Bản tin thời sự sáng 28/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM thử tải cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trước khi cho ô tô chạy; hơn 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được cấp; công nhân PouYuen bị thu 10% trợ cấp thôi việc; đề xuất thanh tra dự án mở rộng đường vào cảng Cát Lái; Lâm Đồng không chấp thuận lập dự án thủy điện tích năng ở hồ Tuyền Lâm…

TP.HCM thử tải cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trước khi cho ô tô chạy

6 ôtô tổng tải trọng 180 tấn được đưa lên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, để kiểm tra chất lượng công trình sau sự cố đứt cáp ngầm, sáng 27/2.

6 ô tô tổng tải trọng 180 tấn xếp hàng trên cầu vượt để kiểm tra tải trọng cầu

6 ô tô tổng tải trọng 180 tấn xếp hàng trên cầu vượt để kiểm tra tải trọng cầu

Việc thử tải được thực hiện từ 1h30 đến 3h, với tổng tải trọng lớn nhất sau khi các bó cáp ngầm phía dưới đã được thay mới và gia cố. Đây là công đoạn cuối cùng nhằm đảm bảo an toàn trước khi cho ô tô chạy qua cầu trở lại vào cuối tháng 2/2023.

Theo đó, 6 ô tô, mỗi xe 30 tấn, được đơn vị kiểm định chuyển đến nhiều vị trí trên cầu và tiến hành đo đạc, xác định các thông số rung chấn, độ đàn hồi... của công trình. Việc kiểm tra tập trung vào các vị trí trọng yếu, dễ bị võng như đoạn nằm giữa các trụ cầu để đảm bảo khả năng chịu tải lớn nhất cùng một thời điểm. Kết quả sẽ được báo cáo các cơ quan quản lý để kiểm tra lại, trước khi cho cầu khai thác bình thường.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị phát hiện đứt cáp ngầm 5 tháng trước, khiến mặt cầu võng, kèm nhiều vết nứt. Nơi các bó cáp bị đứt giao cống hộp của hệ thống thoát nước thuộc Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh cắt ngang, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư, đã hoàn thành từ năm 2021.

Từ cuối tháng 9 năm ngoái, toàn bộ xe bị cấm qua cầu để đảm bảo an toàn trong lúc chờ kiểm tra, sửa chữa. Thành phố cũng đã lập tổ công tác đánh giá nguyên nhân, tìm giải pháp, đồng thời thuê đơn vị kiểm định độc lập để giám định chất lượng công trình.

Nằm trên trục giao thông chính kết nối khu đông vào trung tâm TP.HCM, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 600 m, rộng gần 13 m, đưa vào khai thác cách đây 20 năm. Công trình từng bị hư hỏng nặng năm 2017, được sửa với kinh phí hơn 12 tỷ đồng.

Hơn 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được cấp

Đến ngày 23/2, có hơn 178 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia, hơn 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử đã được cấp cho công dân…

Tính đến 23/2, đã có hơn 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử đã được cấp

Tính đến 23/2, đã có hơn 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử đã được cấp

Báo cáo về Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông... đã tích hợp VNeID trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ.

Tính đến ngày 23/2 đã thu nhận hơn 21 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó phê duyệt hơn 20 triệu hồ sơ; có khoảng 4,5 triệu tài khoản kích hoạt, tiếp tục phát triển các tiện ích trên VNeID theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đã có 128.855 lượt khai báo thông tin lưu trú từ 29.110 công dân; có 803 tin phản ánh về an ninh, trật tự từ 501 công dân qua VNeID).

Đồng thời đã cấp hơn 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân...; nền tảng căn cước công dân gắn chip đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật…

Từ việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, đã triển khai, kết nối, chia sẻ với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 60 địa phương…

Công nhân PouYuen bị thu 10% trợ cấp thôi việc

Tổng số tiền PouYuen hỗ trợ công nhân chấm dứt hợp đồng đợt này là khoảng 275 tỷ đồng. Với từng trường hợp, khoản trợ cấp vượt mức quy định sẽ bị tính thuế thu nhập cá nhân 10%.

