Vietnam Airlines kiến nghị gỡ bỏ hạn chế cấp phép bay đến Hàn Quốc
Các hãng hàng không Hàn Quốc bay hàng chục chuyến đến nước ta nhưng ở chiều ngược lại, hàng không Việt đang gặp nhiều khó khăn từ chính sách cấp phép bay của nước bạn.
Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. |
Vietnam Airlines đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam có thư, Công hàm chính thức và hỗ trợ đàm phán với Nhà chức trách Hàn Quốc để gỡ bỏ các chính sách hạn chế cấp phép bay chở khách vào Hàn Quốc cho các hãng hàng không Việt Nam.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, hiện hãng này đang khai thác đường bay Hà Nội - Seoul với tần suất 4 chuyến/tuần và TP.HCM - Seoul với tần suất 3 chuyến/tuần.
Đối với việc chở khách từ Hàn Quốc vào Việt Nam, do Chính phủ Việt Nam đã mở cửa toàn bộ từ ngày 15/2/2022, các hãng hàng không của Việt Nam và Hàn Quốc đều không còn gặp bất kỳ hạn chế nào về việc xin phép bay khai thác.
Tuy nhiên, đối với chiều chở khách từ Việt Nam sang Hàn Quốc, các hãng hàng không Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn.
Cụ thể, phía Hàn Quốc hiện chỉ cấp phép thường lệ cho Vietnam Airlines chở khách từ Việt Nam sang Hàn Quốc với tần suất 2 chuyến/tuần. Các chuyến bay còn lại của Vietnam Airlines được cấp dưới dạng phép bay thuê chuyến (có giới hạn đối tượng nhập cảnh là khách Quốc tịch Hàn Quốc) và thường được cấp phép trước ngày khai thác chỉ từ 2 - 3 ngày hoặc không cấp phép nên Vietnam Airlines thường xuyên phải giải tỏa khách sát ngày khi không được chở khách từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Trong khi đó, các hãng hàng không Korean Air (KE) và Asiana (OZ) của Hàn Quốc lại được Việt Nam cấp phép lên tới hơn 20 chuyến bay/tuần.
Để tạo sự bình đẳng giữa các hãng hàng không Việt Nam và Hàn Quốc, phục vụ tốt nhất nhu cầu của hành khách, Vietnam Airlines đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam có thư, Công hàm chính thức và hỗ trợ đàm phán với Nhà chức trách Hàn Quốc để gỡ bỏ các chính sách hạn chế cấp phép bay chở khách vào Hàn Quốc cho các hãng hàng không Việt Nam hiện nay.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trễ hẹn năm thứ tư
Hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, nhưng dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tiếp tục dang dở, chậm trễ 4 năm so với kế hoạch.
Công trường thi công cống Tân Thuận - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án |
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đường Trần Xuân Soạn cùng các tuyến Lê Văn Lương, Quốc lộ 50 là ba trong tổng 4 tuyến đường trục chính ở Thành phố bị ngập do triều cường chưa được giải quyết. Tình trạng ngập ở các tuyến này chỉ được xử lý căn cơ khi giai đoạn một của dự án ngăn triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu hoàn thành.
Dự án ngăn triều nói trên do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình đi qua Quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40 - 160 m, gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, dài 7,8 km.
Khởi công giữa năm 2016, công trình dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018 giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, sau lần tạm dừng hồi tháng 2/2018, cuối năm 2020 Dự án tiếp tục ngưng do UBND Thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6/2020).
Vướng mắc chính của Dự án liên quan phương án thanh toán cho Nhà đầu tư. Dù chưa có quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, nhưng việc UBND TP.HCM ký hợp đồng BT với Nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí Dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, sau một năm được Chính phủ gỡ vướng, các công việc đến nay chưa tiến triển do phụ lục hợp đồng BT chưa được ký. Hiện, toàn dự án đạt hơn 90% khối lượng, các cống ngăn triều đạt 90 - 95%... nhưng những khó khăn trên khiến ngân hàng không có cơ sở gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho Dự án.
Quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm ở 4 quận nội thành cũ Hà Nội
Theo quy hoạch, các bãi đỗ xe công cộng ngầm được bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng là khoảng 104 ha.
Quy hoạch của Hà Nội cho phép bổ sung các bãi đỗ xe ngầm dưới các khu vực vườn hoa, công viên, quảng trường và các công trình công cộng |
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm ở 20 quận, huyện với tổng diện tích 756 km2, độ sâu tối đa 30 m.
Khu vực nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 20 quận, huyện là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì và Thường Tín.
Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.
Hà Nội xác định các hạng mục xây ngầm gồm hai nhóm là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện lực; và công trình công cộng ngầm như trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí, kho tàng, bãi đỗ xe...
Trong đó, đối với các khu vực nội đô lịch sử, quy hoạch nhấn mạnh việc tận dụng tối đa các bãi đỗ xe đã có để xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nhiều tầng, khuyến khích sân đỗ xe kiểu cơ giới hóa để tiết kiệm quỹ đất.
Quy hoạch cũng cho phép bổ sung các bãi đỗ xe ngầm dưới các khu vực vườn hoa, công viên, quảng trường và các công trình công cộng.
