Bản tin thời sự sáng 25/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam phản đối xâm phạm chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa; Việt Nam chuẩn bị thí điểm hộ chiếu vắc-xin đón khách quốc tế đến Phú Quốc; trùng tu đàn Nam Giao - đàn tế lớn nhất triều Nguyễn; Bắc Ninh cho toàn bộ doanh nghiệp hoạt động trở lại từ ngày 24/6; không có người đấu giá lô đất liên quan Tập đoàn Thiên Thanh tại Đà Nẵng…

Việt Nam phản đối xâm phạm chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam là phi pháp khi đề cập hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Tàu trinh sát, máy bay quân sự Trung Quốc hiện diện trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Maxar.

Tàu trinh sát, máy bay quân sự Trung Quốc hiện diện trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Maxar.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.

Phát biểu được đưa ra khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao được hỏi về phản ứng trước việc Trung Quốc triển khai trái phép máy bay quân sự và tàu trinh sát đến đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như dự án của Trung Quốc nhằm gắn thẻ tên cho các loài thực vật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bà Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp ngày 9/6 cho thấy, một tàu trinh sát thuộc lớp Type 815G của Trung Quốc hoạt động gần đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong ảnh vệ tinh, một máy bay tuần thám Y-8Q và một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 cũng đỗ tại đường băng trên đảo nhân tạo này.

Đá Chữ Thập là một trong các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song Trung Quốc chiếm giữ trái phép, bồi đắp thành đảo nhân tạo và tiến hành các hoạt động quân sự hóa như xây đường băng, cầu cảng và cơ sở quân sự trên thực thể này. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.

Việt Nam chuẩn bị thí điểm hộ chiếu vắc-xin đón khách quốc tế đến Phú Quốc

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang gấp rút xây dựng phương án thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin đến Phú Quốc (Kiên Giang).

Nhân viên y tế khử trùng máy bay tại sân bay Nội Bài

Nhân viên y tế khử trùng máy bay tại sân bay Nội Bài

Chiều 24/6, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, các phương án đều phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc; báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Trước đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 thống nhất ba nhóm người nhập cảnh dự kiến được áp dụng hộ chiếu vắc-xin gồm: Người Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài, đã tiêm vắc-xin Covid-19; người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để đầu tư, kinh doanh; khách du lịch quốc tế.

Dự kiến, Việt Nam sẽ đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai tiêm vắc-xin đạt miễn dịch cộng đồng. Nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn; có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.

Trùng tu đàn Nam Giao - đàn tế lớn nhất triều Nguyễn

Đàn Nam Giao, nơi xưa kia triều Nguyễn tổ chức tế trời đất vào mùa xuân, được trùng tu với tổng kinh phí 24 tỷ đồng.

Đàn Nam Giao nhìn từ trên cao

Đàn Nam Giao nhìn từ trên cao

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa khởi công trùng tu di tích đàn Nam Giao giai đoạn 1, tổng kinh phí dự kiến 24 tỷ đồng.

Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế Phan Văn Tuấn cho biết, trước mắt đơn vị sẽ tu bổ Trai Cung điện nằm trong khu vực đàn Nam Giao. Công trình này sẽ được tháo dỡ nền, cân chỉnh, gia cường chân đá tảng, làm lại nền, lát gạch Bát Tràng, tu bổ hệ thống bậc cấp, chống ẩm, chống mối. Phần mái sẽ được lợp ngói hoàng lưu ly... Dự án trùng tu dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Hệ thống tường thành đàn Nam Giao sẽ được gia cố đoạn bị nứt, vệ sinh rêu mốc và phục hồi màu sắc. Cổng Tiền (cung môn) và cổng Hậu của Trai Cung sẽ phục hồi màu sắc, các chi tiết trang trí phần mái, tu bổ nền và lát gạch Bát Tràng.

Đàn Nam Giao xưa kia nằm ở xã An Cựu, nay là ở phường Thủy Xuân (TP. Huế), được xây dựng vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long. Đàn có ba tầng được xây dựng bằng đá và gạch. Tầng thứ nhất đặt án ở giữa thờ chung trời đất.

