Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua Hà Nội
Từ ga Ngọc Hồi, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vượt qua tuyến đường sắt vành đai phía Tây, qua huyện Thường Tín, Phú Xuyên, đi về huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Đường màu vàng đỏ là dự kiến hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua Hà Nội, Hà Nam |
Theo dự thảo Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội đang được Cục Đường sắt Việt Nam lấy ý kiến, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh thành, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của đất nước. Trong khu vực đầu mối TP. Hà Nội, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tuân thủ các quy hoạch có liên quan của TP. Hà Nội, tỉnh Hà Nam và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, từ ga Ngọc Hồi, đường sắt tốc độ cao vượt qua các đường vành đai và đường sắt vành đai phía Tây, qua huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Tại cuối huyện Phú Xuyên, tuyến đường hướng về phía đông để vòng tránh khu công nghiệp Đồng Văn ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; vượt quốc lộ 1, đường sắt hiện tại về phía đông của đường bộ cao tốc để về TP. Phủ Lý.
Trong khu vực đầu mối Hà Nội - Hà Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao dài khoảng 65 km, trong đó qua Hà Nội dài 28 km, có ga đầu mối Ngọc Hồi; đoạn qua tỉnh Hà Nam khoảng 36 km, có ga Phủ Lý.
Theo dự thảo Quy hoạch, Ngọc Hồi trở thành ga lớn nhất miền Bắc, là ga cuối của đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia Bắc - Nam, nơi lập tàu khách và tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Nam sông Hồng.
Khu tổ hợp Ngọc Hồi rộng khoảng 251 ha, trong đó nhà ga đường sắt tốc độ cao 8 ha, khu depot 102 ha; ga đường sắt quốc gia 14,6 ha, ga hàng hóa 24,6 ha; khu depot đường sắt đô thị 21 ha; hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ chung cho vận hành của ga Ngọc Hồi 18,5 ha...
Theo đơn vị tư vấn quy hoạch, hệ thống đường sắt quốc gia trong khu vực Hà Nội dự kiến không tổ chức xuyên tâm hoặc hướng tâm vào sâu trong đô thị lõi, việc kết nối sẽ thông qua hệ thống giao thông công cộng. Kết nối từ ga đầu mối Ngọc Hồi với trung tâm Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (có thể kéo dài kết nối cảng hàng không thứ 2 Hà Nội).
Vietnam Airlines có thể được lùi hạn trả 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn
Trước nguy cơ mất thanh khoản, Vietnam Airlines có thể được gia hạn thay vì phải trả nợ gốc 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn từ tháng 7/2024.
Vietnam Airlines có thể được lùi hạn trả 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn |
Thông tin này vừa được Chính phủ cho biết trong tờ trình gửi Quốc hội về phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines.
Từ tháng 7 đến cuối năm 2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Đây là một trong hai giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hãng hàng không quốc gia do ảnh hưởng của Covid-19 cùng 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Với gói vay 4.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines đã chi hơn 2.180 tỷ trả các hợp đồng thuê máy bay... Đến hết năm ngoái, hãng thanh toán đủ 220 tỷ đồng lãi vay cho các ngân hàng. Theo quy định tại Nghị quyết 135/2020 của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, Vietnam Airlines có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ dư nợ gốc từ tháng 7 - 12/2024.
Tuy nhiên, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội về việc Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả với khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines. Theo đó, thời gian gia hạn dự kiến mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (đã gồm 2 lần được gia hạn theo Nghị quyết 135/2020).
Theo Chính phủ, Vietnam Airlines sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy, rủi ro lớn trong trường hợp không được gia hạn trả nợ khoản vay này. Đến hết tháng 5, tổng nợ vay của hãng khoảng 16.055 tỷ đồng, ước đến 30/6 là 15.604 tỷ đồng.
Nếu không được gia hạn, Vietnam Airlines có thể mất khả năng thanh toán từ tháng 7/2024, có nguy cơ không thực hiện được cam kết của hãng với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ. Từ đó, hãng có thể bị kiện, giảm uy tín trước các đối tác.
