Bản tin thời sự sáng 27/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ban hành thông tư sửa đổi về đấu thầu thuốc trong bệnh viện trước 15/4; còn hơn 117 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 chưa được phân bổ; ô tô mới có thể được miễn đăng kiểm lần đầu từ 1/7; bố trí 203 tỷ đồng hoàn thiện tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà…

Ban hành thông tư sửa đổi về đấu thầu thuốc trong bệnh viện trước 15/4

Ngày 26/2, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai Kết luận số 26 và hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế.

Hoàn thiện văn bản để sớm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế

Hoàn thiện văn bản để sớm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế

Thông báo kết luận nêu rõ, Bộ Y tế trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ, chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các vướng mắc từ thực tiễn, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thí điểm triển khai một số cơ chế, chính sách bảo đảm thuốc, thiết bị y tế, chế phẩm, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư tiêu hao.

Việc này nhằm giải quyết ngay các vướng mắc từ thực tiễn, phù hợp đặc thù của lĩnh vực y tế trong thời gian chờ Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực và các văn bản pháp luật được sửa đổi.

Trong đó có các quy định về: đấu thầu vật tư y tế kèm theo cung cấp máy móc, thiết bị thực hiện xét nghiệm; báo giá gói thầu trong trường hợp có nhiều nhà sản xuất cung cấp cùng chủng cùng đáp ứng tiêu chuẩn theo hướng lấy 3 báo giá theo nhà sản xuất khác nhau.

Trường hợp chỉ có một nhà sản xuất nhưng có nhiều nhà phân phối theo hướng lấy 3 báo giá theo nhà phân phối và giao Bộ Y tế quyết định dựa trên tính đặc thù, nổi trội...

Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ trước ngày 1/3/2023 để Chính phủ xem xét, ban hành tại Phiên họp thường kỳ tháng 2 vào ngày 3/3/2023.

Đồng thời, Bộ Y tế rà soát sửa đổi Thông tư số 15/2020/TT-BYT ngày 10/8/2020 về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá với quan điểm tập trung đấu thầu ở Trung ương đối với danh mục thuốc phần lớn các bệnh viện có nhu cầu sử dụng phổ biến, tỷ trọng lớn.

Đảm bảo thống kê được 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giảm được giá, chi phí khám chữa bệnh cho người dân, có thể điều tiết giữa các địa phương, giữa các bệnh viện; các địa phương, bệnh viện, các cơ sở y tế thực hiện đấu thầu đối với các danh mục còn lại; ban hành Thông tư trước 15/4/2023.

Còn hơn 117 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 chưa được phân bổ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đến hết ngày 17/2/2023, vẫn còn 117.313 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án, bằng 15,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 63.697 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 53.615 tỷ đồng.

Còn 117.313 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án

Còn 117.313 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án

Theo Bộ KH&ĐT, có 33 bộ, cơ quan trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương; trong đó có Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chưa thực hiện phân bổ (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023.

Cùng với đó, có 19 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương; trong đó có 4 địa phương là Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk chưa thực hiện phân bổ (0%) chi tiết kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2023 trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo đúng quy định.

Tuy nhiên, 56 bộ, cơ quan trung ương, địa phương vẫn còn tình trạng phân bổ vốn cho dự án bố trí vốn quá thời gian quy định, phân bổ cho một số dự án chưa đủ điều kiện giải ngân như dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư; dự án chuẩn bị đầu tư chưa có quyết định phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư. Các trường hợp này, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị điều chỉnh lại phương án phân bổ.

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ nguồn vốn, Bộ KH&ĐT kiến nghị, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao; bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm...

Ô tô mới có thể được miễn đăng kiểm lần đầu từ 1/7

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục để áp dụng quy định miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới từ 1/7.

Đăng kiểm xe tại một đơn vị ở Hà Nội

Đăng kiểm xe tại một đơn vị ở Hà Nội

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Tô An, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và đẩy nhanh hoàn thiện các quy định miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới.

