Bản tin thời sự sáng 27/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá vàng sau Tết có thể lên 70 triệu đồng một lượng; giá xăng có thể tăng mạnh sau Tết; du lịch Hà Nội thu trên 1.000 tỷ đồng trong kỳ nghỉ Tết; cổ đông ngân hàng sắp nhận hàng nghìn tỷ đồng cổ tức tiền mặt; công an Thanh Hóa yêu cầu định giá tài sản Dự án Khu nhà ở sinh thái FLC…

Giá vàng sau Tết có thể lên 70 triệu đồng một lượng

Sau một tuần không giao dịch, vàng miếng SJC được dự báo tăng 1 - 1,2 triệu đồng, còn vàng nhẫn tăng 400.000 - 500.000 đồng để bù lại chênh lệch so với giá thế giới.

Sau một tuần không giao dịch, vàng miếng SJC được dự báo tăng 1 - 1,2 triệu đồng

Sau một tuần không giao dịch, vàng miếng SJC được dự báo tăng 1 - 1,2 triệu đồng

Trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá bán vàng miếng lên 67,9 triệu đồng mỗi lượng và mua vào 66,9 triệu đồng - cao nhất trong vòng nửa năm qua. Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ được bán ra 55,6 triệu đồng và mua vào 54,6 triệu đồng một lượng.

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Kitco, vàng giao ngay hiện ở mức 1.945 USD một ounce, cao hơn khoảng 32 USD so với mức mà SJC và các hệ thống kinh doanh vàng lấy làm căn cứ điều chỉnh giá trong phiên giao dịch cuối trước đợt nghỉ Tết.

Giá vàng thế giới đang tăng nhanh trước những dự báo của giới phân tích về dữ liệu tăng trưởng quý IV/2022 của Mỹ vừa được công bố và khả năng giảm bước tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp chính sách cuối tháng này.

Trước diễn biến trên, các chuyên gia và tiểu thương dự báo, giá vàng SJC lẫn nhẫn trơn sẽ nhảy vọt khi giao dịch trở lại sau Tết.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho rằng, để bù lại khoảng chênh lệch với thế giới, các hệ thống kim hoàn sẽ nâng mỗi lượng vàng miếng thêm khoảng 1 - 1,2 triệu đồng lên 69 triệu đồng trong ngày mùng 6 Tết. Nếu giá thế giới nối dài chuỗi đi lên, nhiều khả năng vàng miếng sẽ được đẩy lên 70 triệu - vùng giá cao nhất kể từ giữa tháng 5/2022.

Đối với vàng nhẫn, giá thường điều chỉnh ít hơn nên có thể nhích khoảng 400.000 - 500.000 đồng để cán mốc 56 triệu đồng.

Giá xăng có thể tăng mạnh sau Tết

Giá xăng trong nước ngày 1/2 dự kiến tăng mạnh tới gần 2.000 đồng/lít. Nếu Liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn, giá sẽ tăng ít hơn.

Giá xăng có thể sắp tăng mạnh

Giá xăng có thể sắp tăng mạnh

Do kỳ điều hành giá ngày 21/1 trùng vào ngày 30 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên giá xăng dầu trong nước được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo, tức vào ngày 1/2. Hiện, dữ liệu từ Bộ Công Thương chỉ cập nhật giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đến ngày 16/1, tuy nhiên có thể thấy rõ xu hướng tăng giá mặt hàng này.

Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 95,4 USD/thùng; xăng RON 95 là 98,4 USD/thùng. Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 88,6 USD/thùng xăng RON 92; 92,2 USD/thùng xăng RON 95.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối miền Nam, đến 20/1, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore tiếp tục tăng mạnh ở mức 108,41 USD/thùng với xăng RON 95; 104,52 USD/thùng với xăng RON 92. Do đó, giá xăng kỳ điều hành ngày 1/2 có thể tăng thêm 1.300 - 1.700 đồng/lít, dầu tăng thấp hơn khoảng 1.000 - 1.500 đồng/lít.

Tuy nhiên, mức tăng còn tùy thuộc vào diễn biến giá dầu thế giới trong những ngày tới và mức chi sử dụng Quỹ bình ổn của cơ quan điều hành giá.

Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết, do lùi kỳ điều hành ngày 21/1 sang kỳ điều hành ngày 1/2, trong bối cảnh giá dầu thô tăng mạnh nên giá xăng kỳ tới cũng sẽ điều chỉnh tăng tương ứng, đưa giá mặt hàng này có thể lên mức 22.000 - 23.000 đồng/lít, thậm chí hơn.

Du lịch Hà Nội thu trên 1.000 tỷ đồng trong kỳ nghỉ Tết

Trong dịp Tết Quý Mão (từ 21 - 26/1/2023), Hà Nội ước đón và phục vụ khoảng 332.000 lượt du khách, trong đó có 32.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Các khách sạn gần hồ Hoàn Kiếm thu hút đông khách đến vui chơi, ngắm pháo hoa

Các khách sạn gần hồ Hoàn Kiếm thu hút đông khách đến vui chơi, ngắm pháo hoa

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, từ ngày 21 - 26/1/2023, công suất phòng trung bình tại các khách sạn từ 1 đến 5 sao trên địa bàn ước đạt 40%. Lượng khách lưu trú chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Canada, Thái Lan, Pháp. Trong số 300.000 khách nội địa, phần lớn là người dân Thủ đô đi du xuân đầu năm.

