Bản tin thời sự sáng 30/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khánh thành kho LNG Thị Vải lớn nhất Việt Nam; mở rộng diện miễn phí thẻ bảo hiểm y tế; Hà Nội - Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023; doanh nghiệp dệt may Garmex Sài Gòn cắt giảm gần 2.000 lao động…

Khánh thành kho LNG Thị Vải lớn nhất Việt Nam

Sau hơn 4 năm khởi công xây dựng và hoàn thiện, Dự án kho LNG 1 MMTPA, có tổng mức đầu tư hơn 300 triệu USD, công suất qua kho hơn 1 triệu tấn/năm, được khánh thành vào ngày 29/10.

Kho LNG của PV GAS với qui mô lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam đi vào hoạt động

Kho LNG của PV GAS với qui mô lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam đi vào hoạt động

Ngày 29/10, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tổ chức khánh thành công trình công nghiệp dầu khí đặc biệt: Kho LNG 1MMTPA Thị Vải tại Khu công nghiệp Cái Mép (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2019 với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, sau 4 năm đầu tư xây dựng, trên khu đất rộng gần 5 ha đã xuất hiện công trình LNG được xem là lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam hiện nay.

Trong đó, "trái tim” của công trình là bồn chứa LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) có chiều cao trên 50 m và đường kính ngoài 82 m, có dung tích tồn trữ 180.000 m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm (dự kiến sẽ nâng công suất lên 3 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 2), đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Ngoài ra, Dự án còn có bến cảng có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT.

Mở rộng diện miễn phí thẻ bảo hiểm y tế

Một số nhóm sẽ được ngân sách chi trả tiền mua thẻ, nâng mức thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 80% lên 100%, theo nghị định mới của Chính phủ.

Người dân dùng tài khoản BHXH điện tử khám chữa bệnh tại Quảng Nam

Người dân dùng tài khoản BHXH điện tử khám chữa bệnh tại Quảng Nam

Nghị định 75 sửa đổi, bổ sung Nghị định 146 năm 2018, hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vừa được Chính phủ ban hành, hiệu lực từ 3/12.

Nghị định bổ sung nhóm được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT gồm người dân thuộc các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ; người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng và cơ quan có thẩm quyền (thay vì giới hạn 61 huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững).

Nhóm được ngân sách hỗ trợ ít nhất 70% mức đóng BHYT có thêm người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã khu vực II (xã còn khó khăn), III (xã đặc biệt khó khăn), thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2020 đã thoát nghèo giai đoạn 2021 - 2025; người thuộc hộ gia đình làm nông lâm ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Ngân sách hỗ trợ mức đóng trong 36 tháng, tính từ 1/11/2023.

Mức hưởng chi phí khám chữa bệnh BHYT được nâng từ 80% lên 100% với người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc như thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, cán bộ công an tham gia kháng chiến chống Mỹ; người dân thuộc các xã, vùng an toàn khu...

Các nhóm được nâng mức hưởng chi phí khám chữa bệnh BHYT lên 95% gồm: vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lập gia đình mới mà đang hưởng trợ cấp hàng tháng để nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ; người chăm sóc người có công đang sống trong gia đình; người dân tộc thiểu số khu vực II, III, thôn khó khăn đã thoát nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Nghị định bổ sung giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 (VNeID) vào phương thức đăng ký khám chữa bệnh. Người dân có thể khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giấy, ảnh thẻ BHYT trên VssID, căn cước công dân gắn chip và VNeID mức độ 2.

Cả nước có khoảng 91 triệu người tham gia BHYT, bao phủ 92% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 bao phủ BHYT trên 95% dân số.

Hà Nội - Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023

Vượt qua Kuala Lumpur, Đài Bắc, Kyoto, Hà Nội đã giành giải “Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023” - Asia's Best Emerging Culinary City Destination 2023 tại lễ trao Giải thưởng Ẩm thực Thế giới 2023 (World Culinary Awards).

