Bản tin thời sự sáng 26/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là yêu cầu 20 tỉnh miền Nam tiêm hết vaccine Covid-19 đã phân bổ trước 30/6; Cục Thuế TP.HCM xây dựng dữ liệu giá giao dịch bất động sản để thu thuế; Nha Trang tạm dừng lặn biển ngắm san hô Hòn Mun từ ngày 27/6; Hà Nội đề xuất tách riêng làn ô tô, xe máy trên trục đường Nguyễn Trãi…

Yêu cầu 20 tỉnh miền Nam tiêm hết vaccine Covid-19 đã phân bổ trước 30/6

Trước tình trạng chậm tiêm các mũi vaccine Covid-19 nhắc lại, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu 20 tỉnh miền Nam tiêm hết vaccine đã phân bổ trước 30/6.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại Trường THPT Lương Thế Vinh

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại Trường THPT Lương Thế Vinh

Yêu cầu trên được nêu tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine Covid-19 của Bộ Y tế với 20 tỉnh miền Nam. Theo ông Tuyên, Bộ Y tế đã nhiều lần đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tiêm chủng, tuy nhiên tiến độ thực hiện vẫn rất chậm. Do đó, ông đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine, không phó mặc cho ngành y.

Theo đó, các địa phương rà soát đối tượng tiêm, tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm vaccine; xây dựng kế hoạch tiêm từng tuần. Yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp báo cáo Thủ tướng và Bộ Y tế nếu không nhận vaccine, chịu trách nhiệm khi dịch xảy ra.

Tình trạng chậm tiêm các mũi vaccine nhắc lại 3, 4 diễn ra từ tháng 5. Các chuyên gia phân tích nguyên nhân chủ yếu là người dân không muốn tiêm vaccine vì cho rằng đã có miễn dịch, không cần thiết tiêm liều nhắc lại...

Theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tiến độ tiêm chủng chậm đã gây tồn vaccine tại tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Viện đã phân bổ hơn 228,8 triệu liều vaccine, còn lại hơn 22 triệu liều Moderna và Pfizer.

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng phản ánh đang tồn hàng trăm nghìn liều vaccine, ví dụ Vĩnh Long, Đồng Tháp mỗi nơi còn khoảng 200.000 liều, Bạc Liêu 250.000 liều, An Giang trên 100.000 liều... Nguy cơ vaccine hết hạn, phải hủy là thường trực, do đó cần triển khai tiêm chủng kịp thời trong thời gian tới.

Cục Thuế TP.HCM xây dựng dữ liệu giá giao dịch bất động sản để thu thuế

Theo Cục Thuế TP.HCM, để kiểm soát việc kê khai thuế kinh doanh bất động sản, cơ quan này đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giá các giao dịch mua bán bất động sản trên địa bàn.

Cục Thuế TP.HCM sẽ sử dụng dữ liệu từ các giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn để kiểm soát và quản lý thuế trong hoạt động này

Cục Thuế TP.HCM sẽ sử dụng dữ liệu từ các giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn để kiểm soát và quản lý thuế trong hoạt động này

Đây là thông tin được ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, chia sẻ liên quan hoạt động rà soát, kiểm tra việc kê khai thuế kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Cụ thể, ông Giao cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện đấu tranh, xử lý gần 10.900 hồ sơ giao dịch chuyển nhượng bất động sản, qua đó truy thu thêm hơn 180 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh việc triển khai chống thất thu theo chỉ đạo, Cục Thuế Thành phố đã xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về giá các giao dịch bất động sản trên địa bàn để quản lý.

Hệ thống dữ liệu này được xây dựng dựa trên 4 nguồn. Đó là, giá giao dịch thực tế đáng tin cậy trong thời gian gần nhất, hoặc giá giao dịch của bất động sản tương đồng trên ứng dụng quản lý trước bạ - nhà đất; thông tin từ việc phối hợp với chính quyền các quận, huyện, TP. Thủ Đức để có cơ sở tham vấn giá giao dịch phổ biến trên từng tuyến đường; giá phê duyệt của chính quyền Thành phố với các dự án hoặc giá đền bù thực tế của Nhà nước; giá giao dịch thực tế tại các sàn giao dịch bất động sản, giá bán kinh doanh của chủ đầu tư, giá giao dịch tương tự tại sàn nơi có sản phẩm chuyển nhượng…

Cơ quan thuế Thành phố sẽ dùng những nguồn thông tin trên làm cơ sở tham vấn, đấu tranh, yêu cầu người nộp thuế kê khai đúng giá trị bất động sản.

Nha Trang tạm dừng lặn biển ngắm san hô Hòn Mun từ ngày 27/6

Các hoạt động du lịch lặn biển ngắm san hô tại một số khu vực ở Hòn Mun, vịnh Nha Trang, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) sẽ bị tạm dừng vào đầu tuần tới để khảo sát lại rạn san hô và hệ sinh thái biển nơi đây.

San hô đáy biển Hòn Mun bị suy giảm nghiêm trọng

San hô đáy biển Hòn Mun bị suy giảm nghiêm trọng

Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang cho biết, các hoạt động bơi, lặn biển ở một số khu vực trong vịnh (nhất là Hòn Mun) sẽ tạm dừng từ ngày 27/6 cho đến khi có thông báo mới.

Trong thời gian tạm ngưng lặn biển, các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn có liên quan sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực có hệ sinh thái bị tổn thương.

Theo BQL vịnh Nha Trang, việc tạm ngừng bơi, lặn biển áp dụng ở một số khu vực nhạy cảm tại Hòn Mun. Hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường, du khách vẫn tham quan vịnh Nha Trang. Hiện đơn vị này thông báo tới người dân, du khách, các công ty lữ hành, doanh nghiệp chuyên về du lịch để nắm thông tin và thực hiện.

