Bản tin thời sự sáng 28/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất hỗ trợ ngư dân tàu cá nằm bờ 6 tháng lương tối thiểu; Bộ Công an muốn cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em; phạt gần 2.700 xe quá tải, cơi nới trong một tuần; chiều 27/6, Thủy điện Hòa Bình đóng bớt 1 cửa xả đáy…

Đề xuất hỗ trợ ngư dân tàu cá nằm bờ 6 tháng lương tối thiểu

Trong công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đề nghị 2 bộ này báo cáo Chính phủ để có chính sách hỗ trợ cho lao động làm việc trên tàu cá đang phải nằm bờ, ngừng đánh bắt vì giá xăng dầu tăng.

Tàu thuyền neo đậu tại chân cầu Mân Quang, quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng)

Tàu thuyền neo đậu tại chân cầu Mân Quang, quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng)

Mức lương tối thiểu hiện áp dụng cho 4 vùng dao động 3,07 - 4,42 triệu đồng. Nếu đề xuất được thông qua, mỗi thuyền viên tàu cá sẽ được hỗ trợ 18,42 - 26,52 triệu đồng, tùy thuộc vào địa bàn đang áp dụng lương tối thiểu.

Đề xuất đưa ra trong bối cảnh khoảng 50% tàu cá tại các địa phương phải ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng cao. Theo Bộ NN&PTNN, nhiên liệu chiếm 45 - 60% chi phí đầu vào của tàu cá. Mỗi tháng, bình quân khai thác thủy sản tiêu thụ khoảng 330 triệu lít dầu, trong khi loại nhiên liệu chính là dầu diesel đã tăng giá hơn 1,7 lần so với cuối năm 2021, đắt hơn 12.440 đồng.

Giá nhiên liệu tăng đẩy giá các mặt hàng khác phục vụ khai thác thủy sản tăng theo 10 - 15%. Kết quả là chi phí đầu vào khai thác thủy sản đội lên 35 - 48%, trong khi giá bán lại tăng không đáng kể.

Một nửa tàu cá ngừng hoạt động khiến thu nhập, đời sống ngư dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Bộ NN&PTNN nhận định, chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản trong nước, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng theo. Tàu cá không thường xuyên hiện diện trên vùng biển còn ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 91.700 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, trong đó tàu cá khai thác ven bờ hơn 42.600 chiếc; tàu cá hoạt động xa bờ gần 30.400 chiếc. Lao động chủ yếu làm nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê, câu; nghề chụp, lồng bẫy và dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản.

Bộ Công an muốn cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em

Bộ Công an đang đề xuất bổ sung quy định cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, người không quốc tịch, không có nơi thường trú,...

Căn cước công dân gắn chíp được tích hợp nhiều dữ liệu

Căn cước công dân gắn chíp được tích hợp nhiều dữ liệu

Thông tin được nêu trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an ban hành, đang lấy ý kiến trong một tháng.

Theo Bộ Công an, hiện chỉ người đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp thẻ căn cước công dân và phải đổi khi tròn 25, 40 và 60 tuổi. Để đảm bảo đủ các quyền lợi chính đáng, Bộ đề xuất bổ sung quy định để cấp cho cả trẻ em dưới 14 tuổi; cấp cho người không có nơi thường trú hoặc thiếu các thông tin cá nhân như ngày tháng sinh, quê quán...

Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quy định, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định ở Việt Nam.

Trước việc công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe..., Bộ Công an cho rằng, việc này gây khó khi cất giữ, sử dụng trong các thủ tục hành chính và cũng không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.

Hiện, dữ liệu của công dân chỉ thu thập các nhóm thông tin về nhân thân như họ, tên, ngày tháng năm sinh. Điều này bị đánh giá là chưa hoàn thiện để phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử.

