Bản tin thời sự sáng 26/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam ngừng xả nước qua đập tràn; Lâm Đồng quy định diện tích tách thửa tối thiểu là 40 m2; cụm cảng cạn Chân Mây, Thừa Thiên Huế có diện tích quy hoạch 150 ha đến năm 2050; TP.HCM đề xuất thí điểm đào tạo lái xe online…

Hồ thủy điện lớn nhất miền Nam ngừng xả nước qua đập tràn

Ngày 25/8, Công ty Thuỷ điện Trị An đã ra thông báo với chính quyền địa phương và người dân vùng hạ du của hồ chứa về việc kết thúc xả tràn hồ chứa Thủy điện Trị An.

Hồ Thủy điện Trị An xả tràn từ ngày 10/8 đến 13h ngày 25/8

Hồ Thủy điện Trị An xả tràn từ ngày 10/8 đến 13h ngày 25/8

Theo đó, lúc 7h sáng ngày 25/8, thông tin thủy văn hồ Thủy điện Trị An cho biết, mực nước hồ là 60,79 m; lưu lượng nước về hồ 730 m3/s, lưu lượng nước xả qua tràn là 160 m3/s, lưu lượng nước phát điện 850 m3/s, tổng lưu lượng nước xuống hạ du là 1.010 m3/s.

Theo tình hình thủy văn trên lưu vực sông Đồng Nai, lưu lượng nước xả từ các nhà máy thủy điện bậc trên về hồ, Công ty Thủy điện Trị An ngừng xả nước qua tràn lúc 13h ngày 25/8. Lưu lượng nước qua tua bin phát điện là 880 m3/s, tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du còn 880 m3/s.

Hồ Thủy điện Trị An là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam, thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán của tỉnh Đồng Nai. Ngoài sản xuất, cung cấp điện, công trình còn đảm bảo nước sinh hoạt, phục vụ nông nghiệp, điều tiết lũ cho vùng hạ du hệ thống sông Đồng Nai.

Lâm Đồng quy định diện tích tách thửa tối thiểu là 40 m2

Từ ngày 4/9, UBND tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thực hiện các quy định mới về điều kiện tách thửa, hợp thửa đất, trong đó quy định cụ thể diện tích tối thiểu tách thửa ở đô thị là 40 m2.

Quyết định số 51/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất có hiệu lực từ ngày 4/9/2023
Quyết định số 51/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất có hiệu lực từ ngày 4/9/2023

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 51/2023/QĐ-UBND quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn Tỉnh.

Cụ thể, điều kiện tách thửa đất là đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, thửa đất phi nông nghiệp có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý và đã được cập nhật, chỉnh lý, thể hiện trên bản đồ địa chính theo đúng quy định, kích thước theo chiều sâu (cạnh tạo góc với cạnh tiếp giáp đường) dài hơn 6m sau khi trừ khoảng lùi xây dựng.

Trường hợp thu hồi đất để làm đường giao thông hoặc triển khai các dự án khác, nếu diện tích của thửa đất còn lại sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu quy định thì người đang sử dụng thửa đất này được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Tại Quyết định số 51, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ những trường hợp không được tách thửa đất, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất, điều kiện hợp thửa đất…

Cụ thể, để được tách thửa đất ở đô thị, đối với nhà phố, diện tích đất ở ≥ 40 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4 m.

Đối với nhà liên kế có sân vườn, diện tích đất ở ≥ 72 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4,5 m với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên mà lộ giới ≥ 10 m); tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở ≥ 64 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4 m.

Đối với nhà biệt lập, diện tích đất ở ≥ 250 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 10 m với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên nhưng lộ giới ≥ 10 m); tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở ≥ 200 m và kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 10 m.

Cụm cảng cạn Chân Mây, Thừa Thiên Huế có diện tích quy hoạch 150 ha đến năm 2050

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụm cảng cạn Chân Mây sẽ được kết nối với cảng biển Đà Nẵng, Hòn La, cảng cạn Mỹ Thủy, cảng cạn Lao Bảo.

Cảng Chân Mây

Cảng Chân Mây

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, cụm cảng cạn Chân Mây, bao gồm cảng cạn Chân Mây, cảng cạn Phú Lộc có diện tích quy hoạch 120 ha, giai đoạn đến 2050 là 150 ha. Năng lực thông qua của cụm cảng cạn từ 150.000 TEU/năm đến 200.000 TEU/năm trong giai đoạn đến 2030.

Quyết định nêu rõ, Huế được quy hoạch vào nhóm Khu vực kinh tế Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam (thuộc miền Trung - Tây Nguyên). Cụ thể, phạm vi quy hoạch gồm các tỉnh và thành phố: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang đến năm 2030 khoảng từ 210 nghìn TEU/năm đến 350 nghìn TEU/năm. Cụm cảng cạn Chân Mây được kết nối với cảng biển Đà Nẵng, Hòn La, cảng cạn Mỹ Thủy, cảng cạn Lao Bảo (hành lang vận tải Quốc lộ 9).

Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.

Khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu TEU/năm. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm. Khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu TEU/năm.

Định hướng đến năm 2050 phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30 - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

TP.HCM đề xuất thí điểm đào tạo lý thuyết lái xe online

Thay vì phải đến lớp học tập trung, điểm danh bằng vân tay đủ thời gian số tiết mới đủ điều kiện thi sát hạch lái xe, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất học online.

Quá trình dạy lái xe cần chuyển đổi số để tạo điều kiện cho người dân bố trí thời gian học linh hoạt. Ảnh minh họa

Quá trình dạy lái xe cần chuyển đổi số để tạo điều kiện cho người dân bố trí thời gian học linh hoạt. Ảnh minh họa

Sở GTVT TP.HCM mới đây đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất được triển khai Đề án thí điểm đào tạo tập trung trên nền tảng số đối với công tác đào tạo, sát hạch lái ô tô.

Lý giải việc này, Sở GTVT TP.HCM cho rằng, hiện nay hình thức dạy lý thuyết lái ô tô tồn tại một số điểm bất cập, mâu thuẫn giữa Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và Luật Giao thông đường bộ 2008.

Đề án mong muốn áp dụng thí điểm dạy phần lý thuyết lái xe ô tô hạng B1, B2, C tập trung trên nền tảng số.

Theo doanh nghiệp đề xuất, các môn học lý thuyết được dùng nền tảng số dạy tập trung gồm: môn pháp luật giao thông đường bộ; môn cấu tạo và sửa chữa thông thường; môn nghiệp vụ vận tải; môn đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông, môn kỹ thuật lái xe.

Với hình thức này, học viên sử dụng máy tính, điện thoại, trang web... tự học, trao đổi kiến thức với người dạy, người học khác mọi lúc, tiết kiệm chi phí học tập, thời gian học, linh động sắp xếp lịch học.

Sở GTVT TP.HCM cho rằng có cơ sở pháp lý để thực hiện đề án này. Bởi trên thực tế, quá trình dạy lái xe cần chuyển đổi số để tạo điều kiện cho người dân bố trí thời gian học linh hoạt, phù hợp xu hướng và lộ trình của thế giới.

Đặc biệt, việc chuyển đổi dạy lái xe ô tô tập trung trên nền tảng số là cần thiết, giúp khắc phục những bất cập đang tồn tại.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho triển khai thí điểm Đề án tại TP.HCM. Thời gian thí điểm 2 năm từ ngày chấp thuận hoặc đến khi Luật Giao thông đường bộ được thay thế.

Dự kiến khởi công cao tốc Hoà Liên - Tuý Loan ngay trong tháng 8

Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan dự kiến sẽ được triển khai thi công ngay trong tháng 8 này theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Gói thầu xây lắp duy nhất thuộc Dự án cao tốc Hòa Liên - Tuý Loan đã chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa

Gói thầu xây lắp duy nhất thuộc Dự án cao tốc Hòa Liên - Tuý Loan đã chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này, việc lựa chọn nhà thầu cho Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan đã hoàn thành. Đơn vị quản lý dự án đang hoàn tất các thủ tục tạm ứng cho nhà thầu. Dự kiến, việc thi công dự án sẽ được khởi động ngay trong tháng 8 này theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Liên quan đến mặt bằng triển khai Dự án, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, trên tổng chiều dài hơn 11 km chính tuyến, địa phương đã giải phóng mặt bằng và bàn giao được gần 2 km.

Khó khăn nhất hiện nay là 3 khu tái định cư phục vụ di dời khoảng 200 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án vẫn chưa được xây dựng. Việc này rất cần sự quan tâm, đẩy nhanh các thủ tục xây dựng từ phía chính quyền địa phương.

Trước đó, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã công bố Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Công ty TNHH MTV 17 trúng Gói thầu XL1 Thi công xây dựng cao tốc Hòa Liên - Túy Loan đoạn từ Km66+000 - Km77+472 (gói thầu xây lắp duy nhất thuộc Dự án). Trong đó, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là thành viên đứng đầu Liên danh. Giá trúng thầu hơn 953 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 810 ngày.

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, điểm đầu của Dự án tại Km66+000, vị trí tiếp giáp nút giao Hòa Liên (trùng điểm cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên vừa được đầu tư xây dựng tại Km66+00), thuộc địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Điểm cuối tại Km77+472, vị trí tiếp giáp nút giao Túy Loan (điểm đầu của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

Nobland Việt Nam ngừng phương án cắt giảm hơn 600 lao động

Công ty TNHH Nobland Việt Nam tạm dừng phương án cắt giảm hơn 600 lao động theo yêu cầu của Ban Quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP.HCM (Hepza).

