Bản tin thời sự sáng 28/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng ngày thứ 8 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid-19; nguy cơ vỡ đê, Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp; thông xe cầu vượt trị giá 560 tỷ đồng ở Hà Nội; ông Diệp Dũng xin từ chức Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op...

Sáng 28/8, sáng ngày thứ 8 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Sáng ngày 28/8, Bộ Y tế cho biết, không có ca mắc mới Covid-19 được ghi nhân. Đây là sáng thứ 8 liên tiếp không có bệnh nhân mới. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có 12 trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch.

Sáng thứ 8 liên tiếp không có bệnh nhân mới

Sáng thứ 8 liên tiếp không có bệnh nhân mới

Tính đến 6h ngày 28/8, Việt Nam có tổng cộng 688 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 548 ca. Tính từ 18h ngày 27/8 đến 6h ngày 28/8, không có ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 69.485 người. Trong đó, 1.466 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 18.200 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 49.81 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 637/1.036 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 49 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 47 ca, số ca âm tính lần 3 là 31 ca. Đến nay, Việt Nam đã có 30 ca tử vong.

Nguy cơ vỡ đê, Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp

Hơn 3 km đê biển Tây bị sóng biển tàn phá có nguy cơ gây vỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban bố tình huống khẩn cấp để tập trung ứng phó, ngày 27/8.

Đoạn đê thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời bị sóng biển đánh sạt lở nghiêm trọng hồi đầu tháng 8

Đoạn đê thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời bị sóng biển đánh sạt lở nghiêm trọng hồi đầu tháng 8

Tuyến đê sạt lở có 4 đoạn đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, đoạn từ Hương Mai - Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, U Minh) có hai vị trí dài 610 m và 315 m; đoạn từ Ba Tỉnh - T25 (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) dài 1.900 m và đoạn đê thuộc xã Khánh Hải và Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) dài 500 m.

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết, Sở đang lập thủ tục đầu tư trình UBND Tỉnh phê duyệt để nhanh chóng khắc phục sạt lở. Đơn vị này cũng phối hợp UBND huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh thiết lập hành lang an toàn khu vực bị sạt lở. UBND huyện Trần Văn Thời và U Minh sẽ vận động, sơ tán người dân vào nơi an toàn.

Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 250 km đường bờ biển. Trong đó, tuyến đê biển Tây có vai trò ngăn mặn, bảo vệ 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trong vùng ngọt hóa của hơn 26.000 hộ dân.

Trong khi đó, đoạn đê biển Tây qua Kiên Giang vừa qua cũng sạt lở 700 m. Kiên Giang đã công bố tình trạng sạt lở đê nghiêm trọng, giao các sở ngành khắc phục.

Ngày 28/8, thông xe cầu vượt trị giá 560 tỷ đồng ở Hà Nội

Sau 9 tháng thi công, cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt (cầu vượt Nguyễn Văn Huyên) sẽ thông xe vào sáng ngày 28/8, giải quyết "điểm đen" ùn tắc giao thông tại khu vực này.

Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên chuẩn bị thông xe vào sáng 28/8

Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên chuẩn bị thông xe vào sáng 28/8

Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên được TP. Hà Nội chấp thuận cho khởi công thi công ngày 8/10/2019 có vốn đầu tư 560 tỷ đồng. Cầu được xây dựng với mục tiêu, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao giữa đường Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Quốc Việt hiện tại.

Dự án cũng giúp thành phố từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quận Cầu Giấy và các quận lân cận.

Theo thiết kế, cầu vượt đường Hoàng Quốc Việt là công trình cầu đường bộ cấp 2, có chiều dài hơn 280 mét rộng 16 mét. Cầu có 5 nhịp, dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, trụ cầu là bê tông cốt thép hình dạnh chữ T. Dự án có tổng mức đầu tư 560 tỷ đồng và có tiến độ thi công trong khoảng 9 tháng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông) là chủ đầu tư.

TP.HCM: Ông Diệp Dũng xin từ chức Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op

Ông Diệp Dũng gửi đơn đến Thường trực Thành ủy xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op vì "chưa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao".

