Bản tin thời sự sáng 27/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 5 sân bay dừng khai thác do siêu bão Noru; dự kiến nâng giá trần mua ôtô công phục vụ công tác chung lên 950 triệu đồng/xe; Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chưa đồng tình mở rộng cao tốc Long Thành 8 làn xe; USD ngân hàng lên sát 23.900 đồng…

5 sân bay dừng khai thác do siêu bão Noru

Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, Pleiku, Phù Cát, Chu Lai sẽ tạm đóng cửa trong ngày 27 và 28/9 do ảnh hưởng bão, theo quyết định của Cảng vụ Hàng không miền Trung.

Máy bay đỗ tại sân bay Đà Nẵng

Máy bay đỗ tại sân bay Đà Nẵng

Sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm ngừng khai thác bay từ 7h sáng 27/9 đến 6h59' ngày 28/9. Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Bình Định), Pleiku (Gia Lai) sẽ tạm ngừng hoạt động bay từ 12h ngày 27/9 đến 11h59 ngày 28/9.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, các chuyến bay đi từ các sân bay Chu Lai, Huế, Đà Nẵng, Pleiku, Quy Nhơn sẽ tạm dừng khai thác vào thời điểm trên do sân bay đóng cửa. Các chuyến bay đến, đi từ các sân bay Vinh, Đồng Hới, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Tuy Hòa có thể phải điều chỉnh kế hoạch.

Ngoài ra, một số chuyến bay từ các sân bay khác cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền do lịch khai thác thay đổi.

Đại diện Vietjet Air cũng cho biết, các chuyến bay của hãng đến và đi từ các sân bay trên sẽ tạm ngừng theo chỉ đạo của nhà chức trách hàng không. Ngoài ra, các chuyến bay đến và đi các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng dự kiến điều chỉnh thời gian khai thác.

Dự kiến nâng giá trần mua ôtô công phục vụ công tác chung lên 950 triệu đồng/xe

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô nhằm thay thế Nghị định số 04/2019. Trong đó, một nội dung đáng chú ý đã được thảo luận lấy ý kiến là dự kiến nâng giá trần mua ôtô công phục vụ công tác chung lên 950 triệu đồng/xe.

Dự kiến nâng giá trần mua ôtô công phục vụ công tác chung lên 950 triệu đồng/xe. Ảnh minh họa

Dự kiến nâng giá trần mua ôtô công phục vụ công tác chung lên 950 triệu đồng/xe. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung 4 nội dung chính về tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô chức danh, về định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng và về phương thức bảo đảm phương tiện phục vụ công tác.

Trong các nội dung này, có một số điểm mới đáng chú ý, như sửa đổi danh mục xe ô tô phục vụ công tác chung và giá mua xe cho danh mục này. Cụ thể: xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng khác, phục vụ nhiệm vụ đặc thù, thực chất là xe ô tô từ 4 đến 16 chỗ thông thường, được quy định là xe chuyên dùng theo Nghị định số 04, trong dự thảo Nghị định sửa đổi được chuyển thành xe ô tô phục vụ công tác chung, để quy định cụ thể định mức, tối ưu hóa mục đích sử dụng và tần suất sử dụng xe ô tô (vừa sử dụng để đi họp, đi công tác, vừa sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù).

Bộ Tài chính cũng đánh giá, quy định về giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung đã được duy trì từ năm 2010 cho đến nay. Qua khảo sát giá mua mới xe ô tô của dòng xe được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung, dự thảo Nghị định quy định mức giá mua xe loại 1 cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe; xe từ 12-16 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1 tỷ 600 triệu đồng/xe. Trong trường hợp cần trang bị loại xe ô tô 7 - 8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1 tỷ 300 triệu đồng/xe.

Bộ GTVT chưa đồng tình mở rộng cao tốc Long Thành 8 làn xe

Bộ GTVT vừa đề nghị đơn vị chủ đầu tư nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo quy hoạch là 10 làn xe, thay vì 8 làn.

Đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được mở rộng

Đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được mở rộng

Quan điểm này được Bộ GTVT đưa ra sau khi có đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Theo Bộ GTVT, việc VEC đề xuất đầu tư với quy mô 8 làn xe với đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là chưa phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch là 10 làn xe).

Bên cạnh đó, ngoài 2 phương thức đầu tư dự án do VEC thực hiện, Bộ GTVT tải còn đề nghị bổ sung 3 phương án như đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP, theo phương thức nhượng quyền để so sánh ưu, nhược điểm của 5 phương án.

Bộ GTVT cũng đánh giá, phương án VEC đề xuất ngân sách nhà nước đóng góp 44% tổng mức đầu tư là không khả thi do Bộ không còn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bố trí cho Dự án. Do đó, Bộ GTVT đề nghị VEC cập nhật thông tin để đề xuất phương án có tính khả thi hơn.

Đầu tháng 9, VEC đã kiến nghị Bộ GTVT phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ Km4+000 đến Km25+920 với chiều dài khoảng 21 km.

Theo đó, từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+000 -Km8+770) dự kiến mở rộng 8 làn xe và phân kỳ đầu tư kết cấu công trình cầu (móng, mố, trụ với 10 làn xe).

Đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 đến Km25+920) được phân kỳ làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 8 làn xe và giai đoạn 2 sẽ mở rộng 10 làn xe theo quy hoạch.

Tổng mức đầu tư mở rộng 21 km cao tốc TP.HCM - Long Thành dự kiến là 13.882 tỷ đồng.

USD ngân hàng lên sát 23.900 đồng

Giá USD tại các ngân hàng chiều 26/9 tạo kỷ lục mới, lên gần 23.900 đồng, trên thị trường chợ đen cũng chung xu hướng đi lên.

