Bản tin thời sự sáng 25/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hàng loạt dự án BOT giao thông thua lỗ; Pacific Airlines trả slot không dùng khi ngừng bay; thanh tra nêu trách nhiệm một loạt sở, ngành Hà Nội về chậm xác định giá đất; Khánh Hòa xin chủ trương xây khu đô thị 1.013 ha ở huyện Vạn Ninh…

Hàng loạt dự án BOT giao thông thua lỗ

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy tình cảnh bi đát của hàng loạt dự án BOT giao thông. Chỉ 4 trên tổng số 53 dự án có doanh thu vượt hợp đồng.

Trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

Trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

Bộ GTVT cho biết, trong tổng số 66 dự án BOT giao thông do Bộ quản lý, có 53 dự án đang duy trì thu phí hoàn vốn.

Trong số này, chỉ 4 dự án thu cao hơn so với hợp đồng. Còn lại 26 dự án đạt 70 - 100%, 19 dự án đạt 30 - 70% và 4 dự án đạt dưới 30%.

Đơn cử, Dự án BOT cầu Thái Hà chỉ đạt doanh thu khoảng 17% so với hợp đồng. Nguyên nhân dẫn đến doanh thu thấp gồm việc bị chậm thu phí (hoàn thành từ tháng 4/2018 nhưng đến tháng 1/2019 mới được thu); đường vành đai 5 Hà Nội kết nối trực tiếp với cầu Thái Hà chậm triển khai so với quy hoạch; phương tiện chọn đi qua cầu Hưng Hà song hành để không mất phí.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cũng chỉ đạt 17% doanh thu so với hợp đồng, do tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhà đầu tư phải dừng thu phí tại trạm Quốc lộ 3.

Cuối năm 2023, trên cơ sở đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đã cho tăng phí BOT đồng loạt tại 41 dự án. Việc tăng phí kết hợp với lượng xe gia tăng dịp cận tết Nguyên đán đã giúp doanh thu bình quân các dự án trong tháng 1/2024 tăng khoảng 17% so với bình quân năm 2023.

Tuy nhiên, một số dự án đã sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, việc tăng phí cũng không có khả năng phục hồi.

Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ phương án xử lý 8 dự án BOT giao thông gặp khó khăn lớn mà không phải lỗi của nhà đầu tư.

Pacific Airlines trả slot không dùng khi ngừng bay

Pacific Airlines sẽ hoàn trả lượt cất hạ cánh (slot) không sử dụng khi tạm dừng bay, nhưng xin giữ lại lịch sử các slot này cho mùa sau khi đội bay được củng cố.

Pacific Airlines sẽ hoàn trả lượt cất hạ cánh (slot) không sử dụng khi tạm dừng bay

Pacific Airlines sẽ hoàn trả lượt cất hạ cánh (slot) không sử dụng khi tạm dừng bay

Thông tin này được Pacific Airlines cho biết khi gửi báo cáo đến Cục Hàng không Việt Nam.

Từ ngày 18/3, Pacific Airlines phải trả toàn bộ tàu bay do không đạt được thỏa thuận với chủ cho thuê. Theo kế hoạch, hãng cho biết sẽ hoàn trả toàn bộ các slot không sử dụng trong giai đoạn tạm dừng khai thác và slot còn dư trên cơ sở kế hoạch lịch bay khi có 3 tàu bay thuê khô từ Vietnam Airlines. Việc hoàn trả này chậm nhất ngày 26/3.

Tuy nhiên, sắp tới, Pacific Airlines sẽ thuê 3 máy bay của Vietnam Airlines nhằm duy trì số lượng tàu tối thiểu - điều kiện duy trì giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC). Vì thế, hãng này đề xuất Cục Hàng không xem xét cho giữ slot lịch sử với các lượt cất hạ cánh hoàn trả, để sử dụng trong các mùa sau khi đội bay Pacific Airlines tăng thêm.

Đồng thời, hãng bay giá rẻ cũng đề nghị cho phép có cơ chế trả - nhận slot trong giai đoạn này, để sử dụng hiệu quả các slot của Pacific Airlines khai thác.

Hãng cũng khẳng định, khách hàng bị ảnh hưởng do chuyến bay Pacific Airlines tạm ngưng đã được chuyển sang bay Vietnam Airlines, đến nay không có bất kỳ khiếu nại nào.

Pacific Airlines là hãng bay giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Ra đời vào năm 1991, Pacific Airlines được thành lập với các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2007, Tập đoàn Qantas mua 30% cổ phần Pacific Airlines và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific. Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 68% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines. Đến tháng 7/2020, Jetstar Pacific trở về tên khai sinh Pacific Airlines.

Thanh tra nêu trách nhiệm một loạt sở, ngành Hà Nội về chậm xác định giá đất

Thanh tra TP. Hà Nội vừa công khai Kết luận thanh tra về nội dung chậm xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn Thành phố.