Công nhân PouYuen bị thu 10% trợ cấp thôi việc

Công nhân PouYuen bị thu 10% trợ cấp thôi việc

Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) - doanh nghiệp có nhiều lao động nhất cả nước - đã chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người do khó khăn về đơn hàng. Mỗi người lao động được hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc.

Như vậy, số tiền trợ cấp thấp nhất khoảng 12 triệu đồng và cao nhất lên đến 379 triệu đồng. Tổng số tiền Công ty hỗ trợ cho nhóm công nhân phải chấm dứt hợp đồng đợt này khoảng 275 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện Pouyuen cho biết, số tiền trợ cấp này vẫn bị tính thuế thu nhập cá nhân. Trước đó, năm 2020, khi cắt giảm hàng nghìn lao động, Công ty từng có văn bản hỏi Cục thuế TP.HCM thì được biết đây là quy định bắt buộc.

Thực tế, đại diện Cục thuế TP.HCM cho biết, việc tính tiền trợ cấp trong đợt cắt giảm lần này ở Pouyuen vẫn thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Theo đó, khoản trợ cấp thôi việc chi trả theo Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên, Pouyuen đã trả một khoản ngoài quy định nên phải tính vào phần thu nhập chịu thuế. Cụ thể, nếu khoản trợ cấp từ 2 triệu đồng trở lên thì bị khấu trừ 10%.

Từ nay đến hết tháng 3, hơn 2.300 công nhân không phải đến nhà máy làm việc nhưng vẫn được trả lương và đóng các khoản bảo hiểm xã hội đầy đủ. Dự kiến ngày 8/3, Pouyuen sẽ trả lương tháng 2. Đến ngày 7/4, những người này sẽ được trả lương tháng 3 và tiền hỗ trợ thôi việc.

Đề xuất thanh tra dự án mở rộng đường vào cảng Cát Lái

Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị thanh tra và xử lý trách nhiệm các bên liên quan khiến Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống - cửa ngõ cảng Cát Lái chậm tiến độ.

Công trường Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống

Công trường Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống

Đề xuất vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM, sau khi kiểm tra công trình vẫn bất động dù đã nhiều lần được gia hạn. Lần gần nhất, chính quyền Thành phố yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) phối hợp các bên giải quyết vướng mắc để thi công trở lại trước ngày 15/2, nhưng hiện chưa tiến triển.

Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống dài gần 3 km, từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy, TP. Thủ Đức. Công trình được khởi công tháng 2/2020 với tổng vốn khoảng 42 tỷ đồng, nhằm giảm kẹt xe ở khu vực cảng Cát Lái.

Việc thi công được đánh giá thuận lợi do triển khai trên dải đất trống giữa tuyến, vốn là phần diện tích dự trữ trước đây nên không phải giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay công trình đã chậm tiến độ hơn hai năm so với kế hoạch. Nhà thầu đã dừng thi công từ 8 tháng trước.

Theo Chủ đầu tư, công trình chậm trễ do gặp một số khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai như xử lý nền đất yếu, cần thêm giải pháp kỹ thuật khiến khối lượng thi công tăng, trong khi đơn giá thanh toán phần phát sinh bị vướng mắc nên Dự án chưa thể hoàn thành như kế hoạch.

Lâm Đồng không chấp thuận lập dự án thủy điện tích năng ở hồ Tuyền Lâm

Để bảo tồn hồ nước nên thơ, những rừng thông xanh ngút ngàn và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh của Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, UBND tỉnh Lâm Đồng không chấp thuận cho làm thủy điện tích năng tại đây.

Hồ Tuyền Lâm là di tích thắng cảnh quốc gia

Hồ Tuyền Lâm là di tích thắng cảnh quốc gia

Ngày 27/2, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Tổng công ty Cơ điện Xây dựng (Agrimeco) với nội dung không chấp thuận vị trí khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch Dự án thủy điện tích năng Tuyền Lâm.

Nguyên nhân, hồ Tuyền Lâm được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích thắng cảnh vào năm 1998 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch quốc gia vào năm 2017.

