Bản tin thời sự sáng 25/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Yên Bái đưa cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng vào hoạt động; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán; Chính phủ đốc thúc các đô thị lớn hạn chế xe cá nhân; Gemadept bị truy thu thuế hơn 3,5 tỷ đồng…

Yên Bái đưa cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng vào hoạt động

Sau gần 2 năm thi công, đến nay, công trình cầu Giới Phiên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái và là cây cầu thứ 5 được triển khai xây dựng trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Sau gần 2 năm thi công, đến nay, công trình cầu Giới Phiên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Sau gần 2 năm thi công, đến nay, công trình cầu Giới Phiên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Công trình cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái được khởi công xây dựng vào ngày 22/12/2021. Sau 21 tháng thi công, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, cây cầu đã hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.

Công trình cầu Giới Phiên được thiết kế vĩnh cửu, dạng cầu vòm thép hiện đại, gồm 10 nhịp, trong đó có 3 nhịp vòm thép kết hợp với 160 sợi dây văng và 7 nhịp dầm dẫn giản đơn Super T; bề rộng toàn cầu là 20,5 m, chiều dài toàn cầu gần 520 m, với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng.

Điểm đầu của Dự án tại ngã tư giao cắt với Dự án đường nối Quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc địa phận xã Văn Phú; điểm cuối của Dự án tại nút giao Quốc lộ 32C mới và điểm đầu nhánh phụ 2, thuộc đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, địa phận xã Giới Phiên.

Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông của thành phố Yên Bái, bảo đảm kết nối hai bên bờ sông Hồng tạo thành trục kết nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Quốc lộ 32C, Quốc lộ 70 với đường Âu Cơ và kết nối với trung tâm thành phố Yên Bái. Sự hoàn thiện này cũng góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát, xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin người giao dịch chứng khoán, trong đó có người thân tham gia giao dịch.

Người dân giao dịch chứng khoán

Người dân giao dịch chứng khoán

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 11.

Làm sạch dữ liệu người dùng là đối chiếu thông tin của họ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.

Chỉ đạo trên đưa ra khi thời gian qua nhiều cá nhân bị khởi tố vì thao túng chứng khoán để thu lợi. Tháng 3/2022, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Tháng 5, Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân bị tuyên 5 năm 6 tháng tù vì tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Chính phủ đốc thúc các đô thị lớn hạn chế xe cá nhân

Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn căn cứ tình hình thực tế để xây dựng lộ trình hạn chế một số xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông, Chính phủ yêu cầu.

Đường vành đai 3 Hà Nội trên cao đoạn qua Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển ùn tắc kéo dài hơn 3 km

Đường vành đai 3 Hà Nội trên cao đoạn qua Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển ùn tắc kéo dài hơn 3 km

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới được ban hành.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương ưu tiên đầu tư vận tải hành khách công cộng, nhất là loại hình lưu lượng lớn. Người dân được khuyến khích chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tại đô thị lớn.

Chính phủ giao các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TP.HCM phân luồng giao thông, quản lý xe cá nhân để tạo không gian đi bộ trên vỉa hè cho người dân, giúp họ dễ tiếp cận phương tiện vận tải công cộng.

Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM cần đảm bảo tiến độ. Tuyến giao thông kết nối với đường sắt đô thị, buýt nhanh (BRT) cần được xây dựng. Mạng lưới xe buýt hoàn thiện, trong đó có xe nhỏ phù hợp với điểm trung chuyển, đầu mối giao thông, kết nối đường sắt đô thị.

Tháng 4/2022, Chính phủ giao 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng.

5 thành phố tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Chủ trương này nhằm hạn chế số lượng xe cơ giới vào địa bàn.

Gemadept bị truy thu thuế hơn 3,5 tỷ đồng

Hoạt động kinh doanh của Gemadept đang tăng trưởng cao với mức lãi hàng nghìn tỷ đồng. Công ty có cơ cấu cổ phần khá phân mảnh với chỉ một cổ đông lớn là SSJ Consulting, còn lại là cổ đông nhỏ lẻ trong ngoài nước.

Gemadept bị truy thu thuế hơn 3,5 tỷ đồng

Gemadept bị truy thu thuế hơn 3,5 tỷ đồng

Mới đây, Công ty CP Gemadept (mã chứng khoán: GMD) đã nhận nhận được Quyết định của Cục Thuế TP.HCM về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời kỳ thanh tra từ năm 2017 - 2022.

