Bản tin thời sự sáng 27/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục hầu toà vì can thiệp giúp Nhật Cường trúng thầu; hơn 220 khách Nga đến Khánh Hòa đón năm mới 2022; bộ sưu tập phác thảo mẫu Quốc huy được công nhận bảo vật quốc gia; ngày 27/12, Tòa án quân sự sẽ xét xử 9 bị cáo vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

Ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục hầu toà vì can thiệp giúp Nhật Cường trúng thầu

Chỉ đạo dừng thầu trái quy định để giúp Công ty Nhật Cường trúng thầu, gây thất thoát hơn 26,5 tỷ đồng cho Nhà nước, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục hầu toà.

Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Ngày 27/12, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Theo đó, 6 bị cáo hầu tòa về tội danh trên: Nguyễn Văn Tứ, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội; Phạm Thị Thu Hường; Nguyễn Tiến Học; Phạm Thị Kim Tuyến; Nguyễn Duy Tuấn và Võ Việt Hùng. Riêng nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2015 đến cuối năm 2018, Sở KH-ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 3 gói thầu số hóa. Trong đó, 2 gói thầu năm 2016 và năm 2017 do Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh thực hiện xảy ra nhiều sai phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Với gói thầu năm 2016, ban đầu Sở KH-ĐT Hà Nội phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu thầu công khai, kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Theo dự kiến, ngày 16/5/2016 sẽ đóng thầu, lúc này có 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, không có Nhật Cường.

Tuy nhiên, chiều tối 15/5/2016, chỉ 1 ngày trước khi đóng thầu, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Nhật Cường) gửi email cho ông Nguyễn Đức Chung, đề xuất ông Chung chỉ đạo lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần để Huy giới thiệu một công ty tham gia đấu thầu. Sau đó, ông Chung nhiều lần gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ để chỉ đạo việc dừng thầu theo đề xuất của Huy.

Cũng trong năm 2016, Võ Việt Hùng mời Huy hợp tác. Huy đồng ý, Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh được thành lập.

Trong quá trình đấu thầu, Huy và Hùng dùng hồ sơ pháp nhân của một số công ty làm "quân xanh" để nộp hồ sơ dự thầu và bỏ giá thầu, nhằm tạo điều kiện cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.

Sau khi ký kết hợp đồng, thay vì để liên danh thực hiện, Bùi Quang Huy chuyển nhượng 100% nội dung công việc cho Công ty Đông Kinh. Được Sở KH-ĐT quyết toán hơn 42 tỷ đồng, Nhật Cường trả cho Đông Kinh 29 tỷ đồng.

Tương tự với gói thầu số hóa năm 2017, trị giá hơn 18 tỷ đồng, sau khi trúng thầu, Nhật Cường chuyển nhượng toàn bộ công việc cho Đông Kinh. Trong số hơn 16 tỷ đồng được Sở KH-ĐT quyết toán, Nhật Cường trả cho Đông Kinh hơn 10 tỷ đồng.

Hơn 220 khách Nga đến Khánh Hòa đón năm mới 2022

226 du khách Nga đầu tiên đến Khánh Hòa theo hình thức hộ chiếu vaccine vào sáng ngày 26/12, sau gần hai năm du lịch quốc tế "đóng băng" vì Covid-19.

226 du khách Nga đầu tiên đến Khánh Hòa theo hình thức hộ chiếu vaccine

226 du khách Nga đầu tiên đến Khánh Hòa theo hình thức hộ chiếu vaccine

Các du khách đến sân bay quốc tế Cam Ranh theo chuyến bay của hãng hàng không Azur Air từ sân bay quốc tế Vnukovo, Moskva, Nga. Đây là những du khách Nga đầu tiên tới Khánh Hoà du lịch, từ khi Covid-19 bùng phát, do Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam tổ chức.

Sau khi nhập cảnh, du khách đi bằng lối riêng để thực hiện các thủ tục, sàng lọc sức khỏe và cài đặt ứng dụng PC-Covid trước khi được đưa về nơi nghỉ dưỡng tại 6 quần thể du lịch, khách sạn của Vinpearl Resort Nha Trang, Selectum Noa Resort, Cam Ranh Riviera Beach Resort... Đây là những nơi đã được phép đón khách quốc tế tại khu vực riêng biệt, đảm bảo không tiếp xúc với cộng đồng, không ảnh hưởng đến hoạt động du khách khác.

