Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô giải ngân gần 11.400 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), lũy kế giải ngân vốn Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đến nay đạt gần 11.400 tỷ đồng/15.496 tỷ đồng tổng nguồn vốn đã bố trí, đạt khoảng 74%.
Nhà thầu đang khẩn trương thi công dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. |
Đối với 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đến nay, tổng diện tích đất đã thu hồi đạt hơn 1.300 ha, đạt 94%. Trong đó, TP. Hà Nội đã thu hồi hơn 763 ha, đạt hơn 96%; Hưng Yên đã thu hồi hơn 195 ha, đạt 85%; Bắc Ninh đã thu hồi hơn 346 ha, đạt hơn 93%.
Ngoài ra, dự án thành phần này đã hoàn thành xây dựng 1/35 khu tái định cư, đang triển khai thi công 16 khu.
Với 3 dự án thành phần xây dựng đường song hành gồm dự án thành phần 2.1 (với 4 gói thầu), Hà Nội đã lựa chọn nhà thầu thi công và đã khởi công ngày 25/6/2023.
Dự án thành phần này đang triển khai 32 mũi thi công, hiện đang thi công lớp đất hữu cơ, đắp nền một số phân đoạn, triển khai xử lý đất yếu tại các vị trí có mặt bằng sạch; thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các công trình cầu vượt sông, kênh, mương; sản lượng thi công hơn 375 tỷ đồng, đạt 8% giá trị hợp đồng.
Dự án thành phần 2.2 tỉnh Hưng Yên đã lựa chọn nhà thầu thi công, khởi công dự án ngày 22/11/2023. Trên hiện trường đang triển khai 3 mũi thi công, hiện đang triển khai đào nền một số phân đoạn, sản lượng thi công khoảng 5/1.253,6 tỷ đồng (đạt 0,4% giá trị hợp đồng).
Đối với dự án thành phần 2.3, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt thiết kế, dự toán cả 3 gói thầu, có 1 gói thầu đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây lắp và đã khởi công vào ngày 18/12/2023; 1 gói thầu đang hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu; gói thầu còn lại đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp theo Luật Đấu thầu mới.
Tại hiện trường dự án thành phần 2.3, nhà thầu đang triển khai 4 mũi thi công, chủ yếu thi công lớp đất hữu cơ, đắp nền một số phân đoạn và xây dựng đường công vụ, sản lượng thi công khoảng 13/1.253 tỷ đồng, đạt 1,1% giá trị hợp đồng.
Dự án thành phần 3 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP, chiều dài khoảng 112,8 km với tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, hiện đang triển khai các bước tiếp theo.
Đề xuất đầu tư 430 triệu USD làm dự án chống ngập cho TP. Thủ Đức
Dự án quản lý rủi ro ngập lụt ở Thủ Đức được đề xuất đầu tư với tổng vốn 430 triệu USD (hơn 9.900 tỷ đồng) để chống ngập, cải thiện môi trường cho khu Đông TP.HCM.
Dự án quản lý rủi ro ngập lụt ở Thủ Đức được đề xuất đầu tư với tổng vốn 430 triệu USD |
Theo tờ trình vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị gửi UBND TP.HCM, Dự án có 3 hợp phần chính. Trong đó, hợp phần một có kinh phí đầu tư lớn nhất, khoảng 200 triệu USD, với mục tiêu bảo vệ vùng lõi Gò Dưa ở Thủ Đức khỏi ngập úng.
Hợp phần nêu trên bao gồm nhiều hạng mục được đầu tư, như: cải tạo, xây dựng đê bao, cống, trạm bơm, hệ thống thoát nước mưa và tích trữ nước thông qua các hồ điều tiết. Ngoài ra, hệ hống thông tin rủi ro lũ lụt sẽ được thiết lập, tích hợp với các nền tảng công nghệ của TP.HCM nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành trên địa bàn.
Hợp phần thứ hai tập trung vào cải thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho khu vực lõi Gò Dưa, kinh phí đầu tư ước tính 150 triệu USD. Trong đó, nhiều hạng mục lớn sẽ được triển khai, bao gồm xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải cho lưu vực Dự án. Các hệ thống này sẽ kết nối những công trình đã xây trước đây nhằm hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước cho khu vực. Đồng thời, hợp phần này bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất dự kiến 130.000 m3 mỗi ngày đêm.
Hợp phần còn lại ước tính kinh phí khoảng 80 triệu USD, tập trung vào các phần việc hỗ trợ triển khai Dự án như: giải phóng mặt bằng, tư vấn, quản lý cùng các loại thuế.