Cơ quan thuế sẽ tiến hành truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 1,5 tỷ đồng, tiền chậm nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 674,4 triệu đồng và phạt vi phạm hành chính hơn 1,3 tỷ đồng đối với Gemadept. Tổng số tiền mà Gemadept phải nộp là hơn 3,5 tỷ đồng.

Gemadept tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1990 và được cổ phần hóa từ năm 1993. Đến nay, phần lớn cổ phần của doanh nghiệp đã bị phân tán để chuyển sang tay tư nhân, các cổ đông nhỏ lẻ trong và ngoài nước.

Kể từ sau cổ phần hóa, Gemadept đã vươn lên nhanh chóng trong lĩnh vực hàng hải tại Việt Nam, với sự hiện diện dày đặc ở các cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam cùng nhiều trung tâm phân phối trong và ngoài nước.

Công ty tư nhân này điều hành hệ thống 7 cụm cảng lớn gồm: 3 cảng tại phía Bắc là Cảng Nam Đình Vũ, Nam Hải ICD, Cảng Nam Hải; 1 tại miền Trung là Cảng Dung Quất và 3 cảng tại phía Nam là Phước Long ICD, Cảng Gemalink và Cảng Bình Dương.

Đáng chú ý nhất là Cảng Gemalink với sự hợp tác cùng đối tác CMA Terminals (Pháp) đang là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam.

"Đại gia" này còn xây dựng mạng lưới logistics dày đặc với 22 trung tâm phân phối trên toàn quốc. Mảng kinh doanh bất động sản có Dự án Khu phức hợp Saigon Gem và Dự án Khu phức hợp tại Viêng Chăn - Lào. Mảng trồng rừng đang phát triển Dự án trồng và chế biến cây cao su tại Campuchia.

Hoạt động kinh doanh của Gemadept cũng có những bước tiến mạnh gần đây nhờ mở rộng công suất và điều kiện vĩ mô thuận lợi. Năm ngoái, Công ty ghi nhận doanh thu lần đầu tiến đến mốc 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế kỷ lục 1.161 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 62% so với năm liền trước.

TP.HCM cấp gần 5.500 sổ hồng, bồi thường 5.900 tỷ Dự án Vành đai 3

9 tháng đầu năm, TP.HCM cấp gần 5.500 sổ hồng (giấy chứng nhận nhà đất). Tổng số tiền đã chi bồi thường khoảng 5.900 tỷ đồng cho Dự án Vành đai 3.

Tính đến nay, hơn 3 triệu giấy chứng nhận nhà đất đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân tại TP.HCM

Tính đến nay, hơn 3 triệu giấy chứng nhận nhà đất đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân tại TP.HCM

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn Thành phố trong 9 tháng đầu năm 2023.

Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận nhà đất), 9 tháng đầu năm nay, Sở TN&MT đã cấp tổng cộng 5.480 giấy chứng nhận lần đầu cho các tổ chức, cá nhân.

Trong đó, giấy chứng nhận nhà đất cấp cho cá nhân chiếm chủ yếu, với 5.436 giấy chứng nhận. Chỉ có 44 giấy chứng nhận nhà đất được cấp cho tổ chức.

Tính đến nay, Sở TN&MT TP.HCM đã cấp tổng cộng hơn 3 triệu giấy chứng nhận nhà đất cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố, đạt tỷ lệ lần lượt 92,49% và 99,19%.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã giải quyết thủ tục đăng ký biến động cho 234.527 giấy chứng nhận nhà đất.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, so với cùng kỳ năm 2022, nhìn chung, tỷ lệ giải quyết các loại hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà đất, đăng ký biến động và đăng ký giao dịch đảm bảo giảm bình quân 36,4%. Riêng tỷ lệ giải quyết hồ sơ các loại quý III/2023 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Dự án Vành đai 3 TP.HCM, tính đến ngày 6/9, cơ quan chức năng đã thu hồi 410,439 ha đất của 1.678 trường hợp. Tổng số tiền đã chi bồi thường là 5.892 tỷ đồng.

Về tiến độ giải ngân tiền bồi thường tại các dự án đầu tư công, tính đến 31/8, trong tổng số 27.226 tỷ đồng ghi vốn bồi thường trong năm 2023 thì đã giải ngân 11.414 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 42%.

