Bản tin thời sự sáng 26/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Mỹ tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer; Dự án đường băng Tân Sơn Nhất thi công trở lại; Việt Nam đạt thỏa thuận mua thêm 20 triệu liều vaccine Pfizer; giá xăng ngày 26/8 có thể giảm mạnh; giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng; phát hiện hàng chục nghìn tấn than tại Hải Dương không rõ nguồn gốc…

Mỹ tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Mỹ sẽ tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer, nâng tổng số vaccine Covid-19 tài trợ cho Việt Nam lên 6 triệu liều.

Mỹ tặng Việt Nam thêm một triệu liều vaccine Pfizer

Mỹ tặng Việt Nam thêm một triệu liều vaccine Pfizer

Bà Harris cho biết, số vaccine này sẽ được chuyển tới Việt Nam trong vòng 24 giờ tới. Phó tổng thống Mỹ cũng đánh giá cao Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát Covid-19 và tái khẳng định cam kết của Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy lùi đại dịch.

Thông qua Đạo luật kế hoạch cứu trợ Mỹ (ARPA) và những chương trình hỗ trợ khẩn cấp khác, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và CDC sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 23 triệu USD cho Việt Nam, nâng tổng số hỗ trợ của Mỹ cho Việt Nam trong giai đoạn đại dịch lên gần 44 triệu USD.

Sự hỗ trợ này sẽ đẩy nhanh việc tiếp cận và phân phối các loại vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả, tăng cường năng lực của hệ thống y tế Việt Nam nhằm đối phó với Covid-19. USAID còn hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 1 triệu USD để giảm nhẹ tác động và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong những cộng đồng dễ bị tổn thương.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết cung cấp 77 triệu máy bảo quản vaccine Covid-19 cực lạnh để hỗ trợ phân phối vaccine cho 63 tỉnh thành của Việt Nam. Những tủ bảo quản này được thiết kế đặc biệt kể đáp ứng yêu cầu bảo quản vaccine khắt khe nhất, qua đó tăng cường đáng kể hệ thống phân phối vaccine của Việt Nam.

Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine. Theo dữ liệu Nhà Trắng công bố hồi đầu tháng, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận nhiều vaccine nhất trong chương trình này.

90 CEO của các công ty hàng đầu Mỹ hồi giữa tháng 8 cũng kiến nghị Tổng thống Joe Biden tăng tốc viện trợ vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam.

Dự án đường băng Tân Sơn Nhất thi công trở lại

Công trình cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất (giai đoạn 2) sau 20 ngày tạm ngưng do nhiều ca nhiễm Covid-19 bắt đầu thi công trở lại, sáng 25/8.

Công trường thi công đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất

Công trường thi công đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất

Ông Trần Bình An, Trưởng phòng Điều hành dự án 1, thuộc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị thay Bộ Giao thông vận tải quản lý) cho biết, hiện trên công trường huy động hơn 400 kỹ sư, công nhân. Họ làm việc theo ca, được bố trí ăn nghỉ, thi công tại công trường, đảm bảo quy định phòng chống dịch trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội. Dự án hiện đạt hơn 60% và đơn vị tập trung toàn bộ lực lượng, chia nhiều mũi thi công ngày đêm để phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Trước đó, công trình tạm ngưng từ ngày 5/8 khi xuất hiện nhiều ca nghi nhiễm Covid-19, phải xét nghiệm tổng thể và cách ly toàn bộ lực lượng tham gia tại nơi lưu trú ở công trường. Kết quả kiểm tra sau đó phát hiện 27 trường hợp F0, 76 F1 và được đưa đi cách ly, điều trị. Từ ngày 13/8 đến nay, trên công trường không ghi nhận các ca F0 mới.

UBND TP.HCM cũng vừa chấp thuận chủ trương triển khai thi công trở lại với dự án này, sau khi Bộ Giao thông vận tải đề nghị bổ sung vào danh sách các công trình thực sự cấp bách trên địa bàn Thành phố. Hiện, Thành phố giao UBND quận Tân Bình và các cơ quan liên quan hướng dẫn, giám sát việc đảm bảo an toàn phòng dịch trên công trường cũng như hỗ trợ thủ tục thông quan với các trang thiết bị nhập khẩu tại Dự án.

Công trình nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng, triển khai cùng lúc với Dự án đường băng Nội Bài (Hà Nội) hồi đầu tháng 7/2020. Hai dự án được thực hiện theo lệnh khẩn cấp nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của sân bay sau thời gian dài khai thác.

6,2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế bay thẳng từ Mỹ về Việt Nam

Chuyến bay từ San Francisco (Mỹ) sáng 25/8 đã vận chuyển 6,2 tấn trang thiết bị y tế và đưa 277 công dân Việt Nam về nước.

