Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và cựu Chủ tịch AIC bị xét xử vào ngày 21/12
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cùng cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn và hơn 30 người sẽ bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử vào ngày 21/12, về những sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Công ty AIC trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với tổng giá trị 665,757 tỷ đồng |
Dự kiến ngày 21/12 tới, Toà án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, đưa ra xét xử 36 bị cáo. Phiên xét xử dự kiến diễn ra trong 20 ngày.
Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".
Bị cáo Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái bị xét xử tội "Nhận hối lộ".
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ".
Các bị cáo còn lại bị xét xử về các tội: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cáo trạng xác định, để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cựu Chủ tịch AIC đã chi tiền hối lộ cho các ông Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng. Cụ thể, bà Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho ông Thành 14,5 tỷ đồng, ông Thái 14,5 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, Công ty AIC trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp (2 gói thầu xây lắp và 14/17 gói thầu thiết bị) tại Dự án với tổng giá trị 665,757 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi trái pháp luật hơn 148 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Kỷ luật một số lãnh đạo và cán bộ CDC Quảng Trị do vi phạm về đấu thầu
Ông Nguyễn Đức Nghiêm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Trị, bị khiển trách do vi phạm trong đấu thầu mua sắm và để xảy ra vụ án tham ô tài sản tại CDC.
Trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị |
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị đã họp kỳ thứ 15 và 16 để xem xét các vi phạm xảy ra tại Đảng ủy CDC Quảng Trị, vi phạm của ông Nguyễn Đức Nghiêm, Giám đốc và ông Lê Việt, Phó Giám đốc CDC.
Ngày 26/11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kết luận, Đảng ủy và một số lãnh đạo Đảng ủy CDC có những khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện đấu thầu mua sắm, quản lý, bảo quản, sử dụng sinh phẩm, kít xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19; để xảy ra vụ án tham ô tài sản tại CDC. Những khuyết điểm, vi phạm đã gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và bản thân một số lãnh đạo Đảng ủy CDC.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hoàn cảnh vi phạm và các tình tiết giảm nhẹ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định khiển trách ông Nguyễn Đức Nghiêm và ông Lê Việt. Về trách nhiệm tập thể, Đảng ủy CDC chưa đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật, nhưng cần kiểm điểm nghiêm túc và có giải pháp khắc phục.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị cũng quyết định khai trừ Đảng với ông Lê Quang Việt, cán bộ Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh thuộc CDC do chiếm đoạt kít xét nghiệm Covid-19 và đã khởi tố bị can, tạm giam về hành vi tham ô tài sản.
Nông dược HAI bị xử phạt 170 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin
Công ty CP Nông dược HAI bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 170 triệu đồng do các vi phạm liên quan hoạt động công bố thông tin.
Công ty CP Nông dược HAI không công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2022 soát xét và một số nghị quyết HĐQT |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Nông dược HAI (mã chứng khoán: HAI). Tổng số tiền Nông dược HAI phải nộp phạt là 170 triệu đồng.
Theo đó, Nông dược HAI đã không công bố thông tin phải công bố theo quy định pháp luật trên hệ thống của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Cụ thể, công ty này không công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2022 soát xét, các nghị quyết HĐQT về việc thông qua nội dung bàn giao một số tài sản cho Ngân hàng Agribank xử lý, thu hồi nợ xấu, nghị quyết về việc chấp thuận giao dịch giữa doanh nghiệp và các bên có liên quan.
Công ty này còn có hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật đối với báo cáo tình hình quản trị năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022.
Công ty CP Nông dược HAI là một trong những doanh nghiệp thành viên thuộc hệ sinh thái FLC. Công ty CP Tập đoàn FLC hiện sở hữu hơn 8% cổ phần Nông dược HAI.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Nông dược HAI đã bị UBCKNN xử phạt hành chính 235 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch, không công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN và trang thông tin của HoSE đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cổ phiếu HAI đã bị HoSE đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do những vi phạm về việc công bố thông tin.
Quận Hoàn Kiếm kiến nghị làm công viên ở bãi giữa sông Hồng
Quận Hoàn Kiếm kiến nghị TP. Hà Nội lập đề án phát triển bãi giữa sông Hồng thành Công viên văn hóa đa năng.
Khu vực bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có tổng diện tích dao động trong khoảng 15 - 18 ha |
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa yêu cầu các phòng, ban và phường Phúc Tân, Chương Dương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thuộc Quận.
Ông Nguyễn Anh Quân cho biết, quận Hoàn Kiếm sẽ kiến nghị TP. Hà Nội sớm bàn giao bản đồ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000.