Theo kế hoạch, đoàn khách sẽ trải nghiệm kỳ nghỉ 7 đến 25 ngày và trở về nước trên những chuyến bay định kỳ 2 lần/tuần của hãng hàng không Azur Air.

Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, đây là một trong hoạt động đón khách quốc tế hộ chiếu vaccine có quy mô lớn nhất của địa phương trong bối cảnh bình thường mới. Nga là một trong thị trường khách quốc tế lớn thứ hai của địa phương (sau Trung Quốc) và nhu cầu của du khách nước này đi trú đông khá lớn.

Dự kiến trong tuần sau, sẽ có thêm một đoàn khách Nga với hơn 200 người tới Khánh Hòa theo hình tương tự và tới cuối tháng 3/2022, sẽ có hơn 20 chuyến bay đưa khách Nga từ Moskva tới Nha Trang, mỗi chuyến khoảng 320 - 340 khách.

Bộ sưu tập phác thảo mẫu Quốc huy được công nhận bảo vật quốc gia

Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước, được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021.

Một phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Một phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bộ sưu tập trên sáng tác trong thời gian 1953 - 1955, hiện lưu giữ tại Trung tâm Lữu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Họa sĩ đã vẽ 112 bản nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chì chi tiết. Trong đó, 15 bản được Ban Mỹ thuật - Ngành Văn nghệ Trung ương chọn gửi Bộ Tuyên truyền, trình Thủ tướng tháng 10/1954. Một trong số các mẫu này đã được chọn để chỉnh sửa, trở thành Quốc huy chính thức của nước Việt Nam.

Theo quyết định của Thủ tướng, còn có 22 hiện vật khác tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước được công nhận bảo vật quốc gia.

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh có nhiều hiện vật được công nhận nhất, với 4 bảo vật, gồm: Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn; thống gốm hoa nâu An Sinh; thạp gốm hoa nâu thời Trần; bình gốm men vẽ nhiều màu.

Hà Nội có hai hiện vật được công nhận, gồm: Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long; hai bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long. An Giang có hai bảo vật, gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc; nhẫn Nandin Giồng Cát. Đồng Nai có hai bảo vật: Sưu tập qua đồng Long Giao; tượng Thần Vishnu Bình Hòa…

Ngày 27/12, Tòa án quân sự sẽ xét xử 9 bị cáo vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Các bị cáo không thực hiện đúng quy chế, quy định, để xảy ra hàng loại sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận tỉnh Quảng Nam

Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận tỉnh Quảng Nam

Ngày 27/12, Tòa án quân sự Quân khu 5 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 9 bị cáo về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Phiên tòa dự kiến diễn ra 5 ngày.

9 bị cáo gồm: Đinh Tiến Hiệp (Thượng tá thuộc Binh đoàn 12, Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 2), Trần Năng Hà (Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 2, được Cienco 6 giao nhiệm vụ làm Giám đốc Ban điều hành Cienco 6 tại gói thầu số 2); Hoàng Trúc Luân (Giám đốc chất lượng Ban điều hành liên danh gói thầu số 2); Nguyễn Quốc Hải (Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 6); Nguyễn Đình Chung (kỹ sư đường của Ban điều hành liên danh gói thầu số 6); Chu Tuệ Minh (Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 2); Phan Ngọc Thơm (Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 2); Lương Văn Tiến (Phó giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 6) và Nguyễn Việt Hòa (Đại úy, thuộc Binh đoàn 11, Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh, Chỉ huy trưởng công trường của Tổng công ty Thành An tại gói thầu số 6).

Theo kết quả điều tra và kết luận giám định, những người này không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, dẫn đến tổ chức thi công, nghiệm thu các hạng mục, công trình, không đảm bảo chất lượng. Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã thanh toán hơn 209 tỷ đồng cho các đơn vị thi công Dự án.

89 cây gỗ bị đốn hạ trong rừng đặc dụng tại Quảng Trị

89 cây gỗ với khối lượng 76 m3 bị đốn hạ trong rừng đặc dụng bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị); cây lớn nhất có đường kính thân 90 cm, cao hơn 30 m.