Trong tổng kinh phí thực hiện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đề xuất vay Ngân hàng Thế giới 350 triệu USD (khoảng 8.085 tỷ đồng) để đầu tư các hạng mục thuộc hợp phần một và hai, còn lại sử dụng vốn đối ứng trong nước. Khi được thông qua và hoàn tất công tác chuẩn bị, Dự án được lên kế hoạch triển khai giai đoạn 2026 - 2030.
Theo đơn vị đề xuất, toàn bộ công trình trên khi hoàn thành sẽ giảm nguy cơ ngập úng trong khu lõi đô thị ở TP. Thủ Đức và góp phần cải thiện môi trường.
Ngân hàng rao bán nhà đất thế chấp món nợ 1.500 tỷ với giá chỉ 1/10
Ngân hàng VietinBank Chi nhánh 7 - TP.HCM thông báo bán đấu giá khoản nợ trị giá hơn 1.500 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà (TP.HCM), với giá khởi điểm chưa bằng 1/10 tổng giá trị các khoản nợ.
Ngân hàng VietinBank Chi nhánh 7 - TP.HCM thông báo bán đấu giá khoản nợ trị giá hơn 1.500 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà (TP.HCM) |
Toàn bộ dư nợ (dư nợ gốc, lãi trong hạn, lãi phạt quá hạn) của khách hàng là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà (địa chỉ 186 Phan Xích Long, Phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM) tại Ngân hàng VietinBank Chi nhánh 7, TP.HCM phát sinh từ các hợp đồng tín dụng được ký giữa hai bên vào năm 2013.
Tổng giá trị các khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/12/2023 là 1.508 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc 567,422 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 633,4 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn 307,659 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ nợ hiện tại là các tài sản theo các hợp đồng thế chấp, gồm 5 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu phố 1, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 4 kho, công trình xây dựng, máy móc thiết bị tại tỉnh Đồng Tháp và hàng hóa thế chấp theo các hợp đồng thế chấp dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn, phiếu nhập kho.
Dù khoản nợ lên tới trên 1.500 tỷ đồng, nhưng VietinBank cho biết, giá khởi điểm của khoản nợ chỉ là 142 tỷ đồng. Người đấu giá được yêu cầu đặt trước 10% giá khởi điểm, tương đương 14,2 tỷ đồng.
Phiên đấu giá sẽ diễn ra lúc 8h30 ngày 22/3. Các khoản nợ được bán đấu giá theo nguyên trạng và theo phương thức có sao bán vậy.
Các loại thuế, lệ phí và chi phí liên quan đến tài sản đấu giá (nếu có) do khách hàng trúng đấu giá chịu trách nhiệm thanh toán.
Hà Nội chỉ 7,3% cơ sở khắc phục xong tồn tại về phòng cháy, chữa cháy năm 2023
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, hiện chỉ có 66/2.980 cơ sở trên địa bàn hoàn thành khắc phục các tồn tại về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Năm 2023, thành phố mới có 66/2.980 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. |
Qua rà soát thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội có 2.980 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 2.943 cơ sở đã cam kết lộ trình thực hiện khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (đạt 98,7%); 2.927 cơ sở đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án thực hiện khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (đạt 98,2%).
UBND cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch lộ trình, phương án thực hiện và cam kết lộ trình thực hiện khắc phục đối với 2.890 cơ sở (đạt 96,9%); 691 cơ sở đã khảo sát, lập dự toán kinh phí thực hiện khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (đạt 23,1%); 110 cơ sở đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế (đạt 3,69%); 91 cơ sở đã triển khai thi công (đạt 3,05%); 66 cơ sở hoàn thành khắc phục các nội dung tồn tại về phòng cháy, chữa cháy (trong đó, 38 cơ sở đã được UBND cấp huyện xác nhận việc hoàn thành khắc phục các nội dung tồn tại về phòng cháy, chữa cháy; 28 cơ sở đã di dời, phá dỡ hoàn toàn không còn hoạt động hoặc đã xây mới, đạt 2,21%).
Tiến độ thực hiện của một số đơn vị hiện nay vẫn còn chậm so với lộ trình đã đề ra, cụ thể: 7 đơn vị chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện.
Năm 2023, Thành phố mới có 66/2.980 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. Như vậy, với chỉ tiêu được giao trong năm 2023 là hoàn thành ít nhất 30% (tương ứng với 894 cơ sở), tuy nhiên tính đến hiện tại các cơ sở đã khắc phục xong các tồn tại về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy chỉ đạt 7,3%.