Tuyền Lâm là hồ lớn nhất ở Đà Lạt với diện tích khoảng 320 ha, cách trung tâm Thành phố khoảng 7 km và cách thác Đatanla 2 km. Hồ nằm gần núi Phụng Hoàng với nhiều cảnh quan đẹp, dịch vụ du lịch phong phú.

Hồ Tuyền Lâm và thác Đatanla là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp, phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, coi trọng bảo tồn và tôn tạo các yếu tố tự nhiên, bảo vệ tài nguyên nước và môi trường rừng bảo vệ đa dạng sinh học.

Nơi đây cần được đảm bảo hài hòa giữa đầu tư phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường tự nhiên; hạn chế tối đa việc phá vỡ địa hình, cảnh quan tại từng khu vực. Ngoài ra, không có nội dung quy hoạch dự án thủy điện, thủy điện tích năng tại các danh thắng này.

UBND Tỉnh cho rằng, việc lập quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng dự án thủy điện sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu, chức năng chính của khu di tích thắng cảnh, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.

Trước đó, Agrimeco đề xuất khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ quy hoạch dự án thủy điện tích năng tại hồ Tuyền Lâm với diện tích đất hơn 66 ha, công suất 300 MW trên địa bàn TP. Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương.

Du thuyền hiện đại bậc nhất thế giới chở gần 3.800 khách quốc tế đến Việt Nam

Du thuyền Spectrum of the Seas chở gần 3.800 khách quốc tế cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu trong hành trình Đông Nam Á.

Du thuyền Spectrum of the Seas neo tại cảng Tân Cảng - Cái Mép

Du thuyền Spectrum of the Seas neo tại cảng Tân Cảng - Cái Mép

Spectrum of the Seas vào cảng Tân Cảng - Cái Mép chở theo đoàn khách đến từ Mỹ, Anh, Australia và một số quốc gia khác, cùng 1.577 thủy thủ đoàn. Du thuyền đi theo hải trình Singapore - Việt Nam trong 2 ngày.

Phần lớn du khách tham gia tour ở TP.HCM, Củ Chi, Mỹ Tho, một số ít đến Vũng Tàu trải nghiệm các làng nghề, thăm địa điểm tâm linh, di tích lịch sử.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, số lượng tàu và du khách đến địa phương chưa bằng so với thời điểm trước Covid-19. Tuy nhiên, 7 tàu hạng sang cập cảng trong hai tháng là tín hiệu mừng và hy vọng du lịch tàu biển sẽ phục hồi mạnh vào năm 2024.

Bà Rịa - Vũng Tàu đón hơn 120 chuyến tàu khách mỗi năm. Spectrum of the Seas là du thuyền hiện đại nhất, chở lượng khách đông nhất cập cảng, từ đầu năm đến nay.

Netflix sẽ bị chặn nếu không có pháp nhân tại Việt Nam

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, iQiYi sẽ bị chặn và xử phạt nếu không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam.

Một số dịch vụ truyền hình trả phí phổ biến tại Việt Nam

Một số dịch vụ truyền hình trả phí phổ biến tại Việt Nam

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet (OTT) xuyên biên giới. Trong đó có hai dịch vụ từ Mỹ và ba dịch vụ từ Trung Quốc.

Theo chính sách mới trong Nghị định 71 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, từ 1/1, các đơn vị truyền hình trả phí tại Việt Nam phải có pháp nhân đại diện trong nước, chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông để chặn truy cập.

Theo đại diện Bộ, việc siết chặt hoạt động quản lý nhằm đảm bảo công bằng trên thị trường dịch vụ truyền hình trả phí với doanh nghiệp trong nước.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu từ truyền hình OTT tại Việt Nam năm 2022 đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 27,2% so với 2017. Số thuê bao OTT đạt 5,5 triệu đơn vị, tăng 26,2% so với cách đây 5 năm. Việt Nam đang có tổng cộng 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có các dịch vụ xuyên biên giới như Netflix (Mỹ), iFlix (Malaysia), WeTV, iQiYi (Trung Quốc). Tuần trước, theo Reuters, Netflix sẽ sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, dự kiến khai trương vào cuối 2023.

Tin cùng chuyên mục