Giá USD tại các ngân hàng chiều 26/9 tạo kỷ lục mới, lên gần 23.900 đồng

Giá USD tại các ngân hàng chiều 26/9 tạo kỷ lục mới, lên gần 23.900 đồng

Chiều 26/9, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh giá mua bán USD, với mức tăng phổ biến 15 - 25 đồng mỗi USD.

Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND lên mức 23.590 - 23.870 đồng, tăng 25 đồng so với cuối tuần trước. Chỉ tính trong hai tuần, giá USD tại nhà băng này đã tăng gần 0,85%. Còn nếu so với đầu năm, giá USD tại Vietcombank tăng hơn 4,1%.

Giá USD tại BIDV cũng tăng 15 đồng lên 23.585 - 23.865 đồng. ACB công bố giá USD lên 23.570 - 23.900 đồng. Còn tại Sacombank - nhà băng vốn có mức giá cao hơn so với mặt bằng chung - chiều 26/9 mua vào giá 23.583 đồng, bán ra 23.978 đồng.

Ngân hàng Nhà nước hiện niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.334 đồng, tăng 10 đồng so với cuối tuần trước và đã tăng hơn 0,8% nếu so với đầu năm. Với biên độ 3%, các nhà băng được giao dịch USD với giá sàn 22.633 đồng và giá trần 24.034 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD sáng 26/9 cũng tăng hơn 150 đồng sau nhiều ngày đi ngang. Điểm thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM yết giá 24.170 - 24.270 đồng. Còn tại Hà Nội, mức giá giao dịch quanh 24.200 - 24.250 đồng, tăng 170 đồng so với ngày hôm trước.

Vốn FDI đăng ký mới 9 tháng vẫn giảm

Xu hướng giảm trong đăng ký mới và tăng trong điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại tiếp tục được ghi nhận trong báo cáo thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng…

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD

Số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 3 điểm phần trăm so với 8 tháng.

Trong đó, có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 11,8% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt 7,12 tỷ USD (giảm 43% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, có 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD (tăng 29,9% so với cùng kỳ); 2.697 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 4,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 3,28 tỷ USD (tăng 1,9% so với cùng kỳ).

Trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký…

Cũng trong 9 tháng, đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,75 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,8 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư, giảm 2,38% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,9 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư.

Tính lũy kế đến ngày 20/9/2022, cả nước có 35.725 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 431,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 267 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt cáp ngầm

Cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đứt khi thi công cống thoát nước khiến nhịp chính công trình bị võng xuống, kèm nhiều vết nứt.

Xe chạy dưới gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh

Xe chạy dưới gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh

Sự cố vừa được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) phát hiện khi khảo sát công trình trên. Cáp dự ứng lực là những bó dây trợ lực, hỗ trợ kết nối các khối bêtông với nhau, sử dụng nhiều trong các công trình xây dựng, giúp giảm tác động từ bên ngoài.

Kết cấu nhịp chính của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có 4 bó cáp dự ứng lực đặt ngầm ở độ sâu 1,8 - 1,9 m. Trong phạm vi này còn có hệ thống thoát nước ở Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh cắt ngang. Khi đào thăm dò, cơ quan chức năng phát hiện bó cáp dự ứng lực của cầu bị đứt tại nơi giao cắt với cống hộp của hệ thống thoát nước. Đường cống này hoàn thành vào tháng 3 năm ngoái.

Để bảo đảm an toàn, Sở GTVT TP.HCM cấm xe tải và ô tô trên 16 chỗ qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để chờ khắc phục sự cố. Lộ trình thay thế: đường Điện Biên Phủ - quay đầu tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương - Điện Biên Phủ - đường dân sinh bên hông cầu vượt - Nguyễn Hữu Cảnh.

Theo Sở GTVT, cầu vượt này được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP) để làm Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh từ tháng 10/2020, hiện chưa bàn giao lại. Vì vậy, TCIP phải chịu trách nhiệm và cần nhanh chóng kiểm tra, báo cáo sự cố cũng như lập phương án đảm bảo an toàn công trình, tránh nguy cơ hư hỏng nghiêm trọng...

Hà Nội chi 560 tỷ đồng làm hầm chui đường Giải Phóng

Hầm chui nút giao Vành đai 2,5 đoạn Kim Đồng - Giải Phóng được đầu tư hơn 560 tỷ đồng, dự kiến khởi công ngày 10/10.

Phối cảnh hầm chui nút giao Vành đai 2,5

Phối cảnh hầm chui nút giao Vành đai 2,5

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội tuần qua đã lựa chọn nhà thầu xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 giao cắt với đường Giải Phóng (quốc lộ 1A cũ). Hầm có điểm đầu kết nối với Dự án đường Đầm Hồng - Quốc lộ 1A, cách điểm giao cắt với Quốc lộ 1A khoảng 460 m; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng, thuộc quận Hoàng Mai.

Hầm có 4 làn xe, chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890 m theo hướng vành đai 2,5. Trong đó, hầm kín dài 140 m, hầm hở là 320 m, đường dẫn dài 430 m được đầu tư theo quy mô Dự án Vành đai 2,5 đang triển khai. Hầm được thiết kế đạt tốc độ 60 km/h, các nhánh rẽ phải có quy mô 2 làn xe, tốc độ thiết kế 40 km/h.

Vốn đầu tư cho Dự án từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội. Đơn vị trúng thầu dự án là Liên danh Công ty CP tập đoàn Cienco 4 - Công ty Đầu tư và Xây dựng công trình 3; thời gian thực hiện trong 2,5 năm.