Xuất khẩu tôm tăng vọt đạt 242 triệu USD
Tháng 1, xuất khẩu tôm đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ 2023, trong đó hàng sang Trung Quốc chiếm 42 triệu USD.
Tháng 1, xuất khẩu tôm đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ 2023 |
Đây là số liệu vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố dựa trên thống kê từ hải quan. Theo VASEP, xuất khẩu tôm tăng mạnh tháng đầu năm là tín hiệu tích cực cho hoạt động kinh doanh năm nay.
Trong số các thị trường xuất khẩu chính, tôm Việt sang Trung Quốc tăng gần 3 lần, đạt 42 triệu USD tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 17,5%. Tại thị trường này, tôm Việt đang cạnh tranh với hàng Ecuador, nhưng đối thủ này đang gặp nhiều bất lợi khi mất an ninh ngành tôm và nguồn cung khó khăn. Do đó, đây sẽ là cơ hội cho tôm Việt ở thị trường Trung Quốc.
Cũng tăng trưởng bứt phá, xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn tiếp nối đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2023, tăng 77%, đạt 41 triệu USD trong tháng 1.
Tại thị trường Mỹ, Việt Nam chiếm 10% thị phần, đứng thứ 4 sau Ấn Độ (36%), Ecuador (22%), Indonesia (18%). Năm 2023, tôm nguyên liệu bóc vỏ được nhập nhiều nhất vào Mỹ.
Tương tự, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng đầu năm nay tăng lần lượt 30% và 21%, đạt 37 triệu USD và 23 triệu USD.
Theo VASEP, nguyên nhân khiến tôm xuất khẩu tăng mạnh là do nhu cầu sử dụng dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Ngoài ra, sau một thời gian "thắt lưng buộc bụng", người tiêu dùng cũng mạnh dạn chi tiêu hơn trước đó.
Số liệu hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng thủy sản trong tháng 1/2024 đạt 750 triệu USD, tăng 65,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm chiếm tỷ trọng 32%. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2022.
Quảng Nam sẽ xây dựng 19.600 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Đến năm 2030, Quảng Nam xây dựng 19.600 căn nhà ở xã hội, trong Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc xây dựng dang dở |
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Mục tiêu của dự án là phát triển, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp đến 2030 đạt khoảng 19.600 căn trên địa bàn Tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa có dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chỉ có dự án khu nhà ở công nhân của Công ty Panko tại thành phố Tam Kỳ, diện tích khoảng 5,1 ha, hoàn thành giai đoạn 1 với 200 căn phục vụ nhu cầu công nhân.
Tỉnh Quảng Nam có 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang triển khai. Dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty CP STO tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn có diện tích khoảng 12ha với 3.600 căn hộ. Dự án này đang xây dựng dang dở.
Dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty TNHH BĐS Châu Âu tại thị xã Điện Bàn, với diện tích khoảng 0,75 ha, gồm nhà ở chung cư và nhà ở liền kề với 469 căn, đang thi công hạ tầng kỹ thuật và các thủ tục chuẩn bị đầu tư các block chung cư.
Ngoài ra, dự án nhà ở công nhân xã Tam Hiệp của Công ty CP Danatol, diện tích khoảng 1,3 ha, gồm 600 căn nhà ở chung cư, đang thực hiện thủ tục đầu tư.
Bộ TN&MT xử phạt Công ty Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai hơn 2,1 tỷ đồng
Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai bị xử phạt hơn 2,1 tỷ đồng do không thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định, chưa nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
Bộ TN&MT xử phạt Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Lào Cai hơn 2,1 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai (trụ sở chính tại phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), với tổng số tiền phạt hơn 2,1 tỷ đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Vũ Tuấn Anh, doanh nghiệp này bị xử phạt do 4 hành vi vi phạm. Trong đó, hành vi "không thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định" bị xử phạt nặng nhất với số tiền lên tới 2 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai chưa thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường kể từ năm 2016 - 2023 với tổng số tiền hơn 11,1 tỷ đồng theo Quyết định số 822/QĐ-BTNMT ngày 18/5/2011 của Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường của Dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác tuyển quặng mỏ sắt Ba Hòn - Làng Lếch, công suất 300.000 tấn/năm tại xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Ngoài xử phạt hành chính, Bộ TN&MT còn yêu cầu Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai khắc phục hậu quả và buộc phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định.
Các hành vi vi phạm khác của Công ty là bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản; cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản để bàn giao theo quy định.
Ngoài ra, Công ty còn bị xử phạt hành chính 80 triệu đồng vì đã quá thời hạn trong thông báo kết quả kiểm tra, kết luận thanh tra nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp khắc phục theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà không thuộc trường hợp bất khả kháng.