Bản tin thời sự sáng 26/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 1 triệu liều vaccine Abdala của Cuba cùng chuyên cơ Chủ tịch nước về Việt Nam; TP.HCM dự kiến tháo gỡ các chốt chặn trên đường trước 30/9; giá xăng dầu lại đồng loạt tăng; cần 675.000 tỷ đồng làm 9 nhóm dự án giao thông TP.HCM; tội phạm lừa đảo qua mạng gia tăng trong dịch Covid-19…

Hơn 1 triệu liều vaccine Abdala của Cuba cùng chuyên cơ Chủ tịch nước về Việt Nam

Hơn một triệu liều vaccine Abdala của Cuba đã được đưa lên chuyên cơ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc để chuyển về Việt Nam.

Lô vaccine Cuba Abdala được đưa lên chuyên cơ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chở về Việt Nam

Lô vaccine Cuba Abdala được đưa lên chuyên cơ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chở về Việt Nam

Đại diện Trung tâm công nghệ sinh học và di truyền (CIGB), đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 Abdala đã bàn giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba 900.000 liều vaccine. Đại diện Bộ Quốc phòng Cuba cũng bàn giao cho tuỳ viên quốc phòng Việt Nam tại Cuba 150.000 liều vaccine Abdala.

Tổng cộng 1,05 triệu liều vaccine Abdala sau đó được đưa lên chuyên cơ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc để chuyển về Việt Nam.

Trong chuyến thăm Cuba, Chủ tịch nước đã thống nhất mua 10 triệu liều vaccine Covid-19 từ nước này. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel bày tỏ sẵn sàng cung cấp công nghệ vaccine để hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.

Sau khi kết thúc lịch trình tại Cuba, Chủ tịch nước dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 và loạt sự kiện bên lề. Chủ tịch nước đã tới thăm trụ sở Pfizer tại New York, đề nghị hãng dược thúc đẩy tăng số lượng vaccine cung cấp cho Việt Nam. Pfizer cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam đủ 31 triệu liều vaccine cho người trưởng thành trong năm nay và 20 triệu liều cho trẻ em khi có đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn.

Trước đó, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vaccine Abdala của Cuba cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống Covid-19. Đây là vaccine thứ 8 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp; 7 loại vaccine trước đó gồm: AstraZeneca, SputnikV, Johnson & Johnson, Moderna, Pfizer, Sinopharm và Hayat-Vax.

Giá xăng dầu lại đồng loạt tăng

Xăng E5 RON 92 tăng 537 đồng/lít. Xăng RON 95 tăng 548 đồng/lít. Dầu diesel tăng 564 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 561 đồng/lít. Dầu mazut tăng 628 đồng/kg.

Giá xăng dầu lại đồng loạt tăng

Giá xăng dầu lại đồng loạt tăng

Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, bắt đầu từ 15h ngày 25/9.

Giá xăng E5 RON 92 tăng 573 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 548 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng giá, trong đó dầu diesel tăng 564 đồng/lít, dầu hỏa tăng 561 đồng/lít; dầu mazut tăng 628 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.716 đồng/lít; xăng RON 95 là 21.945 đồng/lít; dầu diesel 16.586 đồng/lít; dầu hỏa 15.643 đồng/lít, dầu mazut 16.580 đồng/kg.

Tại kỳ này, nhà điều hành trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng RON 95 ở mức 150 đồng/lít, 200 đồng/lít với dầu diesel, dầu hỏa, 100 đồng/kg với dầu mazut. Đồng thời, chi sử dụng Quỹ đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 850 đồng/lít; không chi với xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut.

Từ đầu năm đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100 đồng đến 2.000 đồng/lít/kg. Ở kỳ điều hành lần này, nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 850 đồng/lít, giá xăng E5RON92 sẽ tăng 1.423 đồng/lít so với giá hiện hành.

Như vậy, giá xăng dầu trong nước có lần thứ hai tăng liên tiếp sau khi kết thúc chuỗi giảm liên tiếp. Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất ngày 10/9, giá xăng E5 RON 92 được cơ quan điều hành tăng 250 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 260 đồng/lít.

Các loại dầu tăng cao hơn. Trong đó, dầu diesel tăng 360 đồng mỗi lít, dầu hỏa tăng 320 đồng/lít còn dầu mazut tăng 900 đồng/kg.

Cần 675.000 tỷ đồng làm 9 nhóm dự án giao thông TP.HCM

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM dự kiến cần khoảng 675.000 tỷ đồng làm 9 nhóm dự án phát triển giao thông TP.HCM những năm tới, cần ưu tiên nguồn lực, cơ chế huy động vốn.