Đồng thời, Vietnam Airlines cũng sẽ phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản. Điều này có thể tạo ra hệ lụy như các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các tổ chức tín dụng yêu cầu Chính phủ trả nợ thay cho Vietnam Airlines. Đến 31/3, dư nợ vay bảo lãnh của Chính phủ là 331 triệu USD.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng đường kết nối sân bay Long Thành
Ngày 25/6, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, huyện Long Thành đã bàn giao toàn bộ 100% mặt bằng cho chủ đầu tư 2 tuyến giao thông kết nối (tuyến T1 và T2) sân bay Long Thành; việc tái định cư cho người dân cũng cơ bản hoàn thành.
Thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành |
Theo ông Lê Văn Tiếp, Dự án 2 tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành có tổng chiều dài 7,5 km (tuyến T1 dài gần 4 km, tuyến T2 dài 3,5 km). Để làm 2 tuyến đường này, huyện Long Thành phải thu hồi 125 ha đất, trong đó có khoảng 110 ha đất do 770 hộ đang sử dụng.
Việc thu hồi đất phục vụ Dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại tuyến T2, nguyên nhân là do hồ sơ đất phức tạp, nhiều trường hợp người dân sang nhượng đất đai bằng giấy viết tay.
Thời gian qua, ngành chức năng đã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng phục vụ dự án; vận dụng các quy định của pháp luật theo hướng có lợi cho người dân, từ đó tạo sự đồng thuận, hạn chế khiếu nại khi thu hồi đất.
Về công tác tái định cư, đến nay huyện Long Thành đã xét duyệt hồ sơ tái định cư của tất cả trường hợp (hơn 400 trường hợp) thuộc Dự án. Qua đó, đã cấp đất tái định cư cho gần 300 trường hợp, số còn lại không đủ điều kiện tái định cư.
Người dân nhường đất phục vụ 2 tuyến giao thông kết nối đều được bố trí tái định cư tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ sân bay Long Thành.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư tuyến T1, T2), việc tỉnh Đồng Nai bàn giao toàn bộ mặt bằng 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành tạo thuận lợi cho nhà thầu trong công tác thi công.
Hiện liên danh nhà thầu huy động hơn 800 nhân lực, máy móc triển khai hàng chục mũi thi công các hạng mục như phát quang dọn dẹp, đắp đất, rải đá dăm, đường công vụ, cọc khoan nhồi, mố trụ cầu, cọc ximăng đất, hệ thống thoát nước.
Đến thời điểm này, liên danh nhà thầu tuyến T1, T2 đã thực hiện được gần 40% giá trị gói thầu.
Ông Lê Văn Tiếp chia sẻ, huyện Long Thành đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án sân bay Long Thành (gồm 5.000 ha sân bay Long Thành và 125 ha thuộc 2 tuyến giao thông kết nối).
Phú Thọ dừng khai thác cát tại khu vực 42 nhà dân sụt lún
Tỉnh Phú Thọ vừa yêu cầu tạm dừng khai thác cát lòng sông Đà thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, nơi giáp ranh với vùng sụt lún 42 nhà dân ở huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.
Tàu hút cát của Công ty TNHH Tiến Nga, đơn vị được cấp phép khai thác cát ở đối diện khu vực sạt trượt đê kè và lún nứt nhà dân |
Mục đích dừng để theo dõi, đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát đến tình trạng sụt lún nhà dân tại hai xã Thái Hòa và Phong Vân của huyện Ba Vì.
UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Tài nguyên và Môi trường xác định rõ khu vực cần tạm dừng khai thác cát và thông báo cho Công ty TNHH Tiến Nga - đơn vị được cấp phép. Công ty này phải cung cấp thông tin liên quan đến sự việc.
Giữa tháng 5, UBND huyện Ba Vì báo cáo UBND TP. Hà Nội tình trạng khai thác cát diễn ra tấp nập trên sông Đà, sông Hồng ở vị trí giáp ranh với Phú Thọ. Hàng chục tàu hút cát hoạt động suốt ngày đêm, tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu kín khu vực tàu hút hoạt động.
Huyện Ba Vì cho rằng, đây là ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Đà và sông Hồng nên việc hút cát làm biến đổi dòng chảy, sạt trượt chân kè và nứt đường đỉnh kè. Tường rào, tường nhà và công trình dân sinh bị ảnh hưởng. Theo thống kê của xã Phong Vân (Ba Vì), khoảng 900 m bờ kè sông Đà đã bị tụt chân và 42 căn nhà tập trung ở xóm Bãi nằm cách bờ kè 40 - 50 m bị lún nứt.
