Bản tin thời sự sáng 26/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn dài hàng km chiều mùng 4 Tết; phương tiện 'rồng rắn' nối đuôi nhau qua cầu Rạch Miễu; Quản lý thị trường TP.HCM nói lý do một số cây xăng đóng cửa; hàng hóa tại Hà Nội dồi dào, giá rau xanh hạ nhiệt; năm 2022, nhiều doanh nghiệp Việt lãi tỷ USD…

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn dài hàng km chiều mùng 4 Tết

Cửa ngõ phía nam Hà Nội ùn tắc kéo dài nhiều cây số từ nút giao Vành đai 3 tới xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) trong chiều mùng 4 Tết.

Dòng xe ùn dài trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Dòng xe ùn dài trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Khoảng 14h ngày 25/1 (mùng 4 Tết), cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cửa ngõ phía nam Hà Nội ùn tắc kéo dài.

Ùn ứ xảy ra tại làn đường hướng về trung tâm Hà Nội. Kéo dài từ nút giao Vành đai 3 tới xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì).

Điểm cuối của đoạn đường ùn tắc, xe cộ vẫn tiếp tục dồn về dù ngày 25/1 chưa phải ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ. Lúc 17h, đoạn ùn tắc kéo dài tới 5 km.

Đội CSGT phụ trách tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được huy động ứng trực 100% để xử lý tình huống và phân luồng. Đại diện Cục CSGT dự báo, lượng xe cộ sẽ còn đông đúc trong những ngày tới khi người dân quay lại Thành phố để học tập, làm việc.

Cơ quan này cũng đã có chỉ đạo lực lượng CSGT huy động tối đa lực lượng để triển khai các phương án phân luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và các tuyến cửa ngõ, xuyên tâm các thành phố, nhất là Hà Nội và TP.HCM.

Khoảng hơn 18h, tình trạng ùn tắc không có dấu hiệu được cải thiện. Lực lượng chức năng cho hay xe cộ tiếp tục dồn về theo hướng đi Hà Nội. Tại trạm thu phí Pháp Vân, hàng rào chắn cũng đã được mở để phân luồng bớt xe cộ đi vào đường gom. Tại các nút giao, CSGT cũng hướng dẫn người dân thoát ra để đi Quốc lộ 1.

Phương tiện 'rồng rắn' nối đuôi nhau qua cầu Rạch Miễu

Chiều 25/1 (tức mùng 4 Tết Quý Mão), lưu lượng xe từ các tỉnh miền Tây di chuyển qua cầu Rạch Miễu lên TP.HCM và các tỉnh miền Đông tăng mạnh đã khiến cầu Rạch Miễu phía bên bờ Bến Tre ùn tắc cục bộ.

Xe ô tô nối đuôi nhau, nhích từng chút một qua cầu Rạch Miễu. Ảnh minh họa

Xe ô tô nối đuôi nhau, nhích từng chút một qua cầu Rạch Miễu. Ảnh minh họa

Từ 9 giờ sáng ngày 25/1, lượng xe qua cầu Rạch Miễu di chuyển hướng từ Bến Tre đi Tiền Giang đã bắt đầu tăng. Tuy nhiên, từ khoảng 14 giờ, phương tiện ngày càng đông, trong đó có hàng loạt xe máy lỉnh kỉnh quà quê, đồ đạc,… Xe ô tô các loại cũng "rồng rắn" nối đuôi nhau, xếp hàng dài nhích từng chút một để được qua cầu Rạch Miễu.

Để giảm ùn tắc, lực lượng cảnh sát giao thông hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã phối hợp điều tiết giao thông. Tại một vài thời điểm, lực lượng chức năng đã chặn xe hướng Tiền Giang đi Bến Tre để cầu Rạch Miễu thành đường một chiều nhằm giải phóng lượng xe ùn ứ.

Đồng thời, Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã phải xả trạm để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Tính đến 19 giờ ngày 25/1, trạm thu phí này đã phải xả trạm bốn lần đối với làn 2, 4, 6 hướng Bến Tre đi Tiền Giang. Trong đó, lần dừng thu phí gần nhất vào lúc 18 giờ 39 phút, kéo dài 18 phút (đến 18 giờ 57 phút hoạt động thu phí lại).

Sau những ngày nghỉ Tết, mật độ phương tiện qua lại cầu Rạch Miễu tăng cao. Để hạn chế ùn tắc giao thông dịp Tết Nguyên đán 2023, bến phà tạm Rạch Miễu đã bố trí thêm phương tiện để "chia lửa" cho cầu Rạch Miễu. Cục Đường bộ Việt Nam tạm thời cấm ô tô tải từ 3 trục trở lên lưu thông qua cầu Rạch Miễu, Quốc lộ 60 vào khung giờ từ 15 giờ đến 19 giờ, từ ngày 11 đến hết ngày 31/1/2023.