Bánh mì - một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới do chuyên trang TasteAtlas bình chọn

Bánh mì - một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới do chuyên trang TasteAtlas bình chọn

Giải thưởng Ẩm thực Thế giới (World Culinary Awards) nằm trong hệ thống Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) ra mắt vào năm 1994 nhằm tôn vinh những đơn vị, thương hiệu xuất sắc trong ngành du lịch và lữ hành đã trao giải “Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023” - Asia's Best Emerging Culinary City Destination 2023 cho thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại lễ công bố, bà Rina van Staden - Giám đốc Giải thưởng Ẩm thực thế giới cho biết, kết quả giải thưởng dựa trên cuộc tìm kiếm các thương hiệu ẩm thực hàng đầu thế giới trong suốt một năm. Các chuyên gia trong ngành ẩm thực và công chúng sẽ cùng tham gia vào cuộc bình chọn và ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu nhất chính là chủ nhân của hạng mục giải thưởng đó. Những đơn vị đoạt Giải thưởng Ẩm thực Thế giới năm 2023 là những đại diện xuất sắc trong ngành ẩm thực và đã giúp nâng tiêu chuẩn chung của ngành lên tầm cao hơn nữa.

Sở hữu lịch sử ẩm thực phong phú, di sản văn hóa đặc sắc, hương vị đặc trưng và độc đáo cùng phương thức chế biến riêng biệt theo từng vùng, miền, các món ăn của Việt Nam được đánh giá là sự kết hợp hài hòa, hoàn hảo và tinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia ẩm thực, Hà Nội được ví như ngôi sao đang lên của bản đồ du lịch toàn cầu khi ba trong số bốn nhà hàng được gắn sao Michelin đầu tiên của Việt Nam đều có mặt ở Thủ đô.

Doanh nghiệp dệt may Garmex Sài Gòn cắt giảm gần 2.000 lao động

Đến cuối quý III, Công ty CP Garmex Sài Gòn (GMC) chỉ còn 37 lao động, giảm gần 2.000 người so với đầu năm.

Doanh nghiệp dệt may Garmex Sài Gòn cắt giảm gần 2.000 lao động

Doanh nghiệp dệt may Garmex Sài Gòn cắt giảm gần 2.000 lao động

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, số lượng lao động của Garmex Sài Gòn tính đến cuối tháng 9 là 37 người. Trong khi hồi đầu năm, con số này là 1.982 lao động, tức giảm 1.945 người. Đợt cắt giảm này còn nặng nề hơn cả năm 2022, khi đó, GMC cắt giảm 1.828 việc làm.

Tình hình kinh doanh bết bát là nguyên nhân chính dẫn đến động thái cắt giảm nhân sự. GMC đã có 4 quý liên tiếp thua lỗ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty chỉ ghi nhận hơn 8 tỷ đồng doanh thu, trong khi cùng kỳ có hơn 245 tỷ đồng. Garmex Sài Gòn lỗ hơn 44 tỷ đồng, nâng thêm 6 lần so với 9 tháng năm 2022. Lỗ lũy kế tính đến hết quý III là gần 66 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho biết trong quý III, Công ty không có đơn hàng, mọi doanh thu đều đến từ phần dịch vụ. GMC tiết giảm chi phí nhưng đơn giá thuê đất tăng góp phần làm dày thêm khoản lỗ.

Do không có đơn hàng, Công ty đã cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động để phù hợp tình hình mới. Thời gian tới, GMC tiếp tục tiết kiệm chi phí, rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý các tài sản không cần dùng tới.

Garmex Sài Gòn hoạt động hơn 20 năm, là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc có thị phần lớn, làm việc với nhiều thương hiệu quốc tế. Công ty này có 5 nhà máy tổng diện tích hơn 10 ha với 70 dây chuyền sản xuất. Trước dịch, GMC từng tạo việc làm cho hơn 4.000 công nhân trong năm 2019.

Giai đoạn trước, Công ty ghi nhận mức doanh thu hàng nghìn tỷ và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng một năm. Ngay cả cao điểm dịch 2021, GMC vẫn có lãi hơn 43 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lỗ lần đầu vào năm 2022 khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh số xuất khẩu sụt tới 93% so với năm 2021.

TP.HCM tăng cường 100 xe khách đi Đà Lạt sau khi Thành Bưởi ngưng hoạt động

Trước việc nhà xe Thành Bưởi tạm ngưng hoạt động vận tải hành khách từ 29/10, bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức) đã lên phương án tăng cường 100 xe khách đi từ bến xe này về TP. Đà Lạt, nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

Bến xe Miền Đông mới sẵn sàng tăng cường thêm 100 xe khách đi từ bến xe này về thành phố Đà Lạt

Bến xe Miền Đông mới sẵn sàng tăng cường thêm 100 xe khách đi từ bến xe này về thành phố Đà Lạt

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có thông tin về hoạt động vận tải hành khách vận chuyển người dân từ TP.HCM đi Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP. Cần Thơ.

