Bản tin thời sự sáng 28/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam; TP.HCM khẩn trương thành lập các khu cách ly F0, F1 tại quận, huyện; Hà Nội yêu cầu Grab và Be, Gojek, My Go, FastGo dừng giao hàng; ngày 27/7, giá xăng, dầu đồng loạt giảm; một số chợ Hà Nội áp dụng “tem phiếu” ngày chẵn lẻ; Chủ tịch địa ốc Alibaba lừa hơn 4.100 người…

Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam

Vabiotech cùng Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Công đoạn dán nhãn trong dây chuyền đóng ống vaccine tại Vabiotech

Công đoạn dán nhãn trong dây chuyền đóng ống vaccine tại Vabiotech

Thông tin được tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, chia sẻ. Công nghệ vaccine được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System), tức công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp. Hiện các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vaccine và công nghệ.

Công nghệ BaculovirusExpression Vector System đã được Shionogi ứng dụng vào nghiên cứu và sản xuất một loại vaccine Covid-19 ở Nhật Bản. Vaccine Covid-19 của Shionogi có thể là vaccine nội địa Nhật đầu tiên được sản xuất. Hiện, vaccine vẫn thử nghiệm lâm sàng, công ty đang lên kế hoạch mở rộng các thử nghiệm, xem xét tiến hành tại các vùng có dịch ở Đông Nam Á và châu Phi.

Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), trực thuộc Bộ Y tế, là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn và lâu đời tại Việt Nam.

Trước đó, Vabiotech và Công ty DS-Bio đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDFI), bắt đầu đóng ống vaccine Sputnik-V từ bán thành phẩm từ tháng 7. Lô vaccine đầu tiên khoảng 30.000 liều, đã được gửi sang Nga để kiểm định chất lượng, dự kiến đến ngày 10/8 có kết quả. Sau đó, công ty sẽ đóng ống Sputnik V với quy mô 5 triệu liều một tháng, có thể bắt đầu ngay trong tháng 8 với tối thiểu 500.000 liều, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều một năm.

TP.HCM khẩn trương thành lập các khu cách ly F0, F1 tại quận, huyện

UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn TP. Thủ Đức và các quận, huyện triển khai, ban hành quyết định thành lập các khu tập trung F0, F1 ở mỗi địa phương.

TP.HCM khẩn trương thành lập các khu cách ly F0, F1 tại quận, huyện

TP.HCM khẩn trương thành lập các khu cách ly F0, F1 tại quận, huyện

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản khẩn thông báo một số chỉ đạo mới của UBND TP.HCM về biện pháp triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Theo đó, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn TP. Thủ Đức và các quận, huyện triển khai, ban hành quyết định thành lập các khu tập trung F0, F1 ở mỗi địa phương.

Thành phố yêu cầu hướng dẫn các điều kiện bảo đảm, thành phần, lực lượng tham gia phải dễ hiểu, dễ làm; có cơ chế, quy chế phối hợp cụ thể giữa y tế, địa phương và gia đình để theo dõi, chăm sóc F0, F1 tại nhà; có trách nhiệm cụ thể trong khâu vận chuyển, giao nhận các ca có triệu chứng nặng về tuyến trên điều trị.

UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở Công Thương cùng các đơn vị liên quan thống nhất quy chế phối hợp linh hoạt để vận chuyển, phân phối nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho người dân trong điều kiện 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16.

Đồng thời, quận, huyện, thành phố phải triển khai phương án phân phối hàng hóa bằng nhiều hình thức linh hoạt, nghiên cứu tổ chức lại hoạt động các chợ phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm thực hiện giãn cách an toàn cao nhất, không để dịch bệnh lây lan do họp chợ.

Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Y tế nghiên cứu, thực hiện việc xử lý các ca bệnh tử vong một cách chu đáo, chặt chẽ.

Hà Nội yêu cầu Grab và Be, Gojek, My Go, FastGo dừng giao hàng

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội yêu cầu Grab cùng 4 đơn vị khác dừng ngay việc cung cấp dịch vụ cho các đối tác vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe máy.

Cảnh sát phải in văn bản 3611 của Sở GTVT Hà Nội về việc yêu cầu 5 ứng dụng công nghệ trong đó có Grab phải dừng toàn bộ dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách

Cảnh sát phải in văn bản 3611 của Sở GTVT Hà Nội về việc yêu cầu 5 ứng dụng công nghệ trong đó có Grab phải dừng toàn bộ dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách

Chiều 27/7, Sở GTVT Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi 5 đơn vị gồm: Grab, Be, Gojek, My Go và FastGo. Theo đó, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị trên dừng ngay việc cung cấp dịch vụ cho các đối tác hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe máy.

Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Sở GTVT cũng đề nghị Sở TT&TT Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị không thực hiện yêu cầu dừng hoạt động cung cấp ứng dụng gọi xe đối với hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy.