Vào thời vua Gia Long, mỗi năm triều đình chọn một trong ba ngày tốt ở tháng trọng xuân để làm lễ tế. Đến thời vua Đồng Khánh (1888), lễ tế đổi lại ba năm một lần theo các năm Tí, Mão, Ngọ, Dậu. Khi tế, vua ngự giá đến hành lễ. Lễ tế đàn Nam Giao là nghi lễ cung đình được triều Nguyễn xếp vào hàng đại tự.

Đàn Nam Giao là công trình kiến trúc độc đáo, quan trọng của quần thể di tích cố đô Huế. Đây là đàn tế quy mô lớn nhất và nguyên vẹn còn tồn tại ở Việt Nam.

Bắc Ninh cho toàn bộ doanh nghiệp hoạt động trở lại từ ngày 24/6

Các doanh nghiệp được hoạt động trở lại từ ngày 24/6 với tối đa số công nhân nhưng mỗi tuần phải test nhanh tối thiểu 20%.

Công nhân làm việc trong một doanh nghiệp ở Bắc Ninh

Công nhân làm việc trong một doanh nghiệp ở Bắc Ninh

Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Văn Luyến cho biết, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trở lại, từ ngày 24/6, trừ những doanh nghiệp có F0 hoặc không đáp ứng được yêu cầu của tổ kiểm tra.

Quyết định này Tỉnh đưa ra khi căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp và tình hịch dịch bệnh. Riêng những doanh nghiệp có F0 và chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng muốn hoạt động trở lại, ông Luyến cho biết cần lập kế hoạch riêng gửi các sở ngành.

Bắc Ninh cũng cho phép các doanh nghiệp được đón người lao động từ các tỉnh khác đến làm việc, kể cả tỉnh Bắc Giang khi đảm bảo không phải đối tượng cách ly, không nằm trong vùng áp dụng Chỉ thị 16 (cách ly xã hội). Xe chở công nhân của doanh nghiệp cũng được chở người đủ số ghế.

Đồng thời, công nhân ở các tỉnh khác muốn trở lại làm việc phải tập trung ở một điểm, xét nghiệm PCR âm tính. Sau đó, khi đến Bắc Ninh làm việc, những người này phải ở trong khu lưu trú tập trung, nếu vào nhà máy thì phải có khu ăn, ở riêng biệt với công nhân cũ, sau ba ngày xét nghiệm, hoặc test nhanh tiếp nếu âm tính mới được đi làm.

Các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 15 (giãn cách xã hội) và Chỉ thị 19 (nới lỏng biện pháp chống dịch) được bố trí tối đa người làm việc nhưng hàng tuần phải test nhanh tối thiểu 20% tổng lao động.

Bắc Ninh có hơn 1.100 doanh nghiệp trong 10 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp với tổng số 450.000 công nhân, lao động đến từ 21 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dịch Covid-19 khiến 309 doanh nghiệp dừng hoạt động, hơn 184.000 lao động ngừng việc, hơn 16.000 lao động hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, gần 10.000 người bị chấm dứt hợp đồng.

Không có người đấu giá lô đất liên quan Tập đoàn Thiên Thanh tại Đà Nẵng

Phiên đấu giá lô "đất vàng" số 209, đường Trường Chinh (thành phố Đà Nẵng) đã không diễn ra, do không có hồ sơ của tổ chức, cá nhân nào tham gia.

Lô đất 209 Trường Chinh

Lô đất 209 Trường Chinh

Dự kiến chiều 24/6, Đà Nẵng tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại số 209 đường Trường Chinh, phường An Khê, quận Thanh Khê. Đây là tài sản đang được xử lý để thi hành án liên quan ông Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.

Tuy nhiên, phiên đấu giá không thể tổ chức vì sau khi ra thông báo bán đấu giá, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Đà Nẵng không nhận được hồ sơ tham gia của cá nhân, tổ chức nào.

Theo thông báo đấu giá, lô đất 209 có diện tích 22.697,2 m2, mục đích sử dụng đất ở tại đô thị, thời hạn sử dụng đất lâu dài; hiện đứng tên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất do UBND TP. Đà Nẵng cấp năm 2011.

