Bản tin thời sự sáng 27/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố do can thiệp đấu thầu; mỗi shipper chỉ được giao hàng tại một quận, huyện ở TP.HCM; giá xăng ngày 27/7 có thể giảm nhẹ; Cần Thơ đề xuất cách ly xã hội đến ngày 15/8; Quảng Nam loại bỏ 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ…

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố do can thiệp đấu thầu

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố với cáo buộc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố do can thiệp đấu thầu

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố do can thiệp đấu thầu

Ngoài ông Chung, CQĐT cũng đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Tứ - nguyên Giám đốc, Nguyễn Tiến Học - nguyên Phó giám đốc cùng bà Phạm Thị Kim Tuyến - nguyên Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Hai bị can khác là Võ Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh cùng Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này, ông Chung bị cáo buộc có vai trò xuyên suốt, là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của các cán bộ sau này. Hành vi của các bị can gây thiệt hại khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, C03 cũng khởi tố Bùi Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường, tuy nhiên bị can này hiện đang bị truy nã quốc tế nên CQĐT sẽ xử lý sau khi bắt được bị can này.

Vụ án này được tách ra từ vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường khi Cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện có dấu hiệu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Mỗi shipper chỉ được giao hàng tại một quận, huyện ở TP.HCM

Mỗi nhân viên giao hàng từ ngày 26/7 phải có thêm thẻ dán hình, đeo băng tay in chữ "Shipper" và chỉ được hoạt động trên một quận, huyện và thành phố Thủ Đức (TP.HCM).

Mỗi shipper chỉ được giao hàng tại một quận, huyện ở TP.HCM

Mỗi shipper chỉ được giao hàng tại một quận, huyện ở TP.HCM

Đây là một trong những quy định vừa được UBND TP.HCM đưa ra nhằm tăng cường quản lý shipper công nghệ trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, kể từ ngày 26/7, TP.HCM chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hoá thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định hoạt động trên địa bàn. TP.HCM yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ rà soát đội ngũ shipper và giảm 10% số lượng nhân viên.

Về đặc điểm nhận dạng của đội ngũ shipper, ngoài các giải pháp hiện nay như thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy chứng nhận thông hành, ứng dụng quản lý đơn hàng..., các đơn vị được yêu cầu phải làm ngay bảng tên bằng thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper, ứng dụng công nghệ nhận diện shipper bằng QR code. Đồng thời, nhân viên giao hàng phải đeo băng tay nền xanh đậm, in chữ "Shipper" màu trắng, kích thước ống đeo cao 20cm.

Các đơn vị không quản lý shipper bằng ứng dụng công nghệ (như nhân viên giao hàng của siêu thị...) cũng phải thực hiện các yêu cầu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.

Hàng ngày, các đơn vị đăng ký danh sách shipper và địa bàn hoạt động về Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải để tổng hợp thành dữ liệu dùng chung của các cơ quan quản lý, phục vụ tra cứu, nhận diện shipper khi cần thiết. Trên cơ sở báo cáo này, Sở Công Thương và Sở Thông tin & Truyền thông nghiên cứu giải pháp nhắn tin (sms) hàng ngày đến từng shipper để xác nhận họ đã được đăng ký với cơ quan chức năng.

Giá xăng ngày 27/7 có thể giảm nhẹ

Sau 3 kỳ tăng liên tiếp, giá xăng ngày 27/7 được các doanh nghiệp dự báo giảm nhẹ.

Giá xăng ngày 27/7 có thể giảm nhẹ

Giá xăng ngày 27/7 có thể giảm nhẹ

Dữ liệu từ Bộ Công Thương kỳ này chỉ cập nhật giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore đến ngày 19/7. Theo đó, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 ghi nhận trung bình 83,07 USD một thùng, xăng RON 95 là 85,16 USD một thùng.

Theo dữ liệu từ doanh nghiệp đầu mối, bình quân giá xăng những ngày qua giảm khoảng 0,5 - 1%. Do đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho rằng, giá xăng sẽ giảm nhẹ so với kỳ trước. Nếu không tác động đến quỹ bình ổn, ở kỳ điều hành ngày 27/7, giá xăng có thể giảm 50 - 150 đồng một lít. Còn giá dầu sẽ chỉ tăng khoảng 100 - 200 đồng một lít. Riêng dầu hỏa và dầu mazut có thể giảm.

Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên không tăng không giảm.

Tại kỳ điều hành giá xăng gần nhất ngày 12/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá các mặt hàng xăng. Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 trên thị trường hiện tại ở mức 20.610 đồng một lít, với xăng RON 95 là 21.783 đồng một lít, cao nhất kể từ ngày 2/5/2019.

Cần Thơ đề xuất cách ly xã hội đến ngày 15/8

Với gần 700 ca sau 18 ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.Cần Thơ đề xuất thực hiện Chỉ thị 16 thêm 2 tuần, thay vì kết thúc từ 1/8.