Trong 2 ngày 26 - 27/7, các lực lượng chức năng đã xử phạt hàng chục trường hợp đối tác GrabBike giao hàng trên các tuyến phố nội đô.

Trước đó, ngày 24/7, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi 5 đơn vị trên về việc yêu cầu dừng toàn bộ các hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”, kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper) cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 27/7, giá xăng, dầu đồng loạt giảm

Từ 15h chiều 27/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 112 đồng/lít, xuống còn 20.498 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 giảm 102 đồng/lít.

Ngày 27/7, giá xăng, dầu đồng loạt giảm

Ngày 27/7, giá xăng, dầu đồng loạt giảm

Chiều 27/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.

Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 102 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 112 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.498 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.681 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng trong nước có lần giảm đầu tiên sau hơn 3 tháng, kể từ ngày 12/4. Trước khi hạ nhiệt, giá xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 2.813 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 2.804 đồng/lít.

Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm nhẹ. Sau khi điều chỉnh, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 16.375 đồng/lít; dầu hỏa là 15.398 đồng/lít và dầu mazut là 15.522 đồng/kg.

Cơ quan điều hành không trích quỹ bình ổn với mặt hàng xăng, nhưng chi quỹ 1.250 đồng với xăng E5 RON 92 và 300 đồng với RON 95. Các mặt hàng dầu không chi quỹ bình ổn, nhưng trích quỹ 200 - 300 đồng mỗi lít, tuỳ mặt hàng.

Phà Cát Lái và Bình Khánh chỉ chạy từ 5h đến 22h

Phà Cát Lái và phà Bình Khánh hoạt động từ 5h đến 22h mỗi ngày, nhưng vẫn đảm bảo 24/24h trong trường hợp khẩn cấp.

Người đi phà được yêu cầu khai báo y tế và đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch.

Người đi phà được yêu cầu khai báo y tế và đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có chỉ đạo về tổ chức hoạt động vận tải tại bến phà Bình khánh và phà Cát Lái từ ngày 27/7 đến 1/8.

Cụ thể, từ ngày 27/7, hai bến phà Bình Khánh và phà Cát Lái vận chuyển khách cố định 5h - 22h giờ mỗi ngày.

Trong thời gian dừng hoạt động, đơn vị bảo đảm duy trì chế độ trực 24/24h, phục vụ kịp thời trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu, công tác chống dịch và vận chuyển người đi cách ly... Bến phà Bình Khánh bố trí riêng 1 phà chở người đi cách ly.

Việc vận chuyển hành khách bảo đảm tối đa không quá 50% sức chứa, hành khách phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn phòng chống dịch Covid-19 trên phà. Tại khu vực nhà chờ, người dân khai báo y tế đúng quy định.

Mỗi phà phải được trang bị đầy đủ dung dịch khử khuẩn, thực hiện khử khuẩn sau mỗi chuyến.

Về việc điều chỉnh thời gian 5h - 22h thay vì 5h - 18h, đại diện phà Cát Lái cho biết, TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16 nên lượng xe đi lại ít, chỉ có xe có mã QR, một số trường hợp đặc biệt được cho phép mới được qua phà.

Một số chợ Hà Nội áp dụng “tem phiếu” ngày chẵn lẻ

Mỗi hộ dân các phường Nhật Tân, Bưởi đã nhận phiếu đi chợ 4 ngày trong tuần, luân phiên theo chẵn hoặc lẻ và một khung giờ ngày Chủ nhật.

Thẻ đi chợ luân phiên được phường Nhật Tân phát tận hộ gia đình, áp dụng từ 27/7

Thẻ đi chợ luân phiên được phường Nhật Tân phát tận hộ gia đình, áp dụng từ 27/7

Phường Nhật Tân, phường Bưởi (quận Tây Hồ) bắt đầu phát phiếu đi chợ cho người dân theo ngày chẵn - lẻ, và bắt đầu áp dụng từ ngày 27/7.

Mỗi hộ dân được nhận phiếu đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội, trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi tuần, mỗi hộ có thể đi chợ 4 lần, luân phiên vào một khung giờ nhất định theo ngày chẵn hoặc lẻ và Chủ nhật. Thời gian đi chợ được khống chế một giờ một ngày.

Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Đặng Hữu Tiến cho biết, từ ngày 27/7, người dân trên địa bàn phường bắt đầu đi chợ bằng thẻ đi chợ này. Mục đích là giảm thiểu tối đa lượng người đến chợ, tránh tập trung đông người, phòng dịch. Khi triển khai thực tế, nếu có vấn đề chưa hợp lý phường sẽ điều chỉnh.

Ngoài phát phiếu đi chợ để hạn chế tập trung đông người, phường Nhật Tân còn phát thẻ lao động cho các hộ gia đình, mỗi hộ một người, được phép ra vào bãi đào phường Nhật Tân lao động trong thời gian giãn cách xã hội.