Thanh tra TP. Hà Nội vừa chỉ ra trách nhiệm một loạt sở, ngành trong việc chậm xác định giá đất. Ảnh minh hoạ

Thanh tra TP. Hà Nội vừa chỉ ra trách nhiệm một loạt sở, ngành trong việc chậm xác định giá đất. Ảnh minh hoạ

Về vấn đề này, Thanh tra TP. Hà Nội đã ban hành 10 kết luận thanh tra về nội dung chậm xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 10 dự án.

Các dự án này bao gồm: Dự án Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều tại ô đất CT5, Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; Dự án Trung tâm thương mại Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng; Dự án ĐTXD Khu nhà ở Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây; Dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy; Dự án du lịch sinh thái và nhà nghỉ cuối tuần tại khu Rốn Rện, phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây.

Dự án Tòa nhà văn phòng và thương mại dịch vụ tại lô C/D11 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy; Dự án Tổ hợp kinh doanh phát triển công nghệ tin học Mitec; Dự án ĐTXD, vận hành và kinh doanh một tổ hợp văn phòng cho thuê tại số 289 Khuất Duy Tiến, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; Dự án xây dựng trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy; Dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

Tại các kết luận đã chỉ ra tồn tại trong việc chậm xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại 10 dự án trên, trách nhiệm để chậm thuộc về: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính; Sở Xây dựng; các Công ty CP Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam VVFC, Công ty TNHH Thẩm định giá và giám định Việt Nam (VAI), Công ty CP Thẩm định giá và Đầu tư VIC, Công ty CP Thẩm định giá IVC Việt Nam (đơn vị tư vấn xây dựng chứng thư thẩm định).

Thanh tra TP. Hà Nội đã kiến nghị UBND Thành phố, các cơ quan có trách nhiệm cần kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm xác định giá đất đối với các dự án; kiến nghị các giải pháp để xử lý vấn đề nêu trên.

Khánh Hòa xin chủ trương xây khu đô thị 1.013 ha ở huyện Vạn Ninh

Ngày 24/3, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình gửi Tỉnh ủy Khánh Hòa về chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị mới cao cấp Tu Bông.

Khu vực Vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh nhìn từ trên cao

Khu vực Vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh nhìn từ trên cao

Dự án có tổng diện tích là 2.581 ha, thuộc 6 xã Vạn Thọ, Vạn Bình, Vạn Phước, Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Long (huyện Vạn Ninh).

Sau khi Dự án Khu đô thị mới cao cấp Tu Bông hoàn chỉnh, đồng bộ sẽ hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, nhà ở thương mại, nền đất ở (theo hình thức phân lô để bán); các công trình, dịch vụ phụ trợ khác đi kèm.

Theo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, Dự án phù hợp với định hướng các Quy hoạch tổng thể, không gian vùng lãnh thổ, sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh; các quy hoạch chung, phân khu; kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Đến nay, nhà đầu tư đã nộp hồ sơ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án.

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có khu nghỉ dưỡng gần 11.000 tỷ đồng

Khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao tại khu vực mũi Nghinh Phong (TP. Vũng Tàu) vừa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 10.717 tỷ đồng.

Khu vực Mũi Nghinh Phong (phường 2, TP. Vũng Tàu) sẽ trở thành dự án khu dịch vụ du lịch vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao

Khu vực Mũi Nghinh Phong (phường 2, TP. Vũng Tàu) sẽ trở thành dự án khu dịch vụ du lịch vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu dịch vụ du lịch vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao tại khu vực mũi Nghinh Phong (Phường 2, TP. Vũng Tàu).

Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá. Mục tiêu đầu tư là xây dựng, phát triển tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ thương mại cao cấp...

Dự án có diện tích sử dụng đất hơn 138.389 m2. Khu tổ hợp dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao sẽ bao gồm khách sạn và trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn 5 sao trở lên. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 10.717 tỷ đồng.

Công tác tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được thực hiện sau khi có nhà đầu tư trúng đấu giá khu đất và được công nhận là chủ đầu tư theo quy định hiện hành. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm, kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm rà soát, nghiên cứu ý kiến các cơ quan liên quan về vấn đề an ninh, quốc phòng; thực hiện trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo tuân thủ theo quy định; đấu giá và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định về đất đai.

Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định tổ chức đấu giá khu đất thuộc mũi Nghinh Phong để đầu tư Khu tổ hợp dịch vụ du lịch vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Khu đất này có diện tích 13,8 ha với 1 mặt giáp đường Hạ Long, 3 mặt còn lại giáp Biển Đông. Tổng vốn đầu tư của Dự án hơn 10.700 tỷ đồng. Đơn vị trúng đấu giá sẽ trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê 50 năm.

Phú Yên thu hồi đất thực hiện dự án trồng cây kiểng xuất khẩu

Sau hàng chục năm không thực hiện dự án, Công ty TNHH Trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên (nay là Công ty CP Trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên) đã bị UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định thu hồi và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý khu đất dự án.

