Bản tin thời sự sáng 25/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lũ dâng cao, đường phố Cao Bằng mênh mông nước; sạt lở nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ tại Thanh Hóa; đề xuất xây dựng một đoạn cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn; cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế có thể bị cấm xuất cảnh…

Lũ dâng cao, đường phố Cao Bằng mênh mông nước

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến mực nước ở các sông, suối tại Cao Bằng dâng cao, một số diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng, nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu, sạt lở.

Mực nước tại các con sông ở Cao Bằng dâng cao gây ngập lụt

Mực nước tại các con sông ở Cao Bằng dâng cao gây ngập lụt

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng cho biết, mưa lớn trong 2 ngày qua trên địa bàn đã gây ngập lụt cục bộ tại các huyện, thị trấn.

Cụ thể, tính đến 11h ngày 24/8, mực nước tại các sông như sông Bằng, sông Hiến, sông Gâm dâng rất cao. Ngoài ra, mưa lớn còn gây ngập lụt nhiều huyện như Hà Quảng, Trùng Khánh, Hòa An, TP. Cao Bằng...

Cũng theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng, mưa lũ không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm 204 căn nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại. Nhà ở bị ngập lụt 163 hộ. Nhà ở bị sạt lở taluy dương sau nhà 39 hộ. Hoa màu bị thiệt hại khoảng 890 ha.

Mưa lũ làm nhiều tuyến đường khu vực các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa, TP. Cao Bằng bị ảnh hưởng.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình, dự phòng các tình huống khẩn cấp... Tại những điểm bị ngập úng, chính quyền huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương hỗ trợ nhân dân di dời tài sản đến nơi an toàn.

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ tại Thanh Hóa

Do mưa lớn kéo dài, tuyến Quốc lộ 15C lên huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) bị sạt lở, nứt gãy nghiêm trọng.

Mặt đường nứt nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 15C (đoạn xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa).

Mặt đường nứt nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 15C (đoạn xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa).

Ngày 24/8, thông tin từ UBND huyện Mường Lát cho biết, những ngày qua, mưa lớn đã làm sạt lở, lún nứt phần mặt đường trên tuyến Quốc lộ 15C (đoạn qua bản Na Tao, xã Pù Nhi) ảnh hưởng đến giao thông đi lại.

Cụ thể, tại Km88+750 đến Km88+850 tuyến Quốc lộ 15C bị lún khoảng 2 m và xuất hiện nhiều vết nứt toác, hư hỏng khoảng 100 m mặt đường.

Cùng với đó, sạt, lún còn khiến một ngôi nhà của người dân bị nứt toác, hư hỏng nặng và phải sơ tán. Có 13 hộ dân khác sống gần đó cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Trước thực trạng trên, ngành chức năng huyện Mường Lát đã di dời khẩn cấp hộ gia đình bị ảnh hưởng; chỉ đạo đơn vị quản lý giao thông đặt biển cảnh báo tại điểm đầu, điểm cuối của khu vực sạt lở nhằm cảnh báo người, phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời chỉ đạo UBND xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài ra, UBND huyện Mường Lát đã báo cáo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa để phối hợp tìm giải pháp khắc phục sự cố sạt lở trên.

Đề xuất xây dựng một đoạn cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn

Dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, đoạn Vinh - Thanh Thủy (Nghệ An) dài 65 km được đề xuất xây dựng với tổng vốn 18.500 tỷ đồng.

Cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã hoàn thành, là điểm đầu của cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn

Cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã hoàn thành, là điểm đầu của cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn

Ban Quản lý dự án 85 trong tuần qua đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt báo cáo tiền khả thi Dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, đoạn Vinh - Thanh Thủy (Nghệ An). Dự án này có điểm đầu giao với cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tại nút giao Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; điểm cuối tại cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On, biên giới Việt Nam - Lào.

Căn cứ dự báo nhu cầu vận tải, Ban Quản lý dự án 85 đề xuất giai đoạn một đầu tư cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh với chiều rộng nền đường 24 m tại đoạn có vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h; đoạn có địa hình khó khăn vận tốc 60 - 80 km/h, chiều rộng nền đường là 22 m. Các cầu trên tuyến quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Việc chuẩn bị đầu tư từ năm 2024 đến 2025, thực hiện từ năm 2026 đến 2029.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn TP. Vinh - Thanh Thủy có 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h, đoạn địa hình khó khăn vận tốc 60 - 80 km/h.

Cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn là tiền đề hình thành trục phát triển thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối các nước khu vực sông Mê Kông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Hiện nay, tuyến cao tốc Bắc Nam, đoạn Hà Nội - Nghệ An đã hoàn thành, tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn.

Cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế có thể bị cấm xuất cảnh

Bộ Tài chính muốn thêm cá nhân, chủ hộ kinh doanh vào đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Lực lượng an ninh tại cửa khẩu Hữu Nghị đang chờ làm thủ tục xuất cảnh cho người dân

Lực lượng an ninh tại cửa khẩu Hữu Nghị đang chờ làm thủ tục xuất cảnh cho người dân

Theo Luật Quản lý thuế, người nộp thuế gồm tổ chức và cá nhân. Song, việc tạm hoãn xuất cảnh hiện chỉ áp dụng với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, quy định này không phù hợp với thực tiễn.

"Tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện với cả cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện pháp luật của tổ chức nộp thuế", Bộ Tài chính đánh giá.

Do đó, tại Dự thảo sửa Luật Quản lý thuế, cơ quan này đề xuất bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là đại diện pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ hộ, cá nhân kinh doanh. Các đối tượng này chịu cùng quy định với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Cả nước hiện có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế.

Nửa đầu năm nay, cơ quan thuế ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng; đã thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này. Mức này bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ đồng).

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi. Lãnh đạo cơ quan thuế từng khẳng định quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên quy trình chặt chẽ, cân nhắc hồ sơ từng trường hợp.

Ngoài tạm hoãn xuất cảnh, ngành thuế áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nợ như kê biên tài sản, thu qua bên thứ ba với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn…

Chủ tịch Tập đoàn Dược Bảo Châu Nguyễn Lan Hương bị bắt

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dược Bảo Châu Nguyễn Lan Hương (51 tuổi, trú tại Hà Nội) bị bắt với cáo buộc thiết lập khống các hợp đồng kinh tế, phát hành hóa đơn bất hợp pháp với tổng số tiền trên 367 tỷ đồng.

Cơ quan công an thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Lan Hương

Cơ quan công an thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Lan Hương

Theo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Lan Hương về hành vi "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, quy định tại điều 203 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan công an, bà Hương đã lợi dụng các quy định của Nhà nước về điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp, cơ chế tự khai, tự nộp thuế, tự in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn để thành lập nhiều "công ty ma".

Sau đó, bà Hương sử dụng các công ty này vào việc thiết lập hợp đồng kinh tế không có thật, phát hành hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp để hợp thức nguyên liệu, hàng hóa đầu vào, đầu ra và hưởng khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho Công ty CP Tập đoàn Dược Bảo Châu.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, bà Hương thực hiện các hành vi trên với mục đích làm tăng giá trị kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh để đáp ứng điều kiện tham gia thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu để huy động vốn của các nhà đầu tư.

Cơ quan điều tra xác định, trong các năm 2022 và 2023, bà Hương trực tiếp thực hiện và chỉ đạo kế toán thiết lập khống các hợp đồng kinh tế, phát hành hóa đơn giá trị gia tăng điện tử bất hợp pháp 368 hóa đơn với tổng số tiền trên 367 tỷ đồng để phục vụ hoạt động hạch toán kinh doanh cho Tập đoàn Dược Bảo Châu.

Bộ Công an ra thông báo tìm người bị hại trong vụ án liên quan "Shark Thủy"

Theo kết quả điều tra, bị can Nguyễn Ngọc Thủy (42 tuổi) và đồng phạm đã sử dụng pháp nhân Công ty Egame thực hiện hành vi gian dối trong việc sử dụng cổ phần Tập đoàn Egroup không có thật để huy động vốn.

Bị can Nguyễn Ngọc Thủy (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup) và Đặng Văn Hiển (Trưởng ban Quan hệ cổ đông thuộc Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame)

Bị can Nguyễn Ngọc Thủy (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup) và Đặng Văn Hiển (Trưởng ban Quan hệ cổ đông thuộc Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame)

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra thông báo tìm người bị hại trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup), Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame (Công ty Egame).

Theo đó, kết quả điều tra vụ án xác định: Trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2023, bị can Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn được công chúng biết đến là "Shark Thủy"), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Egroup, Công ty Egame và đồng phạm đã sử dụng pháp nhân Công ty Egame thực hiện hành vi gian dối trong việc sử dụng cổ phần Tập đoàn Egroup không có thật để huy động vốn bằng các hình thức giao dịch như: bán cổ phần nhận thanh toán tiền mặt, chuyển khoản; bán cổ phần thanh toán bằng bất động sản; vay mượn tiền nhà đầu tư đảm bảo bằng sở hữu cổ phần.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định những nhà đầu tư này là người bị hại trong vụ án.

Theo thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, những người bị hại cần đến làm việc, trình báo và cung cấp thông tin, hồ sơ, chứng từ trong việc mua, cho vay bảo đảm bằng sở hữu cổ phần Tập đoàn Egroup, theo địa chỉ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Nếu hết thời hạn điều tra vụ án theo quy định của pháp luật, người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không xem xét, giải quyết trong vụ án.

Đình chỉ hoạt động khai thác 4 mỏ đá ở Lâm Đồng

UBND TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vừa đề nghị đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản của 4 mỏ đá.

