Bản tin thời sự sáng 29/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Giám đốc CDC Hòa Bình bị cảnh cáo; mở lại các sân bay, hàng không khai thác bình thường sau bão Noru; tối 28/9, đường sắt Bắc - Nam chạy lại bình thường; khởi công xây đài không lưu sân bay Long Thành; đồng ý phương án làm ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm của tuyến Metro số 2…

Giám đốc CDC Hòa Bình bị cảnh cáo

Ông Kiều Đình Vì, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hòa Bình bị cảnh cáo do vi phạm liên quan đến kit xét nghiệm Việt Á.

Trụ sở CDC Hòa Bình

Trụ sở CDC Hòa Bình

Ngày 27/9, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh Hòa Bình kết luận, ông Kiều Đình Vì chịu trách nhiệm chính với những khuyết điểm của Đảng ủy CDC Tỉnh. Cụ thể, ông chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo một số chi bộ trực thuộc kiểm tra, giám sát đảng viên theo kế hoạch đã xây dựng.

Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát. Điều này dẫn đến Trung tâm khi thực hiện đấu thầu đối với hai gói thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, test kháng nguyên Covid-19 với Công ty CP Công nghệ Việt Á đã vi phạm quy định về các điều cấm.

Ông Bùi Thanh Tuyền, Phó Bí thư chi bộ Phòng Kế toán - Tài chính, bị cảnh cáo do chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đảng viên chưa đảm bảo yêu cầu; chưa kiểm tra, giám sát đảng viên theo kế hoạch đã xây dựng.

Ông Tuyền được xác định là thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo phòng Tài chính - Kế toán thực hiện nhiệm vụ giúp Giám đốc CDC xây dựng kế hoạch, giám sát việc thực hiện các dự án mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, test kháng nguyên Covid-19.

Bà Ngô Thị Phượng, Phó Bí thư Đảng ủy CDC được yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Đảng ủy CDC Hòa Bình bị khiển trách.

Mở lại các sân bay, hàng không khai thác bình thường sau bão Noru

Nhiều cảng hàng không ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã được mở cửa khai thác trở lại bình thường khi điều kiện thời tiết diễn biến tốt lên sau bão Noru.

Nhiều cảng hàng không ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã được mở cửa khai thác trở lại sau bão Noru.

Nhiều cảng hàng không ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã được mở cửa khai thác trở lại sau bão Noru.

Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định mở lại 9 trong tổng số 10 sân bay bị tạm đóng cửa tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên để phòng chống bão số 4 (tên quốc tế là Noru).

Cụ thể từ 12 giờ trưa 28/9, các sân bay Chu Lai (Quảng Nam), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Liên Khương (Lâm Đồng) và Vinh (Nghệ An) mở cửa trở lại, khai thác bình thường.

Sân bay Đà Nẵng mở lại vào hồi 13 giờ 30 ngày 28/9. Các sân bay còn lại gồm Phú Bài (Huế), Pleiku (Gia Lai) mở lại sau 14 giờ chiều 28/9.

Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn đang tạm ngừng tiếp nhận máy bay.

Được biết, 2 sân bay Tuy Hoà (Phú Yên) và Phù Cát (Bình Định) đã hoạt động bình thường sau khi điều kiện thời tiết tốt lên sau bão Noru.

Do tình hình bão Noru suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, Vietnam Airlines khôi phục hoạt động khai thác các sân bay Vinh, Phú Bài, Liên Khương, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Mê Thuột. Ngoài ra, Hãng sẽ tăng chuyến bay, đưa tàu bay thân rộng Airbus A350, Boeing 787 vào khai thác để nhanh chóng, kịp thời phục vụ các hành khách bị ảnh hưởng.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định tạm ngừng khai thác 10 cảng hàng không do ảnh hưởng của cơn bão Noru. Các hãng hàng không cũng phải thay đổi lịch khai thác do cơn bão này như hủy chuyến, bay sớm hoặc chậm hơn so thời gian dự kiến lên tới hàng trăm chuyến bay nhằm đảm bảo an toàn bay và hàng chục nghìn hành khách bị ảnh hưởng.