Chuyến bay thẳng Mỹ - Việt đầu tiên chở hàng do hàng không Việt thực hiện.

Chuyến bay thẳng Mỹ - Việt đầu tiên chở hàng do hàng không Việt thực hiện.

Chuyến bay thẳng đầu tiên được cấp phép chở hàng do hãng hàng không Việt thực hiện từ San Francisco (Mỹ) đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Số hàng hóa này là trang thiết bị y tế chống dịch Covid-19 do cộng đồng người Việt tại Mỹ quyên góp ủng hộ.

Chuyến bay trên mang số hiệu VN9, chở theo 6,2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch Covid-19 và 277 người Việt từ Mỹ về nước. Đây là chuyến bay thẳng thứ 2 trong 12 chuyến bay của Vietnam Airlines được cấp phép thực hiện trong năm nay.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một chuyến bay do hãng hàng không Việt Nam thực hiện được cấp phép vận chuyển hàng hóa giữa hai quốc gia.

Gần 400 kiện hàng, gồm: 250 máy trợ thở, 5 máy thở, 9.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19, 600 bộ quần áo bảo hộ y tế, 2.500 tấm chặt giọt bắn, 60.000 khẩu trang y tế. Ước tính tổng giá trị lô hàng khoảng 1 triệu USD, theo thông cáo từ Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Toàn bộ trang thiết bị y tế này do cộng đồng người Việt tại Mỹ quyên góp ủng hộ công tác phòng chống dịch tại Việt Nam.

Trước đó, toàn bộ 12 chuyến bay thẳng Việt - Mỹ của Vietnam Airlines được cấp phép thực hiện trong năm nay chỉ chuyên chở khách. Để chuyển số hàng trên, hãng hàng không và các cơ quan ngoại giao, nhà chức trách 2 nước hỗ trợ để hoàn thiện thủ tục. Chuyến bay được nhà chức trách Mỹ cấp phép chở hàng chỉ 8 tiếng trước giờ cất cánh dự kiến từ Mỹ về Việt Nam.

Sau khi hạ cánh, lô hàng y tế trên sẽ được bàn giao cho Bộ Y tế để phân phối đến các cơ sở y tế trong nước.

Giá xăng ngày 26/8 có thể giảm mạnh

Theo các cơ quan đầu mối, giá nhiên liệu trên thế giới những ngày qua lao dốc nên kỳ điều hành ngày 26/8, giá xăng có thể giảm mạnh 800 - 1.000 đồng một lít.

Giá xăng ngày 26/8 có thể giảm mạnh

Giá xăng ngày 26/8 có thể giảm mạnh

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 19/8 với xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 77,19 USD một thùng, xăng RON 95 là 79,25 USD một thùng, cùng giảm khoảng 7% so với kỳ trước.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM, giá nhiên liệu thế giới những ngày qua lao dốc, nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng ngày mai có thể giảm 800 - 1.000 đồng một lít, còn giá dầu giảm quanh mức 400 - 800 đồng.

Ngược lại, nếu cơ quan quản lý vừa chi sử dụng quỹ bình ổn vừa giảm giá (tỷ lệ 50/50), giá xăng có thể giảm 400 - 500 đồng một lít.

Đồng quan điểm, lãnh đạo xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, mặc dù quỹ bình ổn đang giảm nhưng do dịch bệnh nên doanh nghiệp đang gặp khó. Do đó, theo vị này, cơ quan quản lý có thể nghiêng về phương án vừa trích quỹ vừa giảm giá xăng.

Hiện tổng số tiền quỹ bình ổn đã chi ra từ 1/4 - 30/6 là trên 4.220 tỷ đồng, cao hơn so với mức sử dụng quý I (3.936 tỷ đồng). Với mức chênh lệch này, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến cuối tháng 6 chỉ còn lại 1.123 tỷ đồng, giảm hơn 8.156 tỷ đồng so với số dư quỹ hồi đầu năm.

Tại kỳ điều hành ngày 11/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, giá xăng E5 RON 92 giữ nguyên 20.490 đồng một lít, RON 95 là 21.680 đồng. Giá các mặt hàng dầu đồng loạt giảm...

Việt Nam đạt thỏa thuận mua thêm 20 triệu liều vaccine Pfizer

Pfizer/BioNTech đã ký thỏa thuận với Bộ Y tế Việt Nam để cung cấp thêm 20 triệu liều vaccine Covid-19, dự kiến được giao trong năm 2021.

