Bản tin thời sự sáng 26/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón hơn 150.000 khách/ngày dịp cao điểm Tết; Việt Nam lên án luận điệu vu cáo với ý đồ xấu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền; Hà Nội chốt thời điểm khởi công dự án cầu Thượng Cát; TP.HCM sẽ chạy thử nghiệm tàu metro số 1 lần thứ 4, khai thác chính thức vào tháng 7…

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón hơn 150.000 khách/ngày dịp cao điểm Tết

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng, lượng khách tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán sẽ khiến sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục quá tải.

Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến quá tải dịp cao điểm Tết với hơn 150.000 lượt khách/ngày

Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến quá tải dịp cao điểm Tết với hơn 150.000 lượt khách/ngày

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc điều hành Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, dịp Tết Giáp Thìn 2024, sân bay dự kiến phục vụ 850-880 chuyến bay mỗi ngày.

Trong đó, cao điểm nhất là ngày 27 tháng Chạp sẽ có hơn 920 chuyến bay với hơn 150.000 hành khách đi và đến, tăng 9 - 10% so với Tết 2023.

Theo ông Sơn, lượng khách tăng mạnh khiến sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục quá tải, từ tối đa phục vụ 15 triệu khách/năm, nay đã phải đón 26 triệu khách.

"Trước tình hình sản lượng hành khách tiếp tục tăng trong những dịp cao điểm gần đây và nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại người dân, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã có rất nhiều cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để đưa ra các phương án tối ưu, đáp ứng nhu cầu người dân", ông Sơn nói.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, từ 1 - 21/2, Cục Hàng không sẽ có quyết định tăng slot điều phối. Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng nỗ lực tăng cường đội tàu bay, đặc biệt ban đêm, đồng thời tăng nhân viên và chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết của người dân.

Việt Nam lên án luận điệu vu cáo với ý đồ xấu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, những nỗ lực, quyết tâm, thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người đã được thể hiện thông qua những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên thực tế và được đông đảo nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế thừa nhận và đánh giá cao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mới đây đưa ra thông cáo báo chí, trong đó có nhắc đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 25/1, nêu rõ:

"Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo. Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức này đưa ra những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Những nỗ lực, quyết tâm, thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người đã được thể hiện thông qua những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên thực tế và được đông đảo nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế thừa nhận và đánh giá cao".

Hà Nội chốt thời điểm khởi công Dự án cầu Thượng Cát

Theo kế hoạch, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu sẽ được khởi công vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Phương án đoạt giải nhất cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu

Phương án đoạt giải nhất cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu

Ngày 25/1, UBND thành phố Hà Nội công bố, trao giải cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu (nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh).

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường (đại diện đơn vị tổ chức thi tuyển) cho biết, có 4 đơn vị tham gia dự thi với 7 phương án thiết kế.

Qua các vòng chấm thi, Hội đồng thi tuyển đã trao giải nhất cho phương án mã số TC-03 do Liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP - Công ty CP Kiến trúc Lập Phương thiết kế.

Theo thuyết minh của các đơn vị được giải, phương án TC-03 mang tên “Cánh chim hòa bình” có cầu chính gồm 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, trụ cầu thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo hình dáng một cánh chim vươn cao; mặt cắt ngang cầu chính rộng 37,4 m. Số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.

Mang vị trí đầu nguồn của chuỗi những cây cầu bắc ngang sông Hồng, cầu Thượng Cát hướng đến hình tượng lớn, mang biểu tượng lớn thể hiện được tinh thần Thủ đô. Thiết kế cầu được lấy từ những cánh chim trong câu tục ngữ “Đất lành chim đậu”, vừa hài hoà ẩn mình trong hệ sinh thái phong phú của sông Hồng, lại vừa mang tính biểu tượng toàn cầu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo kế hoạch, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu sẽ được khởi công vào dịp 10/10/2024 (kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô).

TP.HCM sẽ chạy thử nghiệm tàu metro số 1 lần thứ 4, khai thác chính thức vào tháng 7

Metro số 1 sẽ được chạy thử nghiệm vào 30/4 năm nay và đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7/2024 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

TP.HCM sẽ chạy thử nghiệm tàu metro số 1 lần thứ 4

TP.HCM sẽ chạy thử nghiệm tàu metro số 1 lần thứ 4

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký công văn chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

UBND Thành phố thống nhất chủ trương cho MAUR tiếp tục triển khai Dự án (về bố trí vốn, nghiệm thu, thanh toán, đấu thầu và ký các hợp đồng cần thiết còn lại) trong thời gian chờ làm thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án.

MAUR được giao kiểm soát chặt tiến độ, giải quyết kịp thời các khó khăn, đảm bảo tiến độ chạy thử nghiệm chính thức vào 30/4 năm nay và đưa vào khai thác thương mại đúng tháng 7.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện Dự án trước ngày 3/2. Đơn vị cũng được giao chủ trì, phối hợp MAUR tham mưu UBND Thành phố, có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề nghị điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án và khai thác thương mại trong năm 2024.

Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Sở GTVT Thành phố báo cáo UBND Thành phố về phương án, phương tiện kết nối tiện ích khu vực xung quanh các ga metro trong quý I năm nay.

