Tàu SE11 khắc phục xong sự cố trật đường ray
Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khoảng gần 17 giờ ngày 28/7, tàu SE11 đã khắc phục xong sự cố trật đường ray tại vị trí thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) và lưu thông bình thường.
Hiện trường đoàn tàu SE11 trật bánh tại Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). |
Trước đó, khoảng hơn 14h ngày 28/7, tàu SE11 trên hành trình từ Hà Nội và TP.HCM đến ga Lăng Cô thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) để tránh tàu SE4. Sau khi có đường, tàu SE11 tiếp tục di chuyển vào Đà Nẵng, nhưng chạy đến ghi N10 thì bị trật bánh hai toa xe thứ 10 và số 11 (toa số 10 là toa hành khách).
Trong đó, toa 10 bị trật 4 trục và nghiêng 45 độ về phía bên trái theo hướng tàu chạy; toa 11 bị trật bánh 4 trục. Cơ quan chức năng đã phát lệnh phong tỏa khu gian Lăng Cô - Hải Vân Bắc lúc 14h23 để cứu viện. Nhiều nhân viên đường sắt đã vận chuyển hành lý, hàng hóa của hành khách ra ngoài. Hành khách sau đó được đưa lên các toa phía trước để tiếp tục hành trình vào ga Đà Nẵng.
Ngay khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng điều phối của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp điều tiết các đoàn tàu trên tuyến Bắc - Nam, khẩn trương khắc phục sự cố. Cán bộ kỹ sư đường sắt đã nhanh chóng tách hai toa tàu bị trật bánh ra khỏi đường ray, thay thế bằng hai toa tàu khác. Sau khoảng hơn 2 giờ đồng hồ, tàu SE11 đã lưu thông bình thường.
Thời điểm xảy ra sự cố, tàu SE11 di chuyển với tốc độ chậm và chuẩn bị vượt đèo Hải Vân. Theo đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tàu có 12 toa, nặng hơn 460 tấn. Nguyên nhân tàu trật bánh có thể do lỗi kỹ thuật.
Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng tìm chủ xe Toyota Land Cruiser bị "bỏ quên" ở cảng
Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 đang tìm chủ sở hữu chiếc Toyota Land Cruiser Prado 2023 được nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 14/2.
Toyota Land Cruiser Prado 2023 có giá niêm yết hơn 2,6 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 (Cục Hải quan Hải Phòng) đang tìm chủ sở hữu chiếc xe Toyota Land Cruiser Prado được nhập cảnh từ ngày 14/2 nhưng đến nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào đến làm thủ tục tiếp nhận.
Thông tin trên đơn hàng cho biết bên gửi chiếc xe này là Công ty Thương mại MANFORD, trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc), còn bên nhận hàng là văn phòng đại diện của một trung tâm nghiên cứu Pháp về Đông phương học tại Hà Nội. Đơn vị vận chuyển là hãng tàu RCL.
Chiếc xe Toyota Land Cruiser Prado trên được sản xuất năm 2023, có màu đen. Hiện ô tô này vẫn được lưu giữ tại Cảng container Quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng (TC-HICT). Tại Việt Nam, Toyota Land Cruiser Prado 2023 có giá bán niêm yết hơn 2,6 tỷ đồng.
Thực tế, nhiều năm qua, các cảng ở Hải Phòng, Đà Nẵng liên tục thông báo tìm chủ sở hữu nhiều ô tô, trong đó có loạt siêu xe bị "bỏ quên" sau khi nhập cảnh trong thời gian dài.
Chẳng hạn, hồi tháng 5/2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 cũng thông báo tìm chủ cho hai chiếc xe hạng sang của Mercedes-Benz bao gồm một chiếc GLS 63 và một chiếc AMG G63. Hai chiếc xe này được đưa về cảng từ tháng 10/2018, nhưng gần 5 năm vẫn chưa có cá nhân hay doanh nghiệp nào đến nhận.