Hà Nội đề xuất tách riêng làn ô tô, xe máy trên trục đường Nguyễn Trãi

Do hạ tầng đã hoàn thiện và mặt cắt đường đủ rộng để tổ chức lại giao thông theo làn, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đề xuất UBND Thành phố cho phép tách riêng làn ô tô, xe máy trên trục đường Nguyễn Trãi.

Giao thông với các dòng phương tiện hỗn hợp trên đường Nguyễn Trãi giờ cao điểm

Giao thông với các dòng phương tiện hỗn hợp trên đường Nguyễn Trãi giờ cao điểm

Phương án trên được đưa ra khi Sở GTVT Hà Nội tổ chức lại một số nút giao thông trên địa bàn, trong đó có nút giao Ngã Tư Sở. Để đồng bộ với phương án tổ chức mới tại nút giao Ngã Tư Sở và hạ tầng giao thông đã được đầu tư, Sở GTVT Hà Nội đề xuất phương án tổ chức lại giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi.

Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến - nút giao hầm chui Thanh Xuân) có chiều dài 2,1 km, rộng 19 - 23m, 5 làn xe mỗi chiều.

Hiện tại, tuyến đường có 2 làn xe ô tô được bố trí sát dải phân cách, 2 làn xe hỗn hợp và 1 làn xe máy- xe đạp sát vỉa hè. Các làn xe được phân chia bằng vạch sơn, biển báo. Vào giờ cao điểm, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, phương tiện ô tô, xe máy đan xen nhau rất khó di chuyển.

Để giảm xung đột và tăng tốc độ lưu thông cho ô tô, xe máy, Sở GTVT Hà Nội đề xuất Thành phố cho sử dụng dải phân làn “cứng” tách riêng các loại phương tiện như xe máy, ô tô đi theo làn đường riêng.

Cụ thể, Sở GTVT sẽ bố trí 3 làn sát dải phân cách cho xe ô tô di chuyển; 2 làn sát vỉa hè dành cho xe máy, xe đạp và xe buýt.

Đề cập về thời gian có thể thực hiện phương án trên, Sở GTVT Hà Nội cho biết là từ ngày 15/7. Trước mắt, Thành phố cho thực hiện thí điểm 15 ngày đầu tiên.

Xuất khẩu cá tra tăng mạnh hậu Covid-19

5 tháng, xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Trung Quốc tăng trưởng 3 con số giúp kim ngạch xuất khẩu đạt 1,21 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ các năm trước.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 1,21 tỷ USD

5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 1,21 tỷ USD

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, Việt Nam thu về 1,54 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra, trong khi 5 tháng đầu năm nay đã đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra sang các thị trường đều tăng trưởng đột biến. Trong đó, Trung Quốc tăng 124% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra; Mỹ tăng 131%; EU tăng 89%; Thái Lan tăng 85%, Brazil tăng 51%... Tại khối thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu cá tra ghi nhận mức tăng trưởng từ 29 - 86%.

Cuối tháng 4, giá cá tra đông lạnh nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam lập đỉnh mới, đạt gần 5 USD/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 2 USD/kg. Đây là mức tăng mạnh chưa từng có trong 3 năm trở lại đây, phá mọi đỉnh lịch sử.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam vừa có thêm 6 nhà máy được vào danh sách chế biến, xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Đây là tiền đề để sản lượng cá tra xuất khẩu tăng cao.

Hiện các nhà máy chế biến cá tra đã chạy hết công suất để phục vụ đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết, đang xúc tiến các thị trường tiềm năng như Mexico, Ai Cập.

Dự báo trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình này, theo VASEP, xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,6 tỷ USD trong năm nay.

41,5 triệu cổ phiếu CEE sẽ bị huỷ niêm yết vào 22/7

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo hủy niêm yết cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng hạ tầng CII (HOSE: CEE) vào ngày 22/7/2022. Lý do là đơn vị này huỷ tư cách công ty đại chúng.

41,5 triệu cổ phiếu CEE sẽ bị huỷ niêm yết từ ngày 22/7

41,5 triệu cổ phiếu CEE sẽ bị huỷ niêm yết từ ngày 22/7

Số lượng hủy niêm yết là 41,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị chứng khoán hủy niêm yết là 415 tỷ đồng. Ngày giao dịch cuối cùng là 21/7.

Việc hủy tư cách công ty đại chúng đã được cổ đông CEE thông qua trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tổ chức vào ngày 26/4.

CEE tiền thân là Công ty Đầu tư và Kinh doanh công trình giao thông 565, được thành lập vào năm 2000. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông, nước, công nghiệp, dân dụng. Công ty đã tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm như cầu Sông Lũy tại Bình Thuận, cầu Phú Bình tại Bình Dương, cầu Cựa Gà tại Cà Mau, cầu Sài Gòn 2, các gói thầu của giai đoạn 1 Dự án Cấp nước sạch trên địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM), Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2 (TP.HCM).

Về cơ cấu cổ đông, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII) là công ty mẹ sở hữu 80% vốn điều lệ tại CEE. CEE cũng là công ty mẹ của Công ty TNHH MTV NBB Quảng Ngãi với tỷ lệ sở hữu 100%.

Năm 2021, CEE ghi nhận doanh thu hơn 605 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế là 3,16 tỷ đồng, đi lùi tới 89%. Như vậy, trong năm vừa qua, Công ty chỉ hoàn thành lần lượt 51% và 4,6% mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận sau thuế.