Quận Hoàn Kiếm cũng kiến nghị Thành phố chấp thuận phương án 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên lập đề án phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa năng.
Khu vực bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc 2 phường Chương Dương, Phúc Tân, có tổng diện tích dao động trong khoảng 15 - 18 ha, với chiều dài bờ sông khoảng 3,8 km.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hoàn Kiếm khóa XXVI đã xây dựng chương trình về cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị và đề án phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông trên địa bàn Quận thành công viên văn hóa và du lịch.
CEO Gelex đăng ký bán toàn bộ cổ phần tại Chứng khoán VIX
Ông Nguyễn Văn Tuấn (CEO Tập đoàn Gelex) vừa đăng ký bán toàn bộ cổ phần sở hữu tại Công ty CP Chứng khoán VIX từ ngày 30/11 đến 29/12.
CEO Tập đoàn Gelex đăng ký bán hơn 87 triệu cổ phiếu VIX |
Chứng khoán VIX công bố thông tin về việc ông Nguyễn Văn Tuấn (CEO Tập đoàn Gelex) đăng ký bán hơn 87 triệu cổ phiếu (toàn bộ cổ phiếu sở hữu) từ 30/11 đến 29/12 bằng phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Giá trị giao dịch theo thị giá hiện tại là hơn 874 tỷ đồng, tương ứng 15,02% vốn của Chứng khoán VIX.
Bà Dương Thị Hồng Hạnh (vợ ông Tuấn) cũng đăng ký bán 21,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,64% tổng số cổ phiếu VIX đang lưu hành. Giá trị theo thị giá hiện tại là 212 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 30/11 đến 29/12 bằng phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Trong khoảng thời gian trên, Công ty CP FTG Việt Nam cũng đăng ký bán ra gần 27 triệu cổ phiếu VIX, tương ứng 4,61% vốn với giá trị dự kiến hơn 268 tỷ đồng. Tổng giám đốc FTG hiện là chồng của bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX.
Lý do được nêu trong báo cáo giao dịch là cơ cấu danh mục đầu tư.
Sau khi hoàn tất giao dịch, Chứng khoán VIX chỉ còn bà Nguyễn Thị Tuyết nắm giữ hơn 21 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,67% số cổ phiếu VIX đang lưu hành. Bà Tuyết mới được HĐQT Công ty CP Chứng khoán VIX bầu làm Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 2/11.
Nhiều bất cập trong mua sắm trang thiết bị y tế tại Thanh Hóa
Sở Y tế Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh này khẩn trương rà soát, khắc phục những bất cập trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế.
Đối với các kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua trang thiết bị y tế tại Thanh Hóa, tham khảo giá trúng thầu không còn giá trị (quá 12 tháng) |
Theo Sở Y tế Thanh Hóa, vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong nội dung trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế.
Đối với các kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc, số lượng các mặt hàng trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cao hơn nhiều (có đơn vị cao hơn 2 - 3 lần) so với sử dụng 12 tháng liền kề nhưng chưa có giải trình hợp lý.
Đồng thời, nhiều mặt hàng xây dựng giá kế hoạch cao hơn giá trúng thầu tối đa; giá kế hoạch của thuốc tại nhóm tiêu chí kỹ thuật thấp cao hơn giá thuốc tại nhóm tiêu chí kỹ thuật cao cùng hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, dạng bào chế...
Bên cạnh đó, có việc đưa thuốc thuộc danh mục thuốc đàm phán giá quốc gia, đấu thầu tập trung quốc gia đã có kết quả vào trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu của đơn vị.
Đối với các kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua trang thiết bị y tế, tham khảo giá trúng thầu không còn giá trị (quá 12 tháng) khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu... Bên cạnh đó, yêu cầu kỹ thuật của mặt hàng trang thiết bị y tế còn có những nội dung Luật Đấu thầu nghiêm cấm.
Để kịp thời có đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh và việc tổ chức đấu thầu đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh, đúng theo các quy định của pháp luật, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục những bất cập nêu trên.
Gắn biển "đi chậm” tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ từ tháng 12
Từ tháng 12, trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) sẽ được cắm biển báo "đi chậm" để cảnh báo tài xế giảm tốc độ khi qua trạm.
Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ |
Ngày 26/11, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, thời gian qua, có nhiều sự cố do phương tiện đi với tốc độ cao, gây nguy cơ va chạm tại đảo thu phí, barie. Ngoài ra, ô tô cần đi chậm để hệ thống ETC có thể đọc, xử lý dữ liệu trong tài khoản giao thông. Hiện theo quy định, phương tiện vẫn được chạy tối đa 60 km/h trước trạm thu phí.
Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từng đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam lắp biển báo tốc độ tối đa cho phép 30 km/h tại trạm thu phí để các tài xế giảm tốc độ, hạn chế ôtô va chạm barie khi qua trạm. Chiều dài quãng đường hạn chế tốc độ chỉ 30 m, tương ứng với chiều dài của đảo thu phí.
Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam không chấp thuận đề xuất này và yêu cầu lắp đặt biển "đi chậm" tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, theo Quy chuẩn QCVN 41:2019 của Bộ Giao thông vận tải. Tài xế phải giảm tốc độ khi thấy biển báo "đi chậm" để đảm bảo an toàn, chứ không nói rõ phải giảm xuống bao nhiêu.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, một số chủ đầu tư BOT đã đề nghị cắm biển tốc độ 30 km/h tại trạm thu phí, song Cục chủ trương khuyến cáo lái xe giảm tốc độ khi qua trạm để đảm bảo an toàn. Nếu gắn biển 30 km/h sẽ gây khó cho tài xế.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam TP. Hà Nội, được đầu tư theo loại hợp đồng BOT. Tuyến đường dài 29 km với 6 làn xe, đã được lắp đặt toàn bộ hệ thống thu phí không dừng.
Kon Tum: Quản lý tài chính ở Công ty Lâm nghiệp Kon Plông có nhiều sai phạm
Thanh tra tỉnh Kon Tum xác định, diện tích rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý đã giảm hơn 4.200 ha và có nhiều sai phạm trong quản lý tài chính.
Hàng chục ha rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông bị nước dâng ngập chết |
Thanh tra tỉnh Kon Tum vừa ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất rừng và đất khác; quản lý sử dụng tài chính giai đoạn năm 2019 - 2021 tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông.
Cụ thể, Thanh tra tỉnh Kon Tum xác định, tổng diện tích đất có rừng Công ty đang quản lý, sử dụng giảm hơn 4.200 ha so với quyết định vào năm 2017 của UBND tỉnh Kon Tum.
Về tình hình quản lý thu chi tài chính của Công ty Lâm nghiệp Kon Plông, Thanh tra tỉnh Kon Tum cũng phát hiện nhiều sai phạm.
Cụ thể, phần diện tích rừng đã giảm từ trước 2014 nhưng Công ty chưa rà soát, cập nhật kịp thời, dẫn đến giai đoạn 2015 - 2020, công ty này vẫn nhận hơn 9,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Năm 2021, Công ty chuyển trả lại cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum hơn 1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền còn lại chưa trả hơn 8,5 tỷ đồng (trong đó, 5,9 tỷ đồng đã chi cho các hộ dân nhận khoán không có khả năng thu hồi và Công ty tự quản lý hơn 2,6 tỷ đồng).
Thanh tra Tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông tổ chức kiểm điểm những tổ chức, cá nhân để xảy ra thiếu sót, sai phạm có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất rừng và đất khác; việc quản lý tài chính, tài sản được nêu trong Kết luận thanh tra.
Thanh tra Tỉnh đề nghị Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông thu hồi và nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Tỉnh số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.
Bình Phước: Hai cựu Chánh văn phòng huyện Bù Đăng bị bắt
Ông Phạm Đình Nhất và Nguyễn Thanh Lâm bị cáo buộc khi là Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã mắc sai phạm để cấp dưới tham ô tiền tỷ.
Ông Phạm Đình Nhất nghe đọc lệnh bắt |
Ngày 26/11, ông Nhất và ông Lâm bị Công an tỉnh Bình Phước bắt về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Khoản 1 Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Việc điều tra 2 ông được Công an tỉnh Bình Phước thực thi trong quá trình mở rộng vụ án Trương Thị Hiệp (Kế toán Văn phòng HĐND và UBND huyện Bù Đăng) nâng khống tiền hỗ trợ đại biểu nhân dân huyện.
Theo cáo buộc, từ năm 2017 đến năm 2019, nghi can Hiệp đã lập khống hồ sơ chứng từ quyết toán kinh phí chi phụ cấp và tiền hỗ trợ cho đại biểu HĐND huyện Bù Đăng, chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng.
Từ tháng 4/2017 đến tháng 10/2019, ông Nhất và ông Lâm với vai trò Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Bù Đăng bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, ký duyệt hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh quyết toán do Hiệp trình lên.