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Nội dung được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP.HCM là về xây dựng các chính sách, kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030. Từ nay đến năm 2025, Sở Giao thông Vận tải xây dựng danh mục và đề xuất kêu gọi đầu tư cho 9 nhóm dự án, với tổng nhu cầu vốn nêu trên.

Theo đó, 5 năm tới Thành phố cần tập trung thực hiện Dự án Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 3. Kế đến Thành phố thực hiện các tuyến quốc lộ, đường kết nối khu vực lân cận gồm: Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An), đường mở mới phía Tây Bắc, đường trục động lực (song song Quốc lộ 50), đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Lớn, đường Võ Văn Kiệt nối dài...

Các đường trên cao Số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố); Số 5 (nút giao Trạm 2 - An Sương); tuyến trên cao Bắc - Nam từ, đoạn đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh cũng được đề xuất đầu tư.

Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất Thành phố cần ưu tiên xây dựng bốn dự án xây cầu lớn gồm: cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Qưới - Rạch Chiếc. Trong giai đoạn này, chính quyền Thành phố cần tập trung đầu tư các tuyến Metro Số 2, Số 3a, 3b, Số 4, Số 4b, Số 5, Số 6, tuyến xe điện mặt đất Số 1, tàu điện một ray (Monorail) Số 2, Số 3….

Trong tổng nhu cầu vốn để đầu tư các nhóm dự án này, Sở GTVT tính toán cần hơn 70.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng, còn lại hơn 605.000 tỷ đồng sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia bằng các hình thức xã hội hoá, vốn ODA.

Bộ Giao thông Vận tải lên kế hoạch mở lại đường bay nội địa

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến mở lại đường bay nội địa theo 4 giai đoạn tại các địa phương nới lỏng phòng dịch từ ngày 1/10.

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến mở lại đường bay nội địa tại các địa phương nới lỏng phòng dịch từ ngày 1/10

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến mở lại đường bay nội địa tại các địa phương nới lỏng phòng dịch từ ngày 1/10

Theo dự thảo ngày 25/9 về kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đưa ra một phương án.

Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch) tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và giãn cách ghế trên máy bay.

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày sau giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay của từng hãng bay không vượt quá 70%.

Giai đoạn 3 (sau giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay của từng hãng không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và không phải giãn cách ghế.

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) cho phép các hãng được khai thác trở lại bình thường.

Với đường bay chỉ có một chuyến mỗi ngày, các hãng hàng không vẫn được khai thác tần suất như vậy từ giai đoạn một và giãn cách ghế trên tàu bay.

Tổ bay và nhân viên hàng không tham gia phục vụ chuyến bay cần được tiêm tối thiểu một mũi vaccine phòng Covid-19 ít nhất sau 14 ngày và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Hành khách đi, đến địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 15, Chị thị 19 cần đáp ứng nguyên tắc 5K, khai báo y tế...

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn quy định phòng dịch với hành khách đi lại tại các địa phương nới lỏng giãn cách, Bộ sẽ ban hành kế hoạch vận tải hành khách, trong đó có mở đường bay nội địa.

Các hãng bắt đầu phát kit miễn phí cho shipper tại TP.HCM tự xét nghiệm

Nhiều ứng dụng đã tổ chức phát bộ kit miễn phí cho shipper, sau khi Sở Công Thương TP.HCM chốt phương án tài xế tự xét nghiệm.

Các hãng bắt đầu phát kit miễn phí cho shipper tại TP.HCM tự xét nghiệm

Các hãng bắt đầu phát kit miễn phí cho shipper tại TP.HCM tự xét nghiệm

Sáng ngày 25/9, Grab bắt đầu phát các bộ kit miễn phí cho tài xế tại TP.HCM để họ tự thực hiện việc xét nghiệm tại nhà và cập nhật kết quả cho Công ty.

Song song với việc phát kit miễn phí, Grab cho biết trường hợp tài xế muốn tự chủ động vẫn có thể đến xét nghiệm dịch vụ tại bất kỳ bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở y tế nào trên địa bàn Thành phố….

Be cũng xác nhận đã bắt đầu nhắn tin để hẹn thời gian và địa điểm đến các tài xế để được nhận bộ xét nghiệm miễn phí. Nền tảng này ước tính mỗi quận sẽ có 3 - 4 địa điểm để phân phối kit cho shipper. Phía Baemin thì cho biết vẫn đang duy trì chính sách xét nghiệm miễn phí cho tài xế tại các cơ sở y tế mà họ thuê ngoài.

Nguyên nhân là Công ty cần thời gian để chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung về bộ kit và tổ chức tập huấn cách xét nghiệm chuẩn xác cho shipper...

