Bản tin thời sự sáng 29/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là gần 90% xã, phường của Hà Nội “màu xanh”; Tân Hoàng Minh chính thức bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm; phong tỏa hơn 1.200 tỷ đồng liên quan vụ Việt Á; nhà máy điện rác lớn nhất nước tại hà Nội vận hành từ tháng 3; Ủy ban Chứng khoán xử phạt Hoàng Anh Gia Lai…

Gần 90% xã, phường của Hà Nội “màu xanh”

Đa số xã phường của Hà Nội giảm cấp độ, trở lại vùng xanh khi áp dụng hướng dẫn mới của Bộ Y tế trong đánh giá cấp độ dịch Covid-19.

Hà Nội đã khôi phục hầu hết hoạt động kinh doanh dịch vụ

Hà Nội đã khôi phục hầu hết hoạt động kinh doanh dịch vụ

Tối 28/1, Hà Nội công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống Covid-19. Từ chỗ không có địa bàn nào cấp độ 1 (màu xanh) trong tuần trước, tuần này đa số xã, phường được phủ "màu xanh".

Hà Nội không đánh giá cấp độ dịch toàn thành phố và các quận, huyện mà chỉ xét xã, phường. Cụ thể, thành phố có 517 xã, phường trên tổng số 579 cấp độ 1; 49 xã, phường cấp độ 2 (màu vàng) và 13 xã, phường cấp độ 3 (màu cam).

13 xã, phường đạt cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam) gồm: Thành Công (Ba Đình), Đông Phương Yên; Hữu Văn (Chương Mỹ), Hạ Mỗ (Đan Phượng), Phương Liên; Quốc Tử Giám (Đống Đa), Phú Thị (Gia Lâm), Đồng Xuân; Phúc Tân (Hoàn Kiếm), Phú Đô (Nam Từ Liêm), Tân Triều (Thanh Trì), Kim Giang (Thanh Xuân) và Liên Phương (Thường Tín).

Trước đó ngày 27/1, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới đánh giá cấp độ dịch bệnh. Bộ vẫn giữ các tiêu chí được ban hành từ tháng 10/2021, tuy nhiên nội dung từng tiêu chí được điều chỉnh cụ thể hơn; phương pháp đánh giá cũng gồm nhiều chi tiết hơn.

Đơn cử tiêu chí tỷ lệ ca mắc mới trước kia chỉ dựa trên số ca nhiễm mới mỗi tuần, hiện gồm tỷ lệ ca nhiễm mới; tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy; tỷ lệ ca tử vong. Chỉ số ca nhiễm cộng đồng cũng được nâng lên. Trước đây, địa bàn có từ 150 ca/100.000 dân/tuần đã thuộc cấp độ 4, nay số ca mắc mới trên 600 ca mỗi tuần mới thuộc nhóm 4.

Hai tiêu chí còn lại là độ bao phủ vaccine và khả năng thu dung điều trị, Hà Nội đều vượt chỉ tiêu theo hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch.

Với kết quả đánh giá cấp độ nêu trên, đa số địa bàn của thành phố sẽ được nới lỏng hoạt động kinh doanh dịch vụ, tương ứng với cấp độ dịch.

Tân Hoàng Minh chính thức bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm

Tân Hoàng Minh đã có văn bản chính thức xin chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất Thủ Thiêm.

Lô đất 3-12 mà Tân Hoàng Minh trúng đấu giá

Lô đất 3-12 mà Tân Hoàng Minh trúng đấu giá

Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, hôm 25/1, Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt (đơn vị thuộc Tân Hoàng Minh và trực tiếp tham gia đấu giá) đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).

Trong văn bản gửi Thành uỷ, UBND, Cục Thuế, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản của TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngôi Sao Việt thừa nhận đây là bài học kinh nghiệm đắt giá của doanh nghiệp khi tham gia đấu giá về sau và sẽ tuân thủ các chế tài theo quy định.

Nguồn tin tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM) xác nhận đã nhận văn bản từ Công ty Ngôi Sao Việt và báo cáo UBND TP.HCM để xử lý theo quy trình.

Theo Luật Đấu giá tài sản, hủy hợp đồng sẽ dẫn đến hủy kết quả đấu giá. Nếu phía Tân Hoàng Minh, Trung tâm quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM) đạt được thỏa thuận, các cơ quan có liên quan sẽ trình hồ sơ lên UBND TP.HCM. Sau khi xem xét, UBND TP.HCM sẽ ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trước đây.

Về quyền sử dụng lô đất 3-12 nếu hợp đồng mua bán bị chấm dứt, theo Điều 73 Luật Đấu giá tài sản, các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu. Như vậy, quyền sử dụng lô đất sẽ được trao trả về Trung tâm Quỹ đất TP.HCM quản lý, chứ không phải doanh nghiệp trả giá cao thứ hai - Công ty Capital One Financial.

Phong tỏa hơn 1.200 tỷ đồng liên quan vụ Việt Á

Về tiến độ mở rộng điều tra vụ án kit test của Công ty Việt Á, Cơ quan điều tra thu giữ, phong tỏa tổng tài sản giá trị 1.220 tỷ đồng.

Sản phẩm kit test của Công ty Việt Á

Sản phẩm kit test của Công ty Việt Á

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong số tiền đã kê biên, phong tỏa nói trên có 380 tỷ đồng tiền mặt và khoảng 840 tỷ đồng giá trị bất động sản.

Cơ quan điều tra đang phối hợp, trao đổi thông tin với 3 đoàn kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Cục điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) để xử lý vụ án, vì "liên quan rất nhiều cá nhân".

Theo tướng Xô, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cũng sẽ làm rõ một số hành vi trục lợi liên quan dịch bệnh. Việc xác minh sẽ làm xuyên Tết.

