Bản tin thời sự sáng 26/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 quận; phục dựng thành công hoàng cung Thăng Long thời nhà Lý; xử phạt hành khách đi máy bay cố tình không đeo khẩu trang; hàng trăm cảnh sát dập đám cháy lớn tại khu công nghiệp ở Hải Dương…

Đến 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 quận

Hà Nội đặt kế hoạch đưa 5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận trong 5 năm tới và thêm 3 huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh vào giai đoạn 2026 - 2030.

Hà Nội sẽ có thêm 8 quận

Hà Nội sẽ có thêm 8 quận

Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Chương trình số 04 về xây dựng nông thôn mới nêu rõ việc tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị.

Cụ thể, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phát triển lên quận giai đoạn 2021 - 2025 và các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh lên quận vào giai đoạn 2026 - 2030.

Về nguồn vốn, Hà Nội tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 83.700 tỷ đồng; từ doanh nghiệp, nhân dân là 8.980 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong định hướng phát triển, TP. Hà Nội sẽ xem xét đến việc xây dựng huyện Đông Anh trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô. Vấn đề này sẽ tiếp tục được Ban Chỉ đạo của TP. Hà Nội bàn thảo kỹ lưỡng trong thời gian tới.

Phục dựng thành công hoàng cung Thăng Long thời nhà Lý

Sau 10 năm Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản thế giới, lần đầu tiên các nhà khoa học phục dựng 3D thành công kiến trúc hoàng cung thời Lý.

Kiến trúc hoàng cung Thăng Long, thời nhà Lý được phục dựng toàn bộ

Kiến trúc hoàng cung Thăng Long, thời nhà Lý được phục dựng toàn bộ

Quá trình khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long (từ năm 2002 đến nay), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 53 dấu tích nền móng kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước. Những dấu tích cho thấy hoàng cung Thăng Long xưa đều là kiến trúc gỗ, mái ngói lợp công phu, tráng lệ.

Tuy nhiên, toàn bộ kiến trúc cung điện vẫn là bí ẩn. Việc giải mã và phục dựng cung điện Thăng Long là thách thức với các nhà khoa học, bởi lẽ kiến trúc cổ thời Lý, Trần, Lê ở Việt Nam đã bị thất truyền.

Vì vậy, từ năm 2011, Viện Nghiên cứu Kinh thành bắt đầu nghiên cứu phục dựng bằng công nghệ 3D hoàng cung Thăng Long thời nhà Lý, dựa trên vết tích khảo cổ học, quy mô kiến trúc, tư liệu lịch sử...

Theo PGS Bùi Minh Trí, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh thành, phát hiện quan trọng nhất, chìa khóa để phục dựng hoàng cung Thăng Long, là kiến trúc đấu củng, tức loại kết cấu đỡ mái bằng gỗ, gồm hai bộ phận là bệ đỡ và tay đỡ.

Dựa trên kết quả thu thập được, Viện lập bản vẽ tổng thể mặt bằng kiến trúc cung điện để phục dựng 3D. Năm 2016, hoàng cung Thăng Long được phục dựng thành công bước đầu.

Sau đó, Viện tiếp tục phục dựng tổng thể kiến trúc khu di tích Hoàng thành Thăng Long để tái hiện đầy đủ về cung điện, lầu gác thời Lý. Đến nay, toàn bộ chi tiết, công trình đã được phục dựng 3D thành công, gồm 64 kiến trúc; 38 cung điện và hành lang; 26 lầu lục giác cùng tường bao, đường đi và cổng ra vào.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long của các triều đại phong kiến Việt Nam... Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật đã tái hiện quá trình lịch sử từ thời Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 - 1945).

Xử phạt hành khách đi máy bay cố tình không đeo khẩu trang

Trong công điện khẩn, Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ xử phạt với những hành khách đã làm thủ tục hàng không, được nhắc và yêu cầu đeo khẩu trang nhưng không tuân thủ, không đeo khẩu trang theo quy định tại sân bay.

Đoàn thanh niên sân bay quốc tế Nội Bài hỗ trợ khách khai báo y tế

Đoàn thanh niên sân bay quốc tế Nội Bài hỗ trợ khách khai báo y tế

Cục Hàng không Việt Nam vừa có công điện khẩn về việc tăng cường giám sát hành khách đeo khẩu trang tại khu vực nhà ga hành khách các sân bay.

Trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh trên thế giới và thị trường hàng không Việt Nam đang chuẩn bị bước vào cao điểm nghỉ 30/4 và 1/5, cao điểm hè năm 2021, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng không khẩn trương thực hiện một số nội dung.