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op

Theo đơn xin từ nhiệm, ông Dũng (Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op) cho rằng 5 năm qua (2015 - 2020), Saigon Co.op có kết quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện vai trò bình ổn giá của thành phố tương đối tốt, nhưng ông thấy mình "chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trên giao".

Từ đó, ông Dũng đưa ra hai lý do xin từ nhiệm: chưa hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu Saigon Co.op được tổ chức giao phó, đặc biệt đối với việc tăng vốn điều lệ, dẫn đến hàng loạt vấn đề không hay xảy ra vừa qua; chưa hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu trong đoàn kết và lãnh đạo tập thể Ban chấp hành Đảng ủy Saigon Co.op.

Ngày 27/7, ông Diệp Dũng bị Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, các vai trò Ban chấp hành, Ban thường vụ và Bí thư Đảng ủy tại Đảng bộ Saigon Co.op.

Trước đó một ngày, Thanh tra Thành phố công bố kết luận có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm ở lần bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng vào đầu năm 2020 tại Saigon Co.op và đề nghị UBND Thành phố chuyển hồ sơ sang công an để điều tra.

Giá xăng RON 95 tăng, dầu giảm

Mỗi lít xăng RON 95 tăng 190 đồng, E5 RON 92 giá không đổi trong khi các mặt hàng dầu (trừ madut) đều giảm từ 15h ngày 27/8.

Mỗi lít xăng RON 95 tăng 190 đồng, E5 RON 92 giá không đổi

Mỗi lít xăng RON 95 tăng 190 đồng, E5 RON 92 giá không đổi

Liên Bộ Công Thương - Tài chính chiều ngày 27/8 thông báo, mỗi lít xăng RON 95 đắt thêm 192 đồng, lên mức tối đa 15.114 đồng một lít. Trong khi đó xăng E5 RON 92 vẫn giữ nguyên mức giá tối đa 14.409 đồng mỗi lít.

Riêng các mặt hàng dầu đều giảm giá, trong đó dầu diesel giảm 240 đồng, dầu hoả hạ 82 đồng một lít. Dầu madut cũng giữ nguyên mức giá cao nhất 11.183 đồng một kg như cách đây 15 ngày.

Cùng với điều chỉnh giá bán, nhà điều hành sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Các mức trích Quỹ bình ổn với xăng, dầu đều giảm 100 đồng so với cách đây 15 ngày. Chẳng hạn, trích Quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 về 0 đồng; RON 95 còn 100 đồng một lít, dầu hoả còn 200 đồng một lít...

Trong khi đó, mức chi từ Quỹ bình ổn với xăng, dầu đều tăng so với kỳ điều hành ngày 12/8. Xăng E5 RON 92 chi quỹ 1.295 đồng, tăng 363 đồng; RON 95 là 670 đồng, dầu madut 453 đồng một kg. Riêng mặt hàng dầu hoả ngừng chi quỹ.

Bình Thuận: Tháo dỡ trạm dừng chân trên đèo Đại Ninh

Trạm dừng chân Panorama xây dựng trái phép trên đèo Đại Ninh, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình bị cưỡng chế tháo dỡ, ngày 27/8.

Trạm dừng chân Panorama đang bị tháo dỡ, ngày 27/8

Trạm dừng chân Panorama đang bị tháo dỡ, ngày 27/8

Trạm dừng chân rộng hơn 2.000 m2 do bà Nguyễn Thị Huê, trú tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ Sông Lũy, đất hành lang đường bộ Quốc lộ 28B và đất công do xã Phan Sơn quản lý.

Các công trình bị tháo dỡ gồm nhà kết cấu bằng thép và nhà gỗ làm nơi dừng chân cho du khách nghỉ ngơi, chụp ảnh trên đèo. Việc cưỡng chế có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng địa phương.

Cơ sở này xây dựng trái phép từ tháng 8/2018 đến tháng 6/2019. Tháng 10 năm ngoái, chủ cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng không chấp hành việc tháo dỡ theo yêu cầu của UBND huyện Bắc Bình.

Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình ra quyết định cưỡng chế, buộc bà Huê thực hiện biện pháp khắc phục, trả lại toàn bộ hiện trạng đất đã lấn chiếm.