UBND TP. Bảo Lộc đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản của 4 doanh nghiệp

UBND TP. Bảo Lộc đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản của 4 doanh nghiệp

Ngày 24/8, thông tin từ UBND TP. Bảo Lộc cho biết, đơn vị đã đề nghị Công an Thành phố, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các xã Đại Lào, Lộc Châu, Đam B’ri phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản của 4 doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp bị đình chỉ khai thác khoáng sản bao gồm: Công ty CP Tân Anh Tú; Công ty CP Ngọc Lâm; Công ty CP BPH và Công ty CP Tân Việt.

Lãnh đạo UBND TP. Bảo Lộc giao các đơn vị và UBND các xã liên quan chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát 4 doanh nghiệp nêu trên trong việc chấp hành việc đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.

Trường hợp trong thời gian bị đình chỉ hoạt động mà các doanh nghiệp vẫn khai thác khoáng sản thì kiên quyết xử lý theo quy định hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Các doanh nghiệp bị đình chỉ đều có giấy phép hoạt động khai thác đá xây dựng. Trong đó, diện tích khai thác của Công ty CP Tân Việt là 7 ha tại xã Đam B’ri trong thời gian 29 năm (2007 - 2036).

Diện tích khai thác của Công ty CP Tân Anh Tú là 4,7 ha tại xã Đại Lào trong 29 năm (2010 - 2039). Diện tích khai thác của Công ty CP Ngọc Lâm là 10 ha tại xã Đại Lào trong 25 năm (2013 - 2038). Diện tích khai thác của Công ty CP BPH là 6,3 ha tại xã Đam B’ri trong 23,5 năm (2019 - 2043).

Trước đó, vào tháng 6/2024, 4 doanh nghiệp trên đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, Công ty CP Tân Việt bị xử phạt hành chính gần 143 triệu đồng; Công ty CP BPH bị phạt gần 142 triệu đồng; Công ty CP Tân Anh Tú bị phạt hơn 90 triệu đồng và Công ty CP Ngọc Lâm bị phạt hơn 140 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, cả 4 doanh nghiệp đều bị đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản (đá xây dựng) trong thời gian 5 tháng vì có nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Đề xuất gia hạn thí điểm cho người Việt vào chơi casino

Casino Phú Quốc có thể cho người Việt vào chơi đến cuối năm nay, trong khi casino Vân Đồn được thí điểm 3 năm từ ngày được cấp phép.

Khách chơi bên trong casino ở Phú Quốc. Ảnh: Corona

Khách chơi bên trong casino ở Phú Quốc. Ảnh: Corona

Tại hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo Nghị định về kinh doanh casino, Bộ Tài chính cho biết, tháng 5, Bộ Chính trị đã đồng ý kéo dài thời gian thí điểm cho người Việt vào chơi đến hết năm 2024 với dự án casino tại Phú Quốc. Còn với dự án casino tại Vân Đồn, thời gian thí điểm là 3 năm từ ngày dự án bắt đầu kinh doanh.

Trên cơ sở chủ trương đó của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đề xuất sửa Nghị định về kinh doanh casino để kéo dài thời gian thí điểm.

Bộ Tài chính cùng Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước và địa phương tổng kết, đánh giá việc thực hiện thời gian qua. Tiếp đó, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định chấm dứt hoặc tiếp tục thí điểm.

Sau đó, Chính phủ sẽ có nghị quyết về việc chấm dứt hoặc tiếp tục cho người Việt vào chơi. "Hết thời gian thí điểm, Chính phủ chưa ban hành nghị quyết, doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoạt động này", Dự thảo nêu. Trường hợp cấp có thẩm quyền có nghị quyết cho phép hoặc không cho phép kéo dài, doanh nghiệp sẽ thực hiện từ thời điểm văn bản này được ban hành.

Kinh doanh casino là ngành nghề có điều kiện. Theo quy định, dự án casino phải có vốn đầu tư tối thiểu 2 tỷ USD, được Bộ Chính trị chấp thuận địa điểm, Thủ tướng duyệt chủ trương. Nhà đầu tư chỉ được kinh doanh loại hình này sau khi giải ngân tối thiểu 50% vốn. Người Việt chỉ được vào chơi nếu từ 21 tuổi trở lên, có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng một tháng hoặc là người chịu thuế thu nhập cá nhân từ bậc 3 trở lên.

Năm 2016, Bộ Chính trị đồng ý cho 2 dự án casino tại Phú Quốc và Vân Đồn được thí điểm cho người Việt vào chơi. Song, hiện mới chỉ có Casino Phú Quốc hoạt động kinh doanh từ tháng 1/2019.

Hiện, cả nước có 9 dự án casino đang hoạt động (6 quy mô nhỏ và 3 quy mô lớn). Trong đó, casino đầu tiên cho người Việt vào chơi là Corona Phú Quốc, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc làm chủ đầu tư. Casino này nằm trong quần thể dự án có tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, gồm 1.470 máy trò chơi, 147 bàn chơi.