Các điểm đến thu hút lượng khách lớn nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám (khoảng 80.000 lượt), chùa Hương (khoảng 80.000 lượt), Hoàng Thành Thăng Long (gần 20.000 lượt), khu di tích Cổ Loa (khoảng 18.000 lượt), Làng cổ Đường Lâm - Thành cổ Sơn Tây (khoảng 15.000 lượt).

Nhìn chung các khu, điểm du lịch đã nâng cấp chất lượng dịch vụ, ra mắt nhiều chương trình, sản phẩm mới, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm kích cầu, thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm. Đáng chú ý là chương trình “Tết làng Việt” tại Làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây; chương trình "Tết Việt" tại Hoàng Thành Thăng Long với chủ đề “Cung đình ngày xuân”; hội chữ Xuân Quý Mão 2023 và tour du xuân Ghi Danh tại Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Cổ đông ngân hàng sắp nhận hàng nghìn tỷ đồng cổ tức tiền mặt

Sau 3 năm liên tiếp không chia cổ tức bằng tiền mặt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, nhiều ngân hàng đã khởi động lại kế hoạch chia cổ tức theo hình thức này.

Nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023

Nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023

Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (TPB), mới đây đã công bố tài liệu lấy kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.

Cụ thể, nhà băng này dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, tương đương cổ đông sở hữu một cổ phiếu TPB sẽ nhận được 2.500 đồng. Nguồn vốn chi trả dự kiến lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ theo điều lệ ngân hàng.

Nếu kế hoạch được cổ đông thông qua, TPBank sẽ chi trả cổ tức ngay trong quý I năm nay. Với hơn 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, nhà băng này sẽ phải chi xấp xỉ 4.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Không riêng TPBank, nhiều ngân hàng khác cũng đã lên kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt sau 3 năm không thực hiện theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, VIB mới đây đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế tăng 32%, đạt hơn 10.580 tỷ đồng. Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng cho biết sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua vào đầu năm nay. Trong đó, kế hoạch nhà băng này đưa ra là có thể chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 35% vốn điều lệ, tương đương cổ đông sở hữu một cổ phiếu VIB sẽ nhận 3.500 đồng tiền mặt.

Tương tự, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của VPBank, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch ngân hàng VPBank đã thông báo về việc từ năm 2023, HĐQT sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và 15% bằng cổ phiếu. Nếu kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, ACB sẽ thực hiện chi trả trong năm 2023.

Công an Thanh Hóa yêu cầu định giá tài sản dự án Khu nhà ở sinh thái FLC

Để phục vụ cho việc điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá vừa có yêu cầu định giá tài sản thửa đất của Dự án Khu nhà ở sinh thái xanh FLC thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hoá tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hoá được UBND tỉnh Thanh Hoá giao đất không thông qua đấu giá.

Công an Thanh Hóa yêu cầu định giá tài sản dự án Khu nhà ở sinh thái FLC

Công an Thanh Hóa yêu cầu định giá tài sản dự án Khu nhà ở sinh thái FLC

Theo đó, nội dung yêu cầu định giá tài sản gồm: xác định giá trị 4.200 m2 đất ở và 11.822,5 m2 đất thương mại, dịch vụ tại Lô C4, C5 Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hoá, thuộc phường Đông Vệ, TP. Thanh Hoá tại thời điểm ban hành Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Hai là, xác định giá trị đất ở của thửa đất có diện tích đất xây dựng nhà ở liền kề 5.150 m2, đất xây dựng biệt thự 2.381,8 m2, đất xây dựng công trình hỗn hợp 3.120 m2 và 287,5 m2 đất thương mại, dịch vụ tại Lô C4, C5 Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hoá thuộc phường Đông Vệ, TP. Thanh Hoá tại thời điểm ban hành Quyết định số 4228/QĐ-UBND ngày 22/10/2015 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Ba là, xác định giá trị đất ở của thửa đất có diện tích đất xây dựng nhà ở thấp tầng 4.035 m2 tại Lô C4, C5 Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hoá, thuộc phường Đông Vệ, TP. Thanh Hoá tại thời điểm ban hành Quyết định số 3288/QĐ-UBND ngày 1/9/2017 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Sau khi tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá, Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành các bước theo quy định để thực hiện định giá nội dung tài sản theo yêu cầu, đảm bảo khách quan, minh bạch, chính xác. Thời gian cơ quan chức năng thực hiện định giá tài sản là đến ngày 15/2/2023.

