Bản tin thời sự sáng 25/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nâng kiểm soát an ninh hàng không lên cấp độ 1 dịp nghỉ lễ 2/9; Quận 6 đề xuất di dời tượng đài vua Lê Lợi và Trần Nguyên Hãn; cho phép đánh sập toàn bộ cửa lò trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu; TP.HCM tạm dừng đầu tư dự án nhà hát nghìn tỷ ở Thủ Thiêm; đề xuất mở rộng nhà ga sân bay Côn Đảo thay vì xây mới…

Nâng kiểm soát an ninh hàng không lên cấp độ 1 dịp nghỉ lễ 2/9

Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ban hành quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Cục Hàng không yêu cầu nâng cấp độ an ninh tại sân bay dịp nghỉ lễ 2/9

Cục Hàng không yêu cầu nâng cấp độ an ninh tại sân bay dịp nghỉ lễ 2/9

Theo quyết định này, từ ngày 31/8 đến hết ngày 4/9, Cục Hàng không yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay, các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, các chuyến bay xuất phát tại các sân bay trên cả nước trong dịp nghỉ lễ.

Trước đó, hôm 18/8, trong công văn gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các Cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cục Hàng không cần chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới để có phương án tổ chức vận tải hành khách tối ưu phục vụ nhân dân đi lại; điều hành lịch bay, hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 2/9.

Quận 6 đề xuất di dời tượng đài vua Lê Lợi và Trần Nguyên Hãn

UBND Quận 6 đề xuất đặt tượng đài vua Lê Lợi tại vị trí vòng xoay Mũi Tàu (giáp ranh giữa Quận 6 và quận Bình Tân) và di dời tượng đài Trần Nguyên Hãn khỏi công viên Phú Lâm.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn khi chưa di dời trước chợ Bến Thành

Tượng đài Trần Nguyên Hãn khi chưa di dời trước chợ Bến Thành

UBND Quận 6 vừa có báo cáo và kiến nghị lên UBND TP.HCM về công tác di dời hai tượng đài vua Lê Lợi và tượng đài Trần Nguyên Hãn đang được đặt tạm tại Công viên Phú Lâm.

Trước đó, vào tháng 5/2013, tượng đài vua Lê Lợi được di dời từ vòng xoay Cây Gõ về công viên Phú Lâm để bàn giao mặt bằng thi công cầu vượt tại vòng xoay.

Qua kiểm tra định kỳ, UBND Quận 6 cho biết, mặc dù tượng được bảo quản bằng khuôn thạch cao và khung thép, tuy nhiên đã có dấu hiệu xuống cấp. Do đó, Quận đề xuất di dời và đặt tượng đài vua Lê Lợi tại vòng xoay Mũi Tàu (giáp ranh giữa Quận 6 và quận Bình Tân) để phù hợp về giá trị lịch sử và niềm mong ước của người dân Thành phố.

Về phần phục dựng tượng, Quận 6 kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các sở, ngành liên quan hoặc một đơn vị có chức năng để làm chủ đầu tư.

Riêng tượng đài Trần Nguyên Hãn, từ tháng 12/2014 được di dời từ khu vực vòng xoay chợ Bến Thành (Quận 1) về công viên Phú Lâm (Quận 6) để lấy mặt bằng làm tuyến metro số 1. UBND Quận 6 cho biết, tượng cũng đã có dấu hiệu xuống cấp.

Do đó, Quận 6 kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành phối hợp UBND Quận 1 xử lý, di dời sau khi đã hoàn tất việc đặt tượng đài mới trước chợ Bến Thành.

Cho phép đánh sập toàn bộ cửa lò trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu

Tỉnh Quảng Nam quyết định chi gần 20 tỷ đồng để đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, với yêu cầu xây tường chắn kín cửa lò chính, đánh sập các cửa lò khai thác trái phép.

Hầm lò khai thác trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu

Hầm lò khai thác trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Theo quyết định này, mục tiêu là đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu để phục hồi các khu vực đã khai thác, các bãi thải, đập thải và các công trình phụ trợ khai thác, tuyển và luyện quặng vàng về trạng thái an toàn; cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản.

Các hạng mục của Dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu gồm thực hiện bịt kín và xây tường chắn cửa lò chính, đánh sập các cửa lò khai thác trái phép. Tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, xử lý môi trường; trồng cây, trồng cỏ cải tạo môi trường và giám sát môi trường sau khi kết thúc việc đóng cửa mỏ.

Kinh phí để thực hiện đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu gần 20 tỷ đồng, diện tích khu vực thực hiện đóng cửa mỏ 368 ha. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 - 2024.

Tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tỉnh làm chủ đầu tư Dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phê duyệt đề án đóng cửa mỏ Bồng Miêu. Việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu nhằm phục hồi các khu vực đã khai thác, các bãi thải, đập thải và các công trình phụ trợ khai thác, tuyển và luyện quặng vàng về trạng thái an toàn. Đồng thời, cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản.

TP.HCM tạm dừng đầu tư dự án nhà hát nghìn tỷ ở Thủ Thiêm

Do cần ưu tiên cho an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch, TP.HCM quyết định tạm dừng đầu tư Dự án nhà hát Thủ Thiêm trị giá gần 2.000 tỷ đồng.