Quản lý thị trường TP.HCM nói lý do một số cây xăng đóng cửa

Theo quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, một số cây xăng đóng cửa tạm nghỉ bán dịp Tết Quý Mão chủ yếu do nhân viên về quê nghỉ Tết, chứ không phải do thiếu cung.

Theo quản lý thị trường TP.HCM, do nhân viên nghỉ Tết là chính chứ không phải do thiếu nguồn cung

Theo quản lý thị trường TP.HCM, do nhân viên nghỉ Tết là chính chứ không phải do thiếu nguồn cung

Thông tin này được Cục QLTT TP.HCM phát đi ngày 25/1 trước phản ánh một số cây xăng trên địa bàn TP.HCM đóng cửa, nghỉ bán dịp Tết Quý Mão.

Ngày 24/1 (tức mùng 3 Tết), quản lý thị trường đã kiểm tra một số cây xăng tại TP.HCM, như cây xăng Hoàng Phong (Quận 7), cửa hàng xăng dầu Phát Thịnh, cửa hàng Bình Thuận (thuộc Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Quế, Quận 7), cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH MTV Quang Liêm (Quận 7), và một số cây xăng trên Quốc lộ 50...

Lý do tạm nghỉ hoặc bán hàng gián đoạn tại các cửa hàng trên, theo quản lý thị trường TP.HCM, do nhân viên nghỉ Tết là chính chứ không phải do thiếu nguồn cung.

Cục QLTT TP.HCM cho biết, trong những ngày qua lực lượng thường xuyên giám sát tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố . Hiện tình hình cung ứng xăng dầu vẫn ổn định, TP.HCM có tới hơn 550 cửa hàng xăng dầu, số đóng cửa hiện chỉ vài cửa hàng, chỉ là cá biệt, nguyên nhân do nhân viên nghỉ Tết là chính không phải do thiếu nguồn cung.

Hiện Sở Công Thương TP.HCM chưa có quy định về thời gian bán hàng với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Vì thế, một số cây xăng thay đổi thời gian kinh doanh do thiếu nhân lực dịp Tết, QLTT yêu cầu chấn chỉnh, bố trí đủ người đảm bảo thời gian kinh doanh.

Trong quá trình giám sát khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì Cục QLTT chỉ đạo các đội tiến hành kiểm tra, làm việc ngay với các đơn vị kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng cho biết đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh hiện tượng đóng cửa "nghỉ Tết" nếu có; khắc phục ngay hiện tượng thiếu nhân viên do nghỉ Tết, bảo đảm phục vụ người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Hàng hóa tại Hà Nội dồi dào, giá rau xanh hạ nhiệt

Sáng 25/1 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán Quý Mão), nhiều người bắt đầu mở hàng lấy lộc đầu năm. Do vậy, thị trường các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả… rất sôi động, hàng hóa dồi dào phong phú, giá cả đã giảm nhiều so với những ngày trước Tết.

Tiểu thương chuẩn bị nguồn hàng rau quả tại chợ đầu mối tại Hà Nội

Tiểu thương chuẩn bị nguồn hàng rau quả tại chợ đầu mối tại Hà Nội

Tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối như Kim Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (Ba Đình), chợ gốc Đề (Hoàng Mai), chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai)… được các tiểu thương bày bán khá đa dạng, phong phú, dồi dào, giá cả đều giảm so với mấy hôm trước.

Ngày 21/1 (tức 30 Tết Nguyên đán), giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh, hoa quả tươi đều tăng giá mạnh như chuối xanh tăng lên 100.000 đồng/nải, thậm chí nải quả lẻ còn lên tới 350.000 - 400.000 đồng/nải, na 80.000 - 110.000 đồng/kg, thanh long 55.000 - 65.000 đồng/kg...

Ngày 25/1, giá cả các mặt hàng rau xanh, hoa quả giảm giá nhiều. Chuối xanh từ 50.000 - 80.000 đồng/nải; thanh long 45.000 - 50.000 đồng/kg; xoài Cát chu 55.000-65.000 đồng/kg dưa hấu 10.000 - 15.000 đồng/kg...