Tối 28/9, đường sắt Bắc - Nam chạy lại bình thường

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện đã khắc phục xong các vị trí hư hỏng, ảnh hưởng do bão Noru và tiến hành chạy lại tuyến đường sắt Bắc - Nam từ tối 28/9.

Đường sắt Bắc Nam sẽ chạy lại bình thường từ tối 28/9/2022.

Đường sắt Bắc Nam sẽ chạy lại bình thường từ tối 28/9/2022.

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do ảnh hưởng của bão số 4, đêm 27/9 và sáng 28/9, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, nhiều vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng, cây đổ vào đường sắt, phải phong tỏa khu gian, dừng chạy tàu.

Cụ thể, địa bàn Thừa Thiên - Huế, khu gian Truồi - Cầu Hai phải phong tỏa một số đoạn do cây đổ vào đường sắt như: Km716+500, Km725+500; đoạn từ Km724+400 - Km724+600, đoạn từ Km728+800 - Km728+900 và khu gian Cầu Hai - Thừa Lưu, đoạn từ Km738 - Km740.

Địa bàn Đà Nẵng - Quảng Nam, khu gian Kim Liên - Thanh Khê đoạn từ Km778+00 đến Km788+060 và đoạn từ Km778+350 đến Km778+350; khu gian Trà Kiệu - Phú Cang, tại Km834+800, Km835+300 và khu gian Diêm Phổ - Núi Thành có cây đổ nhiều vào đường sắt tại nhiều vị trí.

Đặc biệt, khu gian Tam Kỳ - Diêm Phổ phong tỏa lúc 5h40 sáng 29/9 do đoạn từ Km877+550 - Km877+600 sạt lở vai đường đến sát mép tà vẹt trên chiều dài 50 m.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đến 11h trưa 28/9, các đơn vị đường sắt đã hoàn thành tổ chức sửa chữa, khắc phục, giải phóng xong chướng ngại vật trên đường sắt, đảm bảo giao thông thông suốt. Từ tối 28/9, đường sắt tổ chức chạy lại tàu bình thường trên tất cả các tuyến.

Khởi công xây đài không lưu sân bay Long Thành

Ngày 29/9, Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành và các công trình quản lý bay sẽ được khởi công với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.

Phối cảnh Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành

Phối cảnh Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành

Đài Kiểm soát không lưu và công trình phụ trợ có diện tích 24.000 m2 được xây dựng để kiểm soát hoạt động của máy bay tại Long Thành và trong vùng trời.

Đài được thiết kế hình búp sen có màu sắc và kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách. Tháp điều hành cao 123 m gắn radar trên đỉnh, diện tích xây dựng khoảng 80 m2, đường kính thân tháp 10 m. Các thiết bị được thiết kế theo công nghệ tự động hóa và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai.

Ngoài ra, các công trình quản lý bay khác được xây dựng đồng bộ như trạm radar sơ cấp/thứ cấp, trạm phát sóng vô tuyến VHF không địa, hệ thống giám sát tự động phụ thuộc, trạm radar khí tượng, đài dẫn đường đa hướng và đo cự ly, hệ thống cảnh báo gió đứt... trên tổng diện tích khoảng 70.000 m2.

Các công trình này thuộc Dự án thành phần 2 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư. Tổng mức gần 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn của VATM và vốn vay thương mại. Dự án được dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Dự án sân bay Long Thành nằm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, giai đoạn một có tổng đầu tư 4,6 tỷ USD, gồm một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm.

Đồng ý phương án làm ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm của tuyến Metro số 2

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, Thường trực Chính phủ đã chấp thuận phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Hà Nội sẽ đề xuất quy hoạch ga ngầm C9 tại vị trí theo phương án 1

Hà Nội sẽ đề xuất quy hoạch ga ngầm C9 tại vị trí theo phương án 1

Phương án được lựa chọn là phương án nghiên cứu bố trí ga C9 ra ngoài Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm.

Theo phương án này, ga ngầm C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng có kết cấu thân ga trùng với ranh giới vùng bảo vệ II, dài hơn 202 m, rộng 15 m, sâu khoảng 31 m, ga nằm trên đường cong có bán kính 800 m, bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và trụ sở HĐND - UBND TP. Hà Nội; bố trí 2 lối lên xuống số 1 và 2 ở vị trí như phương án đề xuất ban đầu.