Công ty Trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên đã bị UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định thu hồi. Ảnh minh họa

Công ty Trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên đã bị UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định thu hồi. Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 316/QĐ-UBND, ngày 18/3/2024 của UBND tỉnh Phú Yên, địa điểm khu đất bị thu hồi ở xã An Phú, thành phố Tuy Hòa và xã An Chấn, huyện Tuy An. Diện tích thu hồi hơn 126,1 ha được xác định theo mảnh trích lục và chỉnh lý bản đồ địa chính do Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường lập.

UBND tỉnh Phú Yên giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo thu hồi Hợp đồng cho thuê đất số 841/HĐ-TĐ ngày 16/11/2011 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC 133250 và số BC 133251 cấp ngày 26/12/2011 và hồ sơ đất đã cấp, để thu hồi, quản lý theo quy định...

Trước đó, UBND huyện Tuy An cưỡng chế thu hồi đất đối với Công ty TNHH Trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên để bàn giao mặt bằng thi công Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn huyện.

Vị trí đất thu hồi của Công ty TNHH Trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên thuộc thửa đất số 237, tờ bản đồ số 18 ở thôn Phú Thạnh, xã An Chấn và diện tích phải thu hồi để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công là hơn 42.814 m2, với chiều dài hơn 760 m.

Được biết, dự án trồng cây cảnh xuất khẩu tại Phú Yên do một công ty nước ngoài đầu tư. Sản phẩm dùng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài và 20% tiêu thụ trong nước.

Dự án hứa hẹn sẽ góp phần thay đổi phương pháp sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo thêm cảnh quan cho thành phố du lịch biển Tuy Hòa và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên qua hàng chục năm, dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống.

Hà Nam sắp có khu đô thị gần 10.000 tỷ đồng

Khu đô thị Thời đại và đổi mới sáng tạo có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, vừa được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Khu đô thị Thời đại và đổi mới sáng tạo có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Khu đô thị Thời đại và đổi mới sáng tạo có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Dự án có diện tích hơn 197 ha, gồm khu đô thị đổi mới sáng tạo rộng 169 ha và trung tâm hành chính tỉnh Hà Nam khoảng 28 ha. Quy mô dân số khu nhà ở 17.110 người.

Khu vực lập quy hoạch thuộc địa bàn xã Tiên Tân, Tiên Hiệp và phường Lam Hạ, Quang Trung, TP. Phủ Lý. Dự án do Công ty CP Mặt trời Hà Nam lập quy hoạch, tổng mức đầu tư khoảng 9.625 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khu đô thị chiếm 77%, tương đương 7.402 tỷ đồng, còn lại là bồi thường giải phóng mặt bằng, xây hạ tầng và phí quản lý.

Dự án khu đô thị gần 10.000 tỷ đồng dự kiến được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến quý IV/2023), Chủ đầu tư thực hiện các hạng mục khu vực phía Tây Nam Dự án, diện tích 30 ha.

Giai đoạn hai (đến cuối 2025), khu vực phía Bắc và Đông Nam Dự án sẽ được triển khai, quy mô 145 ha. Dự kiến dự án này sẽ được bàn giao, khai thác và quản lý vận hành vào quý IV/2025.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo tại phường Lam Hạ, thuộc TP. Phủ Lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cũng phát thông báo tìm chủ cho dự án này.

Sau đó, Công ty CP Mặt trời Hà Nam được chọn là Chủ đầu tư. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến, thẩm định.

Tàu hàng đâm vào đá ngầm ở biển Cù Lao Chàm

Tàu Giang Anh 18 chở gần 3.000 tấn xi măng vào cảng Chu Lai, khi đến vùng biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) thì đâm trúng đá ngầm, sáng 24/3.

Mạn trái tàu Giang Anh 18 nghiêng 38 độ và có nguy cơ bị chìm trên biển Cù Lao Chàm

Mạn trái tàu Giang Anh 18 nghiêng 38 độ và có nguy cơ bị chìm trên biển Cù Lao Chàm

Tàu xuất phát từ cảng Hải Phòng, chở 9 thuyền viên, 2.960 tấn xi măng và 7.000 lít dầu D.0. Hơn 5h, tàu đi qua biển Cù Lao Chàm, khi cách đảo Hòn Tai về phía đông hơn nửa hải lý thì đâm vào bãi đá ngầm, nước tràn vào làm mạn trái nghiêng 38 độ. Các thủy thủ đã phát tín hiệu ứng cứu khẩn cấp.

Bộ đội Biên phòng Quảng Nam tiếp cận, đưa 9 thuyền viên vào bờ an toàn. Thuyền trưởng Hoàng Mạnh Tiến cho biết, các két dầu đã được khóa trước khi thuyền viên rời tàu.

Khả năng tàu bị chìm nên Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã điều 2 tàu và hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đến quây phao, sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu.

Tin cùng chuyên mục