Bản tin thời sự sáng 29/9

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thiệt hại kinh tế do bão Yagi tăng lên 81.500 tỷ đồng; thêm 13 tỉnh thành sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, giảm 87 xã; hạ thủy 26 đốt khơi, lắp đặt cầu phao nơi cầu Phong Châu bị sập; Metro số 1 TP.HCM còn nhiều tồn tại, chưa đủ điều kiện nghiệm thu…

Thiệt hại kinh tế do bão Yagi tăng lên 81.500 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, bão Yagi gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam 81.500 tỷ đồng, tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng so với thống kê 1 tuần trước.

TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tan hoang sau bão Yagi

TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tan hoang sau bão Yagi

Sáng 28/9, báo cáo tại Hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão Yagi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Quảng Ninh tổn thất nhiều nhất với 24.800 tỷ đồng; Hải Phòng 12.200 tỷ; Hải Dương 7.400 tỷ; Lào Cai 6.600 tỷ; Yên Bái 5.730 tỷ; Bắc Giang 5.000 tỷ; Hưng Yên 3.600 tỷ đồng... Riêng thiệt hại nông nghiệp hơn 30.800 tỷ đồng, chiếm 38% tổng thiệt hại kinh tế.

Như vậy, thiệt hại về kinh tế do bão Yagi đã tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng so với thống kê 1 tuần trước. Trong bài viết ngày 21/9 về khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn thống kê thiệt hại kinh tế do bão Yagi là 61.000 tỷ đồng, khiến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8 - 7%).

Ngày 7/9, bão Yagi với sức gió lúc đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng cấp 12 - 14 và mưa lớn toàn miền Bắc sau bão khiến 344 người chết và mất tích, trong đó số chết và mất tích do sạt lở đất, lũ quét 264 người. Riêng Lào Cai ghi nhận 132 người chết, 19 người mất tích; Cao Bằng 55 người chết và 2 người mất tích; Yên Bái 54 người chết; Quảng Ninh 29 người chết; Hải Dương 8 người chết; Phú Thọ 6 người chết và 4 người mất tích; Thái Nguyên 8 người chết...

281.900 nhà đã bị hư hỏng, tốc mái; 112.000 nhà ngập; 284.400 ha lúa và 61.100 ha hoa màu ngập úng, hư hại; hơn 5,6 triệu gia cầm chết. 14 sự cố đường dây 500 kV và nhiều sự cố khác khiến hơn 6 triệu khách hàng bị mất điện, trong đó có hơn 430 khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Hạ thủy 26 đốt khơi, lắp đặt cầu phao nơi cầu Phong Châu bị sập

Chiều 28/9, Lữ đoàn Công binh 249 đã hạ thủy 26 đốt khơi, chuẩn bị ghép cầu phao nơi cầu Phong Châu bị sập.

Lữ đoàn Công binh 249 hạ thủy đốt khơi, sẵn sàng lắp đặt cầu phao dã chiến

Lữ đoàn Công binh 249 hạ thủy đốt khơi, sẵn sàng lắp đặt cầu phao dã chiến

Chiều 28/9/2024, tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) đã hạ thủy 12 ca nô, 26 đốt khơi và chuẩn bị các hệ thống hố thế, cọc ghìm... để bảo đảm an toàn cho quá trình lắp đặt cầu phao MP 60 tấn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, sáng 29/9, lực lượng công binh sẽ tiến hành lắp đặt cầu phao, chạy thử tải và dự kiến ngày 30/9 người dân sẽ được qua cầu.

Trước đó, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I - Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã đề xuất phương án vận hành cầu phao Phong Châu sau khi hoàn thành lắp đặt, đảm bảo an toàn.

Theo phương án đề xuất, sẽ thực hiện đóng, mở cầu phao Phong Châu 1 lần/ngày, thời gian từ 9 giờ đến 10 giờ hàng ngày; linh hoạt số lần đóng, mở tùy theo phương tiện thủy có nhu cầu lưu thông qua khu vực.

Phương án này được đưa ra dựa trên lưu lượng phương tiện thủy lưu thông tại khu vực luồng sông Hồng qua khu vực lắp đặt cầu phao Phong Châu không lớn.

