Cầu kính Bạch Long được công nhận kỷ lục Guinness
Cầu Bạch Long (huyện Mộc Châu), dài 632 m, được Guinness công nhận là Cầu kính đi bộ dài nhất thế giới, sáng 28/5.
Cầu Bạch Long dài 632 m, được Guinness công nhận là Cầu kính đi bộ dài nhất thế giới |
Sáng 28/5, đại diện Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới đã trao chứng nhận Cầu kính đi bộ dài nhất thế giới cho cầu Bạch Long. Cầu có tổng chiều dài 632 m, thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Kỷ lục thứ hai được Guinness công nhận đó là Con đường bên vách đá có đáy bằng kính dài nhất thế giới, 327 m.
Cầu Bạch Long, cây cầu kính thứ tư tại Việt Nam, bắc qua hai hẻm núi dài 305 m, trên mặt lát những mảng kính lớn kích thước 2,4 m x 3 m. Phía cuối chân cầu là hang Chim Thần, với các nhũ đá tự nhiên. Công trình điêu khắc trên đá phản ánh đời sống lao động, sản xuất của người Thái xưa.
Dự án được khởi công đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu 773 tỷ đồng. Cây cầu kính Bạch Long có hai trụ tháp cao 30 m. Bên dưới trụ tháp được chuyên gia thiết kế chắc chắn, khoan leo sâu xuống 30 m bằng cáp giữ chịu lực.
Chiều rộng mặt cầu là 2,4 m, loại kính trên mặt là kính siêu cường lực Saint Gobain của Pháp, bao gồm 3 lớp, dày 40 mm. Trường hợp một lớp kính bị vỡ thì cầu vẫn có khả năng chịu được lực lên tới 5 tấn.
Toàn bộ hệ thống cáp treo cũng đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc, mỗi bó cáp treo có 7 sợi với đường kính mỗi sợi là 50 mm. Điểm sâu nhất của cầu nằm ở giữa tính từ khe suối lên cầu là 150 m.
Phần tiếp nối của cầu là con đường bên vách đá, chạy dài 327 m chênh vênh, rộng 1,5 m, có hai điểm nhô ra rộng 3 m, dài 5 m view ra toàn cảnh khu du lịch để khách hàng chụp ảnh check in.
Đề xuất lập trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế cho TP.HCM
Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM cho lập trung tâm mua sắm tập trung trang thiết bị, vật tư y tế khám, thuốc chữa bệnh như trước đây.
Thiết bị y tế tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM |
Đề xuất lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc và thiết bị y tế trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động song song Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) vừa được Sở Y tế gửi Thường trực UBND TP.HCM. Trung tâm sẽ có quy chế phối hợp với các cơ sở y tế trong mua sắm, sử dụng và điều phối.
Trước đó, năm 2014, Thành phố từng có Trung tâm Mua sắm hàng hoá và tài sản công của ngành y tế (thuộc Sở Y tế), để cung ứng và điều phối thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị. Sở Y tế là chủ đầu tư, phê duyệt hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu.
Theo Sở Y tế, ưu điểm của đấu thầu tập trung là công khai, minh bạch, hạn chế sai sót, giảm lãng phí, danh mục mua sắm và giá hợp lý, thống nhất. Song thời điểm đó, Trung tâm chưa độc lập với cơ sở y tế nên khó đảm bảo tính khách quan. Đến tháng 10/2017, trung tâm này bị giải thể.
Từ đó đến nay, 78 đơn vị y tế công của Thành phố tự mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng giá trị 14.000 tỷ đồng mỗi năm. Việc tự mua sắm giúp các đơn vị chủ động, song gặp nhiều hạn chế như: phê duyệt danh mục mua sắm, họp hội đồng khoa học công nghệ chưa thực chất; thẩm định giá gói thầu chưa đầy đủ; giá trúng thầu chênh lệch nhiều so với giá nhập khẩu...
Sở Y tế cho rằng quy trình mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế đòi hỏi chuyên môn cao, nhưng các đơn vị thực hiện chưa am hiểu công tác đầu thầu. Các quy định, quy trình đấu thầu nhiều nhưng chưa rõ ràng khiến các đơn vị gặp khó trong xác định, kê khai giá, khiến người thực hiện hoang mang, lo lắng. Do đó, việc quay lại đấu thầu tập trung như trước đây là điều cần thiết.
Đề xuất gần 5.000 tỷ đồng kéo điện lưới ra Côn Đảo
Dự án Cấp điện lưới ra Côn Đảo sẽ gồm hơn 102 km đường dây 110kV trên đất liền, trên không; 6,1 km cáp ngầm, với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 4.950 tỷ đồng.
Dự án Cấp điện lưới ra Côn Đảo với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 4.950 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Bộ Công Thương và Kế hoạch & Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương về Dự án Cấp điện lưới cho Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Việc này được thực hiện trên cơ sở ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, cũng như các chỉ đạo trước đây của lãnh đạo Chính phủ về thẩm định, đề xuất chủ trương, vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án.