Công nhân Nobland Việt Nam trong giờ sản xuất

Công nhân Nobland Việt Nam trong giờ sản xuất

Thông tin được bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó ban Hepza, cho biết ngày 25/8, sau khi đơn vị này làm việc với Công ty Nobland Việt Nam (Quận 12) liên quan phương án cắt giảm nhân sự khiến nhiều lao động phản ứng.

Hepza yêu cầu Công ty Nobland Việt Nam rà soát danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động, thực hiện đúng quy định khi cắt giảm nhân sự. Công ty cần thỏa thuận với người lao động để đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên.

Công ty Nobland Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động tại TP.HCM từ năm 2003, chuyên ngành may mặc, hiện có hơn 2.500 lao động. Vừa qua, với lý do khó khăn do Covid-19, Công ty cơ cấu lại bộ máy theo hướng cắt giảm 611 người. Toàn bộ lao động của Công ty được tính lương theo sản phẩm thay vì nhận theo thời gian làm việc (ngày làm 8 giờ).

Tuy nhiên, phương án trên không được nhiều công nhân đồng thuận bởi hầu hết người bị cắt giảm đều là lao động làm việc lâu năm, đang nhận lương thời gian. Công nhân cho rằng, doanh nghiệp dùng lý do thay đổi cơ cấu để buộc mình phải nghỉ việc nên gửi đơn cầu cứu nhiều nơi.

Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng bị kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, tại Kỳ họp thứ 16, 17 đã xem xét kỷ luật đối với ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc và nhiều người khác.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc

Căn cứ vào Thông báo kết luận số 1113-TB/TU, ngày 3/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, UBKT Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc bằng hình thức “khiển trách”.

Ông Hưng với vai trò nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc đã có vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực phụ trách để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Khuyết điểm, sai phạm của ông Hưng làm ảnh hưởng uy tín của tổ chức đảng, chính quyền và cá nhân.

Đối với ông Trần Chiến Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc, có vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực phụ trách để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. UBKT Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật ông Thắng bằng hình thức “khiển trách”.

Ông Trương Thành Tấn, Bí thư Chi bộ, Chánh Thanh tra TP. Phú Quốc, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Phú Quốc cũng bị kỷ luật bằng hình thức “khiển trách”.

Truy tố 5 cựu cảnh sát giao thông cấp hơn 5.000 biển số xe sai quy định

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh An Giang và 4 cán bộ cấp dưới đã can thiệp vào hệ thống phần mềm để cấp tổng cộng 5.056 biển số xe sai quy định, trong đó có nhiều biển số được đánh giá là cực “đẹp”.

Bị can Nguyễn Bá Quận thời điểm bị bắt tạm giam vào tháng 4/2022

Bị can Nguyễn Bá Quận thời điểm bị bắt tạm giam vào tháng 4/2022

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can gồm: Nguyễn Bá Quận (61 tuổi), Nguyễn Hữu Ân (48 tuổi), Bùi Quốc Khánh (33 tuổi), Nguyễn Hoàng Em (48 tuổi) và Võ Chí Linh (43 tuổi) cùng tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, các bị can trên từng là Trưởng phòng và cán bộ quản lý thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh An Giang.

Theo cáo trạng, nhằm công khai, minh bạch việc cấp biển đăng ký xe cho tổ chức và cá nhân, Bộ Công an đã triển khai phần mềm quản lý phương tiện cơ giới trên phạm vi toàn quốc. Nhóm 5 bị can nói trên được cấp quyền đăng nhập để vận hành hệ thống phần mềm.

Tuy nhiên, lợi dụng quyền quản trị này, 5 bị can đã can thiệp phần mềm trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký mới, sang tên trong và ngoài Tỉnh, thu hồi, cải tạo xe, xác minh trong Tỉnh, cập nhật trạng thái phương tiện ô tô…

Từ tháng 8/2012 đến tháng 6/2021, bị can Quận với vai trò thủ trưởng đã chỉ đạo, giao tài khoản quyền lãnh đạo cho 4 bị can là cấp dưới can thiệp hệ thống cấp sai quy định tổng cộng 5.056 biển số xe. Trong đó, có nhiều biển số thuộc loại “đẹp” với dãy số cuối gồm: 06666, 06660, 06869, 12345. 04567, 09899…

Phần lớn biển số “đẹp” được nhóm bị can ưu ái cấp cho người thân, lãnh đạo trong Tỉnh, bạn bè, người có quan hệ làm ăn… Đáng chú ý, Công ty Xe khách Hùng Cường chỉ là doanh nghiệp tư nhân nhưng nhờ quen với Quận cũng được ưu ái cấp hàng chục biển số “đẹp”.

Dù những người nhận biển số “đẹp” đều khai được cho không, không phải chi tiền, nhưng quá trình điều tra cho thấy có sự tham gia của một số đối tượng giữ vai trò “cò”, môi giới để thực hiện quy trình cấp biển số với mức phí từ 1 - 50 triệu đồng/lần.