UBND TP. Hà Nội sau đó gửi văn bản tới tỉnh Phú Thọ đề nghị phối hợp quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, tại địa bàn giáp ranh với huyện Ba Vì, Tỉnh đã cấp 17 giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông, trong đó 9 giấy phép trên sông Hồng và 8 trên sông Đà. Mỏ cát lòng sông Đà thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông giáp với khu vực sạt lở ở xã Phong Vân, huyện Ba Vì được giao cho Công ty TNHH Tiến Nga khai thác.
Địa bàn huyện Ba Vì có 11 mỏ cát được quy hoạch thăm dò, khai thác, nhưng 10 mỏ chưa cấp phép. Đó là 7 mỏ trên sông Hồng (Cổ Đô, Phú Châu, Châu Sơn, Thanh Chiểu, Kiều Mộc, Tây Đằng Minh Châu, Cam Thượng) và 3 mỏ sông Đà (Thuần Mỹ, Phú Mỹ, Tòng Lệnh)…
Hơn 3.200 tỷ đồng nâng cấp quốc lộ huyết mạch miền Tây
Quốc lộ 62 sau khi được Bộ Giao thông vận tải đồng ý đầu tư nâng cấp với tổng vốn hơn 3.240 tỷ đồng sẽ được xem xét mở rộng lên 6 làn xe, giúp giao thương thuận lợi.
Quốc lộ 62 hiện đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng |
Chiều 25/6, Sở Giao thông vận tải Long An cho biết đang nghiên cứu một trong ba phương án nâng cấp quốc lộ 62 để tham mưu cho UBND tỉnh Long An đưa vào danh mục công trình trọng điểm sắp đầu tư. Phương án một giữ nguyên hướng tuyến, ở hai phương án còn lại dự án có thể phóng tuyến mới song hành với đường hiện tại.
Sau khi nâng cấp, cải tạo, Quốc lộ 62 rộng 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, nền đường rộng 12 m. Một số đoạn qua đô thị đã đảm bảo chiều rộng sẽ được cải tạo, nâng cấp mặt đường.
Quốc lộ 62 dài 69 km, điểm đầu tại TP. Tân An đi qua các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa và có điểm cuối tại xã Kiến Tường. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của Long An đi các huyện Đồng Tháp Mười và biên giới Campuchia. Cung đường còn có vai trò kết nối với quốc lộ 1, quốc lộ N2 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Qua 25 năm đưa vào sử dụng, Dự án hiện xuống cấp nặng, mặt đường nhỏ hẹp không còn đảm bảo cho lưu lượng xe ngày càng gia tăng, ảnh hưởng việc phát triển kinh tế cho các địa phương đi qua. Đầu năm nay, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương nâng cấp tuyến, dự kiến sẽ triển khai vào năm sau và hoàn thành sau 4 năm.
Hà Nội dự kiến chi 43.000 tỷ đồng đầu tư xe buýt xanh
Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030 có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG khí thiên nhiên nén với nguồn lực tài chính 43.000 tỷ đồng.
Xe buýt chờ khách tại bến xe buýt phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm |
UBND TP. Hà Nội đang trình HĐND Thành phố xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hà Nội đặt mục tiêu "xe xanh" cho giao thông công cộng, trong đó 100% xe buýt mới và xe buýt thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025 và 100% taxi mới và taxi thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ 2030.
Từ thực tế của thành phố, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026 - 2030. Đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.
Tương ứng với các kịch bản trên, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.072 xe - 1.807 xe và 1.694 xe; tổng chi phí đầu tư đến năm 2033 là 52.000 tỷ đồng - 47.000 tỷ đồng và 43.000 tỷ đồng.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất thực hiện theo kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG), khi điều kiện cho phép thì theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040 theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện).
Hiện nay Hà Nội bố trí khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024 - 2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.
Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour. 11 đơn vị vận hành 132 tuyến buýt trợ giá, trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng. Số xe buýt trợ giá là 2.034 với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.
Đề xuất mở rộng cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM - Đồng Nai
Cầu Nhơn Trạch nằm trên Vành đai 3 nối TP.HCM - Đồng Nai được đề xuất mở rộng, bổ sung hệ thống giao thông thông minh, thu phí không dừng để đồng bộ toàn tuyến.
