Ba quận ở TP.HCM tăng cấp độ dịch
Bản đồ cấp độ dịch 22 quận huyện |
UBND TP.HCM vừa cập nhật kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn.
Đến ngày 28/11, dịch ở TP.HCM đang ở cấp độ 2. Tại 22 địa phương cấp quận/huyện, có 9 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 13 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình).
9 địa phương có dịch ở cấp độ 1 là Quận 1, 6, 7, 8, 11, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ. 13 địa phương ở cấp độ 2 là Quận 3, 4, 5, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Nhà Bè.
Theo thống kê, 3 địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 4, Bình Thạnh và Tân Phú (cấp 1 lên cấp 2); một địa bàn giảm cấp độ dịch là huyện Cần Giờ (từ cấp độ 2 xuống cấp 1).
Đối với 312 phường, xã, thị trấn có 123 đơn vị đạt cấp 1; 184 nơi đạt cấp 2 và 5 đơn vị cấp 3. Không có địa bàn thuộc cấp độ 4.
Đến hết ngày 25/11, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên ở TP.HCM được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine là 100%. Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều là 97,77%.
Đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách về từ vùng có biến thể Omicron
Bộ Y tế đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách về từ vùng có biến thể Omicron |
Bộ Y tế chiều 28/11 cho biết, cơ quan này đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique.
Việc này nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng chống biến chủng mới (Omicron) của virus SARS-CoV-2
Bộ Y tế cho biết, ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529), phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi như: Nam Phi, Botswana...
Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2.
Biến thể này dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận, và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Đồng thời, Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
1,4 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam
1,4 triệu liều vaccine Pfizer do Pháp hỗ trợ đã về Hà Nội |
Đại sứ quán Pháp cho biết, trong 1,4 triệu liều có 400.000 liều qua kênh song phương và gần một triệu liều qua cơ chế Covax. Đến nay, Pháp đã hỗ trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 2 triệu liều vaccine Covid-19.
Pháp là nước tiên phong đưa ra sáng kiến triển khai cơ chế Covax và cam kết đóng góp mạnh mẽ cho cơ chế này. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết hiện nước này đã viện trợ 67 triệu liều vaccine cho hơn 45 nước thông qua Covax, vượt chỉ tiêu đề ra và trở thành nước đóng góp thứ hai sau Mỹ.
Sáng 26/11, hơn 2 triệu liều vaccine Pfizer do Mỹ viện trợ đã về Việt Nam thông qua Covax. Đến nay, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng hơn 18 triệu liều vaccine.
Vaccine Pfizer đang được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi, theo lộ trình từ lớn đến nhỏ, ưu tiên tuổi 15 - 17 và hạ dần độ tuổi, tùy tình hình dịch tại địa phương và nguồn cung vaccine. Gần 30 tỉnh thành đã tổ chức tiêm, trong đó TP.HCM đang đợt tiêm mũi hai. Ước tính hơn 20% trẻ em cả nước đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Tính đến ngày 28/11, Việt Nam tiêm chủng hơn 118,7 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó hơn 69,7 triệu mũi một, hơn 49 triệu mũi hai.
Bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án công ty Nhật Cường vào ngày 29/11
Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm |
Sáng 29/11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (viết tắt là Công ty Nhật Cường).
Phiên toà sẽ kéo dài trong ba ngày, từ sáng 29/11. Trong 11 người kháng cáo có 7 bị cáo từng làm việc tại Công ty Nhật Cường là Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Tài chính; Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc; Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Bán hàng; Nông Văn Lư, nhân viên; Hoàng Văn Phong, Trưởng ngành hàng Apple; Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng và Lê Hoài Phương, nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc).
Bốn người khác cùng kháng cáo, gồm: Ngô Tuấn Sửu, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn và Nguyễn Bảo Trung, Ngô Đức Tùng, Phạm Văn Hiệp
3 người còn lại của vụ án không kháng cáo là Bùi Quốc Việt, nhân viên Công ty Nhật Cường; Trần Tất Khoa, Giám đốc Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc và lao động tự do Đỗ Văn Dũng.
