Bản tin thời sự sáng 28/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam xuất phát từ ga Hà Nội; bán đấu giá thành công rạp chiếu phim lâu đời nhất Quảng Ngãi; TP.HCM muốn khai thác siêu cảng biển 5,5 tỷ USD ở Cần Giờ từ năm 2027; Đắk Lắk tiếp tục xin gia hạn hoàn thành tuyến đường nghìn tỷ đến 30/9…

Đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam xuất phát từ ga Hà Nội

Thay vì ga Ngọc Hồi như quy hoạch trước đây, đơn vị tư vấn đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại ga Hà Nội.

Khu A ga Hà Nội nằm trên đường Lê Duẩn, quận Đống Đa

Khu A ga Hà Nội nằm trên đường Lê Duẩn, quận Đống Đa

Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến về quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội. Điểm mới trong quy hoạch là đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tiếp cận tới ga Hà Nội, thay vì ga Ngọc Hồi.

Theo đơn vị tư vấn, quy hoạch mạng lưới đường sắt tốc độ cao bố trí ga đầu tại Ngọc Hồi ở phía Nam, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 10 km, sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách, đặc biệt là ở phía bắc sông Hồng.

Kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao tại một số quốc gia cho thấy hầu hết tiếp cận vào sâu trong đô thị. Do đó, đơn vị tư vấn kiến nghị giữ hành lang đường sắt Ngọc Hồi - ga Hà Nội để nghiên cứu khai thác tàu khách tốc độ cao.

Tư vấn đề xuất ga Hà Nội phục vụ hành khách đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Ga Ngọc Hồi vẫn được quy hoạch là đầu mối, nơi tập kết tàu, bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật cho tàu tốc độ cao.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545 km, đường sắt đôi khổ 1.435 mm. Ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt đô thị, phục vụ tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên.

Bán đấu giá thành công rạp chiếu phim lâu đời nhất Quảng Ngãi

Ông Nguyễn Văn Luyện - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi cho biết, Rạp chiếu phim Hòa Bình ở TP. Quảng Ngãi được xây dựng vào năm 1950, vừa được bán đấu giá thành công với số tiền trên 33 tỷ đồng.

Rạp chiếu phim Hòa Bình bị bỏ hoang nhiều năm qua đã được bán đấu giá thành công, với số tiền trên 33 tỷ đồng

Rạp chiếu phim Hòa Bình bị bỏ hoang nhiều năm qua đã được bán đấu giá thành công, với số tiền trên 33 tỷ đồng

Theo đó, Sở Tài chính đã bán đấu giá thành công 2 tài sản công dôi dư trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, gồm: Rạp chiếu phim Hòa Bình, số 6 Duy Tân và nhà số 258 Nguyễn Nghiêm.

Trong đó, Rạp chiếu phim Hòa Bình có diện tích 1.006 m2, giá khởi điểm trên 23 tỷ đồng, giá trúng đấu giá trên 33 tỷ đồng, cao hơn 10 tỷ đồng so giá khởi điểm.

Nhà số 258 Nguyễn Nghiêm có giá khởi điểm 13,8 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 16,1 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 2,3 tỷ đồng. Rạp chiếu phim Hòa Bình xây dựng năm 1950, sau giải phóng (năm 1975) được Nhà nước quản lý, khai thác.

Năm 1993, Rạp chiếu phim Hòa Bình được Bộ Văn hóa - Thông tin khi đó đầu tư hơn 1 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hoạt động được một thời gian thì rạp vắng bóng người xem.

Năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương xã hội hóa chiếu Rạp chiếu phim Hòa Bình nhưng không thực hiện được. Năm 2017, tỉnh này quyết định đóng cửa rạp và ngày 21/7/2023, Sở Tài chính đã đưa ra đấu giá thành công, chấm dứt tình trạng rạp chiếu phim này bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí.

TP.HCM muốn khai thác siêu cảng biển 5,5 tỷ USD ở Cần Giờ từ năm 2027

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng mức đầu tư gần 5,5 tỷ USD được TP.HCM đặt mục tiêu triển khai xây dựng giai đoạn 2024 - 2026 và khai thác từ năm 2027.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM vừa trình lên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo đề án, vị trí đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại khu vực Cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Dự án có quy mô 7 km cầu cảng và 2 km bến sà lan với nhu cầu sử dụng đất khoảng 571 ha.

Do đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU - một TEU tương đương container loại 20 feet), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.

Tổng mức đầu tư siêu cảng này ước tính gần 129.000 tỷ đồng - tương đương hơn 5,45 tỷ USD. Dự án do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư theo 7 giai đoạn (giai đoạn cuối đến năm 2047).

TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của Thành phố và khu vực, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới với công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu TEU, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu TEU.

Thành phố phấn đấu tổ chức đầu tư xây dựng dự án, đưa vào khai thác (giai đoạn 1, 2) trước năm 2030. Cụ thể, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2023 - 2024, xây dựng giai đoạn 2024 - 2026 và khai thác cảng từ năm 2027.

Khi khai thác hết công suất vào năm 2047, mỗi năm Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ góp ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí.

Nâng cấp Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế

Cảng Hàng không Liên Khương tại Lâm Đồng sẽ được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế trong tương lai.

