Bản tin thời sự sáng 26/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 22 doanh nghiệp ở Hà Nội vào danh sách giám sát tài chính; TP.HCM muốn tăng định mức xe công; 9 dự án giao thông giải ngân chậm; hàng không tăng chuyến dịp hè; đề nghị miễn kiểm định lần đầu với xe ô tô mới…

22 doanh nghiệp ở Hà Nội vào danh sách giám sát tài chính

Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch giám sát tài chính năm 2022 đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND Thành phố lập hoặc được giao quản lý.

Hà Nội vừa ban hành kế hoạch giám sát tài chính năm 2022 đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Hà Nội vừa ban hành kế hoạch giám sát tài chính năm 2022 đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Theo kế hoạch, việc giám sát nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định về phạm vi, quy trình, thủ tục, thẩm quyền và hiệu quả đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Việc giám sát tài chính cũng sẽ giúp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cảnh báo và đề ra các biện pháp chấn chỉnh.

Đối tượng giám sát tài chính là các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND Thành phố thành lập hoặc được giao quản lý.

Theo thông tin từ thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng sẽ giám sát tài chính tại 22 đơn vị, trong đó 8 công ty mẹ gồm: Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Hà Nội; Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội; Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội; Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị.

Trong danh sách giám sát cũng nêu 14 đơn vị là Công ty TNHH MTV độc lập, gồm: Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Thủ đô; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Hà Nội; Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất; Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ; Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi sông Tích; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu, Du lịch và Đầu tư Hồ Gươm; Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.

TP.HCM muốn tăng định mức xe công

Do thiếu ô tô phục vụ công tác, TP.HCM đề xuất Bộ Tài chính tăng định mức thêm một xe cho mỗi đơn vị so với quy định hiện hành.

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất mỗi sở, ngành và UBND cấp quận được tối đa hai ô tô, riêng Văn phòng UBND TP.HCM là 4 xe

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất mỗi sở, ngành và UBND cấp quận được tối đa hai ô tô, riêng Văn phòng UBND TP.HCM là 4 xe

Kiến nghị được UBND TP.HCM nêu trong công văn khẩn gửi Bộ Tài chính về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công, nhằm đảm bảo nhu cầu di chuyển của lãnh đạo sở ngành và các địa phương.

Cụ thể, TP.HCM đề xuất mỗi sở, ngành và UBND cấp quận được tối đa 2 ô tô, riêng Văn phòng UBND Thành phố là 4 xe. Văn phòng HĐND, UBND các quận, huyện và các huyện được cấp tối đa 3 ô tô. Như vậy, mỗi đơn vị được đề xuất tăng 1 xe so với định mức hiện tại.

Thành phố dẫn chứng, hiện cơ cấu cơ quan chuyên môn là 1 giám đốc, 4 phó giám đốc hoặc 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch, nhưng chỉ có 1 ôtô sẽ bị động. Trường hợp thuê xe ngoài nhiều khi không đáp ứng kịp.

Ngoài ra, UBND Thành phố và các cơ quan chuyên môn có khối lượng công việc rất lớn, tần suất họp, kiểm tra, giám sát nhiều, cần ôtô để đi lại. Có thời điểm lãnh đạo đơn vị phải tham dự nhiều sự kiện ở những nơi khác nhau.

Hiện, TP.HCM có 22 UBND quận, huyện, thành phố; 20 cơ quan chuyên môn (sở, ngành) trực thuộc UBND Thành phố; cùng 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận, huyện.

9 dự án giao thông giải ngân chậm

Các dự án giải ngân chậm do tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu, chậm lựa chọn nhà thầu, theo Bộ Giao thông vận tải.

San nền cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

San nền cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Theo cơ quan này, đến cuối tháng 5, các chủ đầu tư nhận vốn từ Bộ đã giải ngân 15.080 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, vượt khoảng 10% so với bình quân cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn 9 dự án chưa đạt yêu cầu, trong đó 6 dự án bị chậm tiến độ như cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, Quốc lộ 279B, Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa, Quốc lộ 15 - Tiểu dự án 3.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân của Bộ còn hơn 35.000 tỷ, bình quân cần giải ngân 5.000 tỷ mỗi tháng. Ông cũng đốc thúc 4 dự án cao tốc Bắc - Nam phải hoàn thành trong năm nay gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Các Ban dự án phải cử nhân lực, cán bộ "thiện chiến" nhất, năng lực giỏi nhất để quản lý, điều hành tại hiện trường.

Hàng không tăng chuyến dịp hè

Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Bamboo Airways... đều tăng chuyến và mở rộng đường bay phục vụ nhu cầu nghỉ hè tăng cao.

Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài

Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài

Do dịch Covid-19 tạm lắng, các hãng hàng không trong nước đều dự báo lượng khách đi du lịch dịp hè 2022 sẽ tăng cao, trên cả chặng bay nội địa và quốc tế.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, từ 1/6 - 15/8, Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) dự kiến cung cấp hơn 7,1 triệu chỗ bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 36.000 chuyến. Trong đó, chuyến bay nội địa có gần 6,3 triệu chỗ, tăng 6% so với năm 2019. Các chặng giữa Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các điểm du lịch sẽ tăng chỗ gần 30% so với cuối tháng 3. Các đường bay quốc tế, Hãng sẽ cung ứng hơn 852.000 chỗ, bằng 40% sản lượng năm 2019 do nhu cầu bay quốc tế dự báo hồi phục chậm hơn.