Tại quận Tây Hồ, hiện ngoài phường Nhật Tân đã hoàn thành phát phiếu đi chợ luân phiên cho người dân, phường Bưởi cũng đang thực hiện. Việc triển khai đi chợ bằng "tem phiếu" sẽ được triển khai tại tất cả phường thuộc quận Tây Hồ.

Hiện Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... Thành phố cũng bố trí 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Người dân Bình Dương không ra đường sau 18h từ ngày 28/7

Trước diễn biến phức tạp và quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch về việc áp dụng người dân không ra khỏi nhà vào buổi tối, bắt đầu từ 18h ngày 28/7.

Người dân Bình Dương không ra đường sau 18h từ ngày 28/7

Người dân Bình Dương không ra đường sau 18h từ ngày 28/7

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, địa phương đã lên kế hoạch bắt đầu từ tối 28/7, người dân không ra đường từ 18h đến 5h sáng hôm sau.

Động thái này được đưa ra nhằm kiểm soát tốt, ngăn chặn và sớm đẩy lùi dịch bệnh trong bối cảnh Bình Dương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới trong những ngày qua.

Các trường hợp được đi lại trong khung giờ trên, gồm: Cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; Các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; Các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến", phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện ít nhất đến hết ngày giãn cách xã hội.

Trước đó, từ 0h ngày 19/7, Bình Dương đã áp dụng giãn cách toàn xã hội 14 ngày với quyết tâm nhanh chóng khống chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sau hơn một tuần giãn cách xã hội, Bình Dương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới, trong đó phát hiện nhiều trường hợp thông qua xét nghiệm diện rộng.

Chủ tịch địa ốc Alibaba lừa hơn 4.100 người

Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Công ty CP Địa ốc Alibaba cùng em trai, vợ và nhân viên bị cáo buộc lừa 4.100 người, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Nguyễn Thái Luyện (áo trắng) làm việc với cảnh sát hồi tháng 9/2019

Nguyễn Thái Luyện (áo trắng) làm việc với cảnh sát hồi tháng 9/2019

Cáo buộc đối với Luyện cùng 22 đồng phạm được Công an TP.HCM nêu trong kết luận điều tra bổ sung lần 2, vừa ban hành. Nhà chức trách giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố các bị can, đồng thời kê biên tài sản trị giá hơn 1.550 tỷ đồng.

Động thái này được Công an TP.HCM đưa ra sau lần trả hồ sơ thứ 2 của VKS cùng cấp - đề nghị điều tra bổ sung về kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Hiện, số nạn nhân thực tế đã tăng hàng trăm người so với thời điểm ban đầu điều tra (tổng cộng là hơn 4.100 người) và tài sản chiếm đoạt của Alibaba cũng lớn hơn.

Trong đó, Luyện và em trai Nguyễn Thái Lĩnh (31 tuổi, Tổng giám đốc Địa ốc Alibaba) bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo buộc cùng hành vi là các nhân viên chủ chốt: Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo), Đào Thị Thanh Lợi (Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự), Nguyễn Lê Hoàng Lan (Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên phụ trách pháp lý) cùng 14 giám đốc, lãnh đạo các công ty con của Địa ốc Alibaba.

Ngoài tội danh trên, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Nguyễn Thái Lực (em Luyện) và kế toán Huỳnh Thị Kim Thắng bị cáo buộc thêm hành vi Rửa tiền.

Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đã lập ra hàng chục pháp nhân công ty, dựng lên 58 dự án "ma" tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Nhóm này tự đặt tên, phân lô, tách thửa rồi quảng cáo lừa bán, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Hà Nội lập danh sách gần 700 shipper vận chuyển hàng

Gần 700 người sử dụng xe môtô 2 bánh vận chuyển hàng (shipper) của các doanh nghiệp vừa được Sở Công Thương Hà Nội lập danh sách xem xét cấp thẻ vận chuyển.

Hà Nội lập danh sách gần 700 shipper vận chuyển hàng

Hà Nội lập danh sách gần 700 shipper vận chuyển hàng

Danh sách này thuộc các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, bưu cục trên địa bàn. Doanh nghiệp có số shipper được xem xét cấp thẻ vận chuyển nhiều nhất là Công ty TNHH Bán lẻ BRG với 182 người; ít nhất là Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, 1 người.

Căn cứ danh sách này, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đăng ký các thông tin (nêu đầy đủ họ tên, số điện thoại, biển số xe...) gửi về Sở Công Thương để tổng hợp gửi Sở Giao thông vận tải chấp thuận. Sở này sẽ gửi xác nhận qua tin nhắn cho các lái xe để tham gia vận chuyển hàng hóa. Sau khi nhận được tin nhắn, shipper chụp lại màn hình tin nhắn xác nhận của Sở Giao thông vận tải, xuất trình khi lực lượng chức năng yêu cầu.

Trước đó, Sở Công Thương cũng hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu cung ứng hàng hoá bằng xe máy để đảm bảo hàng hoá thiết yếu được lưu thông thuận lợi trên địa bàn Thành phố.

Tin cùng chuyên mục