Bản tin thời sự sáng 28/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đầu tư hơn 600 tỷ đồng xây hai trạm dừng trên cao tốc Cam Lâm - Phan Thiết; biệt thự của vua Bảo Đại ở Nha Trang được xếp hạng di tích; phê duyệt khu tái định cư 643 tỷ đồng phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…

Đầu tư hơn 600 tỷ đồng xây hai trạm dừng trên cao tốc Cam Lâm - Phan Thiết

Bộ Giao thông vận tải chọn được nhà đầu tư xây hai trạm dừng nghỉ trên trục cao tốc dài gần 180 km, từ Cam Lâm đến Phan Thiết, tổng mức đầu tư hơn 613 tỷ đồng.

Trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được xây dựng trong lúc chờ dự án

Trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được xây dựng trong lúc chờ dự án

Ngày 27/6, Cục Đường cao tốc (Bộ Giao thông vận tải) phê duyệt kết quả chọn nhà đầu tư xây dựng, vận hành trạm dừng nghỉ ở hai dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Đây là hai dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, đã đưa vào khai thác hơn một năm qua.

Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty CP Xe khách Phương Trang - Công ty TNHH Thành Hiệp Phát. Trạm dừng trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng và tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết hơn 313 tỷ đồng, tính cả chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng.

Mỗi trạm dừng rộng khoảng 10 ha (mỗi bên đường rộng 5 ha). Các hạng mục xây dựng gồm dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, khu vệ sinh, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông. Ngoài ra, trạm dừng còn có các công trình thương mại như nhà hàng, trạm xăng, trạm dịch vụ sửa chữa...

Hai dự án sẽ thực hiện trong 15 tháng, sau đó nhà đầu tư được quyền khai thác trạm dừng nghỉ trong 25 năm. Để đẩy nhanh xây dựng trạm dừng, Cục Đường cao tốc giao các ban quản lý dự án trong vai trò là bên mời thầu đàm phán với nhà đầu tư rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đi qua ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nối với cao tốc này, tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài gần 101 km, nằm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng từ ngân sách.

Biệt thự của vua Bảo Đại ở Nha Trang được xếp hạng di tích

Khu biệt thự cổ Cầu Đá hơn trăm năm tuổi ở di tích lầu Bảo Đại trên núi Cảnh Long, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Một biệt thự tại khu di tích Lầu Bảo Đại hướng ra vịnh Nha Trang

Một biệt thự tại khu di tích Lầu Bảo Đại hướng ra vịnh Nha Trang

Quyết định vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành. Khu biệt thự Cầu Đá gồm 5 căn nhà cổ tên là Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, nằm trên núi Cảnh Long, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, do người Pháp xây dựng năm 1923.

Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Ðại thường tới đây nghỉ dưỡng nên các biệt thự còn được gọi theo tên của ông. Tháng 10/1995, các tòa nhà được công nhận Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Tháng 8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh cục bộ khu đất khu di tích lầu Bảo Đại. Chính quyền giao 13,6 ha đất (gồm 8,9 ha đất di tích lầu Bảo Đại và núi Cảnh Long; cùng diện tích mặt biển danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang) cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà làm dự án kinh doanh Bảo Đại resort Nha Trang.

Doanh nghiệp này dự tính cải tạo 5 biệt thự để cho thuê, phục vụ kinh doanh du lịch. Khu vực còn lại thuộc Dự án sẽ xây thêm nhà hàng, trung tâm hội nghị, bến du thuyền, khách sạn cho thuê cùng 36 biệt thự để bán. Tuy nhiên, quá trình triển khai, Dự án xảy ra nhiều vi phạm, bị thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hành chính, đình chỉ thi công từ năm 2017 đến nay. Từ đó, 5 biệt thự cổ bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng.

Đầu năm 2023, chủ đầu tư xin trả lại 5 biệt thự cổ để địa phương tôn tạo, bảo tồn. UBND Khánh Hòa sau đó đã thu hồi hơn 9.200 m2 đất (bao gồm 5 biệt thự) và giao Trung tâm Bảo tồn di tích quản lý. Hiện, quanh khu di tích được chủ đầu tư cử người bảo vệ, cổng Dự án vẫn đóng, du khách chưa thể tham quan.