Metro số 1 dài 19,7km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Đến nay, tàu metro số 1 trải qua 3 lần chạy thử nghiệm. Lần đầu tiên (chạy thử 300 m trên đường ray) vào tháng 8/2022, lần kế (chạy 18 km) vào cuối tháng 12/2022, lần thứ 3 (chạy trên chính tuyến) vào tháng 4/2023.

Quốc lộ 8A lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sạt lở, giao thông bị chia cắt

Quốc lộ 8A (QL8A) đoạn qua địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nối với cửa khẩu Cầu Treo bị chia cắt do sạt lở. Lực lượng chức năng phải chốt chặn hai đầu gần khu vực sạt lở để cảnh báo phương tiện.

Quốc lộ 8A đoạn Km 82 +286 bị sạt lở, các phương tiện không thể lưu thông

Quốc lộ 8A đoạn Km 82 +286 bị sạt lở, các phương tiện không thể lưu thông

Thông tin từ Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) - Chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL8A cho biết, vào khoảng 16h30 phút, ngày 25/1, tuyến QL 8A (đoạn Km 82+286) bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn. Đất đá đổ xuống chắn ngang với khối lượng lên đến 1.000 m3 khiến giao thông qua đây bị tê liệt hoàn toàn.

Sau khi đất đá bị sạt lở, lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh, Đồn biên phòng Cầu Treo phối hợp với Ban Quản lý dự án 4 đã cử lực lượng đến điều tiết giao thông và đặt biển cảnh báo.

Hiện tại, do sương mù dày đặc, đất đá lại tiếp tục sạt lở nên lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận hiện trường.

Gần 1.000 tỷ đồng đầu tư du lịch rừng ở Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án du lịch sinh thái ở Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai với 51 địa điểm.

Du khách đạp xe dưới tán rừng Mã Đà

Du khách đạp xe dưới tán rừng Mã Đà

Sáng 25/1, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai công bố Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021- 2030 mới được UBND Tỉnh thông qua. Đề cương và dự toán kinh phí lập đề án quy hoạch phát triển du lịch sinh thái đến năm 2030 tại khu bảo tồn đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt từ năm 2016.

Theo quy hoạch của Đề án, có 51 điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 20 tỷ đồng và 971 tỷ đồng là nguồn kêu gọi đầu tư.

Đề án quy hoạch có nhiều địa điểm được du khách quan tâm như Khu Bàu Hào, Chiến khu Đ, hồ Trị An và các đảo, Safari với nhiều loại hình như thể thao nước, đạp xe dưới tán rừng, cắm trại bên hồ Trị An, ngắm thú.

Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai với tổng diện tích trên 100.000 ha thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa lịch sử. Cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên, Ramsar Bàu Sấu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2012.

Nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội nợ bảo hiểm không có khả năng thanh toán

Theo tin từ Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, tính đến ngày 24/1, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 4.260 tỷ đồng; trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi trên 1.537 tỷ đồng.

Doanh nghiệp làm thủ tục bảo hiểm. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp làm thủ tục bảo hiểm. Ảnh minh họa

Các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 639 nghìn người lao động. Đáng chú ý, trong số 53.239 doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ đóng bảo hiểm, có nhiều doanh nghiệp chậm, nợ đóng bảo hiểm liên tục nhiều năm, nhiều tháng, với số tiền lớn, không có khả năng thanh toán.

Điển hình tại quận Hà Đông năm 2023, Bảo hiểm Xã hội Quận gửi gần 31.000 thông báo đôn đốc thu tới các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời giao đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp đến các đơn vị để trao đổi, thu nợ.

Tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn quận Hà Đông vẫn chưa được khắc phục đáng kể. Đến hết năm 2023, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm là hơn 385,6 tỷ đồng, bằng 13,7% tổng số thu. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là 129,6 tỷ đồng, bằng 4,5% tổng số thu, cao hơn nhiều mức trung bình của thành phố (mức trung bình của Thành phố là 2,3%).

Qua thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 có 15.471 đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể với số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội là trên 1.765 tỷ đồng, chiếm 41,44% số tiền chậm đóng, nộp của các đơn vị, doanh nghiệp.

Bắt Giám đốc buôn hàng lậu gần 20 tỷ đồng

Đồng Minh Duy, SN 1988, trú tại phường Phú Chánh, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam để điều tra, làm rõ hành vi "Buôn lậu".

Cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc của Đồng Minh Duy

Cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc của Đồng Minh Duy

Theo điều tra, Đồng Minh Duy là Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Duy Phúc Thịnh. Từ năm 2017 đến tháng 5/2022, Duy sử dụng pháp nhân Công ty Duy Phúc Thịnh đã mở nhiều tờ khai nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô sản xuất, xuất khẩu (loại hình E31).

Cụ thể, tháng 3/2022, Duy nhập khẩu 568.520 kg hạt điều thô từ nước ngoài về với tổng giá trị hơn 17,5 tỷ đồng. Sau khi nhận hàng, Duy đem bán 300.000kg hạt điều thô cho một người phụ nữ trong nước, với giá 30.000 đồng/kg, thu về số tiền 10 tỷ đồng.

Theo quy định, việc nhập khẩu theo loại hình E31 chỉ là để sản xuất thành phẩm và xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, không được chuyển tiêu thụ nội địa dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, Đồng Minh Duy sau khi nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô đã không tiến hành hoạt động sản xuất để xuất khẩu sản phẩm theo quy định của pháp luật mà tự ý chuyển tiêu thụ trong nước, không thực hiện các thủ tục khai báo hải quan.

Tin cùng chuyên mục