Theo tờ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Dự án Cấp điện lưới cho Côn Đảo, dự báo nhu cầu điện cho huyện đảo đến năm 2025 khoảng 28,7 MW, tăng hơn 3 lần (87,6 MW) vào 2030 và đạt 94 MW vào 2035.
Hiện nguồn điện bằng máy phát diesel ở Côn Đảo ở mức gần 12 MW, thiếu hụt so với nhu cầu thực tế của địa phương này.
Để kéo điện ra Côn Đảo, EVN đưa ra nhiều phương án tính toán xây dựng tuyến đường dây 110 kV, vị trí trạm biến áp, và tuyến cáp ngầm biển từ khu vực Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến Côn Đảo. Nhưng nhìn chung, quy mô đầu tư xây mới đường dây 110 kV có chiều dài khoảng 102,5 km từ trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tới trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo.
Tuyến cáp ngầm 110 kV dài khoảng 6,1 km. Ngoài ra, Dự án còn phần đầu tư mở rộng trạm biến áp hiện có tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Côn Đảo để đáp ứng việc cấp điện lưới từ đất liền ra đảo.
Tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư cho Dự án Kéo điện lưới ra Côn Đảo là hơn 4.950 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 2025. Trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 2.526 tỷ đồng, còn lại 2.424 tỷ đồng sẽ được cân đối, bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Nộp vào ngân sách 15 tỷ đồng do người đấu giá đất bỏ cọc
Cơ quan chức năng huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) quyết định hủy kết quả trúng đấu giá, nộp vào ngân sách 15 tỷ đồng tiền cọc 73 lô đất do người trúng bỏ cọc.
Cơ quan chức năng huyện Diễn Châu sẽ nộp vào ngân sách 15 tỷ đồng tiền cọc 73 lô đất do người trúng bỏ cọc |
Chiều 28/5, lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu cho biết, các hộ gia đình, cá nhân được công nhận trúng đấu giá 73 lô đất đã không nộp tiền đúng thời hạn quy định.
73 lô đất có tổng diện tích 13.400 m2, thuộc vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Đồng, Diễn Bích, Diễn Phúc, Diễn Vạn, Diễn Mỹ, được chính quyền tổ chức đấu giá hồi tháng 1. Người trúng đã đặt cọc 110 đến 385 triệu đồng/lô. Trong số này, một cá nhân ở Hà Nội trúng 19 lô, số tiền cọc phải nộp hơn 7 tỷ đồng.
Cán bộ UBND huyện Diễn Châu nhận định, có thể việc huy động vốn thời gian gần đây gặp khó khăn nên nhiều nhà đầu tư đã không xoay đủ tiền để nộp, đành bỏ cọc. Đây cũng là lần đầu địa phương ghi nhận nhiều khách hàng bỏ cọc.
Thời điểm tháng 1, Nghệ An cũng như các tỉnh thành trải qua đợt sốt đất.
Mặt cầu Long Biên bị thủng
Sáng ngày 28/5, mặt cầu Long Biên xuất hiện lỗ thủng rộng 60 cm, dài 100 cm, nằm trên phần đường bộ từ quận Hoàn Kiếm sang quận Long Biên (Hà Nội).
Đơn vị quản lý cầu khắc phục lỗ thủng bằng tấm đan bê tông |
Phần bê tông và mảnh sắt phía dưới gần rơi khỏi mặt cầu, nhìn thấy khoảng sâu phía dưới, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Ông Tạ Quang Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý và duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên), giải thích nguyên nhân là cầu khai thác đã 121 năm, các kết cấu thép bị rỉ, hao mòn tiết diện, nhiều tấm đan bị vỡ cộng thêm phương tiện chở nặng qua cầu. Ngoài ra, thời gian qua Hà Nội liên tục mưa, dẫn tới mặt đường bộ càng hỏng nhanh hơn.
Ngay khi phát hiện lỗ thủng, bộ phận thường trực tại cầu đã cảnh báo, phân luồng và lắp đặt tấm đan bê tông mới để phương tiện lưu thông. Việc sửa chữa khiến giao thông bị ùn khoảng 30 phút.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài 1.691 m, ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho phương tiện đường bộ.
Đề xuất “phạt nguội” xe quá tải thông qua trạm cân ở TP.HCM
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất thí điểm "phạt nguội" xe quá tải thông qua phát hiện tại hai trạm cân tự động trên địa bàn, giúp giảm thủ công, tăng hiệu quả kiểm soát.
Thanh tra giao thông kiểm tra xe tại trạm cân tại đường Võ Chí Công, TP. Thủ Đức |
Kiến nghị vừa được ngành giao thông TP.HCM gửi Bộ Giao thông Vận tải, để thí điểm một năm tại trạm kiểm tra tải trọng khu vực cầu Ông Lớn (Quận 7) và BOT An Sương - An Lạc (quận Bình Tân).