Vietravel Airlines sẽ tăng mỗi ngày thêm 2 chuyến Hà Nội - TP.HCM, 2 chuyến Hà Nội - Đà Nẵng, 1 chuyến Hà Nội - Quy Nhơn, 1 - 2 chuyến chặng TP.HCM - Đà Nẵng/Quy Nhơn/Phú Quốc. Các chuyến bay nội địa trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 đã lấp đầy trên 80%.

Bamboo Airways cũng dự kiến tăng 15% số chỗ so với hiện tại, đồng thời khai trương thêm đường bay quốc tế mới. Các chuyến bay tăng cường tới các điểm du lịch Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... và đường bay trục Hà Nội - TP.HCM - Đà Nẵng.

Hãng cũng tăng tần suất và mở rộng quy mô các đường bay đến các thị trường châu Á, Australia, châu Âu để phục vụ nhu cầu hành khách trong giai đoạn cao điểm mùa hè. Với khu vực châu Âu, Bamboo Airways đã mở bán vé bay thường lệ TP.HCM - Frankfurt (Đức) để khai thác từ 16/6 với 1 chuyến khứ hồi mỗi tuần, ngoài chặng Hà Nội - Frankfurt/London. Tần suất khai thác đường bay Hà Nội - Narita (Nhật Bản) và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc) tăng lên 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần từ 1/6. Đường bay khứ hồi TP.HCM - Bangkok từ 3 chuyến sẽ tăng lên 4 chuyến mỗi tuần từ 1/6; đường bay TP.HCM - Singapore hiện có 2 chuyến, sẽ tăng lên 5 chuyến mỗi tuần từ 2/6.

Khởi công Dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo vào cuối năm 2022

Việc đầu tư kéo dài đường cất, hạ cánh tại sân bay Côn Đảo nhằm khai thác được các dòng máy bay tầm trung như A320/321, thay vì chỉ khai thác được máy bay cỡ nhỏ ATR72 và tương đương.

Máy bay tại sân bay Côn Đảo

Máy bay tại sân bay Côn Đảo

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải), công tác chuẩn bị cho việc triển khai Dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo do Ban làm đại diện chủ đầu tư đang bám sát tiến độ đề ra của Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, tiến độ thi công đường cất, hạ cánh của sân bay phụ thuộc nhiều vào các công trình do các đơn vị khác triển khai. Dự kiến dự án này sẽ được khởi công vào cuối năm 2022.

Cụ thể, công trình đường cất hạ cánh, đường lăn do Cục Hàng không Việt Nam được giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư.

Trong khi đó, công trình đài kiểm soát không lưu, hệ thống trạm khí tượng hàng không do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) có trách nhiệm đầu tư.

Đặc biệt, công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng dùng chung như: đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước... do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chịu trách nhiệm đầu tư; công trình kho xăng dầu hàng không triển khai thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu Gói thầu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án sẽ được ký kết hợp đồng trong tháng 5 tới để trình thẩm định và phê duyệt báo cáo FS trong tháng 7/2022.

Theo quy hoạch cảng hàng không, sân bay Côn Đảo là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự. Sân bay được quy hoạch cấp 4C và sân bay quân sự cấp II.

Sân bay này cũng được quy hoạch công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm, có thể khai thác máy bay code C hoặc tương đương với 8 vị trí đỗ tàu bay.

Đề nghị miễn kiểm định lần đầu với xe ô tô mới

Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), các phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi bán ra thị trường.

Cục CSGT cho rằng kiểm định lần đầu đối với phương tiện mới là không cần thiết

Cục CSGT cho rằng kiểm định lần đầu đối với phương tiện mới là không cần thiết

Cục CSGT (Bộ Công an) vừa có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam một số nội dung liên quan đến kiểm định xe cơ giới.

Trong đó, xem xét miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu đối với các phương tiện cơ giới đường bộ mới xuất xưởng, còn thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.

Trước mắt, Cục CSGT đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu sớm để áp dụng cho các cá nhân, tổ chức là chủ xe tại các huyện đảo được phép kiểm định (lần đầu) trước khi đăng ký xe, các chu kỳ kiểm định tiếp theo thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Hiện nay, tại các huyện đảo, phương tiện được đăng ký sau đó mới đăng kiểm trong khi không có các trung tâm đăng kiểm, đã gây ra khó khăn, phiền hà cho người dân.

Theo Cục CSGT, các phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi bán ra thị trường. Mặt khác, nếu miễn kiểm định lần đầu sẽ giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho người dân.

Đồng thời, Cục CSGT cũng đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam đa dạng hóa các hình thức kiểm định, thay vì chỉ giao cho các trung tâm đăng kiểm, có thể nghiên cứu để giao việc kiểm định cho các cơ sở bảo dưỡng, bảo hành chính hãng đủ điều kiện theo quy định...