ở trung tâm Sài Gòn, có giá trị ước tính 3.300 tỷ đồng.

Động thái được thực hiện theo quyết định giám đốc thẩm (ngày 5/12/2019) của TAND Tối cao. Trước đó, quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu bên quản lý tài sản là Công ty CP Đầu tư Peak View bàn giao nhưng doanh nghiệp này không thực hiện. Do đó, cơ quan thi hành án đã cưỡng chế, trục xuất người và tài sản ra khỏi khu nhà.

Theo hồ sơ, Dự án 129 Pasteur do Tổng cục IV (Bộ Công an) quản lý, sử dụng làm nhà khách đối ngoại. Ngày 30/4/2015, Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79, ký tờ trình gửi lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục IV xin mua.

Ngày 28/5/2015, Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành báo cáo Thủ tướng cho phép chuyển nhượng cho Nova Bắc Nam 79 để phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành công an. Bốn tháng sau, Chính phủ đồng ý.

Ngày 25/1/2016, Tổng cục IV và Nova Bắc Nam 79 ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng khu nhà đất với giá hơn 294 tỷ đồng. Ngay hôm sau, Nova Bắc Nam 79 và Công ty CP Đầu tư Peak View ký hợp đồng hứa mua, hứa bán với giá 300 tỷ đồng. Việc thanh toán hoàn tất trong hai ngày.

Đầu tháng 6/2016, UBND TP.HCM cấp sổ hồng nhà đất số 129 Pasteur cho Công ty Peak View. Hai năm sau, vụ thâu tóm khu đất công này bị phát hiện sai phạm.

Các cơ quan tố tụng xác định, Phan Văn Anh Vũ đã Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thâu tóm khu đất, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 222 tỷ đồng. Ngoài ra, Phan Văn Anh Vũ còn bị cáo buộc thâu tóm 6 khu đất vàng khác ở TP.HCM và Đà Nẵng không thông qua đấu giá.

Thường vụ Quốc hội yêu cầu tính lại thuế, phí trong giá xăng

Chính phủ được yêu cầu rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí và yếu tố cấu thành giá cơ sở, chi phí và lợi nhuận định mức...

Cơ quan thường trực của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt, chi phí, lợi nhuận định mức...

Cơ quan thường trực của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt, chi phí, lợi nhuận định mức...

Ngày 24/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9. Trong lĩnh vực Công Thương, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng và các bộ có kịch bản, phương án rõ ràng và quyết liệt để bảo đảm an ninh năng lượng, cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống.

Cơ quan thường trực của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt, chi phí, lợi nhuận định mức... phù hợp thực tế, công khai và minh bạch.

Ở Việt Nam, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải "cõng" 38 - 40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 l là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5 - 8%.

Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng, 1.000 đồng mỗi lít dầu, từ đầu tháng 4 đến hết năm nay. Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.

Tuy nhiên, ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu với xăng. Đây được coi là một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô thế giới biến động.

Bộ Y tế chấn chỉnh nhà thuốc bán molnupiravir không kê toa

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP.HCM kiểm tra tình trạng một số nhà thuốc bán thuốc molnupiravir không cần toa của bác sĩ, vi phạm quy định.

Thuốc molnupiravir sản xuất tại Công ty Boston Việt Nam - một trong ba doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc này

Thuốc molnupiravir sản xuất tại Công ty Boston Việt Nam - một trong ba doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc này

"Việc mua, bán, sử dụng thuốc kháng virus molnupiravir không đúng quy định về kê đơn thuốc là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu", Bộ Y tế cho biết, đồng thời đề nghị Sở Y tế TP.HCM báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trước ngày 30/3.

Đề nghị này Bộ Y tế đưa ra sau khi Cục Quản lý Dược nhận được phản ánh là một số nhà thuốc tại TP.HCM bán molnupiravir mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Theo quy định của Bộ Y tế, nhà thuốc chỉ bán molnupiravir cho người có giấy xác nhận F0 do y tế địa phương cấp, hoặc có toa thuốc do bác sĩ kê mua molnupiravir, hoặc video quay lại quá trình tại nhà test nhanh dương tính. Quy định này nhằm tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá thuốc.