Nhà chức trách ghi nhận 89 cây gỗ bị đốn hạ ở rừng đặc dụng bắc Hướng Hóa

Nhà chức trách ghi nhận 89 cây gỗ bị đốn hạ ở rừng đặc dụng bắc Hướng Hóa

Hạt trưởng Kiểm lâm Hướng Hóa Bùi Văn Duẩn cho biết, đơn vị đang phối hợp với công an để điều tra vụ phá rừng nghiêm trọng ở Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa. Nhà chức trách tổ chức 8 đợt kiểm tra ở hiện trường và ghi nhận số lượng gỗ bị phá như trên.

Kinh phí để điều tra khoảng 400 triệu đồng, trong đó giám định mẫu gỗ hơn 284 triệu đồng, khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định gần 103 triệu đồng. Huyện Hướng Hóa đã trích ngân sách hơn 100 triệu, số tiền còn lại đang kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ kiểm lâm để điều tra vụ phá rừng.

Kiểm lâm Hướng Hóa dự định lấy 50 mẫu để giám định tên gỗ, chủng loại gỗ, nhóm gỗ và mức độ quý hiếm, 174 mẫu để giám định tính đồng nhất về chủng loại gỗ.

Hiện, kiểm lâm phối hợp nhiều lực lượng khác đã lập chốt chặn ở đường vào rừng tại thôn Cát, Trỉa (xã Hướng Sơn) để ngăn chặn việc phá rừng.

Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa có diện tích tự nhiên 23.500 ha, là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, có vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước và bảo vệ môi trường.

Giảm 30% phí sử dụng đường bộ đến giữa năm 2022

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư giảm các loại phí, gồm phí sử dụng đường bộ cho ôtô kinh doanh vận tải đến giữa năm 2022.

Xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách sẽ được giảm 30% mức thu phí theo quy định hiện hành

Xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách sẽ được giảm 30% mức thu phí theo quy định hiện hành

Theo Thông tư 120 được Bộ Tài chính ban hành, 37 khoản phí, lệ phí được giảm từ 10% đến 50% so với quy định hiện hành, áp dụng từ 1/1/2022 đến hết 30/6 năm 2022.

Một trong 37 loại phí được giảm gồm phí sử dụng đường bộ với ôtô kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải. Xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách sẽ được giảm 30% mức thu phí theo quy định hiện hành. Mức giảm với xe tải, xe ôtô chuyên dùng, xe đầu kéo là 10%.

Nếu xe ôtô chuyển từ không kinh doanh vận tải sang kinh doanh vận tải trong thời gian Thông tư có hiệu lực thì thời điểm áp dụng mức giảm tính từ ngày ôtô được ghi nhận theo Chương trình quản lý kiểm định của Cục đăng kiểm.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành 5 thông tư quy định giảm mức thu 34 khoản phí, lệ phí, áp dụng đến hết năm 2021.

Như vậy trong 6 tháng tới, Bộ Tài chính bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí được giảm. Cụ thể, giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và giảm 20% đối với phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất.

Đồng Nai xây 25 km hàng rào điện tránh xung đột voi với người

Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai xây thêm 25 km hàng rào điện tổng kinh phí 14 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 10 năm tới, để tránh xung đột voi rừng với người dân.

Hàng rào điện được khởi công năm 2017

Hàng rào điện được khởi công năm 2017

Động thái được Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thực hiện sau hàng loạt vụ voi rừng liên tục ra vườn rẫy nhà dân phá hoại hoa màu, cây trồng, gây xung đột nguy hiểm cả người lẫn voi trên địa bàn huyện Định Quán.

Dãy hàng rào cao 2,2 m, gần 980 trụ, bốn nhà trạm, 14 cổng chính, 4 cổng phụ, lắp 20 bảng cảnh báo giao thông trên các tuyến đường. Điện ở hàng rào được lấy từ nguồn năng lượng mặt trời, phát tắt thời gian rất ngắn, chỉ 1/3 giây, nên khi người và động vật chạm vào bị giật nhẹ, nhưng không nguy hiểm tính mạng.

Trước đó, năm 2017 ở Dự án bảo tồn voi rừng giai đoạn 2014 - 2020, Đồng Nai xây 50 km hàng rào điện để ngăn voi xâm nhập khu dân cư. Tuy nhiên, hơn 25 km nói trên từ xã Thanh Sơn đến bờ sông Đồng Nai chưa được lắp hàng rào nên voi thường vào rẫy và nơi người dân sinh sống.

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, Tỉnh hiện có đàn voi khoảng 20 con voi rừng sống chủ yếu ở Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn văn hóa thiên nhiên, trong đó có từ 4 - 5 voi con.