Theo phương án Cục Đăng kiểm đề xuất, chủ xe không cần đưa phương tiện đến các trung tâm đăng kiểm để kiểm định lần đầu, chỉ cần mang giấy đăng ký xe đến nhận tem đăng kiểm và mua phí bảo trì đường bộ.

Xe mới được miễn đăng kiểm trong thời gian tương đương với chu kỳ kiểm định lần đầu.

Thời gian áp dụng miễn đăng kiểm cho xe lưu kho, lưu bãi trước khi đến tay người tiêu dùng trong 23 tháng kể từ ngày sản xuất. Sau thời gian này, xe phải đưa đi đăng kiểm như bình thường.

Cục Đăng kiểm sẽ xây dựng hệ thống phần mềm để người dân đăng ký đăng kiểm và thanh toán, trả các loại phí đường bộ trực tuyến, không cần đến các đơn vị kiểm định. Tem kiểm định cũng được dán trên phương tiện ngay từ khi xe xuất xưởng từ các nhà máy.

Phương án miễn đăng kiểm cho xe mới được đưa ra sau khi ngành đăng kiểm nghiên cứu tỷ lệ kiểm định không đạt của phương tiện mới từ tháng 6 - 11/2022 chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 0,17 - 0,31%. Đề xuất này sẽ giúp người dân, lái xe, chủ xe giảm thời gian và chi phí đi kiểm định xe.

Tuy nhiên, miễn đăng kiểm lần đầu đồng nghĩa với việc tăng trách nhiệm của nhà sản xuất, lắp ráp nhập khẩu. Một số tình huống có thể phát sinh như xe khi đến tay người dân sẽ bị tự ý thay đổi các bộ phận phương tiện không đúng với thiết kế của nhà sản xuất mà không thể phát hiện kịp thời. Do đó, việc bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe thuộc trách nhiệm chính của nhà sản xuất, nhập khẩu xe, chủ xe, lái xe.

Khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội, cao tốc Sơn La

Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La dài 50 km, vốn đầu tư giai đoạn một hơn 1.800 tỷ đồng, được khởi công sáng 26/2.

Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La dài 50 km. Ảnh minh họa

Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La dài 50 km. Ảnh minh họa

Tuyến đường có tổng chiều dài 50 km, đoạn 1 dài 31 km kết nối từ thị trấn Bo (Kim Bôi) với đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; đoạn 2 dài khoảng 19 km, nối từ phường Kỳ Sơn (TP. Hòa Bình) tới nút giao IC2 - quy hoạch cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (đoạn Hòa Bình - Mộc Châu).

Dự án do tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư với tổng vốn 4.120 tỷ đồng. Trong đó, vốn giai đoạn 1 là 1.829 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Dự án trải dài qua 3 huyện, 1 thành phố với tổng số 470 hộ bị ảnh hưởng, khoảng hơn 300 hộ cần bố trí tái định cư.

Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội - TP. Hòa Bình - Kim Bôi; tăng khả năng giao thương giữa Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La.

Bố trí 203 tỷ đồng hoàn thiện tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký văn bản thông báo danh mục và mức vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của một số bộ, địa phương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị; trong đó có Dự án đầu tư hoàn thiện tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Tiếp tục hoàn thiện đoạn còn lại tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà

Tiếp tục hoàn thiện đoạn còn lại tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà

Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A phía đông thành phố Đông Hà dài 22,4 km, từ Dốc Miếu huyện Gio Linh đến giáp phía Bắc Trạm thu phí BOT Quốc lộ 1A xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018. Do thiếu nguồn vốn nên đến nay mới hoàn thành được 5 km đoạn phía Nam.

Năm 2022, tỉnh Quảng Trị đề xuất các bộ ngành Trung ương bố trí vốn để hoàn thiện đoạn còn lại. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải chỉ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, bố trí gần 400 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đoạn phía Bắc từ Dốc Miếu huyện Gio Linh đến cầu Sông Hiếu. Riêng đoạn 4,2 km còn lại ở giữa tuyến từ nút giao đường Nguyễn Hoàng đến phía Nam cầu sông Hiếu, thành phố Đông Hà sau nhiều lần kiến nghị đến nay mới được bố trí vốn.