Sở Y tế TP.HCM cũng đang tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán thuốc điều trị Covid-19, kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng molnupiravir; xử lý trường hợp vi phạm, tránh thất thoát, thẩm lậu thuốc ra thị trường. Trường hợp phát hiện dấu hiệu hình sự, Sở Y tế chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Molnupiravir là thuốc kê toa, được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp, bán trên thị trường từ ngày 23/2, với điều kiện là thuốc kê toa và phải có chỉ định của bác sĩ.

Ngành đường sắt tăng nhiều tàu dịp Giỗ Tổ

Ngành đường sắt chạy thêm nhiều tàu khách đến các điểm du lịch như Lào Cai, Vinh, Quy Nhơn, Phan Thiết trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 9 - 11/4.

Hành khách đi tàu LP5 Hà Nội - Hải Phòng

Hành khách đi tàu LP5 Hà Nội - Hải Phòng

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trên tuyến phía Bắc, doanh nghiệp sẽ chạy thêm tàu Hà Nội - Lào Cai. Tàu SP3 xuất phát ga Hà Nội ngày 8/4 lúc 22h, đến ga Lào Cai lúc 6h05; chiều ngược lại tàu SPT2 xuất phát ga Lào Cai ngày 10/4 lúc 21h40, đến ga Hà Nội lúc 5h30.

Chặng miền Trung có thêm tàu Hà Nội - Vinh. Cụ thể, tàu NA1 xuất phát từ ga Hà Nội ngày 9/4 lúc 22h15, đến ga Vinh lúc 5h30; tàu NA2 xuất phát ga Vinh ngày 11/4 lúc 21h40, đến ga Hà Nội lúc 5h.

Khu vực phía Nam có thêm tàu Sài Gòn - Quy Nhơn. Tàu SQN2 xuất phát ga Sài Gòn ngày 8/4 lúc 18h35, đến ga Quy Nhơn lúc 7h50; tàu SQN1 xuất phát ga Quy Nhơn ngày 11/4 lúc 13h30, đến ga Sài Gòn lúc 3h39.

Đôi tàu SPT1/SPT2 Sài Gòn - Phan Thiết chạy thêm ngày 11/4. Tàu SPT2 xuất phát ga Sài Gòn lúc 6h45, đến ga Phan Thiết lúc 10h37; tàu SPT1 xuất phát ga Phan Thiết lúc 13h05, đến ga Sài Gòn lúc 17h04.

Ngoài ra, trên các tuyến đường sắt vẫn duy trì các đôi tàu SE5/SE6, SE7/SE8 giữa Hà Nội TP.HCM, đôi tàu SE3/SE4 giữa TP.HCM - Đà Nẵng chạy hàng ngày. Cuối tuần có thêm các đôi tàu từ TP.HCM đi Nha Trang và Phan Thiết.

Trên tuyến Hà Nội - Vinh từ ngày 25/3, ngành đường sắt đã cho chạy tàu NA1 từ ga Hà Nội lúc 22h15 các ngày thứ Sáu hàng tuần và tàu NA2 chạy tại ga Vinh lúc 21h40 Chủ nhật hàng tuần. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng, ngoài hai đôi tàu LP3/8, LP5/6 chạy hàng ngày, từ ngày 25/3 có thêm đôi tàu LP7/HP2 các thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Bộ Công an kiểm tra dự án Biển Quê Hương ở Bình Thuận

Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương nằm trong 9 dự án mà Bộ Công an đang thụ lý điều tra tại Bình Thuận để làm rõ các vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Toàn cảnh dự án Biển Quê Hương

Toàn cảnh dự án Biển Quê Hương

Chiều 24/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp cùng Viện KSND Tối cao và các cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Thuận kiểm tra thực địa tại Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương (thuộc TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam) liên quan đến nội dung tố cáo của công dân.

Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất, cho thuê đất với diện tích hơn 12,5 ha. Trong đó, hơn 104.000 m2 nằm trên địa bàn xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) và hơn 20.600 m2 đất thuộc xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết).

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đối với phần đất thuộc TP. Phan Thiết, Dự án do Công ty CP Giao nhận vận tải và hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình phục vụ mục đích công cộng, không kinh doanh nên thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 54 Luật Đất đai 2013, và thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất tại Điểm a Khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Riêng phần đất dự án nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho biết Dự án thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, được miễn tiền thuê đất 7 năm theo quy định, nên không thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất tại Điểm b Khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013. Việc giao đất này, công dân tại Bình Thuận có đơn tố cáo làm rõ căn cứ giao đất không qua đấu giá.