Trước đó, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an cho biết, liên quan Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45%, chi "hoa hồng" gần 800 tỷ đồng.

Hiện, Bộ Công an đã khởi tố hơn 20 người về nhiều tội danh: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa và Nhận hối lộ.

Vốn đầu tư Vành đai 3 TP.HCM giảm 7.000 tỷ đồng

Tổng kinh phí đầu tư hơn 76 km giai đoạn một Vành đai 3 TP.HCM được tính toán 75.777 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ đồng so với trước đó.

Sơ đồ Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ Vành đai 3 TP.HCM

Nội dung đề cập trong tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP.HCM, được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi gửi Chính phủ. TP.HCM với vai trò cơ quan chủ trì, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Toàn tuyến Vành đai 3 dài gần 92 km, chạy qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22, Quốc lộ 22 - Bến Lức. Tuyến đường khi hoàn thiện có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/h cùng đường song hành hai bên.

Giai đoạn một, Vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư dài hơn 76 km, do tạm thời không tính đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe. Toàn bộ phần còn lại trong giai đoạn một sẽ đầu tư mới 4 làn cao tốc, vận tốc 80 km/h và đường song hành hai bên.

Khái toán tổng mức đầu tư Vành đai 3 ít hơn trước chủ yếu do giảm vốn giải phóng mặt bằng. Hiện, tổng kinh phí đền bù, tái định cư cho dự án này ước tính hơn 41.800 tỷ đồng. Phần xây lắp, thiết bị chiếm hơn 25.600 tỷ đồng; còn lại chi phí quản lý dự án, dự phòng...

TP.HCM dự kiến phân chia các dự án thành phần theo địa bàn quản lý của từng địa phương. Theo đó, tổng cộng sẽ có 8 tiểu dự án, gồm 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và 4 dự án xây dựng, tương ứng theo địa bàn từng tỉnh thành Vành đai 3 đi qua. Vành đai 3 sẽ được đầu tư công từ vốn ngân sách địa phương, có hỗ trợ từ Trung ương.

Chính quyền TP.HCM cũng dự tính giai đoạn 2023-2024, dự án sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng. Năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện toàn bộ dự án năm 2026.

Nhà máy điện rác lớn nhất nước tại hà Nội vận hành từ tháng 3

Nhà máy điện rác Sóc Sơn bắt đầu tiếp nhận rác và dự kiến hòa lưới điện vào tháng 3, với sản lượng 30 MW/h.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn đang trong quá trình hoàn tất

Nhà máy điện rác Sóc Sơn đang trong quá trình hoàn tất

Theo ông Lý Ái Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý (đơn vị vận hành nhà máy điện rác Sóc Sơn) cho biết, toàn bộ thủ tục liên quan tới vận hành nhà máy đã hoàn tất, trong đó có hợp đồng mua bán điện với Tổng Công ty điện lực Việt Nam.

Ngày 21/1, nhà máy sẽ vận hành thử nghiệm giai đoạn 1, đốt lò dây chuyền đầu tiên. Sau khi đốt lò ổn định liên tục, tới ngày 28/1 nhà máy bắt đầu tiếp nhận rác để căn chỉnh các hệ thống phụ trợ như xử lý nước thải, nuôi cấy vi sinh.

Trong thời gian thử nghiệm, lượng điện của nhà máy chưa được bán ra ngoài mà phục vụ nội bộ. Dự kiến nhà máy sẽ được hòa lưới điện quốc gia từ tháng 3/2022, với sản lượng 30 MW/h.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn khởi công tháng 9/2019, vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương gần 5.500 tấn rác ướt mỗi ngày. Khi hoàn thành, đây được xem là một trong những dự án nhà máy đốt rác phát điện có quy mô và công suất lớn nhất Việt Nam.

Hiện nhà máy hiện đã hoàn thành 95% khối lượng xây dựng, lắp đặt máy hoàn thành khoảng 85%; lò đốt rác số 3 sẵn sàng vận hành. Sau mỗi tháng sẽ có thêm 1 lò đốt được hoàn thiện. Đến tháng 6/2022, tất cả 5 lò đốt rác được đưa vào vận hành, mỗi lò có công suất 800 tấn rác/ngày.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào vận hành dự kiến xử lý khoảng 70% tổng lượng rác phát sinh hàng ngày của thành phố Hà Nội.

Ủy ban Chứng khoán xử phạt Hoàng Anh Gia Lai

Tập đoàn của bầu Đức có vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin nên bị UBCKNN xử phạt.

Trụ sở của HAGL

Trụ sở của HAGL

Trong ngày làm việc cuối cùng của năm Âm lịch Tân Sửu, ngày 28/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 26 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG).

Cụ thể, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức bị phạt hành chính 85 triệu đồng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do không công bố đối với thông tin phải công bố theo yêu cầu của UBCKNN.

Theo UBCKNN, HAGL đã không công bố thông tin theo yêu cầu của UBCKNN về việc điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính (BCTC) năm 2019 của công ty.

Bên cạnh đó, HAGL còn bị phạt tiền 70 triệu theo quy định do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.

HAGL được cho là đã thuyết minh không đầy đủ về việc điều chỉnh hồi tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các năm 2017, 2018 tại báo cáo tài chính năm 2020 và chưa giải trình đầy đủ nội dung này theo quy định.

Công ty bầu Đức còn không trình bày các giao dịch giữa công ty và người có liên quan của công ty gồm: Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Cao su Hoàng Anh - Hoàng Minh, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu, ông Đoàn Nguyên Đức, bà Võ Thị Mỹ Hạnh, bà Hồ Thị Kim Chi... tại báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.

Tin cùng chuyên mục