Du thuyền đưa gần 2.400 khách quốc tế đến Việt Nam

Du thuyền Mein Schiff 5 quốc tịch Malta cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu trong hành trình Đông Nam Á, chở lượng khách lớn nhất đến Việt Nam đầu xuân Quý Mão.

Du thuyền MEIN SCHIFF 5 cập cảnh SP – SPA

Du thuyền MEIN SCHIFF 5 cập cảnh SP – SPA

Mein Schiff 5 vào luồng cảng SP - PSA ở thị xã Phú Mỹ, sáng mùng 5 Tết Quý Mão (ngày 26/1). Du thuyền chở 2.370 khách, trong đó 95% khách từ Đức, đi theo hải trình Singapore - Malaysia - Việt Nam.

Có khoảng 1.800 khách đến TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Mỹ Tho tham quan và 570 người du lịch tự túc. Tối 26/1, Mein Schiff 5 sẽ rời cảng tiếp tục hành trình đến Thái Lan.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhận định, chuyến tàu du lịch quốc tế với hơn 95% du khách đến từ Đức “xông đất” ngay trong những ngày Tết là tin vui, mở ra cơ hội gia tăng khách quốc tế du lịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong năm 2023, ngành du lịch sẽ tiếp tục các chương trình quảng bá, xúc tiến thị trường du lịch quốc tế bằng tàu biển, bởi đây là một trong những nguồn quan trọng trong lượng du khách nước ngoài đến địa phương.

Mein Schiff 5 được đóng vào năm 2016 với chi phí hơn 620 triệu USD. Du thuyền dài 295 m, rộng 35 m, có thể chở 2.700 hành khách và 1.000 thành viên thủy thủ đoàn.

Ngày 26/1, giá USD tại thị trường tự do sụt giảm

Ngày 26/1, giá USD trên thị trường tự do giảm cùng chiều với quốc tế. Thị trường ngoại tệ đang chờ đợi những quyết định tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương các nước vào tuần tới.

Giá USD tự do giảm

Giá USD tự do giảm

Ngày 26/1, giá USD tự do giảm 15 đồng, mua vào còn 23.480 đồng và bán ra 23.550 đồng. Nguồn kiều hối về vào dịp Tết Nguyên đán tăng cao là nguyên nhân khiến giá USD tự do không biến động nhiều. Công ty kiều hối Sacombank thống kê trong thời điểm gần tết, lượng kiều hối chuyển về cả doanh số và số món đều tăng mạnh 50% so với cùng kỳ Tết Âm lịch năm 2022.

Trên thị trường quốc tế, giá USD trượt giảm về mức thấp, chỉ số USD-Index giảm còn 101,59 điểm từ mức 102 điểm trước đó. Thị trường đang chờ đợi quyết định về tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Dự báo Fed sẽ tăng thêm lãi suất 0,25%. Trong khi thị trường dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 0,5%. Điều này đã hỗ trợ đồng Euro tăng giá. Đồng Euro tăng hơn 0,23% so với USD, hiện ở mức 1,0913. Hoạt động kinh doanh của khu vực đồng Euro đã bất ngờ quay trở lại mức tăng trưởng khiêm tốn trong tháng 1.

Hơn 4.700 tỷ đồng hỗ trợ trên 6 triệu người dịp Tết Nguyên đán

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thông tin, để mọi người dân đều có Tết, ngân sách các tỉnh thành đã bố trí hơn 4.700 tỷ đồng hỗ trợ trên 6 triệu người khó khăn.

Ngân sách các tỉnh thành đã bố trí hơn 4.700 tỷ đồng hỗ trợ trên 6 triệu người dịp Tết Nguyên đán

Ngân sách các tỉnh thành đã bố trí hơn 4.700 tỷ đồng hỗ trợ trên 6 triệu người dịp Tết Nguyên đán

Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tới nay, hầu hết các địa phương đều có chính sách hỗ trợ người dân đón Tết. Tổng kinh phí dự kiến ngân sách các địa phương chi khoảng 4.700 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 6 triệu người dân đón Tết; mức hỗ trợ bình quân từ 300 - 500 nghìn đồng/người.

Trong đó, một số địa phương có điều kiện ngân sách hỗ trợ cao hơn, như Hà Nội (hỗ trợ từ 1 - 2 triệu đồng/người có công với cách mạng, 300.000 - 500.000 đồng/người hộ nghèo, khó khăn); Cần Thơ (1,1 triệu đồng/người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo); Lâm Đồng (hỗ trợ 500.000 - 700.000 đồng/hộ cận nghèo, hộ nghèo)…

Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng quyết định hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia hơn 18.000 tấn gạo cứu đói cho trên 1,2 triệu nhân khẩu bị thiếu đói dịp Tết và giáp hạt năm 2023.

Gạo cứu đói hỗ trợ người dân tại 17 tỉnh, gồm: Sóc Trăng, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nghệ An, Tuyên Quang, Trà Vinh, Đắk Nông, Quảng Bình, Bắc Kạn, Kon Tum, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Gia Lai, Hà Giang, Bình Phước, Quảng Ngãi và Quảng Trị.