Phê duyệt khu tái định cư 643 tỷ đồng phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngày 27/6, Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt Dự án Khu tái định cư phường Tam Phước, TP. Biên Hòa, phục vụ tái định cư Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Khu tái định cư Long Đức (huyện Long Thành) đang xây dựng phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Khu tái định cư Long Đức (huyện Long Thành) đang xây dựng phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Để phục vụ Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trên địa bàn TP. Biên Hòa có 2 khu tái định cư được quy hoạch xây dựng để bố trí tái định cư cho người dân là các khu tái định cư tại phường Tam Phước và phường Phước Tân.

Ngoài ra, có 2 khu tái định cư khác phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện đã triển khai xây dựng.

Dự án Đầu tư xây dựng Khu tái định cư phường Tam Phước có tổng mức đầu tư hơn 643 tỷ đồng, tiến độ thực hiện Dự án tối đa không quá 4 năm kể từ khi được bố trí vốn thực hiện Dự án.

Khu tái định cư phường Tam Phước được đầu tư xây dựng mới với quy mô gần 32 ha tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa phục vụ công tác tái định cư cho Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Khu tái định cư phường Tam Phước sẽ được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, gồm các khu nhà ở phục vụ tái định cư diện tích hơn 11 ha, bố trí được khoảng 1.280 lô đất ở liền kề.

Trong Dự án còn bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình an sinh xã hội khác nhằm phục vụ dân cư trong nội khu và dân cư cả các khu vực xung quanh như: công trình giáo dục, thương mại - dịch vụ, công viên cây xanh…

Trong đó, sẽ đầu tư xây dựng trường mầm non phục vụ cho con em các hộ dân được hỗ trợ tái định cư trong dự án với quy mô khoảng 340 trẻ.

Doanh nghiệp Nhật muốn xử lý tảo lam ở hồ Xuân Hương Đà Lạt

Công ty Ebis Marine đề xuất đưa máy móc từ Nhật sang lắp đặt ở hồ Xuân Hương - danh lam thắng cảnh quốc gia - để xử lý tảo lam, thay vì dùng hóa chất.

Một góc hồ Xuân Hương

Một góc hồ Xuân Hương

Nội dung được nêu trong tờ trình TP. Đà Lạt vừa gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xử lý tình trạng tảo lam xuất hiện trên hồ Xuân Hương, làm ảnh hưởng cảnh quan, môi trường và hình ảnh du lịch của thành phố thời gian qua.

Theo chính quyền Đà Lạt, Công ty Ebis Marine đề nghị hợp tác và cho biết họ đang viết hồ sơ dự án xử lý tảo lam nộp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường Nhật Bản. Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp này sẽ chọn hồ Xuân Hương làm mô hình thí điểm.

Công ty Ebis Marine cho biết, sẽ không sử dụng hóa chất, mà vận chuyển máy móc, thiết bị từ Nhật sang lắp đặt để xử lý tảo lam. Trước khi triển khai, đơn vị này đề xuất có buổi làm việc với UBND TP. Đà Lạt và tiến hành khảo sát tảo lam trong tháng 12/2024.

Hồ Xuân Hương rộng 25 ha, có nước quanh năm, được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia. Nhìn từ trên cao, hình dáng hồ như mặt trăng lưỡi liềm kéo dài hơn hai km; bao quanh là những quần thể thông xanh, đồi Cù, vườn hoa thành phố... Địa điểm này được xem là điểm nhấn thu hút du khách khi đến Đà Lạt.

Long An công bố 27 dự án cụm công nghiệp đang thu hút đầu tư

Sở Công Thương Long An vừa ra thông báo công bố thông tin quy hoạch các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đang thu hút đầu tư.

Một góc khu công nghiệp Đức Hòa 1, tỉnh Long An

Một góc khu công nghiệp Đức Hòa 1, tỉnh Long An

Theo thông báo, Tỉnh quy hoạch và thực hiện thu hút đầu tư đối với danh mục gồm 27 dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng diện tích hơn 1.776 ha.