Hiện nay, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị là đô thị duy nhất cả nước có Quốc lộ 1A đi qua nhưng chưa xong đường tránh, hầu hết các phương tiện vận tải đường dài đều phải đi qua trung tâm thành phố này. Vì vậy, Quốc lộ 1A đoạn qua trung tâm thành phố Đông Hà chỉ vài km nhưng được ví là “cung đường tử thần”, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

TP.HCM mở rộng dự án thí điểm thanh toán chạm trên 1.000 xe buýt

Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục phối hợp với công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa trong việc mở rộng dự án thí điểm thanh toán chạm cho khoảng 1.000 tuyến xe buýt.

Thanh toán điện tử. Ảnh minh họa

Thanh toán điện tử. Ảnh minh họa

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tiến hành việc gia hạn bản thỏa thuận hợp tác với công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa sau 3 năm hợp tác về phát triển ứng dụng hình thức thanh toán điện tử trong giao thông đô thị.

Hai bên đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi giao thông đô thị trên địa bàn Thành phố, phát triển hình thức thanh toán không tiếp xúc EMV cho khoảng 1.000 tuyến xe buýt, gấp 20 lần so với con số 50 tuyến xe buýt trong giai đoạn hợp tác đầu tiên.

Trong đó, người dùng có thể áp dụng công nghệ thanh toán khi không dùng tiền mặt, cho phép chạm thẻ thanh toán, dùng ví di động và các thiết bị đeo thông minh khác để thanh toán chi phí khi di chuyển trên các phương tiện công cộng, mua vé điện tử, sạc xe điện hoặc trả phí cầu đường và đỗ xe ô tô.

Người Việt được miễn visa khi đến tỉnh Jeollanam-do Hàn Quốc

Khách Việt được miễn visa trong 15 ngày khi du lịch tỉnh Jeollanam-do, và sẽ được hỗ trợ về phương tiện đi lại, chi phí chỗ ở từ 15/3.

Chùa cổ Seonamsa tại tỉnh Jeollanam-do

Chùa cổ Seonamsa tại tỉnh Jeollanam-do

Thông tin trên được ông Kim Yung-Rok, Tỉnh trưởng Jeollanam-do cam kết tại lễ giới thiệu và ký hợp tác duy trì khách du lịch Việt Nam với tỉnh Jeollanam-do ở TP. Nha Trang.

Chương trình hợp tác này được các công ty lữ hành của Việt Nam và Hàn Quốc cùng tổ chức, nằm trong kế hoạch phát triển du lịch giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, giúp giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, thắt chặt tình đoàn kết giữa hai quốc gia nói chung và tỉnh Jeollanam-do với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng.

Từ tháng 4 đến tháng 10, các bên cam kết xúc tiến thúc đẩy khai thác mỗi tuần một chuyến bay, dự kiến đạt 43 chuyến bay charter (khoảng gần 10.000 lượt khách). Cụ thể, bắt đầu từ ngày 14/4, chuyến đi khởi hành vào 0h10 thứ Bảy hàng tuần bằng máy bay của Pacific Airlines và trở về vào lúc 0h30 thứ Tư tuần tiếp theo.

Về tour du lịch, du khách sẽ được trải nghiệm ngắm tuyết vào mùa đông hoặc ngắm hoa vào mùa xuân; trải nghiệm phòng tắm hơi Jjimjilbang kiểu Hàn Quốc; ngắm đồi chè đẹp nhất của huyện Boseong; tham quan chùa cổ Seonamsa (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới), làng pháo đài cổ Naganeupseong, vườn quốc gia Vịnh Suncheon.

Tỉnh Jeollanam-do, phía tây nam Hàn Quốc, có rất nhiều công viên, đền chùa, mùa xuân rực rỡ hoa anh đào, có những cung đường dài hàng chục km với hai hàng cây anh đào cổ thụ.

Hiện, khách Việt tới Yangyang (tỉnh Gangwon) và đảo Jeju bằng các chuyến charter hoặc bay thẳng cũng không cần làm visa.