Cảng Hàng không Liên Khương tại Lâm Đồng sẽ được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế

Cảng Hàng không Liên Khương tại Lâm Đồng sẽ được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế

UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công an Tỉnh, Chi cục Hải quan Đà Lạt phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Đức Trọng hỗ trợ Cảng hàng không Liên Khương để hoàn thiện các quy chế phối hợp, văn bản hiệp đồng phục vụ thủ tục Cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế.

UBND Tỉnh giao Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, UBND huyện Đức Trọng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ Cảng hàng không Liên Khương trong việc triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương.

Trước đó, ngày 11/4/2023, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2444/VPCP-CN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc kiến nghị nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 2875/BGTVT-KHĐT ngày 24/3/2023 báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương.

Ngày 4/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác cảng hàng không do UBND một số địa phương xây dựng.

Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện đề án trên, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Đắk Lắk tiếp tục xin gia hạn hoàn thành tuyến đường nghìn tỷ đến 30/9

Vì nhiều nguyên nhân tác động đến tiến độ, UBND TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thành Dự án đường Đông - Tây đến 30/9.

Đường Đông - Tây đang được rào chắn để thi công hoàn thiện

Đường Đông - Tây đang được rào chắn để thi công hoàn thiện

Ngày 27/7, một lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, đơn vị vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh xin gia hạn thời gian thực hiện Dự án đường Đông - Tây Buôn Ma Thuột đến ngày 30/9. Dự án được khởi công vào cuối tháng 9/2015, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án chậm tiến độ và nhiều lần xin gia hạn.

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, trước đó, gói thầu xây lắp đường, cầu và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thuộc Dự án đường Đông - Tây được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý gia hạn thực hiện hợp đồng đến 30/6. Tuy nhiên, hiện gói thầu chỉ đạt khoảng 96% khối lượng theo hợp đồng, không đảm bảo hoàn thành Dự án vào ngày 30/6 như kế hoạch.

Có nhiều nguyên nhân như vướng mặt bằng, thiếu nguồn đất đắp (khoảng 1.000m3), ngoài ra thời tiết có mưa nhiều, một số hạng mục kỹ thuật phát sinh cần xin chủ trương để triển khai cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công tại Dự án.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 (đơn vị thi công đường Đông - Tây) cũng có tờ trình về việc xin điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/9.

Dự án đường Đông - Tây là dự án hạ tầng giao thông có quy mô khá lớn nối Cảng hàng không Buôn Ma Thuột về trung tâm thành phố do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Tuyến đường chỉ dài 6,9 km nhưng có tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh gần 1.239 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Y tế Cà Mau bị cách chức

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, vừa bị cách chức do để cấp dưới sai phạm trong đấu thầu liên quan vụ Việt Á, gây thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng bị cách chức Giám đốc Sở Y tế Cà Mau

Ông Nguyễn Văn Dũng bị cách chức Giám đốc Sở Y tế Cà Mau

Ngày 27/7, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau xác nhận, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Y tế Tỉnh đã bị kỷ luật bằng hình thức cách chức.

Theo đó, ông Dũng bị kỷ luật do có vi phạm, khuyết điểm với vai trò là người đứng đầu đơn vị, để xảy ra thiếu sót, vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó vào tháng 7/2022, Công an tỉnh Cà Mau khởi tố bị can, bắt giam Đặng Hải Đăng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh; Hồ Quang Nhu, Phó phòng Kế hoạch nghiệp vụ thuộc CDC Tỉnh và Lê Ngọc Định, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Y tế) do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 1/2020 - 10/2021, Sở Y tế và CDC Cà Mau, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh thực hiện 11 gói thầu mua máy móc, thiết bị và hóa chất của Công ty CP Công nghệ Việt Á phục vụ phòng chống Covid-19, với tổng giá trị hơn 49 tỷ đồng.

Các bị can Định, Đăng và Nhu bị xác định không thực hiện đúng quy trình đấu thầu mua kít xét nghiệm; không bảo đảm công bằng, minh bạch... Điều này dẫn đến Sở Y tế mua kít xét nghiệm với giá cao, gây thiệt hại hơn 9,1 tỷ đồng; CDC Cà Mau gây thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.

Phà Vàm Cống hoạt động lại từ 2/9

Đồng Tháp và An Giang thống nhất cho phà Vàm Cống hoạt động từ 2/9, sau 4 năm dừng khi cầu nối đôi bờ sông Hậu thông xe.

Phà Vàm Cống

Phà Vàm Cống

Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp, việc cho phà chạy lại do nhu cầu bức thiết của người dân gần bến phà. Hiện xe máy và ôtô tải nhỏ muốn lên cầu phải đi đường dẫn khá xa.

Phà Vàm Cống nằm trên Quốc lộ 80, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và TP. Long Xuyên (An Giang), dừng chạy sau 100 năm hoạt động từ khi cầu cùng tên bắc qua sông Hậu khánh thành ngày 19/5/2019. Cầu có mức đầu tư 5.700 tỷ đồng, nối quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Việc đưa đón khách sẽ do công ty Phà An Giang và Phà Đồng Tháp vận hành. Trước mắt sẽ có 3 phà tải trọng 40 tấn và 60 tấn, chạy từ 4h - 22h. Phà chỉ phục vụ ôtô tải dưới 7 tấn và xe khách đến 30 chỗ.

Trước đó, sau khi cầu Cao Lãnh qua sông Tiền thông xe năm 2018, Đồng Tháp cũng duy trì bến đò gần đó để phục vụ nhu cầu đi lại của người đi bộ và xe máy.

Tin cùng chuyên mục