Các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm trong việc nộp tiền phạt khắc phục hậu quả.
Liên quan vụ án này, VKSND Hà Nội ra kháng nghị, đề nghị toà phúc thẩm xét xử vụ án theo hướng đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhật Cường phải nộp lại 221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ nhà nước mà không buộc 13 bị cáo phạm tội Buôn lậu phải liên đới nộp lại khoản này.
Hòa Phát đề xuất đầu tư hàng loạt dự án tại Khu kinh tế Dung Quất
Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đề xuất Quảng Ngãi bổ sung 1.664 ha đất để đầu tư nhiều dự án sau thép và khu dân cư đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất |
Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) Mai Văn Hà cho biết, Khu kinh tế Dung Quất là địa bàn trọng điểm để Tập đoàn tập trung nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh trong chiến lược dài hạn.
Do vậy, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất với lãnh đạo Quảng Ngãi về việc mở rộng thêm một số dự án, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, gia tăng tối đa hiệu quả sử dụng đất, tăng cường thu hút đầu tư tại Khu Kinh tế Dung Quất.
Doanh nghiệp này đề xuất Quảng Ngãi tạo quỹ đất khoảng 300 ha giáp với đường Trì Bình - Dung Quất (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) để đầu tư dự án nhà máy sản xuất hợp kim sắt; bổ sung khoảng 79 ha để mở rộng Dự án Nhà máy Hòa Phát Dung Quất 2; đề xuất bổ sung quy hoạch 796 ha ở xã Bình Thuận để đầu tư Dự án Hòa Phát Dung Quất 3.
Ngoài ra, Hòa Phát Dung Quất cũng đề nghị bổ sung 128 ha tại xã Bình Dương để đầu tư khu dân cư đô thị hỗn hợp phục vụ tái định cư cho các dự án.
Thời gian tới, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tiếp tục ưu tiên và tập trung nguồn lực đầu tư vào Quảng Ngãi đối với các lĩnh vực sản xuất thép và các sản phẩm sau thép có giá trị gia tăng cao; cảng biển container và dịch vụ logistics; đầu tư kinh doanh bất động sản.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có công suất hơn 5 triệu tấn/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 12.000 người. Doanh ngiệp đang triển khai Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào đầu năm 2022.
Với công suất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng nóng/năm, Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 8.000 lao động.
Hà Nội triển khai xe buýt điện từ tháng 12/2021
Xe buýt điện tại Hà Nội được đánh giá là khá hiện đại, tiện ích. |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa có văn bản chấp thuận đề xuất về triển khai thực hiện mở thí điểm các tuyến buýt điện trên địa bàn Thành phố, căn cứ theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội về phương thức thực hiện và lộ trình dự kiến thực hiện trong năm 2021, 2022 đối với các tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm. Thời gian dự kiến triển khai chương trình thí điểm trong đầu tháng 12/2021.
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc triển khai thí điểm vận hành các tuyến buýt công cộng bằng xe điện sẽ được đề xuất thí điểm trong 12 tháng, với 9 tuyến. Lộ trình trong năm 2021 sẽ có ba tuyến mở mới gồm tuyến Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park; Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Ocean Park và tuyến Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park.
Tới năm 2022, tiếp tục mở mới hai tuyến Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; tuyến Giáp Bát - Khu đô thị Ocean Park vào quý I. Quý II/2022, tiếp tục triển khai 4 tuyến Long Biên - Cửa Nam - Khu đô thị Smart City; Khu liên cơ Võ Chí Công - Khu đô thị Times City; tuyến Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; tuyến Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên. Thành phố cũng sẽ ưu tiên mở trước các tuyến buýt có lộ trình kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông).
UBND Thành phố chấp thuận, cho phép Sở GTVT quyết định phương thức thực hiện đặt hàng đối với 9 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm 12 tháng. Trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Công ty CP Bến xe Hà Nội sẽ có trách nhiệm rà soát, bố trí các vị trí đỗ làm điểm đầu, điểm cuối, bảo đảm đủ điều kiện về mặt bằng, vị trí đỗ trước khi các tuyến buýt đi vào hoạt động.