Phạt gần 2.700 xe quá tải, cơi nới trong một tuần

Từ ngày 20/6 đến nay, cảnh sát giao thông cả nước đã xử phạt gần 2.700 trường hợp cơi nới thùng xe, chở quá tải trọng, phạt tiền gần 12 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng cưa thùng xe

Lực lượng chức năng cưa thùng xe

Chiều 27/6, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong số vi phạm trên có 530 xe phải hạ tải, 290 xe bị cưỡng chế cắt thùng và 45 xe bị thông báo cho cơ quan đăng kiểm đề nghị kiểm định lại.

Trả lời về biện pháp cắt thùng xe, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, việc này thực hiện theo Điều 29 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Theo đó, ngoài phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Nếu không cương quyết cưa thùng thì không biết đến bao giờ chủ xe mới thực hiện nghĩa vụ của người vi phạm, hoặc có thể tìm cách lách luật như thuê thùng hợp quy chuẩn đi đăng kiểm sau đó lại lắp thùng cơi nới vào chạy. Nếu phạt cho tồn tại thì các xe quá tải tiếp tục chạy gây hư hại đường sá, nguy hiểm cho người khác.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, việc cưa thùng hiện này thực chất chỉ là phần ngọn của vấn đề, vì theo quy định, lực lượng thanh tra giao thông có trách nhiệm ngăn chặn vi phạm ngay từ điểm đầu là các bãi bốc dỡ. Nếu thanh tra giao thông làm chặt thì sẽ không có xe quá tải, cơi nới ra đường đồng nghĩa với cảnh sát giao thông không phải đối mặt với nguy hiểm khi xử lý vi phạm.

Chiều 27/6, Thủy điện Hòa Bình đóng bớt 1 cửa xả đáy

Từ 15h ngày 27/6/2022, Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy.

Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy từ 15 giờ ngày 27/6/2022.

Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy từ 15 giờ ngày 27/6/2022.

Sáng 27/6/2022, Phó Trưởng Ban - Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đã ký công điện gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đề nghị đóng 1 cửa xả đáy từ 15h ngày 27/6/2022.

Công điện nêu rõ, hồi 7h ngày 27/6/2022, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 106,11m, lưu lượng đến hồ 3.508m3/s, tổng lưu lượng xả 5.588m3/s (gồm lưu lượng qua 2 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện).

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và thực tế lưu lượng về hồ hiện nay, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào hồi 15h ngày 27/6/2022.

Quảng Nam chi 210 tỷ đồng xây bờ kè Cửa Đại

Tỉnh Quảng Nam đầu tư 210 tỷ đồng xây kè chống xói lở bờ biển Cửa Đại, đoạn 550 m từ phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, TP. Hội An.

Bờ biển Cửa Đại sạt lở

Bờ biển Cửa Đại sạt lở

Quyết định đầu tư được HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Nguồn vốn xây kè từ ngân sách Trung ương, thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm 2022 - 2023, dự án gồm xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng cách bờ 250 - 300 m; san lấp tạo bãi cát dài khoảng 1.450 m. Mục tiêu là phòng chống xói lở, tái tạo bãi biển, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Dài 7,5 km, bờ biển Cửa Đại từ năm 2000 đến nay liên tục bị xói lở. Năm 2010, Quảng Nam đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng bờ kè Cửa Đại bằng bê tông cốt thép mái nghiêng, dài 851 m. Đến năm 2014, Tỉnh triển khai dự án kè mềm bằng túi địa kỹ thuật dài 415 m, tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng; năm 2015, dự án kè mềm bằng túi vải geotube dài hơn một km được đầu tư trên 54 tỷ đồng.

Năm 2020, Quảng Nam xây 220 m đê ngầm phá sóng từ xa tại biển Cửa Đại chạy song song cách bờ 250 m, vật liệu chủ yếu là đá hộc, bê tông... Khi hoàn thành, chủ đầu tư lấy cát từ việc nạo vét luồng Cửa Đại đổ vào nuôi bãi.