Chợ Cần Thơ đã đóng cửa đã đóng cửa để phòng chống Covid-19

Chợ Cần Thơ đã đóng cửa đã đóng cửa để phòng chống Covid-19

Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.Cần Thơ cho biết, tình hình dịch bệnh tại địa phương diễn biến nhanh và phức tạp, nhiều ca F0 mới vẫn còn xuất hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, chưa rõ nguồn lây.

Các ổ dich tại chợ đầu mối Tân An (quận Ninh Kiều), chợ Trà An (quận Bình Thủy) và phường Hưng Phú (quận Cái Răng) vẫn phát sinh F0. Nhiều ổ dịch mới lây lan rất nhanh như ở xã Trường Xuân (huyện Thới Lai), hẻm Lò Mỗ (quận Ninh Kiều)... F0 đã xuất hiện tại một số công ty trong khu công nghiệp ở quận Bình Thủy, Ô Môn...

Dự báo trong thời gian tới, số lượng F0 tiếp tục tăng, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Cần Thơ đề xuất, Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng chống, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, địa phương có thể áp dụng các biện pháp cao hơn.

Thành phố đã kích hoạt và tiếp nhận bệnh nhân tại 4 Bệnh viện dã chiến Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai, Quân Dân Y tại huyện Cờ Đỏ với tổng khả năng tiếp nhận hơn 400 ca Covid-19. Bệnh viện dã chiến tại Phong Điền với quy mô 150 giường và tại Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt 400 giường cũng chuẩn bị hoạt động.

Ngoài ra, các sở ngành liên quan đã phối hợp khảo sát và đề xuất lấy Trường Chính trị Thành phố để lập bệnh viện dã chiến quy mô 800 giường.

Đến nay, Cần Thơ đã triển khai 3 đợt tiêm vaccine Covid-19 cho gần 45.000 người thuộc diện ưu tiên chống dịch, công nhân, người lao động. Trong đó, 6.695 người được tiêm đủ 2 mũi.

Quảng Nam loại bỏ 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ

HĐND tỉnh Quảng Nam đã loại ra khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ: A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4 và A Banh.

Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đăk Di 4, huyện Nam Trà My

Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đăk Di 4, huyện Nam Trà My

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết, 4 thủy điện trên chưa được cấp quyết định chủ trương đầu tư, quy mô công suất nhỏ, diện tích chiếm đất lớn, không có hiệu quả kinh tế, tác động lớn đến môi trường và đất, rừng các loại.

Chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, gây bức xúc trong dự luận, nhân dân, làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khác có liên quan.

Bốn dự án bị loại bỏ gồm: A Vương 4 (huyện huyện Tây Giang và Đông Giang) công suất hơn 10 MW, chiếm gần 83 ha đất, trong đó 3,8 ha rừng sản xuất; Sông Bung 3 (huyện Nam Giang) công suất 16 MW, diện tích 38,6 ha, ảnh hưởng gần 2 ha rừng phòng hộ; A Banh (huyện Tây Giang), công suất 4,2 MW, chiếm 7,7 ha đất, trong đó 5,2 ha rừng sản xuất.

Dự án cuối cùng là Đăk Di 4 (huyện Nam Trà My), công suất 19,2 MW, được cho phép nghiên cứu đầu tư năm 2003 với diện tích 155 ha, trong đó 31,6 ha rừng sản xuất.

Bạc Liêu yêu cầu người dân không ra đường sau 18h

Chính quyền tỉnh Bạc Liêu yêu cầu từ 18h đến 5h sáng mỗi ngày, bắt đầu từ 26/7, người dân không ra đường để phòng dịch.

Bạc Liêu yêu cầu người dân không ra đường sau 18h

Bạc Liêu yêu cầu người dân không ra đường sau 18h

Việc này được thực hiện đến khi tỉnh Bạc Liêu kết thúc đợt giãn cách xã hội (hết ngày 1/8). Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Tây yêu cầu dân không ra đường ban đêm.

Lý do đưa ra biện pháp mạnh, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, do một số người chưa tuân thủ tốt biện pháp phòng dịch, số lượng người ra đường vẫn còn đông, nhất là tại trung tâm các huyện, thị xã. Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh này đang nằm trong nhóm tuân thủ giãn cách xã hội kém nhất trong 19 tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 16.

Vì vậy, UBND Tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng các địa phương tập trung các biện pháp hạn chế tối việc sử dụng xe máy để chở người, trừ hoạt động công vụ, tuần tra kiểm soát và chở người bệnh đi cấp cứu. Người ra đường, nhất là người đi xe máy phải giải thích rõ lý do, nếu không phải thật sự cần thiết thì buộc quay về nhà. Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, Tỉnh cũng dừng các hoạt động xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ (kể cả san lấp mặt bằng các công trình); thu tiền trực tiếp tại hộ gia đình (điện, nước, cước viễn thông, thu gom rác); tập thể dục tại khu vực công cộng và ngoài đường...

Chính quyền cấp xã sẽ có hình thức siết chặt người dân ra đường như cấp phát thẻ mua hàng hóa, nhu yếu phẩm... Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm nếu buông lỏng quản lý để người dân ra đường đông trong thời gian giãn cách xã hội.