Phối cảnh cầu Nhơn Trạch khi hoàn thành |
Thông tin nêu trong tờ trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phần 1A thuộc Vành đai 3 TP.HCM, vừa được Bộ Giao thông vận tải gửi lãnh đạo Chính phủ.
Dự án thành phần 1A dài hơn 8,7 km, kết nối Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM), tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc và nguồn đối ứng trong nước. Dự án gồm hai hạng mục chính, gồm: cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai dài 2,6 km, rộng 19,5 m và đường dẫn hai đầu tổng chiều dài gần 5,6 km. Khởi công tháng 9/2022, công trình dự kiến hoàn thành năm 2025.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án lên gần 9.270 tỷ đồng, tăng hơn 2.300 tỷ so với hiện nay. Nguồn vốn tăng thêm dùng để bổ sung nhiều hạng mục, như: xây thêm một bên cầu Nhơn Trạch tương tự cầu đang triển khai để mở rộng tuyến; bố trí hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), trạm kiểm tra tải trọng xe cùng một số giải pháp kỹ thuật khác...
Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị điều chỉnh quy mô tuyến đường với vận tốc 80 km/h thành cao tốc 100 km/h. Đồng thời, do bổ sung đầu tư thêm nhiều hạng mục nên Dự án được Bộ đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2028.
Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án 1A được phê duyệt đầu tư từ năm 2016. Thời điểm đó, do chưa xác định khi nào sẽ triển khai các đoạn khác của Vành đai 3 TP.HCM, nên Dự án chưa được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc. Đến nay, phần còn lại của Vành đai 3 được đầu tư và sẽ khai thác là cao tốc nên Dự án 1A cần điều chỉnh lại để đồng bộ toàn tuyến.
VNX - đơn vị điều hành HoSE và HNX lần đầu báo lãi giảm
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam - đơn vị vận hành hai sàn TP.HCM và Hà Nội - lần đầu báo lợi nhuận giảm, về 1.920 tỷ đồng trong năm ngoái.
VNX - đơn vị điều hành HoSE và HNX lần đầu báo lãi giảm |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) có doanh thu năm ngoái khoảng 3.064 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm 2022. Trong đó, 92% doanh thu của VNX đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán.
Trừ đi giá vốn, sở này ghi nhận lãi gộp gần 2.907 tỷ đồng, sụt gần 11%. VNX còn có nguồn thu khác từ các hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi. Đến cuối năm ngoái, họ có khoảng 2.560 tỷ đồng gửi ngân hàng, chiếm phần lớn là kỳ hạn 12 tháng.
Trong kỳ, VNX tiết giảm chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp. Đóng góp đáng kể là phí giám sát hoạt động chứng khoán phải nộp Ủy ban Chứng khoán (SSC) với khoảng 85 tỷ đồng về còn hơn 430 tỷ đồng.
Tổng lại, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có hơn 1.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2022. Đây là năm đầu tiên Sở này báo doanh thu và lợi nhuận đi lùi.
Kết quả trên có phần trái ngược với tình hình thị trường chứng khoán năm 2023. VN-Index đóng cửa phiên cuối năm ở sát 1.130 điểm, tăng hơn 12%.
Khoảng 60% doanh thu và lợi nhuận của VNX được ghi nhận trong nửa cuối năm - giai đoạn thị trường có nhiều biến động. Từ tháng 5, chỉ số đại diện sàn HoSE bước vào nhịp tăng lớn nhất năm, tích lũy gần 20% lên vùng 1.240 điểm chỉ trong hơn ba tháng. VN-Index giữ vùng giá này cho tới đầu tháng 9 trước khi lao dốc vì áp lực bán và môi trường vĩ mô xấu đi. Hai tháng cuối năm, chỉ số này dần phục hồi với nhiều dự báo xán lạn.
Đây không phải lần đầu, Sở báo kết quả hoạt động khác xu hướng với tình hình thị trường chứng khoán. Trước đó trong năm 2022, VNX báo lãi xấp xỉ 2.090 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ 2021 dù VN-Index giảm gần 33%.
Lâm Đồng công nhận Ga đường sắt Đà Lạt là điểm du lịch
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Quyết định số 1061/QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch "Ga đường sắt Đà Lạt".