Tài sản trên đất là nhà văn phòng 3 tầng, nhà bảo vệ. Tổng giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là hơn 704 tỷ đồng. Trong đó, giá trị quyền sử dụng đất là hơn 702 tỷ đồng; giá trị công trình xây dựng khoảng 2,1 tỷ đồng. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp, phương thức trả giá lên.

Khu đất này nằm ở trục đường Trường Chinh (tuyến Quốc lộ 1A đi qua Đà Nẵng). Từ khi chính quyền Thành phố giao cho Tập đoàn Thiên Thanh làm trung tâm dịch vụ ôtô, vật liệu xây dựng cao cấp, doanh nghiệp không triển khai dự án mà để hoang hoặc cho nhiều đơn vị khác thuê lại.

Trước đó ngày 11/5/2018, UBND TP. Đà Nẵng nhận được văn bản của Cục Thi hành án dân sự về việc thụ lý, tổ chức thi hành án dân sự vụ Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh với số tiền phải thi hành án là hơn 3.600 tỷ đồng. Các tài sản phải xử lý để thi hành án ngoài lô 209 Trường Chinh còn có các thửa đất thuộc khu phức hợp sân vận động Chi Lăng, quận Hải Châu.

Ngành đường sắt tiếp tục tạm dừng chạy TP.HCM đi miền Trung

Các đoàn tàu chạy khu đoạn từ thành phố Hồ Chí Minh đi Nha Trang, Phan Thiết sẽ tiếp tục dừng chạy do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngành đường sắt tiếp tục tạm dừng chạy TP.HCM đi miền Trung

Ngành đường sắt tiếp tục tạm dừng chạy TP.HCM đi miền Trung

Ngành đường sắt tiếp tục tạm dừng chạy các tàu khu đoạn từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung và ngược lại do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Cụ thể, tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng tạm dừng chạy đôi tàu SE21/SE22 đến ngày 15/7/2021. Tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang (Khánh Hòa) tạm dừng chạy tàu SNT2 xuất phát Sài Gòn đến ngày 14/7/2021 và tàu SNT1 xuất phát Nha Trang đến ngày 15/7/2021. Tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết (Bình Thuận) tạm dừng chạy đôi tàu SPT1/SPT2 đến ngày 15/7/2021.

Hành khách có nhu cầu đi tàu trên các tuyến này có thể đi bằng 2 đôi tàu Thống nhất SE3/SE4 và SE7/SE8 chạy hàng ngày giữa Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các đôi tàu này chỉ dừng tác nghiệp kỹ thuật và tiễn khách xuống tàu tại ga Vinh, nhưng không đón khách lên tàu do tỉnh Nghệ An quyết định thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố Vinh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 19/6.

Thành phố Bắc Giang gỡ bỏ giãn cách xã hội 6h ngày 24/6

Thành phố Bắc Giang hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 6h ngày 24/6, sau hơn một tháng áp dụng quy định này.

Thành phố Bắc Giang gỡ bỏ giãn cách xã hội 6h ngày 24/6

Thành phố Bắc Giang gỡ bỏ giãn cách xã hội 6h ngày 24/6

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh Bắc Giang đã phân quyền cho các huyện tự quy định việc mở lại hoạt động thương mại, dịch vụ theo tình hình thực tế.

Theo ông Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ tịch TP. Bắc Giang, sau khi gỡ bỏ giãn cách xã hội, Thành phố tiếp tục dừng lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao; dừng sự kiện đông người tại nơi công cộng, sân vận động. Hàng quán vỉa hè vẫn bị cấm. Khu di tích, danh lam thắng cảnh và dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, gym, trò chơi điện tử... tiếp tục bị đóng cửa. Nhà hàng, cửa hàng, cơ sở ăn uống được bán, phục vụ khách tại chỗ, nhưng không quá một nửa công suất.

TP. Bắc Giang thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/5. Lúc này tỉnh Bắc Giang là là tâm dịch cả nước, với hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày.

Những ngày gần đây, số ca nhiễm tại Bắc Giang đã giảm. Hiện Bắc Giang đã chuyển từ trạng thái cách ly xã hội sang giãn cách xã hội với các huyện Yên Thế, Lục Nam, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Dũng. Như vậy, hiện chỉ còn huyện Việt Yên cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.