Không chỉ có hoa quả giá cả đã trở lại bình thường mà các mặt hàng rau xanh cũng giảm mạnh. Cụ thể như su hào từ 10.000 đồng/củ xuống 6.000 - 8.000 đồng/củ, súp lơ xanh 18.000 đồng xuống 12.000 đồng/chiếc, cà rốt 18.000 đồng/kg xuống 10.000 đồng/kg, cải ngọt từ 14.000 đồng/kg xuống 8.000 đồng/kg…

Đặc biệt, hoa tươi ngày 25/1 đều giảm so với hôm 30 Tết. Cụ thể, giá hoa hồng từ 25.000 đồng/bông xuống còn 10.000 - 12.000 đồng/bông, hoa ly từ 60.000 đồng/bông xuống còn 20.000 đồng/bông, hoa cúc từ 10.000 đồng/bông xuống 7.000 - 8.000 đồng/bông, hoa lay ơn từ 17.000 đồng/bông xuống 12.000 đồng/bông…

Giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống những ngày này cũng trở lại bình thường giá gà trống tại các chợ dân sinh như gốc Đề, Kim Liên, Thành Công… cũng giảm xuống còn 110.000 - 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà mái ở mức thấp hơn khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg, giảm khoảng 30.000 đồng/kg so với những ngày trước đó. Giá thịt lợn hiện đang ở mức từ 130.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt bò ở mức từ 220.000 –- 270.000 đồng/kg tùy loại.

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp Việt lãi tỷ USD

Danh sách những doanh nghiệp lãi tỷ USD tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của PVN, Viettel, Vietcombank và đón thêm một số tên tuổi mới.

Năm 2022, doanh thu và lãi hợp nhất của PVN lần lượt đạt gần 40 tỷ USD và khoảng 3,5 tỷ USD

Năm 2022, doanh thu và lãi hợp nhất của PVN lần lượt đạt gần 40 tỷ USD và khoảng 3,5 tỷ USD

Năm 2022, phần lớn doanh nghiệp đều phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn bủa vây... Tuy nhiên, một số tập đoàn kinh tế nhà nước, ngân hàng top đầu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh và đạt lợi nhuận tỷ USD hoặc tiệm cận mức này.

Những biến động trên thị trường mang đến cơ hội cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thiết lập nhiều kỷ lục, trong đó có mức lợi nhuận cao nhất 61 năm phát triển ngành dầu khí. Năm 2022, doanh thu và lãi hợp nhất của PVN lần lượt đạt 931.200 tỷ đồng (gần 40 tỷ USD) và 82.200 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD).

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng lãi cao nhất từ năm 2017 đến nay với lợi nhuận trước thuế 43.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,8 tỷ USD. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp quân đội khoảng 38.000 tỷ đồng, tương đương mức trước dịch năm 2019. Năm 2022, Viettel ghi nhận tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực như viễn thông, đầu tư nước ngoài, công nghệ chuyển đổi số và sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Doanh thu hợp nhất của tập đoàn này tăng 6,1% lên khoảng 163.000 tỷ đồng.

Với ngành ngân hàng, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận khi lãi riêng lẻ tăng gần 40% lên 36.770 tỷ đồng, trên 1,5 tỷ USD. Ba đơn vị còn trong nhóm "Big 4" cũng tăng trưởng mạnh năm vừa qua giúp lợi nhuận xấp xỉ ngưỡng một tỷ USD. Trong đó, BIDV bứt phá nhất với mức lợi nhuận riêng lẻ tăng trưởng gần 80%, lên hơn 22.500 tỷ đồng. VietinBank và Agribank cũng ghi nhận mức lãi từ 20.000 tỷ đồng trở lên.

Dù chưa công bố kết quả kinh doanh 2022, một số nhà băng tư nhân cũng có thể đạt mức lợi nhuận tỷ USD như Techcombank, VPBank. Bởi hai ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm ngoái lần lượt 27.000 tỷ đồng và gần 30.000 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm 2022, Techcombank đã lãi 20.800 tỷ đồng, còn VPBank lãi khoảng 19.800 tỷ đồng.

8.000 công nhân Bình Dương làm việc xuyên Tết được trả lương cao

Ngoài tiền lương tăng hơn 300% so với ngày thường, công nhân làm việc xuyên Tết được doanh nghiệp thưởng kèm lì xì. Hầu hết các doanh nghiệp đăng ký làm xuyên Tết đều có vốn đầu tư nước ngoài.

Công nhân làm việc xuyên Tết tại Công ty TNHH Sài Gòn Stec

Công nhân làm việc xuyên Tết tại Công ty TNHH Sài Gòn Stec

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh Bình Dương cho biết, khoảng 8.000 lao động làm việc xuyên Tết từ ngày 29 đến mùng 3 Tết. Đối với công nhân làm việc xuyên Tết được trả lương cao kèm tiền thưởng và lì xì từ doanh nghiệp.

Theo đó, trong các khu công nghiệp có 42 doanh nghiệp báo cáo hoạt động sản xuất và người lao động làm việc trong các ngày nghỉ tết Nguyên đán từ ngày 29 Tết đến hết ngày mùng 3 Tết.

Cụ thể, ngày 29 Tết có 42 doanh nghiệp; ngày 30 Tết có 38 doanh nghiệp; ngày mùng Một Tết có 36 doanh nghiệp; ngày mùng 2 Tết, có 38 doanh nghiệp sản xuất; ngày mùng 3 Tết có 37 doanh nghiệp sản xuất.