Giám đốc các sân bay tổ chức rà soát lại lực lượng, phương án kiểm soát dịch bệnh lây lan qua đường hàng không tại các sân bay…, chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát hành khách, người vào/đến nhà ga hành khách và nhân viên làm việc tại nhà ga hành khách thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong khu vực nhà ga hành khách tại các sân bay…

Các Cảng vụ hàng không khu vực chủ trì cùng với các cảng hàng không, hãng hàng không làm việc với cơ quan y tế để rà soát các quy định và phối hợp xử lý, xử phạt theo đúng quy định trong trường hợp hành khách đã làm thủ tục hàng không, được nhắc và yêu cầu đeo khẩu trang nhưng không tuân thủ, không đeo khẩu trang theo quy định tại sân bay.

Hàng trăm cảnh sát dập đám cháy lớn tại khu công nghiệp ở Hải Dương

Đám cháy xảy ra tại một doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử có vốn Hàn Quốc thuộc Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương).

Cháy tại Khu công nghiệp Đại An

Cháy tại Khu công nghiệp Đại An

Chiều ngày 25/4, Công ty Doosan Electro-Materials Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Đại An mở rộng, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương bất ngờ cháy lớn.

Theo thông tin ban đầu, nhân viên trực của công ty phát hiện cháy tại phòng sản xuất thiết bị bảng mạch. Sau đó, ngọn lửa nhanh chóng lan ra toàn khu xưởng với diện tích khoảng 9.000 m2.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Hải Dương đã huy động 7 xe chữa cháy, hàng trăm chiến sỹ khẩn trương đến hiện trường kết hợp với lực lượng tại chỗ tiến hành dập lửa.

Đến 21 giờ tối 25/4, đám cháy đã được dập tắt. Tuy nhiên, toàn bộ khung, mái của nhà xưởng đã bị lửa nung cháy, sụp đổ. Thời điểm cháy, nhà xưởng không có công nhân làm việc.

Lực lượng chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp đề phòng ngọn lửa bùng phát trở lại và khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến tại TP. Hà Tiên quy mô 300 - 500 giường

Nhận định thời gian tới, kiều bào ở Campuchia sẽ về nước với số lượng lớn, tỉnh Kiên Giang đang khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến tại TP. Hà Tiên.

Địa điểm xây dựng bệnh viện dã chiến tại TP.Hà Tiên

Địa điểm xây dựng bệnh viện dã chiến tại TP.Hà Tiên

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát tại Campuchia, dự báo tình trạng nhập cảnh qua biên giới sẽ phức tạp, UBND tỉnh Kiên Giang đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến quy mô từ 300 - 500 giường tại TP. Hà Tiên với sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Đồng thời tỉnh Kiên Giang cũng đang gấp rút đầu tư xây dựng mới và mở rộng các khu cách ly tập trung hiện có tại TP. Hà Tiên, nâng khả năng thu dung cách ly tập trung lên 2.350 người; kích hoạt các khu cách ly tập trung của các huyện, thành phố phía sau để sẵn sàng tiếp nhận cách ly tập trung trong tình huống lượng người nhập cảnh nhiều, vượt khả năng tiếp nhận của Hà Tiên.

Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện dã chiến được xây dựng tại Trung tâm Văn hóa Thông tin, Thể dục Thể thao P. Mỹ Đức, TP. Hà Tiên. Tỉnh Kiên Giang đã lên phương án và đang tiến hành xây dựng các hệ thống của bệnh viện dã chiến. Trong giai đoạn đầu, khu vực này có thể thu dung được khoảng 300 bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ. Tại đây cũng đã có sẵn khu vực để cho nhân viên y tế có thể chăm sóc bệnh nhân và nghỉ ngơi ở khu vực riêng với đầy đủ tiện nghi. Riêng khu hành chính có thể sử dụng làm ban chỉ huy để kết nối với hệ thống điều hành của bệnh viện dã chiến.

Điện Biện: Bắt giữ 7 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam

Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) vừa phát hiện và bắt giữ 7 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam vào ngày 25/4.

Chiến sỹ Đồn Biên Phòng A Pa Chải tuần tra kiểm soát khu vực biên giới

Chiến sỹ Đồn Biên Phòng A Pa Chải tuần tra kiểm soát khu vực biên giới

Ngày 25/4, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đã phát hiện và bắt giữ 7 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Cụ thể, vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 25/4, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, phát hiện 7 người là Vàng A Chon; Giàng Thị Xó, Lý A Giả; Thào Thị Mưu; Lý Thị Hoa; Lý A Sùng; Lý Thị Ắc (trong đó có 4 người lớn và 3 trẻ nhỏ) có hành vi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Ngay sau khi bắt giữ, Tổ tuần tra đã lập biên bản và yêu cầu các trường hợp trên về Trạm kiểm soát biên phòng A Pa Chải (Đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) để điều tra, xác minh.

Tại cơ quan chức năng, bước đầu các 7 khai nhận là người trong 2 gia đình xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, lo sợ cách ly nên đã tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Sau khi tiến hành lấy lời khai, Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đã tiến hành các thủ tục phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức bàn giao các trường hợp trên cho cơ quan chức năng đưa đi cách ly theo quy định.

Tin cùng chuyên mục