Bản tin thời sự sáng 26/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hàng không Việt Nam thông báo khẩn, đóng cửa vùng trời Nga - Ukraine; TP.HCM sẽ thu hồi, đấu giá 2.400 ha đất dọc Vành đai 3; cao tốc Bắc Nam thiếu hơn 12 triệu m3 đất đắp; Công ty vận hành Metro số 1 TP.HCM hết kinh phí; Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn gần 900 tỷ đồng…

Hàng không Việt Nam thông báo khẩn, đóng cửa vùng trời Nga - Ukraine

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không liên tục cập nhật điện văn thông báo hàng không về việc hạn chế/đóng cửa vùng trời, sân bay của Nga, Ukraine.

Nga và Ukraine đã phát hành các điện văn thông báo về việc đóng cửa sân bay, hạn chế và đóng cửa một số vùng trời và một số đoạn đường hàng không

Nga và Ukraine đã phát hành các điện văn thông báo về việc đóng cửa sân bay, hạn chế và đóng cửa một số vùng trời và một số đoạn đường hàng không

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa có công văn gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); các hãng hàng không Việt Nam gồm Vietjet, Bamboo, Pacific về việc hạn chế, đóng cửa vùng trời, sân bay tại Nga, Ukraine.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã nhận được thư của Văn phòng Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khu vực châu Âu/Bắc Đại Tây Dương thông tin việc đóng cửa không phận tại Moldova, Ukraine và một phần vùng thông báo bay (FIR) của Nga.

Cụ thể, nhà chức trách hàng không Ukraine đã thông báo đóng cửa không phận nhiều khu vực như FIR Dnipro, Simferopol, Lviv, Odesa and Kyiv. Nhà chức trách Nga cũng thông báo đóng một phần không phận trong FIR Rostov và không phận khác. Không phận của Moldova cũng đã bị đóng.

Ông Thắng cho biết đã nhận được báo cáo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) về việc Nga và Ukraine phát hành các điện văn thông báo về việc đóng cửa sân bay, hạn chế và đóng cửa một số vùng trời và một số đoạn đường hàng không, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với phía Đông Bắc Ukraine.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay qua lãnh thổ Nga, Ukraine, Moldova, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không nghiên cứu thư của ICAO; liên tục cập nhật các điện văn thông báo hàng không về việc hạn chế/đóng cửa vùng trời, đóng cửa các sân bay/đoạn đường hàng không của Nga, Ukraine và các quốc gia liên quan khác.

TP.HCM sẽ thu hồi, đấu giá 2.400 ha đất dọc Vành đai 3

Quỹ đất 2.400 ha vùng phụ cận Dự án Vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM sẽ được thu hồi và dự kiến đấu giá để thêm nguồn lực đầu tư tuyến đường.

Quỹ đất vùng phụ cận Dự án Vành đai 3 TP.HCM qua rà soát có hơn 2.400 ha

Quỹ đất vùng phụ cận Dự án Vành đai 3 TP.HCM qua rà soát có hơn 2.400 ha

Vấn đề trên vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND Thành phố cùng các bên liên quan, nhằm giải trình một số nội dung để sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Trong tổng quỹ đất nêu trên có hơn 514 ha do Nhà nước quản lý và gần 1.900 ha người dân sử dụng. Quỹ đất sau khi thu hồi dự kiến sẽ đấu giá, nên Sở Tài nguyên và Môi trường hiện chưa xác định cụ thể được nguồn thu.

Ngoài TP.HCM, Vành đai 3 đi qua 3 tỉnh khác gồm Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Phía Đồng Nai hiện cũng dự trù khai thác đấu giá ba khu đất dọc tuyến với tổng diện tích khoảng 214 ha. Địa phương tạm tính có thể mang về cho ngân sách sau khi đấu giá ba khu đất này khoảng 4.332 tỷ đồng. Trong khi đó, Bình Dương và Long An đang rà soát.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu sử dụng đất cho các dự án thành phần thuộc Vành đai 3 tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An dự kiến hơn 642 ha. Ước tính có khoảng 3.860 trường hợp cần giải phóng mặt bằng để làm tuyến đường, trong đó khoảng 1.470 hộ phải bố trí tái định cư.

Khai thác quỹ đất dọc Vành đai 3 là một trong phương án giúp huy động thêm nguồn vốn để các tỉnh, thành bố trí đầu tư tuyến đường.

Cao tốc Bắc Nam thiếu hơn 12 triệu m3 đất đắp

6 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 còn thiếu hơn 12 triệu m3 vật liệu đất đắp phục vụ thi công tại các địa phương.

Công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Bùi Quang Thái cho biết, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, đến nay Dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành, còn 10 dự án đang triển khai và cơ bản đáp ứng tiến độ.

Trong 10 dự án này, 6 dự án thiếu hụt khoảng 12,5 triệu m3 đất đắp nền đường. Cụ thể, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thiếu 0,7 triệu m3; Diễn Châu - Bãi Vọt thiếu 2,9 triệu m3; Cam Lộ - La Sơn thiếu 0,37 triệu m3; Nha Trang - Cam Lâm thiếu 3,3 triệu m3; Cam Lâm - Vĩnh Hảo thiếu 2,3 triệu m3; Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu 3 triệu m3.

Tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ giữa tháng 2, các địa phương cam kết bàn giao mặt bằng còn lại cuối tháng 2 và giải quyết dứt điểm vật liệu đất đắp trước ngày 15/3.

Các dự án cao tốc Bắc Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu vật liệu từ giữa năm 2021. Có thời điểm, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thiếu khoảng 6 triệu m3 khối đất, trong khi các mỏ đã cấp phép khai thác trên địa bàn chỉ có công suất 1,9 triệu m3/năm. Dự án Cam Lộ - La Sơn cần 1,8 triệu m3 nhưng các mỏ đã cấp phép đang khai thác chỉ cung cấp hơn 400.000 m3.

Các địa phương đã quy hoạch 189 mỏ để cung cấp nguyên vật liệu cho tuyến cao tốc. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 để tháo gỡ, nâng công suất khai thác các mỏ và giảm thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ.

Công ty vận hành Metro số 1 TP.HCM hết kinh phí

Được cấp 14 tỷ đồng từ khi thành lập năm 2015, đơn vị vận hành Metro số 1 (TP.HCM) không còn đủ nguồn duy trì hoạt động, hết kinh phí trả lương cho người lao động.

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 được thành lập năm 2015 để chuẩn bị các điều kiện cho triển khai quản lý, vận hành, bảo dưỡng Metro số 1

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 được thành lập năm 2015 để chuẩn bị các điều kiện cho triển khai quản lý, vận hành, bảo dưỡng Metro số 1

Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) - đơn vị vận hành Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cho biết, đang chờ cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn việc bố trí ngân sách để đảm bảo kinh phí làm các nhiệm vụ chuẩn bị vận hành, khai thác tuyến metro.

HURC1 trực thuộc UBND TP.HCM với 100% vốn nhà nước. Công ty thành lập năm 2015 để chuẩn bị các điều kiện cho triển khai quản lý, vận hành, bảo dưỡng Metro số 1, với kế hoạch Dự án khai thác năm 2018. Tiến độ xây dựng tuyến metro chậm so với dự tính nên sau 4 năm thành lập, tháng 7/2019, Công ty mới bổ nhiệm Giám đốc và bắt đầu hoạt động.

Theo đề án thành lập Công ty, trong giai đoạn chuẩn bị trước khi vận hành thương mại tuyến Metro số 1, đơn vị này không có doanh thu và sẽ được bố trí ngân sách nhà nước để đảm bảo điều kiện triển khai các công việc. Khi thành lập, Công ty được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị văn phòng cơ bản, còn kinh phí hoạt động chưa được cấp.

Sau 7 năm, đơn vị trên hiện vẫn chưa có nguồn thu do Metro số 1 chưa hoàn thành. Do vậy, HURC1 cho biết không còn đủ nguồn tạm ứng từ vốn điều lệ ban đầu để duy trì hoạt động, dẫn đến không có kinh phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động; chi trả tiền điện, nước, viễn thông... tại văn phòng.

Metro số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ depot Long Bình (TP. Thủ Đức) đến ga Bến Thành (Quận 1), với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tiến độ Dự án hiện đạt khoảng 89%, trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị các công tác chạy thử nghiệm, vận hành thương mại năm 2023.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn gần 900 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa công khai số dư của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến hết quý IV năm 2021.

Bộ Tài chính công khai số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Bộ Tài chính công khai số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Cụ thể, tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong điều hành giá theo quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu quý IV năm 2021.

Theo đó, số dư Quỹ Bình ổn giá đến hết quý IV năm 2021 (đến hết ngày 31/12/2021) là hơn 898 tỷ đồng.

Cũng trong quý cuối của năm 2021, tổng số trích Quỹ Bình ổn giá là gần 740 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ là hơn 666 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ dương là 1,7 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 103 có hiệu lực từ đầu năm 2022 về hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu…

Đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng nâng cấp đường dọc sông Tiền

Đường dọc bờ Bắc sông Tiền dài 111 km, tổng vốn đầu tư trên 3.200 tỷ đồng, sẽ được triển khai trong năm nay và hoàn thành sau 5 năm.

Đường màu đỏ là lộ trình Dự án Đường dọc bờ Bắc sông Tiền

Đường màu đỏ là lộ trình Dự án Đường dọc bờ Bắc sông Tiền

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương vừa phê duyệt Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 864 dọc sông Tiền, điểm đầu kết nối Quốc lộ 30, huyện Cái Bè, điểm cuối giao Tỉnh lộ 862, huyện Gò Công Đông. Dự án còn đi qua TP. Mỹ Tho và huyện Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây.

Trong tổng chiều dài Dự án, hơn 36 km được xây mới, 26 km nâng cấp, mở rộng và hơn 48 km được tận dụng hoàn toàn từ tuyến sẵn có. 13 cầu trên toàn tuyến được xây mới.

Dự án triển khai trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ nay đến 2025 giải phóng mặt bằng và xây dựng đoạn tuyến từ TP. Mỹ Tho đến Gò Công Đông. Giai đoạn 2 từ 2025 đến 2027 xây dựng những đoạn còn lại qua Gò Công Đông, Cái Bè.