Nhà ga xe lửa Đà Lạt |
Theo Quyết định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Du lịch và quy định pháp luật có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác kinh doanh du lịch tại Điểm du lịch "Ga đường sắt Đà Lạt".
Công trình có bố cục đối xứng, với khối kiến trúc ở giữa mô phỏng 3 đỉnh của núi Lang biang và những mái nhà rông Tây Nguyên; hai bên là hai khối kiến trúc trải dài. Về tổng thể, kiến trúc công trình hài hòa với thiên nhiên và là một điểm nhấn đô thị độc đáo.
Nhà ga xe lửa Đà Lạt được thiết kế giống như núi Lang biang và hình tượng mái nhà rông Tây Nguyên độc đáo của Đà Lạt với 3 chóp nhọn cao 11 m, dài 66,5 m và ngang 11,4 m.
Trước đây, tuyến đường sắt được xây dựng để kết nối giữa thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) với TP. Đà Lạt dài 84 km, năm 1972, tuyến đường sắt này bị chiến tranh tàn phá và dần bị rơi vào quên lãng. Điều đặc biệt là ga Đà Lạt sử dụng đầu tàu hơi nước và hệ thống bánh răng duy nhất tại Việt Nam.
Năm 2001, ga Đà Lạt được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, tuyến đường sắt chỉ dài khoảng 7 km để phục vụ, đưa du khách tham quan từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát và ngược lại. Nhà ga Đà Lạt không còn chức năng vận chuyển mà được sử dụng như là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn tại thành phố ngàn hoa.
Tuyến đường sắt duy nhất mà ga Đà Lạt còn phục vụ là tuyến đường từ Đà Lạt về Trại Mát dài 7 km đưa du khách đến tham quan chùa Linh Phước. Với tốc độ khá chậm chỉ từ 15 km/h, chuyến tàu giúp cho du khách ngắm được trọn vẹn vẻ đẹp của TP. Đà Lạt.
Bình Dương dành gần 85.000 tỷ đồng để xây 160.000 căn nhà ở xã hội
Bình Dương đặt mục tiêu xây hơn 160.000 căn nhà ở xã hội, cao gấp đôi chỉ tiêu được Chính phủ giao trong Đề án xây 1 triệu căn nhà xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Bình Dương đặt mục tiêu xây gấp đôi chỉ tiêu nhà ở xã hội được Chính phủ giao. |
UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Bình Dương cho biết, theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", Tỉnh được Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển 86.877 căn so với dự báo nhu cầu 115.836 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.
Tuy nhiên, dựa vào kết quả khảo sát dự báo nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, tổng số đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội cho đến năm 2030 là 129.212 người, tương đương 129.212 căn. Trong đó, nhu cầu đến năm 2025 là 42.816 người, còn giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 86.396 người.
Trong Đề án vừa phê duyệt, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đầu tư khoảng 160.325 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030. Địa phương dự kiến xây dựng hơn 155.000 căn chung cư và 5.000 nhà liền kề, trong đó khoảng 32.000 căn cho thuê.
Như vậy, kế hoạch này cao gấp đôi chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đề án xây 1 triệu căn nhà xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh dự kiến bố trí hơn 470 ha đất, đáp ứng cho khoảng 552.000 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 84.756 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh sẽ dành khoảng 136 ha diện tích đất đầu tư hoàn thành khoảng 42.445 căn nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư khoảng 23.817 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030, địa phương này sẽ bố trí khoảng 334 ha diện tích đất, đáp ứng cho khoảng 414.000 dân số với tổng mức đầu tư gần 61.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, quỹ đất do Nhà nước thu hồi gồm đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh tại 26 khu vực với khoảng 122 ha, dự kiến đầu tư gần 18.800 căn, với tổng số vốn hơn 17.000 tỷ đồng.
Bình Dương được biết đến là thủ phủ công nghiệp của phía Nam và là địa phương đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội. Với lợi thế nằm gần TP.HCM, địa phương này hiện có hơn 3 triệu dân với trên 50% là người nhập cư.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết giai đoạn 2011 - 2015, Tỉnh đã hoàn thành 23 dự án nhà xã hội và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người. Trong giai đoạn 2016 - 2021, Tỉnh đã đầu tư được 1,33 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch đề ra.