Hay Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng) cũng từng tìm chủ sở hữu của chiếc xe siêu sang Rolls-Royce Cullinan được lưu kho tại cảng container quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng từ tháng 7/2022.
Hồi năm 2020, Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ cũng thông báo tìm chủ nhân hàng loạt siêu xe Ferrari, Lamborghini do "bỏ quên" tại cảng Đình Vũ. Sau thời gian quy định, không có người đến nhận, Cục Hải quan Hải Phòng đã tổ chức đấu giá những xe sang này, giá khởi điểm 1,3-3,5 tỷ đồng.
Bình Dương phê duyệt cắm cọc giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4
Tỉnh Bình Dương đã phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng toàn tuyến 47,5 km Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.
Tuyến đường trùng với dự án đường Vành đai 4 TP.HCM qua Bình Dương. |
Liên quan tiến độ Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương, theo UBND tỉnh Bình Dương, đến nay Dự án đã được phê hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng toàn tuyến 47,5 km.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án giao thông Bình Dương đang phối hợp nhà đầu tư đề xuất để tiếp nhận cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa. Đồng thời, công bố dự án và triển khai lập biên bản nghiên cứu khả thi đề án giải phóng mặt bằng.
Sở Giao thông vận tải Bình Dương cũng đã phối hợp, cung cấp số liệu, hồ sơ ranh giải phóng mặt bằng để tính toán diện tích từng loại đất và chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án.
Đối với dự án xây lắp, đã khảo sát quan tâm của nhà đầu tư và phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong cả nước. Bên cạnh đó đã hoàn thành công tác thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Về thẩm định Dự án, Hội đồng thẩm định đã tổ chức họp 3 lần. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND Tỉnh trình HĐND Tỉnh điều chỉnh Nghị quyết của HĐND về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Tỉnh.
Được biết, Dự án Vành đai 4 TP.HCM tổng chiều dài hơn 200 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 4 qua Bình Dương dài 47,5 km được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 18.247,8 tỷ đồng.
Theo thiết kế sẽ xây dựng đường cao tốc, vận tốc 100km/h thuộc loại công trình giao thông cấp I. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng đất khoảng 419,6 ha, trong đó tuyến chính 413,4 ha, tuyến kết nối 6,2 ha. Tỉnh Bình Dương đã bổ sung 2 trạm dừng chân vào Dự án.
Trung tâm kiểm soát không lưu TP.HCM vượt tiến độ 53 ngày
Sau khi hoàn thành, Trung tâm kiểm soát không lưu mới sẽ đảm nhận toàn bộ vùng thông báo bay TP.HCM (FIR/HCM), vùng trời phía Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Phối cảnh thiết kế tòa nhà Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh. |
Sáng 28/7, ông Nguyễn Công Long, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, Trung tâm Kiểm soát không lưu TP.HCM - công trình trọng điểm của Bộ GTVT đã làm lễ cất nóc. Liên danh nhà thầu đang thực hiện đổ bê tông sàn mái tầng 6 tòa nhà điều hành.
Công trình Trung tâm kiểm soát không lưu mới có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 2/2024 theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của Bộ GTVT.
Đến nay, nhà thầu đã vượt tiến độ 53 ngày so với mốc thời gian dự kiến khi ký hợp đồng. Bên cạnh tòa nhà chính, nhà trạm kỹ thuật cho điện nguồn, bơm cấp nước sinh hoạt và PCCC cũng đã cơ bản xong phần thô.
Theo dự kiến, toàn bộ phần xây dựng công trình và thiết bị kết cấu sẽ hoàn thành ngày 18/4/2025. Các hạng mục lắp đặt thiết bị chuyên ngành quản lý bay sẽ hoàn thành trong tháng 12/2025.
Trung tâm kiểm soát không lưu mới tại TP.HCM sẽ cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động kiểm soát không lưu, giám sát hoạt động bay, thông tin, liên lạc hàng không, quản lý luồng không lưu… cho toàn bộ các hoạt động bay dân dụng, vận tải quân sự.