Động thái trên đưa ra do việc kiểm soát xe quá tải ở thành phố hiện gặp khó khăn, chỉ lực lượng nòng cốt là thanh tra giao thông thực hiện, sau khi CSGT dừng phối hợp từ năm 2017. Việc xử lý ở hiện trường cũng bất cập do các tuyến đường ở Thành phố đa phần nhỏ hẹp, khi dừng xe, dỡ hàng chở quá giới hạn xuống đường dễ gây ùn tắc, tai nạn... Thành phố từng nhiều lần muốn đề xuất cho phép phạt nguội xe quá tải.
TP.HCM đề xuất quy trình "phạt nguội" trên địa bàn tương tự mô hình Tổng cục Đường bộ đã thực hiện trên Quốc lộ 5 (Hải Phòng). Xe vi phạm khi bị phát hiện ở trạm cân, dữ liệu chuyển qua thanh tra Sở Giao thông Vận tải để xác minh, lập hồ sơ xử lý và gửi thông báo đến chủ xe. Nếu quá thời hạn giải quyết chủ xe chưa đến, đơn vị xử lý gửi thông báo tới cơ quan đăng kiểm đưa vào diện cảnh báo liên quan vi phạm hành chính.
Giai đoạn 2016 - 2021 thông qua hệ thống cân tự động, TP.HCM phạt hơn 6.000 xe quá tải với số tiền gần 80 tỷ đồng.
Đất công trung tâm Pleiku bị nghi rơi vào tay tư nhân
Bộ Công an đang thu thập tài liệu về việc 852 m2 đất trung tâm Pleiku (tỉnh Gia Lai) được giao cho công ty thuộc Bộ Giao thông vận tải nhưng sau đó lại do cá nhân đứng tên.
Khu đất 852 m2 nằm ngay trung tâm TP. Pleiku bị nghi rơi vào tay tư nhân. Ảnh minh họa |
Theo yêu cầu của Bộ Công an, UBND tỉnh Gia Lai vừa đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế... cung cấp hồ sơ quá trình giao khu đất trên cho Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1-CTCP (Cienco 1-CTCP) cho cơ quan điều tra trước ngày 31/5. Đó là các tài liệu cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng từ Cienco 1 - CTCP sang cá nhân ông Đặng Văn Đằng.
Động thái này nhằm làm rõ các sai phạm trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Cienco 1-CTCP và các đơn vị liên quan. Đây là vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Khu đất 852 m2 tại phường Trà Bá (nay là phường Phù Đổng) nằm ngay trung tâm TP. Pleiku, được UBND thành phố Pleiku cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1990 và chỉnh lý năm 2004, đứng tên Cienco 1 - Chi nhánh Tây Nguyên.
Ngày 8/1/2013, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt danh sách 10 công ty mẹ, trong đó có Cienco 1 thực hiện cổ phần hóa (xác định giá trị doanh nghiệp trong đó có khu đất này). Đến năm 2014, Cienco 1 chính thức chuyển thành công ty cổ phần, khu đất trên được chuyển nguyên trạng sang Cienco 1-CTCP quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, ba năm sau, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh TP. Pleiku cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Cienco 1-CTCP sang tên ông Đằng.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành mất trộm nhiều thiết bị
Gói thầu J2 của cao tốc Bến Lức - Long Thành (TP.HCM) bị trộm nhiều tấm chống lóa, lưới chắn rác, hệ thống điện... thiệt hại ước tính 11 tỷ đồng.
Tấm chống lóa tại gói thầu J2 cao tốc Bến Lức - Long Thành bị trộm |
Tối 28/5, Ban điều hành gói thầu J2 (hạng mục đường, cầu cạn, cầu bắc qua sông...) cho biết đường cáp điện chiếu sáng trên cầu Sông Chà (đoạn ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) của gói thầu bị mất hơn 80%. Công trình cũng bị mất 57 tấm lưới chống chói trong tổng 76 tấm; 10 cột chống chói bị tháo dỡ trong tổng 28 cột trên mặt cầu...
Gói thầu J2 đã hoàn thành năm 2017, song chưa được nghiệm thu và bàn giao. Việc mất trộm các thiết bị gây phát sinh chi phí, thời gian cho nhà thầu. Toàn dự án có bảo vệ túc trực cả ngày lẫn đêm, tại các vị trí lên xuống, nhưng các vụ mất trộm vẫn xảy ra. Hiện, sự việc được nhà thầu báo cơ quan chức năng.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57 km đi qua Long An, TP.HCM, Đồng Nai, tổng đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, khởi công năm 2014, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư. Điểm đầu dự án giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đường Vành đai 3; điểm cuối giao Quốc lộ 51 (Đồng Nai). Tuyến có 4 làn xe chạy và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h.
Theo kế hoạch, dự án xong vào năm 2019, song gặp nhiều vướng mắc nên thời gian hoàn thành lùi đến năm 2023. Hiện, dự án đạt hơn 80% khối lượng.