Ngày 25/9, dàn cựu lãnh đạo VEC cùng đồng phạm hầu tòa vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

22 bị cáo, số này có cựu lãnh đạo VEC bị cáo buộc trong quá trình xây dựng Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đã không tuân thủ quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị "rút ruột", bị hư hỏng nặng
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị "rút ruột", bị hư hỏng nặng

Ngày 25/9, TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm với ông Mai Tuấn Anh, cựu Chủ tịch VEC; Trần Văn Tám, cựu Tổng giám đốc VEC; Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào, cùng cựu Phó Tổng giám đốc VEC về các tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Hầu tòa cùng nhóm lãnh đạo VEC nói trên còn 18 bị cáo, họ bị Viện KSND Tối cao quy kết buộc gây thiệt hại 460 tỷ đồng vì để xảy ra sai phạm tại giai đoạn hai của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trước đó, cuối 2021, TAND TP. Hà Nội xét xử 36 bị cáo giai đoạn 1, trong đó có Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào bị tuyên lần lượt các mức án 6 và 7 năm tù giam.

Còn giai đoạn 2, chiều dài hơn 74 km, từ Tam Kỳ đến TP. Quảng Ngãi, thông xe tháng 9/2018. Viện kiểm sát cho rằng, Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và do Tổ chức tư vấn CDM Smith Inc của Mỹ thực hiện giám sát thi công. Phụ trách thi công đều là những tập đoàn lớn của nước ngoài gồm Lotte E&C, Posco E&C (Hàn Quốc); Shandong Luquao Group - Sơn Đông, Jiangsu Provincial - Giang Tô (Trung Quốc).

Việc chỉ dẫn kỹ thuật do liên danh các nhà thầu Nippon Koei - Nippon Engineering (Nhật Bản) - Chodai và Thai Engineering (cùng từ Thái Lan) thực hiện khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán.

22 bị cáo trong giai đoạn này bị cáo buộc trong quá trình xây dựng đã cùng nhiều người khác không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế trộn, thi công. Lúc nghiệm thu, họ không đo đạc đầy đủ và có những hạng mục được nghiệm thu dù vắng mặt đại diện Ban quản lý dự án.

Sai phạm của nhóm này khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào vận hành giai đoạn 2 dài 74 km và sau đó hư hỏng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng .

Tạm dừng di dời nhiều cơ quan, công sở ở Thanh Hóa

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng về việc tạm dừng việc di dời các cơ quan, công sở đến khi đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn TP. Thanh Hóa được duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng về việc tạm dừng việc di dời các cơ quan, công sở. Ảnh minh họa

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng về việc tạm dừng việc di dời các cơ quan, công sở. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hoá, 5 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng công trình; Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư công trình giao thông Thanh Hoá; Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa; Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Ban Quản lý bảo trì công trình giao thông và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng) về làm việc tại Khu trung tâm hội nghị Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) chưa thực hiện do khi thực hiện sẽ phát sinh các cơ sở dôi dư mà các đơn vị nêu trên hiện đang sử dụng.

Việc bố trí 2 đơn vị gồm, Đoàn Quy hoạch và thiết kế thuỷ lợi, Chi cục Thuỷ lợi về làm việc tại trụ sở cũ của Kho bạc Nhà nước TP. Thanh Hóa chưa được triển khai do 2 trụ sở của Kho bạc Nhà nước Thanh Hoá chưa được bàn giao về UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý, sử dụng.

Việc bố trí Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo và Ban Thi đua - Khen thưởng thuộc Sở Nội vụ về làm việc tại Khu Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Tỉnh, chưa được thực hiện do việc di chuyển trên chỉ là di chuyển tạm thời trong thời gian ngắn trong khi Trụ sở hợp khối sắp hoàn thành và phải di chuyển về trụ sở hợp khối theo đúng dự án đã phê duyệt...

Theo Sở Xây dựng Thanh Hóa, hiện nay, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đồ án quy hoạch phân khu đang được UBND TP. Thanh Hóa triển khai việc lập. Do vậy, việc hoàn thiện phương án di dời các cơ quan, công sở trên địa bàn Thành phố khi chưa có quy hoạch phân khu sẽ không có cơ sở đánh giá sự phù hợp về quy hoạch, dẫn đến không có tính khả thi của phương án tổng thể và không đủ cơ sở để triển khai thực hiện. Sở Xây dựng đề xuất tạm thời dừng việc thực hiện di dời các cơ quan, công sở đến khi các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn Thành phố được phê duyệt...

Tin cùng chuyên mục