Do đã triển khai mô hình phát kit test nhanh miễn phí cho tài xế từ trước, Gojek và Loship sẽ tiếp tục áp dụng trong thời gian tới. Gojek phát tại 36 địa điểm để tài xế tự xét nghiệm dưới sự giám sát của chuyên viên. Trong khi, shipper Loship được mang về nhà để tự test.

Với AhaMove, shipper hãng này hiện có thể xét nghiệm tại các cơ sở y tế hoặc mua kit để tự xét nghiệm nhanh tại nhà. Dù chọn hình thức nào, họ đều tự chịu chi phí. Sau khi xét nghiệm, shipper cập nhật kết quả về AhaMove và tải ứng dụng Y tế HCM để theo dõi và xuất trình kết quả khi được yêu cầu.

Tội phạm lừa đảo qua mạng gia tăng trong dịch Covid-19

Công an trong một năm phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, gần một nửa là lừa qua không gian mạng.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng diễn biến phức tạp trong một năm qua

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng diễn biến phức tạp trong một năm qua

Đây là thông tin được Bộ Công an tổng hợp sau một năm thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số vụ lừa đảo trên đã tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Công an phân tích, do tác động của giãn cách xã hội, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức truyền thống giảm, song tội phạm lợi dụng không gian mạng lại tăng và diễn biến phức tạp với hơn 2.500 vụ bị phát hiện. Trong đó, hơn 420 vụ sử dụng mạng xã hội, kết bạn làm quen, thông báo gửi quà; 527 vụ giả danh cán bộ cơ quan tố tụng để gọi điện thoại đe dọa; 526 vụ hack tài khoản mạng xã hội; 473 vụ lừa trúng thưởng, kinh doanh trên web; 144 vụ góp vốn kinh doanh đa cấp, tiền ảo...

Khi những đợt dịch bùng phát, thủ đoạn lừa đảo chủ yếu là lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến; giả danh nhân viên y tế mời gọi mua thuốc phòng dịch hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vaccine, cung ứng vật tư phòng, chống Covid-19.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những vụ lừa đảo qua mạng lại còn thấp, chỉ đạt 30%. Tài sản bị chiếm đoạt lớn song quy trình, thủ tục về phong tỏa tài khoản mất nhiều thời gian. Việc truy vết theo dòng tiền bị chiếm đoạt kéo dài, nhất là khi tiền bị chuyển ra nước ngoài. Một số ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông chậm hoặc không cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xác minh các tin báo...

Hơn 2.000 người sống ở TP.HCM được đưa về 6 tỉnh

Trong ngày 25, 26, 28/9, hơn 2.000 người sống ở TP.HCM được đưa về Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Kon Tum, Bình Định, An Giang, Đồng Tháp theo nguyện vọng.

Người dân đưa giấy tờ kiểm tra trước khi lên xe tại Bến xe Miền Tây

Người dân đưa giấy tờ kiểm tra trước khi lên xe tại Bến xe Miền Tây

Ngày 25/9 tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), 600 người thuộc tỉnh Sóc Trăng được sắp xếp lên 30 xe khách để về quê. Đây là những người đầu tiên của tỉnh sống ở TP.HCM được đón về, chủ yếu là phụ nữ mang thai, trẻ em, học sinh, sinh viên, người trên 65 tuổi và những người khó khăn do Covid-19.

Trước đó, họ đã đăng ký thủ tục, được TP.HCM phối hợp Sóc Trăng lên danh sách đưa đón. Khi lên xe, người dân phải có xác nhận xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực trong 48h. Họ sẽ được cách ly tập trung khi về tới địa phương.

Trong chiều ngày 25/9 tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), 300 người dân Kon Tum cũng được bố trí trên 15 ôtô khách thuộc hãng xe Phương Trang để về quê. Tỉnh Kon Tum sử dụng một xe giường nằm chở đoàn công tác địa phương, mang theo dụng cụ y tế, thức ăn, nước uống hỗ trợ người dân trong quá trình di chuyển.

Ngoài ra, 135 thai phụ cùng con nhỏ thuộc tỉnh Quảng Ngãi cũng được đưa về quê trong hôm nay.

Theo đại diện hãng xe Phương Trang, ngày 26/9 đơn vị tiếp tục đưa gần 900 người ở Thành phố về Bình Định, An Giang. Riêng tỉnh Bình Định đợt này sẽ có 550 người được đưa về, sau hai đợt đã tổ chức trước đó cho gần 900 người. Đến ngày 28/9, 17 ô tô tiếp tục xuất phát từ Bến xe Miền Tây đưa 500 người dân về Đồng Tháp.

Từ tháng 7 khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 22/9, TP.HCM đã phối hợp các địa phương đưa gần 33.200 người về các tỉnh, thành an toàn…

Tin cùng chuyên mục