TP.HCM quyết định tạm dừng đầu tư dự án nhà hát Thủ Thiêm

TP.HCM quyết định tạm dừng đầu tư dự án nhà hát Thủ Thiêm

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM (KH&ĐT) vừa có báo cáo gửi Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn và hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Thành phố.

Theo Sở KH&ĐT, qua rà soát từ năm 2015 đến nay, có 678 dự án chậm triển khai, trong đó có 2 dự án sẽ tạm ngừng thực hiện, gồm: Dự án nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là nhà hát Thủ Thiêm) và Dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư nhà hát Thủ Thiêm), xét về nhu cầu thì cần có nhà hát; tuy nhiên, trong bối cảnh Thành phố vừa chịu tác động của dịch Covid-19 thì chưa xem xét đầu tư dự án này, mà cần ưu tiên cho các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển.

Ban đầu, nhà hát Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách Thành phố là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (Quận 1). Sau đó, chủ đầu tư dự án đề xuất tăng tổng mức đầu tư lên 1.988 tỷ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2024.

Nhà hát Thủ Thiêm có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Cuối năm 2021, chủ đầu tư đã trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho 2 đơn vị tham gia cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình nhà hát.

Đề xuất mở rộng nhà ga sân bay Côn Đảo thay vì xây mới

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đề xuất Bộ GTVT chỉ mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu của sân bay Côn Đảo thay vì đầu tư mới, với vị trí đỗ máy bay cũng được chia theo giai đoạn. Tổng vốn đầu tư 2 hạng mục này trên 800 tỷ đồng.

Sân bay Côn Đảo sẽ tạm đóng cửa khi thi công nâng cấp vào giữa năm 2023.

Sân bay Côn Đảo sẽ tạm đóng cửa khi thi công nâng cấp vào giữa năm 2023.

ACV vừa báo cáo Bộ GTVT phương án, kế hoạch đầu tư mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay tại sân bay Côn Đảo.

Hiện nhà ga hành khách sân bay Côn Đảo có công suất thiết kế 400.000 khách/năm, dự kiến lượng khách cả năm nay qua sân bay này khoảng 1 triệu lượt. ACV cho rằng, khách tới Côn Đảo bằng đường hàng không chủ yếu khách nội địa, đi du lịch tâm linh, nên nhu cầu phục vụ tại nhà ga không quá cao.

Bên cạnh đó, ACV đang tập trung vốn để xây dựng sân bay Long Thành và nâng cấp, cải tạo một số sân bay trọng điểm, nên nguồn vốn đầu tư hạn chế.

ACV đề xuất chỉ mở rộng nhà ga hiện hữu lên khoảng 6.000 m2 thay vì xây mới, bố trí lại các vị trí khai thác đáp ứng phục vụ 800 khách/giờ cao điểm, như vậy có thể tăng công suất nhà ga lên 2 triệu khách/năm.

Với mở rộng, nâng cấp vị trí đỗ máy bay, ACV đề xuất chia 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng 5 vị trí đỗ cho máy bay A320/321 và tương đương, và tiếp tục sử dụng 4 vị trí đỗ máy bay ATR72 hiện có (chưa nâng cấp), đáp ứng nhu cầu khai thác cả 2 dòng máy bay. Khi có mặt bằng mới đầu tư thêm các vị trí đỗ máy bay đáp ứng theo quy hoạch.

ACV ước tính tổng mức đầu tư nhà ga hành khách dự kiến khoảng 388 tỷ đồng, tiến độ thực hiện trong khoảng 24 tháng khi được chấp thuận.

Với hạng mục sân đỗ máy bay, giai đoạn 1 tổng vốn đầu tư khoảng 280 tỷ đồng, thực hiện trong 24 tháng; giai đoạn 2 khoảng 174 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư cả nhà ga và các vị trí đỗ máy bay trên 842 tỷ đồng, do ACV tự bố trí.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở GTVT tổ chức giao thông ở Tân Sơn Nhất

Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở GTVT tham mưu UBND Thành phố kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét phương án quản lý phù hợp nếu tình hình giao thông tại Tân Sơn Nhất không được cải thiện.

Xe buýt đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất

Xe buýt đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất

Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp cùng Công an Thành phố, UBND các quận, huyện và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất nghiên cứu, thống nhất các phương án tổ chức giao thông tại sân bay này.

Trong đó, ưu tiên và tạo điều kiện để phát triển hệ thống các tuyến xe buýt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu giao thông công cộng của người dân.

Song song đó, phối hợp với tổ công tác liên ngành đảm bảo trật tự giao thông sân bay Tân Sơn Nhất theo dõi, chỉ đạo các lực lượng có biện pháp phòng chống, hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, kịp thời báo cáo, đề xuất hướng giải quyết với các vấn đề vướng mắc phát sinh.

Nếu tình hình trật tự an toàn giao thông tại Tân Sơn Nhất không được cải thiện, Sở GTVT được giao nghiên cứu tham mưu UBND Thành phố kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét phương án quản lý đối với sân bay này.

Trước đó, Bộ GTVT đưa ra giải pháp, TP.HCM có thể nghiên cứu tăng lượng taxi, tăng tần suất xe buýt, mở các tuyến buýt mới kết nối trực tiếp với sân bay… để giải tỏa khách cho sân bay Tân Sơn Nhất.