Thống kê tại Trạm quản lý đường thủy nội địa Cổ Tiết trong năm 2023 cho thấy, mỗi tháng tại luồng giao thông đường thủy này có khoảng 120 lượt phương tiện lưu thông, chủ yếu chở vật liệu xây dựng và đánh bắt thủy, hải sản, trọng tải phương tiện đến 300 tấn.

Sau khi thống nhất với đơn vị vận hành cầu phao, Chi cục sẽ ra thông báo hạn chế giao thông; thông báo thời gian đóng, mở cầu phao gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng, các sở giao thông vận tải, chính quyền địa phương; thông tin đến các thuyền trưởng điều khiển phương tiện biết để chủ động thời gian lưu thông qua khu vực đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Thêm 13 tỉnh thành sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, giảm 87 xã

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua 13 nghị quyết sắp xếp, sáp nhập 5 đơn vị hành chính cấp huyện, 186 đơn vị cấp xã của 13 tỉnh, thành phố.

Tỉnh Quảng Ninh thành lập thành phố Đông Triều trên cơ sở thị xã Đông Triều và thành lập 4 phường trên cơ sở 4 xã thuộc thị xã Đông Triều

Tỉnh Quảng Ninh thành lập thành phố Đông Triều trên cơ sở thị xã Đông Triều và thành lập 4 phường trên cơ sở 4 xã thuộc thị xã Đông Triều

Sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 13 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Báo cáo tờ trình tóm tắt của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong phương án sắp xếp ĐVHC, có tỉnh Bắc Giang sắp xếp 4/10 ĐVHC cấp huyện thuộc diện khuyến khích để hình thành 4 ĐVHC cấp huyện mới.

Cụ thể, Bắc Giang nhập huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang và điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động, thành lập thị xã Chũ.

Ngoài ra, Bắc Giang còn sắp xếp 34/209 ĐVHC cấp xã để hình thành 17 ĐVHC cấp xã mới; thành lập 16 phường và 2 thị trấn trên cơ sở 18 ĐVHC cấp xã hiện hữu. Sau sắp xếp, tỉnh không thay đổi số lượng ĐVHC cấp huyện; giảm 17 ĐVHC cấp xã.

Tỉnh Quảng Ninh sắp xếp 12/177 ĐVHC cấp xã để hình thành 6 ĐVHC cấp xã mới; thành lập thành phố Đông Triều trên cơ sở thị xã Đông Triều và thành lập 4 phường trên cơ sở 4 xã thuộc thị xã Đông Triều. Sau sắp xếp, tỉnh không thay đổi số ĐVHC cấp huyện (13 đơn vị) và giảm 6 ĐVHC cấp xã.

Các tỉnh, thành khác không sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mà chỉ sáp nhập ở cấp xã. Cụ thể, thành phố Cần Thơ sắp xếp 4/83 ĐVHC cấp xã, giảm 3 đơn vị. Tỉnh Đắk Lắk sáp nhập 11/184 ĐVHC cấp xã, giảm 4 đơn vị. Tỉnh Đồng Nai sắp xếp 22/170 ĐVHC cấp xã, giảm 11 đơn vị.

Tỉnh Gia Lai sắp xếp 5/220 ĐVHC cấp xã, giảm 2 xã. Tỉnh Khánh Hòa sáp nhập 12/139 ĐVHC cấp xã, giảm 7 đơn vị. Tỉnh Lào Cai thực hiện sắp xếp 2/152 ĐVHC cấp xã, giảm 1 xã. Tỉnh Ninh Thuận sắp xếp 5/65 ĐVHC cấp xã, giảm 3 xã.

Tương tự, tỉnh Phú Yên sáp nhập 9/110 ĐVHC cấp xã, giảm 4 xã. Tỉnh Thái Bình sắp xếp 28/260 ĐVHC cấp xã, giảm 18 xã. Tỉnh Tiền Giang sắp xếp 10/170 ĐVHC cấp xã, giảm 6 đơn vị. Tỉnh Vĩnh Long sắp xếp 10/107 ĐVHC cấp xã, giảm 5 xã.