Đây là các dự án cụm công nghiệp được thành lập mới được phân bố ở nhiều địa phương trong Tỉnh. Trong đó, huyện Đức Huệ có 7 dự án, huyện Đức Hòa có 5 dự án, huyện Cần Đước có 3 dự án; các huyện Tân Trụ, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa mỗi huyện có 2 dự án; các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa mỗi huyện 1 dự án.

Việc thu hút đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm hiện thực hóa quyết định của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tạo thêm quỹ đất để thu hút đầu tư vào Tỉnh.

Theo Quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh Long An có 51 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.433 ha. Đồng thời, quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.808 ha, tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh là 72 cụm với tổng diện tích 3.989 ha.

Theo UBND tỉnh Long An, toàn Tỉnh hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp 4.278 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 2.899 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,7%; trong đó, có 967 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 6.733 triệu USD và 952 dự án đầu tư trong nướcvới tổng vốn 140.509 tỷ đồng; diện tích đất sạch có thể cho thuê trong 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp là 650,5 ha; giá thuê đất của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh dao động từ 140 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê.

Đối với cụm công nghiệp, đến nay, có 17 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích 857 ha; thu hút 646 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê 603 ha. Tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động 83,62%.

Truy tố nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tín Nghĩa

Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tín Nghĩa cùng thuộc cấp bị cáo buộc gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 554 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối với ông Quách Văn Đức

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối với ông Quách Văn Đức

Ngày 27/6, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can Quách Văn Đức (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch), Phan Thanh Vĩnh Toàn (nguyên Tổng giám đốc), Đỗ Tấn Điềm (thành viên HĐQT) và Nguyễn Văn Hồng (nguyên thành viên HĐQT) về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo cáo trạng, năm 2003, Tổng công ty Tín Nghĩa trình UBND tỉnh Đồng Nai xin chủ trương thành lập công ty cổ phần để triển khai thực hiện dự án đầu tư phát triển khu dân cư đô thị theo quy hoạch thành phố mới tại huyện Nhơn Trạch.

Thời điểm này, Công ty Nhơn Trạch được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định thu hồi diện tích đất khoảng hơn 500 ha để thực hiện dự án nhưng không thông qua hình thức đấu giá.

Ngày 28/3/2005, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chấp thuận chủ trương giới thiệu địa điểm và điều chỉnh bổ sung diện tích đất cho Công ty Nhơn Trạch đầu tư dự án Khu dân cư tại xã Long Tân và xã Phú Thạnh với tổng diện tích gần 760ha.

Ngày 15/6/2017, HĐQT Công ty Nhơn Trạch họp thống nhất thông qua việc hợp tác đầu tư với Công ty VNIC 2 Pte.Ltd để triển khai dự án đô thị rộng hơn 106 ha với tên gọi Công ty TNHH Thành phố Công nghiệp mới Nhơn Trạch.

Công ty này có vốn điều lệ là hơn 566 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Nhơn Trạch góp vốn 20%, tương đương hơn 113 tỷ đồng dưới hình thức là một phần giá trị quyền sử dụng. Sau đó, cả hai bên thực hiện dự án lấy tên Thành phố Thiên Nga diện tích 106,2 ha với 917 nhà ở, tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ chấp thuận cho Công ty Nhơn Trạch góp hơn 113 tỷ đồng bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất đối với phân khu 1A và 1B thuộc dự án với hơn 34 ha (chiếm 20% vốn góp). Tuy nhiên, các thành viên HĐQT Công ty Nhơn Trạch lại góp vốn toàn bộ diện tích hơn 106 ha với Công ty VNIC 2, giá trị hơn 1.045 tỷ đồng.

Việc dùng hơn 106 ha để góp vốn của Công ty Nhơn Trạch nhận lại giá trị chênh lệch hơn 932 tỷ đồng không xin ý kiến Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 554 tỷ đồng…

Tin cùng chuyên mục