Doanh nghiệp tổ chức sản xuất đông lao động nhất là Công ty TNHH Sài Gòn Stec (KCN Việt Nam - Singapore II, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) với 2.000 lao động. Công ty này cũng chi trả 300% tiền làm thêm và 1 ngày lễ, lì xì 1 triệu đồng/người.

Công ty Răng thời đại kỹ thuật số (KCN Việt Nam - Singapore II - mở rộng, thị xã Tân Uyên), với trên 1.100 lao động. Ở lại làm Tết, công nhân được trả 300% tiền làm thêm và 1 ngày lễ, được ăn bữa cơm chất lượng hơn ngày thường là 60.000 đồng/ngày. Công ty cũng tổ chức rút thăm trúng thưởng và lì xì đầu năm cho công nhân.

Công ty CP Liwayway Việt Nam với 44 lao động, chi trả 300% tiền làm thêm và 1 ngày lễ; Công ty TNHH URC Việt Nam tổ chức sản xuất với 200 lao động, chi trả 300% tiền làm thêm và 1 ngày lễ, tổ chức bữa ăn đặc biệt cho người lao động;

Công ty TNHH Fujifilm Yuwa Medical Products Việt Nam sản xuất với 30 lao động. Doanh nghiệp này chi trả 300% tiền làm thêm và 1 ngày lễ, hỗ trợ Tết với 300.000 đồng/người/ngày, thêm bữa ăn đặc biệt.

Ngành thép lỗ nặng quý cuối năm 2022

Các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Nam Kim, VNSteel lần lượt báo lỗ kỷ lục trong quý IV/2022 khi tiêu thụ thép giảm theo giá bán.

Các doanh nghiệp lớn ngành thép lỗ nặng quý cuối năm 2022

Các doanh nghiệp lớn ngành thép lỗ nặng quý cuối năm 2022

Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với mức lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này lãi hơn 7.400 tỷ đồng. Lỗ quý thứ hai liên tiếp kéo lợi nhuận cả năm giảm hơn ba phần tư, từ mức hơn 34.580 tỷ đồng về còn hơn 8.400 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lỗ hơn 410 tỷ đồng trong quý cuối năm, nâng mức lỗ thêm 93% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này có lợi nhuận âm kể từ năm 2014 và cũng là mức lỗ lớn nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2011.

Mới đây, Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) công bố lợi nhuận sau thuế âm hơn 350 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 450 tỷ đồng. Với hai quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận doanh nghiệp này quay về mức âm sau 10 năm lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Cả năm 2022, NKG lỗ 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi khoảng 2.225 tỷ đồng.

Nắm phần lớn thị phần ngành thép, việc ba doanh nghiệp trên báo lợi nhuận đi lùi đã phác họa nên bức tranh kinh doanh xám màu của toàn ngành. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hòa Phát và VNSteel là hai doanh nghiệp chiếm lớn nhất cả nước về thép xây dựng, lần lượt đạt gần 35% và hơn 11%. Trong khi đó, Nam Kim mạnh mảng tôn mạ, giữ gần 17% thị phần cả nước, chỉ sau Hoa Sen. Kết quả kinh doanh ảm đạm của ngành thép không gây bất ngờ khi tình hình tiêu thụ lẫn giá bán sản phẩm kém khả quan trong năm 2022.

Kỷ lục mỗi tháng có gần 2.300 xe ô tô đăng ký mới tại Nghệ An

Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Vinh và một số địa bàn thành thị tại Nghệ An là do lượng ô tô tăng quá nhanh.

Kỷ lục mỗi tháng có gần 2.300 xe ô tô đăng ký mới tại Nghệ An

Kỷ lục mỗi tháng có gần 2.300 xe ô tô đăng ký mới tại Nghệ An

Ngày 25/1, thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm 2022, số xe ôtô đăng ký mới trên địa bàn là 27.404, so với năm 2021 tăng 3.117 xe.

Tính riêng từ ngày 1 - 19/1/2023, số xe ôtô đăng ký mới là 1.830 xe. Như vậy, trung bình mỗi tháng, có thêm 2.283 xe ô tô mới đưa vào lưu thông trên địa bàn toàn Tỉnh. Trong số xe đăng ký mới, tập trung nhiều ở các địa bàn đô thị như thành phố Vinh và các vùng trung tâm huyện, thị xã.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, tổng số phương tiện đang quản lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 171.588 xe ô tô các loại, chưa kể mô tô, xe máy điện.

Nghệ An đã trở thành một trong số 10 địa phương mua nhiều xe ô tô nhất cả nước trong các năm 2021, 2022.

Số xe ô tô đưa vào lưu thông tăng quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông không thay đổi dẫn đến hiện tượng ùn tắc ngày càng phổ biến tại TP. Vinh và một số khu vực đô thị.