Ngoài ra, trung tâm này còn đảm bảo các hoạt động bay chuyên dùng khác như các chuyến bay chuyên cơ VIP, bay cấp cứu, bay đo đạc bản đồ… và toàn bộ vùng thông báo bay TP.HCM (FIR/HCM), vùng trời phía Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Đèo Prenn cửa ngõ Đà Lạt bị rạn nứt mặt đường
Sau một năm nâng cấp và sử dụng, đường đèo Prenn, cửa ngõ vào trung tâm Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), xuất hiện vết nứt dài 20 m, nhà thầu nhận định do mưa lớn kéo dài.
Vết rạn nứt mặt đường đèo Prenn |
Vị trí mặt đường bị rạn nứt cách điểm đầu đèo phía TP. Đà Lạt khoảng hơn 200 m vừa được phát hiện. Vết rạn nứt mặt đường phía taluy âm, rộng 1 - 3 cm, kéo dài khoảng 20 m.
Công ty CP xây dựng Đèo Cả (nhà thầu thi công) và cơ quan chuyên môn kiểm tra hiện trường bước đầu nhận định do mưa lớn nhiều ngày, nước thấm sâu xuống đất dưới nền đường gây ra trạng thái bão hòa, đồng thời đất nền ở đèo hàm lượng sét cao ảnh hưởng khả năng liên kết, chịu lực, dẫn tới hư hỏng mặt đường.
Nhà thầu đã sử dụng nhựa đường trám các vết nứt ngăn nước thâm nhập xuống nền, quan trắc diễn biến của vết nứt và sẽ có phương án xử lý dứt điểm ngay khi mùa mưa kết thúc.
Đèo Prenn dài 7,27 km nối Quốc lộ 20 - đường huyết mạch từ khu vực Đông Nam Bộ lên Đà Lạt. Tháng 2/2023, đường qua đèo được đầu tư 552 tỷ đồng mở rộng gấp đôi với 4 làn ôtô, vận tốc thiết kế 60 km/h. Toàn tuyến được đưa vào hoạt động từ đầu năm nay.
Tuyến đường đèo này sau những ngày mưa lớn cũng xuất hiện sạt lở một số vị trí, đất đá tràn xuống bên dưới, nguy cơ mất an toàn giao thông. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu dọn đất đá sạt trượt, khơi thông mương tránh ngập úng, nước chảy ra đường, thường xuyên kiểm tra đường để kịp thời sửa chữa.
TP.HCM có hơn 300 tên đường bị trùng tên
TP.HCM đang có nhiều tuyến đường bị trùng tên. Theo Sở VH&TT, nguyên nhân chính là yếu tố lịch sử khi TP.HCM được hình thành từ 3 đơn vị hành chính trước đây: Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
Ngoài tên đường giống nhau, một số tên đường tại TP.HCM được đặt chưa chính xác |
Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) vừa có giải trình các nội dung được đại biểu HĐND TP.HCM quan tâm về công tác đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn. Hiện tại, Thành phố có 311 đường bị trùng tên do lịch sử để lại.
Về nguyên nhân của các tên đường giống nhau, Sở VH&TT cho biết, TP.HCM hiện nay được hình thành từ 3 đơn vị hành chính riêng trước đây là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Do yếu tố lịch sử, các đơn vị hành chính trước đây đặt tên đường cho riêng mình, khi sáp nhập, tình trạng trùng tên đã xuất hiện.
TP.HCM đang có 311 tuyến đường dùng chung 132 tên do nguyên nhân chủ yếu nói trên. Ngoài ra, từ sau năm 1975 đến trước năm 1995, các quận, huyện đã tự ý đặt tên cho các tuyến đường mới do không có quy định cụ thể về thẩm quyền đặt tên của từng cấp.
Kể từ khi Hội đồng đặt tên mới, sửa tên đường trên địa bàn TP.HCM được thành lập, Thành phố đã quy định không đặt tên cùng một nhân vật lịch sử cho các tuyến đường khác nhau. Từ đó, việc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng mới được chặt chẽ, quy củ, không trùng lặp.