Metro số 1 TP.HCM còn nhiều tồn tại, chưa đủ điều kiện nghiệm thu

Để đưa tuyến metro số 1 TP.HCM vào khai thác cuối năm nay, Chủ đầu tư cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các tồn tại về hồ sơ công trình, chứng chỉ phòng cháy chữa cháy.

Theo kế hoạch, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ khai thác thương mại vào cuối năm 2024

Theo kế hoạch, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ khai thác thương mại vào cuối năm 2024

Cơ quan thường trực Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vừa có công văn gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) về kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị, rà soát hồ sơ hoàn thành công trình tại Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát của Cơ quan thường trực Hội đồng và Tổ chuyên gia cho thấy MAUR và các nhà thầu đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án để đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa vào vận hành khai thác.

Trong đó, tại thời điểm kiểm tra, phần xây dựng của Metro số 1 đã cơ bản hoàn thành, đạt khoảng 99%. MAUR cũng đang tổ chức vận hành liên động Dự án (test run) và chuẩn bị vận hành thử Dự án (trial run). Dự kiến, công tác này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11.

Theo Chủ đầu tư, phải đến giữa tháng 12 mới có thể được cấp chứng chỉ an toàn hệ thống. Các cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức kiểm tra các hạng mục phòng cháy chữa cháy và an toàn môi trường. Trong khi đó, công tác lập và tập hợp hồ sơ hoàn thành công trình mới đang được các nhà thầu thực hiện, hiện chưa đầy đủ, danh mục hồ sơ hoàn thành công trình chưa được lập theo quy định.

Phía Hội đồng cho rằng, để đưa đoạn tuyến trên cao của Dự án vào khai thác đáp ứng tiến độ vào cuối năm, Chủ đầu tư cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các tồn tại về hồ sơ hoàn thành công trình tại Gói thầu CP2 (xây dựng đoạn đi trên cao và depot dài 17,1 km từ ga Ba Son đến Depot Long Bình).

Căn cứ tình hình thi công, Chủ đầu tư lập kế hoạch chi tiết tiến độ hoàn thành các hạng mục, công việc còn lại làm cơ sở nghiệm thu hoàn thành Dự án.

Hội đồng cũng yêu cầu phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống bố trí đầy đủ nhân sự để đẩy nhanh công tác đánh giá an toàn. Các đơn vị liên quan cần kịp thời cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống và giải quyết, xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công việc này...

Lập tổ xác minh nguyên nhân tàu trật bánh ở Thừa Thiên Huế

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã thành lập tổ khám nghiệm, giám định hạ tầng và toa xe để xác định nguyên nhân tàu trật bánh 5 lần trong 2 tháng qua.

Tàu SE11 trật bánh tại đoạn ghi chuyển hướng ga Lăng Cô

Tàu SE11 trật bánh tại đoạn ghi chuyển hướng ga Lăng Cô

Sáng 28/9, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR cho biết, sau mỗi vụ trật bánh tàu, đơn vị đều lập tổ khám nghiệm, đo đạc hiện trường để xác định nguyên nhân. Do có nhiều vụ trật bánh tại Thừa Thiên Huế trong 2 tháng, VNR đã thành lập riêng tổ khám nghiệm, giám định hạ tầng đường sắt và toa xe. Thành viên là các chuyên gia an toàn, hạ tầng, phương tiện.

Ngoài ra, VNR còn mời một số chuyên gia từ Trung Quốc để rà soát chất lượng toa xe..

Với vụ trật bánh đầu máy tàu hàng sáng 28/9 tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, ông Khánh nói, có thể do ảnh hưởng từ công tác sửa chữa hạ tầng. Đoạn đường sắt nơi xảy ra sự cố đang được Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thi công sửa chữa.

Với một số vụ trật bánh tại khu vực ga Lăng Cô tháng 7 - 8, ông Khánh cho biết, có thể do các yếu tố bất lợi cộng hưởng của chủng loại toa xe giá chuyển hướng có cự ly trục bánh xe lớn và hệ thống chuyển hướng ray (ghi) đã cũ.