Trước việc xe khách Thành Bưởi ngưng hoạt động vận tải hành khách, Sở GTVT TP.HCM cho biết đã chủ động làm việc cùng các bến xe liên tỉnh, nhằm sẵn sàng chuẩn bị các phương án đảm nhận khai thác cũng như tăng cường phương tiện hoạt động.

Tại bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức) đã sẵn sàng phương án tăng cường thêm 100 xe khách đi từ bến xe này về TP. Đà Lạt.

Tại bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), Sở GTVT TP.HCM cũng đã làm việc cùng đơn vị khai thác và đảm bảo đáp ứng toàn bộ nhu cầu người dân từ bến xe Miền Tây - Cần Thơ.

Sở GTVT nhận định, hiện nay nhu cầu đi lại của người dân từ TP.HCM đến TP. Đà Lạt, TP. Cần Thơ, và ngược lại, đang trong giai đoạn bình thường, không phải thời gian cao điểm. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi tình hình đi lại của người dân để có sự điều chỉnh kịp thời, đảm bảo đáp ứng nhu cầu.

Gần 1.600 hộ dân Thường Tín được chi trả đền bù giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4

UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, Huyện đã chi trả xong 873,7 tỷ đồng cho gần 1.600 hộ dân liên quan đến giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4.

Gần 1.600 hộ dân ở huyện Thường Tín (Hà Nội) được chi trả đền bù giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Ảnh minh họa

Gần 1.600 hộ dân ở huyện Thường Tín (Hà Nội) được chi trả đền bù giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Ảnh minh họa

Ông Phan Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, sau 54 đợt chi trả, huyện Thường Tín đã chi trả xong 873,7 tỷ đồng tiền bồi thường cho gần 1.600 hộ gia đình, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, đất công nằm trong phạm vi Dự án đường Vành đai 4.

Trong đó, Huyện đã kiểm kê được 3,96ha/3,96ha đất ở, đạt 100%, hoàn thành công tác lập hồ sơ kiểm tra, xác định xong tính pháp lý về đất đai, tài sản.

UBND huyện Thường Tín đã ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng được hơn 123ha/134,46ha, đạt 90,8%.

Đối với diện tích đất còn lại gồm đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở của các hộ gia đình nằm trong diện phải thu hồi, giải phóng mặt bằng đã được Huyện ban hành thông báo thu hồi. Đồng thời, huyện giải quyết xong cơ bản các khó khăn, vướng mắc về đất đai, xác định xong tính pháp lý về đất đai.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng khẳng định, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường các loại đất..., hoàn thiện các hạng mục dự án hạ tầng kỹ thuật 3 khu tái định cư liên quan đến đường Vành đai 4 sẽ được huyện quyết tâm hoàn thành vào tháng 11/2023.

Hơn 1.000 căn hộ ở TP.HCM đủ điều kiện mở bán

Sở Xây dựng TP.HCM vừa thông báo đủ điều kiện mua nhà ở hình thành trong tương lai với 1.043 căn hộ tại Dự án The Privia thuộc quận Bình Tân.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa thông báo đủ điều kiện mua nhà ở hình thành trong tương lai với 1.043 căn hộ tại Dự án The Privia

Sở Xây dựng TP.HCM vừa thông báo đủ điều kiện mua nhà ở hình thành trong tương lai với 1.043 căn hộ tại Dự án The Privia

Hơn 1.000 căn hộ đủ điều kiện mở bán này ở các thửa đất 207, 208, 209 tờ bản đồ số 11 thuộc Dự án Khu nhà ở cao tầng Khang Phúc do Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư. Dự án có tên thương mại là The Privia, nằm trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân được khởi công từ năm ngoái.

Dự án này được ngân hàng VietinBank - Chi nhánh TP.HCM bảo lãnh với số tiền tối đa 2.460 tỷ đồng. Tháng trước, chủ đầu tư đã ký hợp đồng vay nhà nhà băng này cho Dự án với dư nợ không quá 1.000 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 10 đến nay, đây cũng là dự án nhà ở duy nhất được TP.HCM chấp thuận mở bán. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sở Xây dựng TP.HCM xác nhận đủ điều kiện để huy động cho 15 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn, tăng hơn 3.400 căn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có khoảng 13.700 căn hộ chung cư.

Nhà Khang Phúc hiện là công ty con của Tập đoàn Khang Điền với tỷ lệ sở hữu 100%. Công ty có vốn điều lệ 3.400 tỷ đồng, do ông Phạm Minh Nhựt làm Chủ tịch.