Việt Nam đạt thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine Pfizer. Ảnh: Reuters

Việt Nam đạt thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine Pfizer. Ảnh: Reuters

Việc phân phối vaccine tại Việt Nam sẽ do Bộ Y tế chủ trì, thông tin từ Pfizer cho biết. Như vậy, tổng số liều do Công ty cung cấp cho Việt Nam theo thỏa thuận cung cấp hiện có được nâng lên 51 triệu liều.

Theo Công ty Pfizer, những liều vaccine bổ sung sẽ giúp chính phủ Việt Nam đảm bảo việc tiếp cận vaccine rộng rãi cho người dân nhằm chống lại đại dịch Covid-19.

Đại diện Pfizer cho biết, Công ty sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chính phủ và cam kết giao vaccine, nhằm giúp triển khai vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia được suôn sẻ.

Trước đó, Việt Nam đạt được thỏa thuận mua vaccine Covid-19 từ Pfizer với 31 triệu liều. Lô hàng đầu tiên về ngày 7/7 và dự kiến về hàng tuần. Tuy nhiên, trong hơn 1 tháng qua, Việt Nam mới nhận hơn 1,2 triệu liều.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ thông quan nhanh nhất cho lô vaccine Covid-19 của Pfizer để không ảnh hưởng đến chất lượng.

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng

Việc giảm 50% giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng nhằm tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26 về biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước.

Nội dung bổ sung đáng chú ý là giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tại biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước được ban hành kèm theo Thông tư 13 trong khoảng thời gian từ ngày 1/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Thông tư 13 nhằm tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn và góp phần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Trước đó, đầu tháng 8, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành.

Người vào Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm PCR từ ngày 26/8

Tất cả trường hợp vào thành phố Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm PCR trong 72 giờ, dừng test nhanh tại các chốt cửa ngõ.

Người vào Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm PCR từ ngày 26/8

Người vào Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm PCR từ ngày 26/8

Chủ trương này được Hải Phòng đưa ra nhằm siết chặt kiểm soát người từ vùng dịch vào Thành phố sau khi phát hiện một trường hợp đưa người mắc Covid-19 đi từ TP.HCM vào mà khai báo gian dối.

Chủ tịch Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu từ ngày 26/8, các chốt cửa ngõ kiểm soát chặt chẽ phương tiện, không để lọt người từ vùng dịch vào mà không khai báo. Hải Phòng dừng test nhanh và chỉ cho phép những người có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR (có giá trị trong vòng 72 giờ) được vào. Việc xét nghiệm có thể thực hiện tại địa phương xuất phát hoặc địa phương đi qua trước khi vào Hải Phòng.

Thành phố cũng cách ly tất cả người đến vùng dịch, có thu phí. Trường hợp vào Thành phố công tác phải có 3 loại giấy: giấy xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR; giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và văn bản đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố.

Taxi truyền thống và công nghệ chỉ được chở khách trong phạm vi Thành phố; các xe luồng xanh chở người của Hải Phòng đi các địa phương khác chỉ được đón chở khách từ các chốt kiểm soát ở cửa ngõ, không được vào Thành phố.

Các các cơ sở lưu trú dừng tiếp nhận khách vãng lai; chỉ phục vụ công nhân, người đến Thành phố công tác có giấy xác nhận của cơ quan đến công tác.

Phát hiện hàng chục nghìn tấn than tại Hải Dương không rõ nguồn gốc

Trong quá trình kiểm tra các bãi than ở Hải Dương, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn.

Một trong những bãi than lớn được lực lượng chức năng kiểm tra

Một trong những bãi than lớn được lực lượng chức năng kiểm tra

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (C03) - Bộ Công an vừa kiểm tra, phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm tại 21 điểm kinh doanh than (bãi than) của các doanh nghiệp và cá nhân nằm rải rác trên địa bàn thuộc thị xã Kinh Môn, Hải Dương.

Đoàn kiểm tra vừa hoàn tất sơ bộ 15 trong tổng số 21 bãi than.

Đặc điểm của các bãi than này là nằm cách nhau 5 - 7 km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển. Mỗi bãi than do nhiều doanh nghiệp quản lý, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh.

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện phần lớn các bãi than đều có khối lượng than chênh lệch so với hóa đơn nhập hàng mà chủ sở hữu xuất trình. Đơn cử, có bãi than lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn. Đây là số lượng than rất lớn được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua.

Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh với các cơ sở, doanh nghiệp.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, do số điểm và khối lượng than có dấu hiệu vi phạm lớn nên lực lượng chức năng đang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan như Tổng cục Địa chất khoáng sản, cơ quan thuế... để xác minh, giám định, từ đó đưa ra những kết luận chính xác nhất về hành vi vi phạm.