Trước mắt, VNR sửa chữa các đầu máy, toa xe cũ, xây dựng biện pháp đảm bảo an toàn khi tổ chức chạy tàu qua các bộ ghi xuống cấp, đồng thời yêu cầu các đơn vị rà soát, bổ sung quy định kiểm tra bảo dưỡng van và giá chuyển hướng của toa xe.

Hai tháng qua, tàu Bắc Nam qua Thừa Thiên Huế đã 5 lần trật đường ray, trong đó có một số vụ gần ga Lăng Cô. Ngày 28/7, tàu khách SE11 chạy hướng Hà Nội vào TP.HCM bị trật bánh toa 10, 11 tại ga Lăng Cô.

Ngày 7/8, đang trên hành trình ra Hà Nội, tàu khách SE2 bị trật bánh ở toa số 2, phải dừng lại tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Ngày 31/8, tàu khách SE2 đang đi chậm vào ga Lăng Cô thì toa số 3 bị trật khỏi đường ray.

Ngày 15/9, tàu SE6 với 13 toa chạy đến cầu Hói Mít, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc thì trật bánh. 3h ngày 28/9, tàu hàng kéo 24 toa container khi qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc cũng trật bánh ở đầu máy, nghiêng khoảng 15 độ.

Khu vực Lăng Cô đường ray quanh co, một bên là núi, một bên là vực dốc xuống biển và đầm. Một số đoạn đường sắt qua khu vực này đang được nâng cấp.

94.000 khách vay vốn thiệt hại sau bão

Hơn 94.000 khách vay với tổng dư nợ 165.000 tỷ đồng chịu thiệt hại nặng sau bão Yagi, theo thống kê của ngành ngân hàng.

Hơn 94.000 khách vay với tổng dư nợ 165.000 tỷ đồng chịu thiệt hại nặng sau bão Yagi

Hơn 94.000 khách vay với tổng dư nợ 165.000 tỷ đồng chịu thiệt hại nặng sau bão Yagi

Tại hội nghị tổng kết sau bão Yagi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng đã rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng vay vốn sau bão số 3 (bão Yagi).

Theo đánh giá của các nhà băng toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỷ đồng. Số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000.

Quảng Ninh, tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, có khoảng hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy.

Tại hội nghị trực tuyến ngành ngân hàng mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, 32 tổ chức tín dụng trên 26 tỉnh, thành phía Bắc đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường 0,5 - 2%.

Để tăng nguồn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện ở Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp cần thiết, bà Hồng đề xuất các bộ, ngành trình Thủ tướng bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2024 - 2025.

Cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành cùng ngân hàng nắm tình hình, hoàn thiện hồ sơ vay nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp, người dân.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một trong những mục tiêu vẫn là khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị sau bão.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại được yêu cầu rà soát, tổng hợp thiệt hại, đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động.

Đắk Nông chưa thể giải ngân cả trăm tỷ đồng tiền ngân sách

Đắk Nông đang đứng trước nguy cơ phải trả lại hàng trăm tỷ đồng cho Trung ương vì không kịp giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2

Dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm này, trên địa bàn có nhiều dự án chậm tiến độ. Trong đó có Dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2.

Dự án này có tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và nguồn ngân sách địa phương.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, kế hoạch vốn được giao năm 2024 đến kỳ báo cáo của Dự án là 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương; vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024 là 91,6 tỷ đồng.

Đến ngày 11/9/2024, Dự án đã giải ngân 4,09 tỷ đồng/241,6 tỷ đồng đạt 1,69% kế hoạch. Hiện Dự án đang tổ chức thi công đối với đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng của Gói thầu số 16 và sản xuất cấu kiện đúc sẵn đối với các gói thầu còn lại.

Hai gói thầu còn lại do đang vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng và chồng chéo với quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít.

Đối với số vốn 241,6 tỷ đồng bố trí cho Dự án, dự kiến chỉ ưu tiên giải ngân số vốn 91,6 tỷ đồng được chuyển nhiệm vụ chi. Trong khi đó, số vốn bố trí năm 2024 còn lại 147,7 tỷ đồng không có khả năng giải ngân hết.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông trả lại số vốn không giải ngân hết về Trung ương.