Thời gian tới, Sở VH&TT TP.HCM phối hợp với các quận, huyện rà soát lại những trường hợp tên đường bị trùng nhau trên cùng một địa bàn hoặc một số tuyến đường mới trong các dự án để xem xét, đưa ra phương án giải quyết hợp lý.
Thời gian qua, Sở VH&TT TP.HCM đã đề xuất bổ sung ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn các quận, huyện, TP. Thủ Đức. Sở cũng ký hợp đồng với các hội chuyên ngành để nghiên cứu tên các doanh nhân, nhân vật lịch sử và các địa danh nhằm làm phong phú thêm ngân hàng tên đường.
Khởi tố vụ án tham ô tài sản tại Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố một bị can là Văn thư - Thủ quỹ Trường Chính trị tỉnh này để điều tra về tội tham ô tài sản. Trước đây 6 năm, trường này trình báo về việc bị mất trộm hơn 500 triệu đồng.
Trụ sở Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk |
Sáng 28/7, một lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk xác nhận, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã đến trường đọc các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Huyền (SN 1984, trú phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), nhân viên Văn thư - Thủ quỹ của trường, để điều tra về tội tham ô tài sản.
Theo lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Thị Huyền công tác tại trường đã nhiều năm.
Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk thông tin thêm, sau khi cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhà trường sẽ thực hiện quy trình tạm đình chỉ chức vụ đối với Nguyễn Thị Huyền; đồng thời giao người khác phụ trách.
Trước đó, tháng 3/2018, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk trình báo Công an TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) về việc nhà trường bị mất trộm gần 500 triệu đồng.
Vụ việc được thông báo đến Công an TP. Buôn Ma Thuột thụ lý, khởi tố vụ án để điều tra. Do vượt thẩm quyền nên Công an TP. Buôn Ma Thuột đã chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh Đắk Lắk.
Tuy nhiên, sau một năm điều tra, công an đã đình chỉ vụ án vì không tìm thấy thủ phạm. Đến đầu năm 2023, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị Công an tỉnh khôi phục điều tra vụ mất cắp trên.
Liên quan đến Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, Sở Tài chính đã chỉ ra 18 sai phạm về công tác quản lý tài chính giai đoạn 2017 - 2022 của trường. Số tiền có dấu hiệu thất thoát, thiệt hại tại trường trên 1 tỷ đồng.
Kế toán trưởng kiêm nhiệm thành viên HĐQT, một công ty bị xử phạt
Do không đảm bảo thành viên hội đồng quản trị đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện - để kế toán trưởng kiêm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT - nên Công ty In Hàng không bị UBCKNN xử phạt.
In hàng không đang rơi vào tình trạng thua lỗ, âm dòng tiền. Ảnh minh họa |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP In Hàng không (mã chứng khoán: IHK) với tổng số tiền lên tới 190 triệu đồng.
Trong đó, Công ty bị phạt tiền 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu, gồm: tài liệu kèm theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng năm 2022.
Bên cạnh đó, Công ty CP In Hàng không còn bị UBCKNN phạt tiền 125 triệu đồng do không đảm bảo thành viên hội đồng quản trị đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện.
UBCKNN cho hay, Công ty bố trí nhân sự vừa là kế toán trưởng vừa kiêm nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị, không tuân thủ quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Kế toán và Điều 3 Luật Doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính quý II vừa được Công ty công bố, trong quý vừa rồi, In Hàng không đạt 23,2 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 3,4% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ giá vốn và các chi phí, Công ty ghi nhận lỗ thuần 1,5 tỷ đồng (tăng lỗ gấp đôi so với cùng kỳ 2023), lỗ sau thuế 1,48 tỷ đồng.
Dòng tiền của Công ty bị đứt gãy khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3,6 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 6 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm xấp xỉ 9,9 tỷ đồng.