Tính toán cho thấy, để có đủ không gian bố trí tháp làm mát, thông gió (cao 13 m) và phòng máy phát điện..., cần phải mở rộng diện tích công trình phụ trợ tại đất của Tổng công ty Điện lực Hà Nội lên 705 m2, tăng 260 m2 so với phương án đề xuất ban đầu; lấy thêm đất của UBND Thành phố khoảng 25 m2 để bảo đảm thi công.

Mặc dù việc điều chỉnh thiết kế ga C9 và đoạn tuyến làm tăng thêm chi phí xây dựng (khoảng 500 tỷ đồng), tăng chi phí vận hành bảo dưỡng, kém thuận lợi cho hành khách, song với ưu điểm phù hợp với các quy hoạch liên quan của Thủ đô, bảo đảm tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa…

Trung Quốc lại khóa 1 cửa khẩu với Việt Nam

Cặp cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) - Lý Hỏa, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, (Trung Quốc) tạm dừng thông quan chỉ sau 2 ngày mở lại hoạt động do phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...

Cửa khẩu Bắc Phong Sinh lại bị đóng vì lý do Covid -19

Cửa khẩu Bắc Phong Sinh lại bị đóng vì lý do Covid -19

Theo thông báo từ phía Trung Quốc, cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa sẽ dừng hoạt động từ ngày 28/9 đến hết ngày 7/10/2022. Dự kiến, từ ngày 8/10, cặp cửa khẩu này sẽ mở cửa thông quan trở lại.

Trước đó, ngày 26/9, sau 7 tháng tạm dừng hoạt động, cặp cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa đã được thông quan trở lại. Trong 2 ngày thông quan 26 và 27/9, chỉ có 2 xe hàng tạp của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu này.

Cửa khẩu này đã phải tạm dừng hoạt động từ ngày 24/2/2022 do phía Trung Quốc triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. 8 tháng năm 2022, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường của Việt Nam, dự báo cả năm 2022 chiếm 33,4%. Đây là tỷ trọng tăng lên và lớn hơn nhiều so với các thị trường lớn thứ 2 trở xuống (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Thái Lan,…).

Đà Nẵng có 82 dự án, khu đất vi phạm Luật Đất đai

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai các trường hợp vi phạm đất đai trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng có nhiều dự án, khu đất có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp phải gia hạn sử dụng đất 24 tháng.

Thành phố Đà Nẵng có nhiều dự án, khu đất có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp phải gia hạn sử dụng đất 24 tháng.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã có Báo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công khai các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Kết quả tổng hợp, rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho thấy, từ thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, UBND Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai tại địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cũng chủ động thực hiện, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đối với các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn Thành phố.

Kết quả kiểm tra đã xác định 82 dự án, khu đất có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp phải gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo đúng quy định. Theo đó, các chủ đầu tư, người sử dụng đất đã nộp tiền gia hạn sử dụng đất vào ngân sách, với số tiền hơn 345 tỷ đồng.

Bắt giữ tàu vận chuyển 80.000 lít dầu không rõ nguồn gốc

Ngày 28/9, lực lượng chức năng của Vùng Cảnh sát biển 4 vừa phát hiện, bắt giữ một tàu vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc để xử lý theo quy định pháp luật.

Lực lượng CSB kiểm tra hàng hóa vi phạm.

Lực lượng CSB kiểm tra hàng hóa vi phạm.

Theo đó, tại vùng biển Nam Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau khoảng 130 hải lý, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu cá mang số hiệu TG 93698 TS có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 5 thuyền viên, do ông Huỳnh Tấn Đạo, sinh năm 1974, địa chỉ thường trú tại phường 3, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng; chủ tàu là bà Phạm Thị Thúy, địa chỉ thường trú tại Phong Thuận, Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Theo lời khai của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO, toàn bộ số dầu này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Tổ công tác của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 lập biên bản vi phạm hành chính, thiết lập hồ sơ ban đầu của vụ việc và niêm phong hàng hóa vi phạm; đồng thời, dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.