Theo quy hoạch, các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 104 ha, công trình xây dựng từ 3 - 4 tầng hầm (tối đa đến 5 tầng hầm đỗ xe và cho phép bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ)…
Dự án du lịch ở Bình Thuận bị phạt gần 600 triệu đồng
Chủ đầu tư Safari Rừng dầu Hồng Liêm phải nộp phạt 575 triệu đồng do bị cáo buộc sử dụng đất không đúng mục đích, Dự án chưa báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Dự án Rừng dầu Hồng Liêm tại huyện Hàm Thuận Bắc |
Quyết định xử phạt hành chính Công ty CP Rạng Đông (TP. Phan Thiết) - chủ đầu tư Dự án Rừng dầu Hồng Liêm quy mô hơn 3.200 ha tại huyện Hàm Thuận Bắc vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện. Đây là một trong 9 dự án ở địa phương bị Cơ quan điều tra Bộ Công an xác minh, điều tra, giải quyết nguồn tin báo tố giác tội phạm.
Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí này quá trình triển khai đã chuyển mục đích sử dụng nhiều diện tích đất trồng cây hàng năm, lâu năm (từ 0,1 ha đến dưới một ha) khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép.
Ngoài ra, Chủ đầu tư không có báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện Dự án đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Ngoài tiền phạt, Dự án còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng, phải khôi phục tình trạng ban đầu của khu đất. Thời gian để chủ cơ sở khắc phục hậu quả là 60 ngày.
Dự án Rừng dầu Hồng Liêm (bảo vệ, nuôi, trồng và phát triển thực vật rừng dầu, một số động vật quý hiếm và thông thường) tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt năm 2008; thời gian thực hiện đến năm 2030.
Hàng container nhập khẩu qua cảng biển tăng 12% trong tháng Ba
Trong tháng 3, lượng hàng hóa qua cảng biển ước đạt hơn 67,3 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; hàng container ước đạt hơn 2,3 triệu TEUs tăng 6%.
Trong tháng 3, lượng hàng hóa qua cảng biển ước đạt hơn 67,3 triệu tấn |
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam vừa cho biết, 3 tháng đầu năm nay, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt gần 180 triệu tấn, trong đó hàng container ước đạt hơn 6,2 triệu TEUs tăng 6% so với cùng kỳ.
Riêng tháng 3, lượng hàng hóa qua cảng biển ước đạt hơn 67,3 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng container ước đạt hơn 2,3 triệu TEUs tăng 6%. Trong đó, hàng container nhập khẩu có đà tăng mạnh với mức tăng trưởng 12%, đạt 826.000 TEUs; hàng xuất khẩu tăng 7%, đạt 757.000 TEUs.
Đánh giá tổng quan về tình hình hàng hóa tại các khu vực cảng biển trên cả nước, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Hoàng Hồng Giang cho biết một số khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao như khu vực Quảng Ninh tăng 48% (từ 14,6 triệu tấn lên 21,7 triệu tấn), khu vực Quảng Trị tăng 38% (từ 175.000 tấn lên 241.000 tấn), khu vực Nghệ An tăng 14% (từ 1,67 triệu tấn lên 1,9 triệu tấn).
Tuy nhiên, nhiều khu vực cảng biển lại có khối lượng hàng hóa thông qua giảm như khu vực Bình Thuận giảm 38%, khu vực Cần Thơ giảm 24%, khu vực Đồng Tháp giảm 28%.
Khu vực cảng biển lớn như TP.HCM và Vũng Tàu cũng ghi nhận mức giảm nhẹ lần lượt là 5% (giảm 1,2 triệu tấn) và 2% (giảm 396.000 tấn)...
Nhiều vi phạm trong phát triển điện mặt trời mái nhà
Loạt công ty điện lực phía Nam, khu vực Tây Nguyên vi phạm trong đấu nối, nghiệm thu hệ thống điện mặt trời mái nhà, theo kiểm tra của Bộ Công Thương.
Một dự án điện mặt trời mái nhà theo hình thức trang trại |
Việc kiểm tra này được tiến hành tại các công ty điện lực phía Nam (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận) và khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk) thuộc các tổng công ty điện lực.
Phần lớn các vi phạm là các công ty điện lực địa phương vẫn đấu nối cho khách hàng sau thời điểm 31/12/2020 - thời hạn chót để nhà đầu tư có thể hưởng giá FIT ưu đãi 8,38 cent (1.943 đồng) một kWh, trong 20 năm. Một số công ty điện lực còn ký hợp đồng mua bán điện vượt công suất trong thoả thuận đấu nối,...
Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã ký hợp đồng mua bán điện vượt công suất trong thoả thuận đấu nối, trái quy định với hệ thống điện mặt trời mái nhà của 3 chủ đầu tư là Công ty TNHH Quang Trung, Xuân Phú Đông và Cao Capital.
Còn Công ty Điện lực Bình Dương sai phạm khi thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán vượt công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện và sai lệch với biên bản nghiệm thu.
Tại các công ty điện lực khác như Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận... cũng xảy ra các vi phạm tương tự.
Ngoài ra, tại các công ty điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương còn phát hiện vi phạm "chưa quá tải nhưng đã thông báo quá tải, hay chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 và hợp đồng mua bán điện được ký trái quy định.
Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái các trang trại nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt...) đã vận hành thương mại trước 1/1/2021 nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đất đai của các trang trại này không đầy đủ...